Thể chế và hiến pháp cho Cộng Hòa Việt Nam (Phần 1)
Nghĩa thứ nhất là
ổn định dân sự, nghĩa là ổn định trong cuộc sống của mỗi công dân, là đảm bảo
không bị bắt bớ, tịch thu tài sản, cấm kinh doanh, không là nạn nhân của những
thay đổi luật pháp đột ngột và thường xuyên, hay những quyết định tùy tiện của
chính quyền. Ổn định này rất cần thiết cho phát triển kinh tế, vì có như thế
người dân mới có thể yên trí để tiên liệu và hoạch định sinh hoạt của mình. Ổn
định này đòi hỏi dân chủ, nhân quyền và nhà nước pháp trị.
Việc chọn lựa một chế độ chính trị không thể là một chọn lựa thuần túy lý
thuyết, càng không thể là sự sao chép một khuôn mẫu sẵn có đã thành công tại
một quốc gia khác, dù chúng ta trân trọng tới đâu kinh nghiệm của các dân tộc
trong cuộc hành trình tới dân chủ và phồn vinh.
Chúng ta chọn lựa một chế độ chính trị, đồng thời một hiến pháp, đáp ứng
những yêu cầu cơ bản của đất nước:
- xây dựng dân chủ một cách thành thực và không thể đảo ngược để hội nhập
một cách quả quyết vào thế giới dân chủ;
- thực hiện hòa giải và hòa hợp dân tộc thực sự, dứt khoát để động viên mọi
khối óc, mọi tấm lòng và mọi bàn tay cho cố gắng vươn lên và xây dựng một tương
lai Việt Nam chung;
- phát triển đất nước theo mô hình kinh tế thị trường lấy tự do và sáng tạo
làm động cơ;
- tản quyền để cho phép các vùng khai thác tối đa những ưu thế đặc biệt của
mình trong một nước Việt Nam thống nhất đồng thời giảm thiểu chênh lệch giữa
các vùng;
- phát huy xã hội dân sự và thỏa mãn những khát vọng chính đáng của các
cộng đồng sắc tộc cũng như tôn giáo;
- thực hiện thống nhất đất nước thực sự, nghĩa là trong đồng thuận dân tộc.
Dưới ánh sáng của những yêu cầu cơ bản đó chúng ta chọn một chế độ chính
trị dân chủ đại nghị và tản quyền.
Trước khi thảo luận về một chế độ chính trị hợp tình, hợp lý cho Việt Nam,
chúng ta cần giải tỏa hai thành kiến, cũng là hai lo âu không đúng nhưng rất
phổ biến của người Việt.
1.1. Dân chủ đa
nguyên và ổn định chính trị
Lo âu thứ nhất là
một chế độ đa nguyên và đa đảng có thể gây ra tình trạng phân tán đảng phái,
trong đó không có đảng nào có được đa số để nắm chính quyền và do đó gây ra
tình trạng bất ổn chính trị. Người ta có thể lo sợ rằng chính quyền sẽ thay đổi
liên tục tùy theo những hợp tan của những liên minh tạm bợ.
Lo âu này không có
căn cứ, nó xuất phát từ một hiểu lầm do một tuyên truyền đầu độc mà nhiều người
Việt Nam đã là nạn nhân.
Sự kiện có ít hay
nhiều đảng phái và có một chính đảng được đa số ổn vững trong quốc hội hay
không tùy thuộc chủ yếu ở thể thức đầu phiếu, chứ không phải ở mức độ tự do
chính trị. Nói một cách giản dị: lối đầu phiếu đơn danh và một vòng đưa tới chế
độ lưỡng đảng vì loại bỏ các đảng nhỏ, trong khi lối đầu phiếu theo tỷ lệ đưa
tới sự xuất hiện của nhiều chính đảng.
Bầu đơn danh và
một vòng có nghĩa là mỗi đơn vị bầu cử bầu ra một dân biểu và các ứng cử viên
ra tranh cử với tư cách pháp lý cá nhân, dù có thể mang nhãn hiệu của một chính
đảng, ai được số phiếu cao nhất sẽ đắc cử. Lối bầu cử này có lợi cho các chính
đảng lớn, loại các đảng nhỏ và bảo đảm sự hiện hữu thường trực của một đa số để
thành lập và điều hành chính phủ một cách ổn vững, ngược lại nó không cho phép
các khuynh hướng thiểu số có tiếng nói tại nghị trường. Trên thực tế nó thường
đưa tới chế độ lưỡng đảng. Như vậy lối đầu phiếu đơn danh và một vòng là giải
đáp kỹ thuật cho ưu tư có một chính quyền ổn vững mà không cần giới hạn tự do
chính trị về mặt pháp chế.
Bầu theo tỷ lệ có
nghĩa là đầu phiếu chung trên cả nước hay trong mỗi vùng, giữa các chính đảng
với nhau, và số dân biểu đắc cử của mỗi chính đảng sẽ tỷ lệ với số phiếu của
mình, thí dụ đảng được 20% số phiếu thì trên nguyên tắc cũng được 20% đại biểu.
Lối đầu phiếu này rất dân chủ vì cho phép mọi khuynh hướng có tiếng nói và chỗ
đứng trong quốc hội, nhưng ngược lại nó có nguy cơ đưa tới một quốc hội phân
tán trong đó không có đảng nào có đa số đủ để cầm quyền.
Giải pháp tối ưu
là một sự phối hợp giữa hai lối đầu phiếu này để vừa đảm bảo dân chủ vừa đảm
bảo sự ổn vững tương đối của chính quyền. Về mặt kỹ thuật có thể có vô số công
thức, kể cả lối đầu phiếu đơn danh hai vòng với tác dụng kết hợp các đảng có
cùng khuynh hướng trong vòng hai.
Những nhận định
này cho phép ta khẳng định rằng viện lý do ổn định chính trị để giới hạn hoạt
động chính đảng là vô căn cứ. Trong nước Việt Nam tương lai không cần có, và
cũng không thể có, bất cứ một giới hạn nào đối với quyền thành lập và phát
triển các chính đảng.
Cũng cần chấm dứt
một sự lẫn lộn gian trá về ổn định. Ổn định có hai nghĩa.
Nghĩa thứ nhất là
ổn định dân sự, nghĩa là ổn định trong cuộc sống của mỗi công dân, là đảm bảo
không bị bắt bớ, tịch thu tài sản, cấm kinh doanh, không là nạn nhân của những
thay đổi luật pháp đột ngột và thường xuyên, hay những quyết định tùy tiện của
chính quyền. Ổn định này rất cần thiết cho phát triển kinh tế, vì có như thế
người dân mới có thể yên trí để tiên liệu và hoạch định sinh hoạt của mình. Ổn
định này đòi hỏi dân chủ, nhân quyền và nhà nước pháp trị.
Nghĩa thứ hai là
ổn định của tập đoàn cầm quyền, hay nói khác đi là sự kéo dài của một chính
quyền với cùng những người cầm quyền. Sự kéo dài này, nếu không do bầu cử tự do
mà là do một chế độ độc tài bạo ngược, còn rất mâu thuẫn với ổn định dân sự và
do đó hoàn toàn mâu thuẫn với phát triển, bởi vì người dân luôn luôn phải sống
trong sợ sệt, không dám và không thể lập những kế hoạch kinh doanh lâu dài.
Kinh nghiệm cho
thấy ổn định dân sự rất cần cho phát triển, trong khi ổn định của tập đoàn cầm
quyền hoàn toàn không cần thiết, thậm chí còn có ảnh hưởng xấu vì các chính
quyền kéo dài quá lâu gần như chắc chắn đưa tới lạm quyền và tham nhũng. Tại
Nhật, từ sau Thế Chiến II tới nay, ít có chính phủ nào kéo dài được hai năm.
Tại Ý, tuổi thọ trung bình của các chính phủ còn ngắn hơn nhiều. Mặc dầu vậy
kinh tế của cả hai nước này đều phát triển nhanh chóng, họ đều là thành viên
của nhóm bảy nước phát triển nhất. Trong khi các nước có những chính quyền kéo
dài như Việt Nam, Cuba, Bắc Triều Tiên và nhiều nước thuộc Châu Phi và Châu Mỹ
La Tinh lại rất trì trệ và lạc hậu.
Khi các tập đoàn
độc tài -như ban lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam- nói cần phải có ổn định để
phát triển, nhiều người đồng ý với họ vì hiểu đó là ổn định dân sự trong khi họ
thực hiện ổn định theo nghĩa thứ hai, nghĩa là ổn định của tập đoàn cầm quyền.
Đó là một sự gian trá cần được tố giác.
Lo âu thứ hai là
phải chăng tản quyền có thể phương hại tới thống nhất lãnh thổ và tái lập lại
tình trạng sứ quân.
Câu trả lời dứt
khoát là không.
Các vùng không
phải là những quốc gia, tự quản không đồng nghĩa với độc lập. Luật pháp của
vùng không thể mâu thuẫn với luật pháp quốc gia.
Cũng nên có một
cái nhìn lành mạnh hơn về thống nhất, vượt lên trên sự thống nhất hành chính,
nặng nề và bàn giấy. Thống nhất chủ yếu là thống nhất trong lòng người. Khi mỗi
người và mỗi địa phương cảm thấy có chỗ đứng và tiếng nói trong cộng đồng quốc
gia trong khi những nét đặc thù của mình vẫn được tôn trọng thì họ càng cảm
thấy hòa nhập vào quốc gia, và hòa hợp dân tộc càng mạnh thêm. Ngược lại, trong
thế giới vừa dồn dập vừa phức tạp hiện nay và trong một quốc gia với gần một
trăm triệu người, một chính quyền trung ương tập quyền không thể nào định đoạt
tất cả, các địa phương trên thực tế vẫn tự trị, nhưng tự trị một cách bất hợp
pháp, nghĩa là luôn luôn ở trong thế xung đột hợp lý nhưng bất hợp pháp với
chính quyền trung ương, và do đó với cộng đồng quốc gia. Trung ương tập quyền
vì vậy đưa tới sứ quân thay vì thống nhất. Chính vì tác dụng đoàn kết dân tộc
của nó mà tản quyền cần được thực hiện cả trên bình diện quốc gia lẫn trong tổ
chức của mỗi vùng.
Tản quyền là xu
hướng áp đảo của thời đại này, và là kết luận của hai thế kỷ thử nghiệm dân chủ
trên trái đất. Điều đáng ngạc nhiên là các dân tộc đã mất một thời gian dài như
vậy để khám phá một sự thật đơn giản: một nội các chỉ có thể gồm một số ít
người, và một số ít người không thể quyết định tất cả cho một quốc gia rộng lớn
với số người đông đảo, sinh sống trên những vùng đất với những điều kiện địa lý
và nhân văn khác nhau.
Tản quyền có những
ưu điểm rõ rệt: nó khuyến khích sinh hoạt chính trị tại các địa phương, nó đem
dân chủ tới mọi nơi với mọi người, nó tránh được những đường dây hành chính dài
và phức tạp cho sinh hoạt thường ngày với hậu quả là sự tập trung quá đáng dân
số vào những thành phố lớn, nó kích thích sinh hoạt văn hóa và báo chí địa
phương, nó cho phép mỗi địa phương chọn lựa công thức sinh hoạt phù hợp nhất
với đặc tính của mình và nhờ đó mà phát triển.
Các vùng nghèo khó
sẽ có được một chính quyền riêng dành tất cả ưu tư cho việc phát triển vùng và
đưa vùng lên ngang tầm phát triển của cả nước, thay vì bị quên lãng bởi một
chính quyền trung ương bận rộn với những vấn đề dồn dập của các vùng đã phát
triển và có hoạt động mạnh. Không ai báo động một cách thành tâm và chính
xác tình trạng khó khăn của một vùng bằng một chính quyền của vùng mà sứ mạng
duy nhất là phát triển vùng.
Tản quyền còn đóng
góp vào sự ổn vững của quốc gia và của dân chủ. Một mặt nó vô hiệu hóa những âm
mưu đảo chính (lật đổ chính quyền trung ương rồi làm gì với các chính quyền địa
phương?). Mặt khác nó tránh các khủng hoảng đáng lẽ không có ở cấp trung
ương, bởi vì vấn đề có thể đặt ra ở từng địa phương một vào những thời điểm
khác nhau. Một ưu điểm vô cùng quan trọng khác của tản quyền là nó làm giảm bớt
xung đột chính trị, bởi vì một đảng có thể thua ở cấp trung ương nhưng vẫn có
thể nắm quyền tại một số địa phương, nơi mà họ được tín nhiệm. Xung khắc chính
quyền - đối lập vì vậy sẽ bớt gay gắt. Trong hoàn cảnh lịch sử hiện nay của
Việt Nam, tản quyền vì vậy tránh được tình trạng được thì được hết, thua thì
thua luôn, và đóng góp tích cực cho hòa giải và hòa hợp dân tộc.
Tản quyền cho phép
những khuynh hướng thiểu số, các tôn giáo và các sắc tộc ít người có trọng
lượng chính trị đáng kể tại những địa phương mà họ hiện diện đông đảo, do đó
làm dịu bớt những tâm trạng bất mãn và các ý đồ ly khai, tự trị.
Một điểm lợi quan
trọng khác của tản quyền là chính nhờ các chính quyền địa phương mà mỗi khi có
thay đổi chính quyền thì những người lên cầm quyền ở trung ương cũng không phải
là những người tập sự mà ít nhất đã có kinh nghiệm ở cấp địa phương.
Tuy nhiên, muốn
tản quyền có nội dung và tác dụng thực sự của nó, các vùng phải có một diện
tích và một dân số khả dĩ có thể tồn tại và phát triển được.
Nước ta hiện nay
có trên 90 triệu dân, khi đà gia tăng dân số đã khựng lại, dân số của chúng ta
sẽ ổn định ở một mức độ nào đó chung quanh con số 110 triệu dân. Chúng ta có
thể có từ mười đến mười lăm vùng, mỗi vùng từ năm tới mười lăm triệu người.
Để tránh những
phiền phức về hành chính và nhất là về hộ tịch, các vùng sẽ là sự kết hợp của
một số tỉnh hiện có. Việc tập trung các tỉnh vào một vùng sẽ dựa trên các tiêu
chuẩn cấu tạo sắc tộc, chức năng kinh tế, tài nguyên thiên nhiên và giao thông.
Mỗi vùng sẽ có một
nghị viện riêng được quyền bổ nhiệm chính quyền vùng, ban hành các luật lệ vùng
không mâu thuẫn với hiến pháp và pháp luật quốc gia, biểu quyết mức độ của một
số sắc thuế, biểu quyết ngân sách địa phương.
Chính quyền vùng
do nghị viện địa phương bầu ra để thi hành những chính sách đã được nghị viện
địa phương biểu quyết.
Các vùng không có quyền có quân đội, không được phát
hành tiền tệ riêng, không có đại diện ngoại giao, không được quyền ký hiệp ước
với các nước khác, không được làm chủ các công ty có mục đích kinh doanh, không
được tổ chức những trưng cầu dân ý có mục đích chính trị. Mọi cuộc bầu cử và trưng cầu dân ý phải được chính
quyền trung ương đồng ý trước và nhìn nhận kết quả sau đó mới có giá trị.
Các vùng không
được ký hiệp ước với nhau. Việc phối hợp giữa các vùng cũng như các vụ việc
liên quan đến nhiều vùng hoặc có liên hệ tới an ninh quốc gia thuộc thẩm quyền
của chính quyền trung ương.
Mỗi công dân có
quyền chọn lựa nơi cư trú trên toàn lãnh thổ. Các vùng không có quyền cấm cản
sự nhập cư vào vùng mà chỉ có quyền giới hạn phạm vi lưu thông của các công dân
trong tình trạng điều tra pháp lý.
Số lượng cảnh sát
vùng không được vượt quá một tỷ lệ, do chính quyền trung ương quy định, so với
số cảnh sát quốc gia hiện diện tại vùng.
Chính quyền trung
ương được quyền ấn định một nội dung tối thiểu cho mỗi trình độ giáo dục.
Các bằng cấp cho phép hành nghề tự do phải được chính quyền trung ương chuẩn
nhận.
Các cơ quan chính
quyền tỉnh và dưới cấp tỉnh sẽ do một đạo luật quốc gia quy định theo nguyên
tắc tản quyền.