Macron: Những thử thách trước mặt (Từ Thức)
Trong bài diễn văn nhậm chức, Macron nói ông sẽ dành nỗ lực để thực hiện
đoàn kết quốc gia, nhưng sẽ không nhượng bộ bất cứ điều gì, để cải cách
nước Pháp, đưa nước Pháp tới địa vị một cường quốc, vì cả Âu Châu, cả
thế giới trông chờ nước Pháp. Nhưng chuyện đó không đơn giản.
Macron chính thức trở thành Tổng Thống
thứ 8 của đệ ngũ Cộng Hòa Pháp Pháp. Ông Tổng Thống trẻ nhất lịch sử
Pháp, vừa dọn nhà vào điện Elysée sáng hôm nay, Chủ Nhật 14/5, bắt đầu
một nhiệm kỳ mới. Người ta đã nói tới Macron như một Kennedy, Macron
muốn làm việc theo tinh thần, phương pháp Obama, thích hợp với thời đại
Internet, ra khỏi sự trói buộc ý thức hệ tả, hữu đã đè nặng sinh hoạt
chính trị Pháp, biến nước Pháp thành một quốc gia tụt hậu.
The Kid
Tổng thống Hollande trao chìa khóa cho một người có thể coi là con tinh
thần, mà ông đã nhắc ra khỏi nhà ngân hàng Rothschild cách đây hơn 2
năm, đưa vào Elysée làm cố vấn, làm phụ tá Tổng thư ký Tổng Thống Phủ,
bộ trưởng Kinh Tế, với hy vọng người cộng sự viên trẻ, mặc dù không có
kinh nghiệm chính trị, nhưng khả năng được nhiều người ca ngợi, sẽ giúp
Hollande chuẩn bị tái ứng cử.
Hollande không bao giờ ngờ vài tháng sau phải nhường ghế cho "the kid"
(biệt danh một tờ báo dành cho Macron). Hollande, biết mình không có hy
vọng, đã quyết định không tái cử, chuyện chưa hề xảy ra trong đệ ngũ
Cộng hoà. Hollande nói Macron đã "phản bội" ông ta một cách có phương
pháp, nhưng sáng Chủ nhật, chắc Hollande cũng hài lòng thấy mình trao
tay hòm, chìa khoá cho một người gần với mình, cả về quan điểm chính trị
lẫn liên hệ cá nhân, hơn là đối thủ phe hữu François Fillon, hay, bi
đát hơn, Marine Le Pen, mà Hollande cho là một đại họa cho nước Pháp và
Âu Châu.
Macron vẫn có ý muốn làm chính trị, nhưng những ngày chung đụng với
chính giới từ hai năm qua đã khiến Macron muốn đốt giai đoạn, muốn nắm
quyền, muốn dẹp các đảng phái để cải cách nước Pháp theo ý mình.
Bộ trưởng Kinh Tế thời Holland, Macron soạn thảo một dự luật nhằm cải tổ
luật lao động Pháp, cởi trói về mặt hành chánh rườm rà, các điều luật
khắt khe (khởi đầu là để bênh vực thợ thuyền, dần dần trở thành những
trở ngại cho việc tuyển mộ), để khuyến khích các xí nghiệp tích cực hơn
trong việc tuyển mộ. Ở Pháp, mỗi ông Bộ trưởng Lao động, hoặc dưới áp
lực của các nghiệp đoàn, hoặc muốn để lại tên mình cho hậu thế, đều đẻ
ra một vài luật mới, khiến luật lao động Pháp trở thành phức tạp, không
một xí nghiệp nào hiểu nổi, nếu không có chuyên viên. Bộ luật lao động
của Pháp nặng ba ký lô, trong khi luật lao động Thụy Sĩ chỉ vài trang.
Không ai nói thợ thuyền Pháp được bảo vệ hơn thợ thuyền Thụy Sĩ.
Dự luật ra trước quốc hội, bị phe hữu chống, cho là không đủ mạnh, phe
tả cho là quá mạnh, đã xâm phạm trắng trợn quyền công nhân. Cuối cùng
Hollande và thủ tướng Manuel Valls nhượng bộ, mặc dù cùng lập trường với
Macron, và, để tránh đụng độ với nhóm dân biểu xã hội quá khích, đã
trao việc bênh vực dự luật cho một bộ trưởng lao động, còn ít kinh
nghiệm chính trị hơn Macron, bà Myriam El Khomri. Luật Khomri ra đời, vá
víu, không còn gì của dự luật cũ.
Macron nói nhiều dân biểu, chính khách, trong những lần gặp riêng, cho
hay hoàn toàn đồng ý với ông ta, nhưng trước công luận, đã tuyên bố
ngược lại, với lý do một người phe tả, hay phe hữu, không thể nói khác
hơn đường lối của phe mình.
Macron, từ đó, đi tới kết luận phải dẹp bỏ các chính đảng quen làm việc
theo kiểu cũ, nếu muốn cải cách nước Pháp. Macron nhắm cái ghế cao nhất,
nhiều quyền hành nhất nước Pháp.
Brigitte và Manette
Macron từ chức bộ trưởng, lập phong trào En Marche (Lên Đường) và tuyên
bố ra ứng cử Tổng Thống, trước sự nhạo báng của các chính khách kỳ cựu.
Ai cũng nghĩ một sớm một chiều lập đảng, ra ứng cử Tổng Thống là chuyện
điên khùng, hay trò chơi của một con dê trẻ, háo thắng, muốn báo chí nói
tới mình, để có 15 phút vinh quang trong đời, như một câu nói của Andy
Warhol.
Đối thủ chính trị tìm mọi cơ hội gắn chặt Macron với hình ảnh một nhân
viên ngân hàng, biết rằng người Pháp ghét thế lực tài phiệt. Những người
quen biết Macron cho hay trong đời tư, hai vợ chồng Macron chỉ giao du
với giới nghệ sĩ, các nhà văn.
Qua những bài phỏng vấn, Macron cho thấy ông ta có kiến thức văn hóa
cao, thấm nhuần văn chương, triết học. Nhờ hai người đàn bà: bà vợ,
Brigitte, cựu giáo sư văn chương và bà ngoại. Brigitte đọc nhiều, dẫn
chồng vào thế giới khác với thế giới kinh tài.
Một người bạn nói Brigitte gọi điện thoại mỗi đêm để bàn về
Chateaubriand. Nói về nước Pháp, Macron trích dẫn một hàng ngũ đông đảo
những nhà văn, những triết gia. Người đàn bà thứ hai, ảnh hưởng hơn nữa
với Macron là bà ngoại, Germaine Noguès, Macron gọi là Manette. Hai bà
cháu gần nhau từ khi Macron còn nhỏ, suốt ngày quanh quẩn với Manette.
Manette coi chuyện dạy dỗ, giáo dục đứa cháu cưng là chuyện quan trọng
nhất đời mình. Macron nói từ 5 tuổi, khi ra khỏi lớp, chú nhỏ Emmmanuel
chạy về nhà để Manette kèm thêm về văn phạm, lịch sử, địa dư. Và đọc
sách. "Tôi bỏ cả buổi đọc sách bên cạnh bà ngoại. Molière, Racine,
Georges Duhamel, Mauric, Giono...". Manette cũng là một nhân vật khác
thường. Mẹ mù chữ, bố làm nhà gare, biết đọc biết viết, Manette tự học,
trở thành giáo viên, giáo sư, rồi hiệu trưởng trường trung học. Ngưỡng
mộ bà ngoại, Macron tin vào sự quan trọng của giáo dục. Ông ta nói đó là
chìa khóa của tất cả, và hứa sẽ đặt giáo dục vào ưu tiên hàng đầu.
Macron khác với những chính khách cùng tuổi, chịu khó tìm hiểu, học hỏi
để có một kiến thức khác hơn là kiến thức chuyên môn. Mitterrand, một
ông tổng thống có trình độ văn hoá cao, nói: "sau tôi, sẽ chỉ có những
kế toán viên". Mitterrand lầm, Macron là người nối lại truyền thống của
những nhà lãnh tụ có văn hóa, ngoài khả năng chuyên môn. Trước
Mitterrand, De Gaulle là một nhà văn. Pompidou, xuất thân từ ngân hàng
Rothschild như Macron, là một chuyên viên về thơ Pháp và nghệ thuật
mới.
Vịt của Mitterrand, chó của Hollande
Macron và Hollande đã bàn giao sang Chủ nhật. Đây cũng là lần đầu tiên
một lễ bàn giao diễn ra một ngày Chủ Nhật. Người ta thường dùng hình ảnh
cựu tổng thống trao ẩn số bom nguyên tử cho Tổng thống mới trong nửa
giờ bàn giao. Sự thực chỉ có chuyện trao một dẫy số identifiant, để khi
tổng thống ra lệnh, giới chức quân sự biết đó là lệnh của Tổng thống, và
diễn ra trong một dịp khác, giữa tân Tổng Thống với bộ tham mưu quân
sự. Jacques Attali, cố vấn thân cận của Mitterrand, kể: khi được trao
số mật, Mitterrand đeo vào cổ, khi cởi áo, quên mất. Dinh Tổng thống
phải cấp kỳ gởi người tới nhà giặt quần áo để lấy lại.
Trong một giờ bàn giao, giữa hai người, không có nhân chứng, thường
thường ông Tổng thống cũ trao lại những hồ sơ quan trọng hay khẩn cấp.
Cũng như những chuyện ít quan trọng hơn. Mitterrand căn dặn người kế vị,
Jacques Chirac, hãy để ý chăm sóc mấy con vịt sống trong vườn phủ Tổng
Thống. Chirac hứa sẽ làm, nhưng sau đó con chó của Chirac đã làm thịt
mấy con vịt.
Hollande chắc đã đề cập với Macron về chuyện ông muốn mang theo con chó.
Con chó do một chính khách ngoại quốc tặng, trên nguyên tắc là tài sản
quốc gia, nhưng Hollande thấy con chó quyến luyến, muốn làm một chuyện
ngoại lệ, mang theo ngày rời chức.
Từ hold up tới big bang
Macron đã thành công giai đoạn đầu: làm một cú "hold up" ngoạn mục, cướp
cái ghế Tổng Thống trước sự ngỡ ngàng nhưng bất lực của các chính trị
gia kỳ cựu, đã thay nhau làm mưa làm gió trên chính trường Pháp từ đệ
nhị thế chiến. Sau "hold up", tới "big bang". Macron không úp mở: ông ta
muốn dẹp các đảng phái cũ, đã lỗi thời, để hành động theo phương pháp
mới.
Big bang, Macron đã thực hiện được một phần: Sau khi thua nặng trong
cuộc bầu cử Đảng Xã Hội đã tan rã. Chính cựu thủ Tướng Xã Hội Manuel
Valls đã tuyên bố đảng Xã Hội đã chết. Le Kid quay sang bên hữu, nếu
không đánh quỵ được đảng Cộng Hòa (LR, Les Républicains), ít nhất phải
làm cho đảng này yếu đi. Macron muốn một chính quyền không tả không hữu,
hiện nay số chính khách Xã hội về đầu quân đã quá đông, trái lại, những
người tới từ bên hữu còn qua ít.
Macron có mục tiêu số một trước mắt: nắm đa số trong kỳ bầu cử quốc hội
tháng tới. Không có đa số, ông Tổng thống sẽ bị bó tay. Muốn chiếm đa số
trong kỳ bầu cử, phải có một bộ mặt quân bình, không tả không hữu, hay
vừa tả vừa hữu. Những cử tri của phái cực hữu (Le Pen), hay cực tả
(Mélenchon, gần 20%) chắc chắn sẽ bầu cho thần tượng của họ.
Macron chỉ trông chờ vào những người không đảng phái, những cử tri của
đảng Xã hội đã chết, và những cử tri LR, đảng Cộng Hoà, muốn cho ông
tổng thống mới một cơ hội để cải cách nước Pháp. Muốn lôi kéo cử tri LR,
Macron muốn bổ nhiệm một Thủ Tướng đến từ hàng ngũ LR, nhưng cho tới
giờ này, chưa ai biết tên ông Thủ tướng sẽ được công bố trong những giờ
hay ngày tới. Chưa ai biết kế hoạch đó có thành công hay không.
Macron muốn được rảnh tay để hành động. Ông ta dùng chữ "président
empêché" (tổng thống bị ngăn cản) để nói về Hollande. Bị ngăn cản trong
hành động, bởi đối lập, bởi nhóm tả phái trong hàng ngũ Xã Hội, bởi các
thế lực chính trị bốn phía.
Macron không muốn làm "président empêché", muốn là một "président qui
préside" (một ông tổng thống hành động như... tổng thống). Muốn vậy,
bằng bất cứ giá nào, phải nắm được đa số quốc hội. Cả nước chờ kết quả
cuộc bầu cử lập Pháp tháng Sáu.
Hàn gắn
Đặt mìn nổ tung chính trường Pháp, Ông Tổng Thống mới còn có một trọng
trách, mâu thuẫn, nhưng khẩn cấp không kém: hàn gắn những rạn nứt trong
xã hội Pháp. Đó không phải là một chuyện đơn giản. Chỉ việc nghe lãnh
tụ cực hữu Le Pen hay cực tả Mélenchon kêu gọi cử tri làm mọi cách để
ngăn chặn Macron rảnh tay hành động, đủ hiểu trước mặt Macron không phải
là một giòng sông êm đềm.
Macron được coi là một chính khách social libéral, nghĩa là tự do về
kinh tế, nhưng có tính cách nhân bản, xã hội. Tả phái đánh Macron về
khía cạnh libéral, không quên gào trên khắp các nóc nhà chuyện ông ta
xuất thân từ một ngân hàng. Phe hữu đánh Macron trên khía cạnh social,
nhắc nhở cử tri Macron là sản phẩm của Holland, của đảng Xã Hội, của phe
tả.
Người Pháp rất "chính trị". Đi làm với người Pháp hàng chục năm, bạn
không biết ai theo tôn giáo nào, lợi tức bao nhiêu, vì đó là chuyện
riêng, đụng tới là khiếm nhã, thiếu tế nhị; nhưng uống một ly café với
ai, bạn biết ngay ông ta, hay bà ta, là tả hay hữu.
Hơn cả tả hay hữu, xã hội Pháp qua kỳ bầu cử vừa rồi chia thành nhiều
mảnh. Bài phóng sự của báo La Croix cho thấy sự rạn nứt đó. La Croix
viết: Claire và Bénédicte là hai phụ nữ có nhiều điểm tương đồng, cả hai
ở tuổi 40, có con cùng tuổi, cùng chung bố mẹ chồng. Claire, giáo viên,
phe tả, ủng hộ Hamon, ứng cử viên đảng Xã hội, Bénédicte, bác sĩ, hữu
phái. Cả hai rất thân nhau, cho tới một bữa ăn gia đình, Bénédicte nói
sẽ bầu cho Fillon, đảng Cộng Hoà. Claire nói: tôi sững sờ, thấy sự lựa
chọn của Bénédicte thiệt phản động. Tôi tự nhủ là chúng tôi không chia
sẻ với nhau một điều gì. Serge và Isabelle, ủng hộ Juppé, hữu phái ôn
hoà, cũng bị cậu con trai, Étienne, kết án là phản động, với những chữ
rất độc, rất hằn học. Kết quả là các gia đình này tránh đề cập tới chính
trị trước ngày bầu cử. Và hy vọng sẽ hàn gắn sau khi đã bầu bán xong.
Trong bài diễn văn nhậm chức, Macron nói ông sẽ dành nỗ lực để thực hiện
đoàn kết quốc gia, nhưng sẽ không nhượng bộ bất cứ điều gì, để cải cách
nước Pháp, đưa nước Pháp tới địa vị một cường quốc, vì cả Âu Châu, cả
thế giới trông chờ nước Pháp. Nhưng chuyện đó không đơn giản. Những
Claire, Bénédicte, Étienne không phải hiếm trong xã hội Pháp.
(Paris 14/05/2017)