Đồng Tâm: Đất quốc phòng để bảo vệ đất nước, hay biến thành công cụ hái ra tiền cho nhóm lợi ích? (FB Phương Hồ)

Những lùm xùm đất đai tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức đang khiến dư luận cả nước sục sôi nhiều ngày qua. Vụ việc không chỉ cho thấy sự lạm quyền của các quan địa phương trong việc tự ý chia chác đất nông nghiệp, chuyển nhượng bất hợp pháp đất quốc phòng mà còn hé lộ thực trạng sử dụng đất quốc phòng bừa bãi của một số đơn vị quân sự. Theo đó, đất quốc phòng không dùng cho mục đích bảo vệ an ninh quốc gia mà tự ý chia chác cho các nhóm lợi ích kinh doanh trục lợi.

Trường bắn Miếu Môn được quân đội tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng thành sân golf


Vụ việc tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội nhiều ngày qua không ngừng thu hút dư luận cả nước, không chỉ các nhà báo mà giới trí thức và các ĐBQH cũng vào cuộc phân tích, mổ xẻ vấn đề và yêu cầu chính quyền Hà Nội nhanh chóng đưa ra biện pháp giải quyết ổn thỏa những khúc mắt của bà con, vừa lập lại ổn định khu vực, vừa đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án mà Bộ Quốc phòng đưa vào diện “công trình quốc phòng A1”, giao cho Tập đoàn Viettel theo Quyết định số 551/QĐ-TM ban hành ngày 27/03/2015.

Đến bây giờ vẫn chưa ai rõ công trình này là gì? Liệu có thật là dự án quốc phòng hạng A1 như Bộ Quốc phòng vẫn nói, hay thực chất chỉ là dự án kinh doanh đơn thuần của một đơn vị trực thuộc quân đội? Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài viết này, tôi xin không đề cập đến vấn đề này mà chỉ tập trung trả lời cho câu hỏi “Một số đơn vị quân sự đang lãng phí đất quốc phòng ra sao?”.

Tổ hợp chung cư cao cấp trong sân bay Tân Sơn Nhất trên khu đất quốc phòng, cư dân có thể vừa ở vừa ngắm máy bay cất hạ cánh

Chúng ta còn lạ gì tình trạng các nhóm lợi ích trong quân đội chiếm dụng đất quốc phòng rồi tự ý chia chác, kinh doanh làm giàu. Đó không chỉ là khu đất quốc phòng ở sân bay Tân Sơn Nhất được giao cho đại gia Dương Công Minh của Tập đoàn Him Lam làm sân golf trong sân bay, bên trong đó là hàng loạt dự án chung cư khoảng 1.000 căn hộ sang trọng được nhà đầu tư nhanh chóng “tẩu tán” bằng các hợp đồng “mua đứt bán đoạn”, thu về tiền tươi ngay trên đất quốc phòng, cùng với tổ hợp biệt thư, nhà hàng khách sạn 5 sao, trung tâm thương mại ngay sát vòng lượn của máy bay.

Hơn chục năm trước, sân bay Tân Sơn Nhất bắt đầu chật chội có nhu cầu mở rộng, nhưng cựa tới cựa lui đều đụng đất Quốc Phòng. Có một khu đất hàng trăm ha cạnh đường băng giáp quận Gò Vấp mới ngấp nghé định đề xuất xin thì người ta nói là đất “dự trữ chiến thuật trận địa phòng không”, nhưng giờ thì phòng ngủ, biệt thự, sân golf bao la đã hình thành.

Chính việc lạm quyền thâu tóm đất đai đã khiến cho sân bay Tân Sơn Nhất không thể mở rộng để đón những chuyến bay quốc tế có nhu cầu quá cảnh đang ngày càng nhiều, mất đi một nguồn thu lớn ngoại tệ. Thậm chí còn có thông tin, đại gia Dương Công Minh còn lăm le nhòm ngó sang toàn bộ diện tích sân bay còn lại, và đang từng bước thâu tóm mà không ai hay biết.

Khu vực triển khai dự án sân golf trong sân bay Gia Lâm, Hà Nội ngay trong phần đất quân sự
Khu vực trong khu sân bay Gia Lâm và khu đất làm sân golf. Nguồn: Việt Nam Paracels

Không chỉ TP.HCM mới có chuyện “tận dụng đất” xây sân golf trong sân bay, mà tại Hà Nội, trong khu vực đất quốc phòng thuộc sân bay Gia Lâm (quận Long Biên) cũng diễn ra tình trạng tương tự. Điều đáng nói, nhà đầu tư cho dự án này vẫn là Công ty CP Đầu tư Long Biên thuộc Tập đoàn Him Lam của ông Dương Công Minh.

Cũng như dự án sân golf Tân Sơn Nhất, theo đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 khu sân golf và dịch vụ Long Biên tại sân bay Gia Lâm mà Công ty CP Đầu tư Long Biên trình cơ quan chức năng TP.Hà Nội, khu sân golf và dịch vụ Long Biên có vốn đầu tư 200 triệu USD (khoảng 4.000 tỉ đồng), bên trong dự án còn có khu khách sạn, biệt thự nghĩ dưỡng, căn hộ cao cấp và các dịch vụ kèm theo.

Đáng nói hơn, không chỉ thâu tóm đất quốc phòng làm dự án, Công ty Long Biên còn “cưỡng chế thu hồi” hơn 40 ha đất hai vụ lúa của bà con sống xung quanh khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh mất đất, trắng tay. Việc thu hồi đất làm dự án sân golf trong sân bay cho thấy đây hoàn toàn là CUỘC CHƠI CỦA KẺ MẠNH. Theo thông tin một số tờ báo phản ánh cho thấy: Ngày 09/09/2016, gia đình ông Hoàng Công Kiểm sở hữu khu đất 4.000 m2 tại tổ 3 Phường Phúc Đồng, khu vực đất nông nghiệp quanh sân bay Gia Lâm đã bị một toán người lạ mặt ước chừng 600 người đến nhà đập phá, đòi thu hồi đất làm dự án, trong khi chưa thỏa thuận được giá đất, giấy thu hồi đất, giấy đền bù và giấy cưỡng chế đều không có.

Nếu như ở TPHCM, sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất của ông Dương Công Minh đang đe dọa nghiêm trọng tính mạng của hàng triệu người dân và hành khách bay, trở thành biểu tượng cho sự mâu thuẫn lợi ích giữa nhóm lợi ích quân đội và dân chúng. Thì ở TP. Hà Nội, sân golf trong sân bay Gia Lâm của ông Dương Công Minh và em gái là bà Dương Thị Liêm tiếp tục coi thường pháp luật, “một tay che trời” khi ngang nhiên cướp đất nông nghiệp của người dân để làm dự án tại sân bay Gia Lâm. Tất nhiên, các dự án sẽ không thể nào được triển khai nếu không có sự bảo kê, dung túng của một số quan chức quốc phòng đứng sau các nhóm lợi ích này.

Nay, nhân vụ lùm xùm tại xã Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội), người ta lại ngạc nhiên khi 176 ha đất quốc phòng trong Trường bắn Miếu Môn lại được giao cho doanh nghiệp xẻ làm dự án sân golf. Đáng nói hơn, vào năm 2011, Thủ tướng đã có quyết định phê duyệt quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020 cũng như quyết định phê duyệt quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050, trong đó không có quy hoạch xây mới sân golf tại khu vực Miếu Môn. Như vậy, việc tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, biến trường bắn thành khu sân golf đẳng cấp chuyên phục vụ cho các đại gia là đi ngược lại quy hoạch, xem thường quy định nhà nước.

Từ khi nào mà trường bắn dùng cho quân lính luyện tập lại biến thành sân golf “để phục vụ nhu cầu luyện tập thể thao, giao lưu và đối ngoại quân sự” như lý do mà người ta biện minh để triển khai bằng được dự án? Từ khi nào lại xem việc tập đánh golf – môn thể thao của giới thượng lưu nhàn nhã làm môn thể thao nâng cao sức chiến đấu cho binh lính? Từ khi nào lại có cái kế hoạch hy sinh một trường bắn, sân tập luyện tầm cỡ quốc gia và đất dành cho quốc phòng thành một nơi rong chơi nhàn nhã của những đại gia? Khi đất nước “lên tiếng”, liệu những người lính có sẵn sàng hay không? Từ bao giờ một số đơn vị quân sự tự ý vượt quyền Thủ tướng, xem thường quy hoạch như thế? Từ khi nào…

Biết bao nhiêu câu hỏi không có lời đáp. Chỉ thấy hàng ngày hàng giờ, đất nước cứ bị xẻ thịt cho những dự án làm giàu, đất nông nghiệp của dân bị coi thường và thu hồi bất cứ lúc nào; đất quốc phòng thay vì dùng cho mục đích bảo vệ đất nước, nâng cao khả năng phòng thủ lại trở thành đất vàng hái ra tiền cho các đại gia và các nhóm lợi ích. Thay vì có nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ người dân, đảm bảo chủ quyền đất nước, một vài đơn vị quân sự lại “hăng hái” làm kinh tế, thậm chí làm giàu trên tài sản của dân. Còn đứng trước thực trạng đất nước bị kẻ thù không ngừng dòm ngó, thù trong giặc ngoài, các khu vực biên giới và biển Đông bị đe dọa nghiêm trọng, chưa thấy ta có động thái gì mạnh mẽ đáp trả, chỉ thấy khắp cả nước gần như đất Quốc phòng nơi nào thuận lợi đều biến thành địa ốc, kinh doanh đa dạng ngành nghề mà không cơ quan nào kiểm soát nổi.

FB Phương Hồ