Rác của một thời (Tuấn Khanh)

Trong những bức ảnh được giới thiệu trên mạng xã hội, người ta nhìn thấy đoàn quân ô hợp của ông Hải, phó chủ tịch quận 1, đã chuốt nhọn và nham nhở bậc tam cấp của quán café Starbuck nằm ở ngã sáu Phù Đổng Thiên Vương. Bức ảnh nói thật nhiều điều về một chiến dịch thị uy và duy ý chí, phía trước là sự hài lòng vô minh của một nhóm người, và phía sau là tiếng thở dài của đám đông.

 
Cơn mưa bất ngờ chiều tháng Ba, khiến không ít người ngạc nhiên. Thành phố tối sầm như một ngày tháng 7. Mưa lớn đến mức như trút nước, như muốn tự mình làm sạch đời sống Sài Gòn. Mưa xối xả như muốn đẩy hết bụi bặm và những ngổn ngang chồng chất vừa được tạo ra từ chiến dịch đầy sóng gió trong đời sống và dư luận dân chúng, vốn được gọi là “dọn dẹp vỉa hè”.

Trong những bức ảnh được giới thiệu trên mạng xã hội, người ta nhìn thấy đoàn quân ô hợp của ông Hải, phó chủ tịch quận 1, đã chuốt nhọn và nham nhở bậc tam cấp của quán café Starbuck nằm ở ngã sáu Phù Đổng Thiên Vương. Bức ảnh nói thật nhiều điều về một chiến dịch thị uy và duy ý chí, phía trước là sự hài lòng vô minh của một nhóm người, và phía sau là tiếng thở dài của đám đông.

Cuối tháng ba, những dòng tin vội vã và ít ỏi cho biết ông Hải tạm dừng các chuyến hành quân “dọn dẹp” của mình, lừng lẫy không khác gì các cuộc tuần tiễu trên biển Đông. Có bình luận là do công việc đã thành công bước đầu và ông Hải giao lại cho các quận. Nhưng cũng có lời bàn rằng ông Hải phải thu mình lại, trước những chỉ trích không vừa và các dấu hiệu sai phạm ngày càng lộ rõ.

Cơn mưa chiều tháng Ba quá lớn, tạt ướt cả khoảng nhà trước của một người dân trên đường Hồng Thập Tự cũ. Vừa che, vừa lau, người đàn ông này liên tục quát lên một mình “mẹ cha tụi nó, cái mái hiên xếp thì có ngăn cản gì vỉa hè mà tụi nó ập vô tháo rồi lấy?”.

Trong những bức ảnh ghi lại về chiến dịch này, có hình ảnh một cụ già ngồi im lặng nhìn bậc tam cấp của nhà hát Nguyễn Văn Hảo có gần trăm năm bị đập đi. Bức ảnh gợi nhớ một truyện ngắn của Pearl Buck (1982-1973) về một chiến dịch dọn dẹp nhân danh phát triển ở Trung Quốc, mà một cụ già ngồi nhìn những ngổn ngang gạch đá bị đập phá trong hiện thực của mình và ngơ ngác lắng nghe giấc mơ của những nhà làm chính trị. Cụ già không hiểu. Cụ khóc. Với cụ, chính trị cùng mọi thứ đó cũng chỉ là rác.

Mọi người dân Sài Gòn đều yêu thành phố của mình. Và chắc chắn ai cũng vỗ tay cho một đổi thay thiết thực và hợp lý cho thành phố mà mình đang sống. Nhưng khi vỗ tay, có không ít người chậm nhịp dần, buông xuôi vì nhận ra rằng đằng sau của tiếng hô đầy âm điệu chính nghĩa ấy, là những điều gì đó rất chính trị. Loại chính trị xa vời đời sống của người dân. Loại chính trị cũng như rác.

Chiến dịch dọn dẹp ấy làm dậy lên những lời bàn từ vỉa hè, có thể không hoàn hảo như một chứng cứ, nhưng đó là những lời bàn từ lòng dân bật ra, cũng không kém thú vị để lắng nghe.

Trong chiến dịch đập phá của một người miền ngoài trực tiếp chỉ huy, người ta nhìn thấy có bóng của vị bí thư – cũng ở miền ngoài – đang nắm quyền lực ở Sài Gòn. Chiến dịch như một phương án tái cấu trúc lại quyền lực giữa một tình thế mà người có quyền ấy cảm thấy không vui vì sự bất phục ở chung quanh.

Ông Hải là một giải pháp phá băng, và thị uy, và phần nào giúp giải tỏa được những sự tức giận của vị bí thư cảm giác mình lạc lõng. Thậm chí, chính ông Hải cũng là người lạc lõng đáng thương khi tự mình đương đầu với tất cả trong chiến dịch, trong cơn bão phản ứng từ mọi phía. Trong cuộc họp giao ban ngày 11/3, khó chịu vì các quan chức địa phương ở Sài Gòn thiếu hợp tác với ông Hải, bí thư Thăng phải lớn tiếng “Các anh phải xuống đường, đồng hành cùng ông Hải, đừng để dư luận bức xúc”. Có vẻ như nhiều quan chức Sài Gòn không muốn dính vào các hoạt động bị nhiều bình luận là “bất nhân” ấy.

Trong bối cảnh Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn đều bị đồn đoán là có hệ thống cát cứ – và nếu có – thì ắt hẳn Sài Gòn như đang sở hữu một tính “cát cứ” rất riêng và thâm trầm của mình. Đến lúc này, người ta phải tự hỏi là không biết là báo chí ở TP đã cỗ vũ nhiệt tình cho chiến dịch chỉ tay của ông Hải, hay là vô hình trung lẳng lặng thu thập các chứng cứ bất lợi cho ông Hải, bao gồm cả những phát ngôn có thể bị khởi kiện về Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư.

Và có vẻ như đòn quyết định được tung ra vào ngày 26/3, khi có nhận định rằng những việc làm của ông Hải, thông qua sự yểm trợ của ông Thăng là “không có luật pháp”, được phát đi từ trang cá nhân của ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Việt Nam, Con trai trưởng của cựu Chủ tịch nước Lê Đức Anh. 3 ngày sau lời nhận định mạnh mẽ và trực tiếp bất ngờ này, ông phó chủ tịch quận 1 tuyên bố tạm dừng.

Lời nhắn của ông Lê Mạnh Hà ghi rằng “Thế kỷ 21 mà vẫn còn nghe tiếng búa đập vào văn hóa của Hồng vệ binh, nhưng ghê rợn hơn bởi tiếng hò reo ủng hộ từ những tờ báo mạng” có một sức mạnh khó lường. Lý do không phải chỉ bởi từ một người có chức vụ cao trong hệ thống, mà quan trọng vì ông Hà được coi là một người hết sức liêm khiết trong bộ máy. Sự lên tiếng này, không khác gì đòn điểm huyệt vào chiếc đồng hồ Patek Philippe và chiếc điện thoại Vertu mà ông Hải đã im lặng tháo đi ngay trong những ngày đầu.

Ông Hà viết “người ta coi dân như kẻ thù, vỉa hè như chiến trường, TPHCM như trong thời chiến và không có luật pháp”.

Vang lên từ vỉa hè, sau những tiếng búa tiếng chày nện đinh, người ta nói rằng có thể đó là lương tâm của những người có trách nhiệm trước viễn cảnh Sài Gòn hoang tan bật lên tiếng. Nhưng cũng có người nói rằng đó là những phần phông màn phía trước của các câu chuyện thâm sâu khó lường đang diễn ra trước Hội nghị Trung ương 5, khóa 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam vào tháng 5 sắp tới. Dĩ nhiên đó chỉ là những lời bàn từ vỉa hè, như một loại rác của thời, rác của cuộc đời, rác của chính trị.

Dĩ nhiên, trong chiến dịch của ông Hải, không phải là không có người thật sự ủng hộ. Sau 42 năm, chứng kiến sự bất toàn và bất nhất trong việc lãnh đạo, người dân Việt Nam nói chung đã quá mệt mỏi và luôn bừng dậy trước một hình ảnh nào đó mang lại cho họ hy vọng rằng sự tốt đẹp nhất đã đến. Thậm chí, để được tốt đẹp, họ chấp nhận những sai lầm ban đầu của những người dám làm. Thật không có gì tàn nhẫn hơn khi lợi dụng sự khổ đau của con người Việt Nam đang vọng về một tương lai tốt đẹp hơn, rồi mị dân, dẫn dắt họ đi về những lý lẽ biện luận lạc lối với nền văn minh và luật pháp.

Và trong các chiến dịch pha màu sắc dân túy cực hữu như vậy, luôn có một đám đông được sinh ra, loạn lạc và tự diệt trong những sự điên cuồng ủng hộ và điên cuồng đập phá. Thời của Hitler, để có một đám đông “ghê rợn” như ông Lê Mạnh Hà mô tả, nước Đức đã tạo ra các đoàn thanh niên Quốc xã như Deutsches Jungvolk và Bund Deutscher Mädel. Thời của Mao Trạch Đông, cũng có những đám đông “ghê rợn” như vậy từ Hồng Vệ Binh.

Trong lịch sử, từ những câu chuyện và con người đã đi qua hỗn loạn ấy, chiến dịch ấy… – nếu chúng ta lùi lại để ngắm nhìn – thì thấy mọi thứ đều chỉ là rác của một thời.

Cám ơn cơn mưa tháng Ba. Làn gió mát và những dòng nước như đang cố rửa sạch rác rưởi còn lại từ những ngày qua. Sài Gòn, thành phố của chúng ta vẫn còn đó, dù như thế nào đi nữa, thì hôm nay đã lại dầy thêm trong lịch sử hơn 300 năm thăng trầm, về những chuyện kể từ vỉa hè. Chuyện kể về rác của một thời.