Pháp: Đảng Xã Hội trước nguy cơ « diệt vong » (Thanh Phương)

Trước kết quả thảm hại của ứng cử viên Hamon ở vòng đầu bầu cử tổng thống, ngay ngày hôm sau, chính các lãnh đạo của Đảng Xã Hội đã kêu gọi phải « xây dựng lại » một đảng đã có lịch sử gần 50 năm này, nếu không muốn tổ chức này bị xóa sổ khỏi sân khấu chính trị nước Pháp.



Trong lịch sử của Đảng Xã Hội, chưa bao giờ một ứng cử viên của đảng cánh tả này lại thu được số phiếu thấp như thế trong một cuộc bầu cử tổng thống. Trong vòng đầu ngày 23/04/2017 vừa qua, ông Benoit Hamon chỉ được 6,36%, thua xa bốn ứng cử viên về đầu.
Đảng Xã Hội Pháp đã ra đời vào năm 1971 từ đại hội ở thành phố Epinay, kế thừa từ đảng SFIO của Jean Jaurès và Léon Blum. Trong 46 năm qua, đảng này có lúc suy lúc thịnh, nhưng chưa bao bị tơi tả như thế, trong lúc đang bị chia rẽ rất trầm trọng. Theo nhận định của giáo sư khoa học chính trị Renaud Payre, không loại trừ là Đảng Xã Hội sẽ bị « khai tử » trong những tuần tới, hay ít ra sẽ không còn Đảng Xã Hội như François Mitterand đã gây dựng vào năm 1971.

Không những thế, đảng này có nguy cơ sẽ bị « lấn sân », vì tuy ứng cử viên Jean-Luc Mélenchon không lọt được vào vòng hai bầu cử tổng thống, nhưng ông đã giành được tỷ lệ phiếu rất cao ( 19,62% ), cao chưa từng có đối với một ứng cử viên cực tả. Như vậy là phong trào « Nước Pháp Bất Khuất » ( La France Insoumise ) có khả năng trở thành một lực lượng chính trị lớn bên cánh tả. Đảng Xã Hội sẽ chịu chung số phận với đảng Pasok bên Hy Lạp, bị đảng cực tả Syriza lấn át hoàn toàn. Bên cạnh đó, phong trào « Tiến Bước! » ( En marche !) của ứng cử viên Emmanuel Macron chắc chắn cũng sẽ được tổ chức thành một chính đảng lớn, thu hút một bộ phận đảng viên Xã Hội, khiến cho đảng này thêm suy yếu. Trong cuộc bầu cử Quốc Hội vào tháng 6 tới, Đảng Xã Hội sẽ khó mà địch lại với « Nước Pháp Bất Khuất » và « Tiến Bước! ».

Trước kết quả thảm hại của ứng cử viên Hamon ở vòng đầu bầu cử tổng thống, ngay ngày hôm sau, chính các lãnh đạo của Đảng Xã Hội đã kêu gọi phải « xây dựng lại » một đảng đã có lịch sử gần 50 năm này, nếu không muốn tổ chức này bị xóa sổ khỏi sân khấu chính trị nước Pháp.

Trong một tuyên bố long trọng với báo chí, sau một cuộc họp bất thường của ban lãnh đạo đảng hôm thứ Hai, 24/04, bí thư thứ nhất của Đảng Xã Hội Jean-Christophe Cambadélis đã nhìn nhận rằng kết quả nói trên « đánh dấu sự chấm dứt của một thời kỳ và đòi hỏi một sự canh tân sâu rộng », nhưng ông đề nghị là trước mắt hãy tập trung vào bầu cử Quốc Hội, rồi sau đó hãy tính.

Trong khi đó, cựu thủ tướng Manuel Valls, trên đài phát thanh France Inter sáng thứ Hai, đã gần như đọc một bản điếu văn cho Đảng Xã Hội, khi tuyên bố « đây là sự chấm dứt của một chu kỳ, chu kỳ của Epinay ». Ông Valls cho rằng Đảng Xã Hội đang bị chia rẽ quá nặng nề và đặt câu hỏi : « Những người bất đồng với nhau về châu Âu, về kinh tế, về doanh nghiệp, về các vấn đề an ninh, làm sao có thể còn ở chung một đảng được ? ».

Cựu thủ tướng Pháp nhắc lại rằng từ năm 2014, ông đã cảnh báo Đảng Xã Hội phải thay đổi tên gọi, thay đổi bản chất, thật sự chứng tỏ là một đảng cầm quyền, và nhất là phải thích ứng với thế giới ngày nay. Theo ông Manuel Valls, chính vì không nghe lời ông nên Đảng Xã Hội mới gặp tình trạng như hiện nay. Nhưng khác với ông Hamon, người đã tuyên bố dứt khoát đối lập với đảng « Tiến Bước !  », ông Manuel Valls sẵn sàng giúp ông Macron và tham gia vào phe đa số của ứng cử viên phong trào « Tiến Bước ! », trong trường hợp ông Macron đắc cử tổng thống.

Bên cạnh phe của Hamon và phe của Valls, trong Đảng Xã Hội nay còn có phe của tổng thống mãn nhiệm François Hollande và phe gồm những người thuộc thế hệ mới. Nói cách khác, đảng này hiện đã bị phân hóa thành bốn khối có xu hướng hoàn toàn khác nhau. Cho dù có được xây dựng lại như thế nào thì Đảng Xã Hội chắc chắn sẽ không còn là « bá chủ » bên cánh tả nữa.

RFI