Biến cố Ðồng Tâm báo hiệu gì? (Ngô Nhân Dụng)

"Biến Cố Ðồng Tâm có hai ý nghĩa. Một là người dân dám phản ứng theo lối liều mạng, như con giun xéo lắm cũng quằn. Hai là các lực lượng đàn áp của đảng Cộng Sản để bị dân bắt chứ không nỡ nhúng tay vào máu đồng bào."



Công an thành phố Hà Nội phải trả tự do cho bốn người dân xã Ðồng Tâm bị bắt, để đổi lại 15 cảnh sát cơ động được dân xã phóng thích. Ðây là lần đầu tiên nhà nước công nhận có 38 nhân viên công lực bị dân xã Ðồng Tâm bắt làm con tin, kể cả ba người “tự giải cứu” trốn thoát và 20 người còn bị giữ.

Người dân tay không, chỉ dùng gậy gộc đã bắt giam 38 “người nhà nước” mang vũ khí. Cuối cùng, nhà nước không dám tiếp tục đàn áp dân; phải trừng phạt một số cán bộ cấp thấp, rồi còn “cúi mình” xin “thảo luận” để dân thả nốt những người vẫn bị giam! Hiện tượng này rất khó xảy ra trong chế độ Cộng Sản!

Tại sao đồng bào xã Ðồng Tâm làm được chuyện khó tin này? 

Có một cách giải thích: Chế độ Cộng Sản đang bất lực. Và khí thế người dân đứng lên tranh đấu đã chinh phục được cả lực lượng đàn áp họ!

Ai cũng công nhận đây là một cảnh “tức nước, vỡ bờ.” Dân xã Ðồng Tâm chắc không bao giờ tính trước sẽ đến lúc họ phải ra tay “bắt giam người nhà nước,” rồi đòi “trao đổi tù binh.” Nỗi uất ức đã chất chứa từ nửa thế kỷ cũng chỉ vì chuyện đất đai.

Người Việt vốn biết câu “hôn nhân, điền thổ, vạn cổ chi thù.” Mươi năm sau khi nhiều người bị cướp đất trong cuộc cải cách rộng đất, dân xã Ðồng Tâm còn bị “đảng và nhà nước” cướp mất 200 héc ta đất để cho Bộ Quốc Phòng dùng làm trường bắn. Không biết tại sao người ta lại làm sân tập bắn giữa vùng dân cư đông đúc? Cũng không biết tại sao phải cần đến 300 mẫu tây!

Hai chục năm sau, nhà nước lại chiếm thêm 54 héc ta nữa, nói rằng để làm phi trường quân sự. Khi kế hoạch xây phi trường chìm xuồng thì “ván đã đóng thuyền” rồi, không ai trả lại đất cho dân nữa. Bỗng dưng quân đội được đóng vai địa chủ phát canh, thu tô; người dân xã, trong đó có thể có những người từng là chủ nhân trong khu đất bị chiếm đó, bỗng thành tá điền, làm rẽ, đóng tô! Ðúng là một cuộc “cách mạng giật lùi!”

Trong những vùng đất bị chiếm đoạt, có bao nhiêu phần là công điền, công thổ, và bao nhiêu là ruộng đất tư? Ðền bù cho các chủ ruộng thế nào? Những ai theo dõi tin chính trị ở Mỹ thì biết rằng kế hoạch của ông Donald Trump xây tường ngăn biên giới Mexico sẽ gặp trở ngại lớn nhất khi bức tường đi qua nhiều khu đất tư. Chủ nhân các khu đất này sẽ đòi bồi thường, dù đất đang bỏ hoang, và chắc chắn nhiều người sẽ kiện chính phủ Mỹ ra tòa nếu họ không đồng ý giá cả đền bù! Kinh nghiệm cho biết việc kiện tụng có thể kéo dài hàng chục năm. Nhưng sống dưới chế độ độc tài chuyên chế, dân xã Ðồng Tâm đành phải chịu thiệt thòi. Và chịu nhục. Hai lần, trong những năm từ 1960 đến 1980.

Bản chất đảng Cộng Sản là một “đảng cướp đất.” Hiến Pháp xác định không ai được làm chủ; nhà nước là chủ nhân tất cả ruộng đất. Nhà nước là ai? Tức là các quan chức nắm quyền trong đảng. Sau khi đảng Cộng Sản “đổi mới kinh tế,” các quan chức bắt đầu nhìn thấy mối lợi đất đai. Nhờ đổi mới kinh tế, các quan chức sáng mắt ra, nhìn thấy cơ hội: Ðem xào xáo “quyền sử dụng đất đai” là một cách hái ra tiền. Nhất là đất thuộc Bộ Quốc Phòng. Cha con ông Bộ Trưởng Phùng Quang Thanh giầu nhất nước là nhờ biến đất công thành đất tư! Vì vậy, năm 2007, Bộ Quốc Phòng vẫn đóng vai địa chủ, đã đem “giao lại” gần bảy héc ta đất cho tư nhân, trong số 54 mẫu đất “phi trường hụt.” Tại sao suốt 20 năm khu đất đó vẫn không dùng vào việc quốc phòng nào cả, mà bây giờ mới đem trao lại? Tại sao chỉ giao lại chưa tới một phần tám diện tích cả khu đất? Không ai giải thích. Không ai hỏi ý kiến người dân. Các quan toàn quyền chia chác, chấm mút với nhau. Như thường lệ.

Nhưng các người trong cuộc thì biết tại sao. Khi xã Ðồng Tâm vào nằm trong thành phố Hà Nội thì giá trị đất chắc chắn sẽ tăng lên. Họ “giao lại” đất cho ai là quyền của họ! Những người từng là chủ nhân cũ, bây giờ không được giao đất, cho kẻ khác tới lãnh! Cả một “áp phe” đất đai diễn ra theo kịch bản của các quan cán bộ. Những người được lãnh đất đó cũng không phải loại người cày sâu cuốc bẫm, họ chờ thời cơ giá đất lên cao thì đem bán. Những người mua lại, ngay tình, lo đóng thuế, đóng các lệ phí, tưởng rằng từ nay mình nắm quyền sử dụng đất thật!

Không ai tính trước được các thủ đoạn tráo trở của quan chức Cộng Sản! 

Chưa đầy 10 năm sau, đảng lại “tráo bài!” Ra lệnh “thu hồi” những mảnh đất đã được “giao lại!” Muốn giao đất cho ai thì giao, giờ muốn lấy lại thì ta thu hồi, tất cả quyền hành nằm trong tay Ðảng Ta! Quyền này được ghi trong Hiến Pháp!

Ðến đây thì đúng là “tức nước, vỡ bờ!” Người dân xã Ðồng Tâm uất ức quá, nhịn nhục mãi, chịu không nổi đã quyết liệt đứng lên! Họ “đồng tâm,” theo đúng tên gọi. Vì thế đảng phải thua.

Nhưng chúng ta phải thắc mắc: “Tại sao đảng chịu thua?” Thua hai lần liền trong sáu tháng, mà lần này thì thua đậm!

Lần trước, ngày 14 Tháng Mười năm 2016, công an, cảnh sát, có cả bộ đội, đã tới cưỡng chiếm đất.

Nhưng 600 lính tráng, vũ trang sắt máu, đã chịu thua rút về khi dân Ðồng Tâm phản đối. Lần này, ngày 15 Tháng Tư năm 2017, đảng đụng phải đám dân Ðồng Tâm đang uất ức vì bị lừa; khi bốn đại diện của họ được mời tới thào luận rồi bị bắt giam ngay để dằn mặt người khác. Tình trạng “tức nước” tăng gấp đôi, càng dễ “vỡ bờ” mạnh hơn. Ðồng bào bắt người của nhà nước làm món hàng trao đổi!

Ðiều khó hiểu nằm ở chỗ này: Tại sao người dân tay không có thể bắt 38 mạng công an cảnh sát và cán bộ vũ trang một cách dễ dàng như vậy? Tại sao 38 nhân viên công lực chịu để người ta cầm tay dắt vào phòng giam mà không chống cự, cũng không bỏ chạy?

Chúng tôi ở xa, cách xã Ðồng Tâm gần nửa vòng trái đất, chỉ có thể phỏng đoán: Chính những người bị dân xã bắt, họ đứng về phía dân!

Chỉ cần một số trong bọn họ, những người trong tay có vũ khí, thấy việc người dân “bắt tù binh” để trao đổi là có lý! Họ đồng ý để cho dân bắt, thế là những người khác phải theo! Chắc nhiều người đã nhìn thấy việc đảng Cộng Sản cưỡng chiếm đất đai, ăn cướp đất đến hai lần, là vô lý. Hành động mời dân đến thảo luận rồi bắt người ta cũng là vô lý, nhất là khi dùng bạo lực với một cụ già 80 tuổi, mà cụ chỉ mắc tội “nói thật!”

Chắc vì hầu hết 38 người bị bắt đã chấp nhận làm con tin, cho nên dân xã Ðồng Tâm đã nuôi họ với suất cơm 30,000 đồng mỗi bữa, dù họ đang thiếu ăn! Họ cũng không “giận cá chém thớt” trừng phạt các con tin khi chính quyền Hà Nội chơi trò tiểu nhân, cắt toàn bộ điện, nước của xã.
Biến Cố Ðồng Tâm có hai ý nghĩa. Một là người dân dám phản ứng theo lối liều mạng, như con giun xéo lắm cũng quằn. Hai là các lực lượng đàn áp của đảng Cộng Sản để bị dân bắt chứ không nỡ nhúng tay vào máu đồng bào.

Phải chăng hai bên đã có thỏa thuận ngầm với nhau từ trước? Việc thỏa thuận khó xảy ra trong một chế độ kềm kẹp đêm ngày. Nếu không thỏa thuận trước, thì còn một cách giải thích khác, là người dân xã Ðồng Tâm, tất cả mọi người, đã biết một sự thật: Chính những tay “khuyển ưng” được lệnh đàn áp dân cũng chán làm việc ác đức, bất nhân đó rồi. Họ biết suy nghĩ, lương tâm họ đã thức dậy, họ không nhắm mắt nghe lệnh nữa! Cho nên họ chấp nhận thà bị bắt làm con tin còn hơn tàn ác với đồng bào mình! Mai mốt, khi chế độ sụp đổ, làm sao sống mà nhìn mặt bà con hàng xóm láng giềng? Cuộc cách mạng lật đổ chế độ Cộng Sản ở Ðông Âu bắt đầu khi công an mật vụ thỏa thuận không đàn áp dân biểu tình ở thành phố Dresden, Ðông Ðức. Rồi công an, cảnh sát ở Praha, Tiệp Khắc, làm theo.

Trên đây chỉ là những giả thuyết để giải thích Biến Cố Ðồng Tâm, một hiện tượng khó hiểu. Nếu giả thuyết này đúng, dù chỉ đúng một phần ba hay một phần tư, thì Biến Cố Ðồng Tâm cũng báo hiệu đảng Cộng Sản Việt Nam đang trên đà tan rã, đang tan rã từng mảng một. Ðồng bào Nghệ An, Hà Tĩnh có thể theo kinh nghiệm Ðồng Tâm. Công an, cảnh sát ở các nơi khác cũng có thể rút ra một bài học: Không người nào bị bắt giam trong “đồn dân” bỗng dưng “tự tử” hay mắc bệnh chết đột ngột.

 Ngô Nhân Dụng