Formosa và sự tồn vong của chế độ chính trị (Nguyễn Thị Từ Huy)
Dù muốn hay không, dù cố tình hay không, sự tồn tại của Formosa đang và sẽ làm lung lay chế độ chính trị.
“Formosa là tử huyệt của chế độ”, câu này tôi nghe rất nhiều người nói,
trong số đó có nhà văn Võ Thị Hảo, là người mà tôi trực tiếp được nghe
phát ngôn. Không riêng gì chị Võ Thị Hảo, rất nhiều người nghĩ như vậy.
Những người này có cái lý của họ. Bởi vì rõ ràng là sự tồn tại của
Formosa gắn với sự huỷ hoại toàn bộ môi trường sống, tức là Formosa
chuẩn bị cho sự diệt vong của toàn bộ dân tộc. Người dân trên xứ sở có
hàng ngàn km bờ biển này muốn tồn tại thì họ phải loại bỏ Formosa khỏi
lộ trình sinh tồn của họ. Nếu họ để cho Formosa tồn tại thì chính họ tự
đẩy mình vào chỗ chết. Người Việt Nam quá hiểu điều này, và không ai
muốn chịu chết.
Câu hỏi là : hệ thống lãnh đạo Việt Nam có hiểu điều này không ? Họ có
hiểu rằng bảo vệ Formosa chính là dọn đường cho sự tiêu vong của chế độ
không ? Nếu những người dân bình thường như chúng ta hiểu điều đó, thì
họ cũng hiểu thôi. Nhiều người trong số đó rất thông minh, được học
hành, có kiến thức. Hơn nữa đã có vô số các phân tích của các chuyên gia
về môi trường, chuyên gia về xã hội và các nhà bình luận. Lãnh đạo
không thể không biết.
Vậy thì, câu hỏi tiếp theo : tại sao họ không giải quyết vấn đề Formosa
để bảo vệ chế độ ? Thử hình dung là bây giờ đảng và chính phủ tuyên bố
kiện và đóng cửa Formosa, thì điều gì sẽ xảy ra ? Thì ngay lập tức họ sẽ
khôi phục lòng tin của nhân dân, ngay lập tức họ sẽ củng cố niềm tin
vào chế độ. Nhưng lãnh đạo không làm thế, trái lại họ dựng rào dây thép
gai, họ cho công an trùng điệp đến bảo vệ Formosa, một doanh nghiệp nước
ngoài cỏn con đầy tai tiếng, bằng cách đó họ tạo dựng hình ảnh họ là
một chế độ chống lại chính dân tộc của mình, chống lại chính nhân dân
của mình, một chế độ đang đẩy nhân dân vào chỗ chết.
Phải cắt nghĩa điều này như thế nào ? Tại sao chính quyền lại nuôi dưỡng
chính cái tử huyệt của chế độ ? Họ mù quáng hay họ sáng suốt ?
Câu trả lời dĩ nhiên là bỏ ngỏ cho mọi khả năng. Ở đây tôi đưa ra hai
phán đoán, hai trong số những phán đoán về các trường hợp khả dĩ có thể
xảy ra, hai phán đoán hoàn toàn trái ngược nhau.
Phán đoán thứ nhất : Có thể đấy là một lựa chọn cố ý nhằm đẩy nhanh quá
trình sụp đổ của chế độ. Một lựa chọn của một người hay một nhóm người
có đầu óc cải cách, nhưng không thể cải cách nổi, do hệ thống tham nhũng
đã trở thành một mạng lưới dày đặc, mạng lưới này kiên quyết bảo vệ chế
độ để hưởng lợi cho chính họ và gia đình họ. Đồng thời các hợp tác quốc
tế, lợi ích của các quốc gia có hợp tác với VN, lợi ích của các tập
đoàn đầu tư vào VN cũng khiến cho chế độ này được bảo vệ và được duy
trì, bởi vì các đối tác nước ngoài muốn tiếp tục thu lợi nhuận dựa trên
sự ổn định chính trị tại VN.
Các lý do đó khiến cho những người muốn cải cách trong hệ thống lãnh đạo
không thể làm được gì. Và vì không thể cải cách nên họ chọn những giải
pháp nhằm thúc đẩy nhanh các phản ứng của nhân dân, họ hiểu rằng giờ
đây, chỉ duy nhất các phản ứng xã hội là có thể tạo áp lực để buộc thay
đổi cơ chế chính trị, chỉ duy nhất sự vùng dậy của nhân dân VN là có khả
năng tác động tới bộ máy quản lý. Và người dân sẽ có ý thức vùng dậy
khi mà họ bị đẩy vào chỗ không còn đường sống nữa.
Vậy, bảo vệ Formosa là một hình thức bật đèn xanh cho nhân dân tiếp tục
xuống đường, tiếp tục phẫn nộ, tiếp tục phản ứng, tiếp tục bảo vệ môi
trường sống. Bảo vệ Formosa là một hình thức thúc đẩy người dân VN đứng
lên bảo vệ sự sinh tồn của dân tộc. Đó không phải là một ý tưởng tồi. Đó
có thể là một ý đồ nhằm cải cách chế độ, một mong muốn đến từ bên trong
và từ trên cao của hệ thống lãnh đạo. Làm sao chín mươi triệu người VN
lại có thể chấp nhận bị huỷ diệt vì một công ty cỏn con như Formosa ?
Bằng cách lộ liễu bảo vệ Formosa bất chấp hậu quả, có lẽ một số người
nào đó từ trên cao của hệ thống đang ngầm khuyến khích người dân VN tiếp
tục xuống đường để bảo vệ tương lai của các thế hệ VN mai sau. Có thể
đấy là một giải pháp hữu hiệu trong thời điểm tận cùng bế tắc của nền
chính trị VN hiện tại.
Phán đoán thứ hai, có tính phổ biến hơn, nhiều người đã đưa ra : chính
tham nhũng là nguyên nhân khiến chính quyền không thể giải quyết vấn đề
Formosa. Bởi nếu đem Formosa ra kiện thì sẽ phải đối diện với những lời
khai của tập đoàn lãnh đạo Formosa. Những lời khai đó chắc chắn sẽ phải
liên quan đến những lãnh đạo đã cấp giấy phép cho Formosa hoạt động, đó
có thể là những lãnh đạo cao cấp nhất. Trong một hệ thống chính trị lành
mạnh thì không một ai có thể thoát khỏi sự điều tra và xử lý của pháp
luật, và chính điều này làm nên sức mạnh của hệ thống chính trị. Tuy
nhiên, ở VN hiện nay, do quan niệm sai lầm rằng cần phải bảo vệ hệ thống
chính trị nên không được đụng đến các lãnh đạo hay đảng viên lãnh đạo
cao cấp, vì thế hầu như luật pháp không thể đụng đến được các lãnh đạo
cao cấp. Và chính điều này đã bảo vệ cho Formosa.
Tuy nhiên, nếu phán đoán thứ hai này là chính xác, thì nó cũng không hề
làm thay đổi vai trò của Formosa đối với sự tồn vong của chế độ. Nó chỉ
khiến cho sự bế tắc của chính quyền càng trầm trọng hơn mà thôi. Người
dân sẽ tiếp tục xuống đường để tự cứu mình, cứu tương lai của con cháu
mình. Chính quyền sẽ làm gì đây ? Sẽ đàn áp ư ? Sẽ làm đổ máu dân để bảo
vệ Formosa ư ? Hay sẽ giăng giây thép gai và đứng nhìn như chủ nhật 5/3
vừa rồi ? Với trí tuệ của nhân dân, không một mưu mẹo nào có thể bẻ gãy
được họ.
Một điều nữa mà những người muốn bảo vệ chế độ cần phải đối diện là :
Formosa đang khiến cho người Việt hải ngoại đoàn kết lại với nhau. Từ
hàng chục năm nay họ luôn ở trong tình trạng chia rẽ, nhưng Formosa và
thảm hoạ mà dân tộc đang phải gánh chịu đã khiến họ bắt đầu vượt qua
ranh giới bên trong để tìm đến với nhau. Thực ra người Việt hải ngoại
không có ranh giới bên ngoài, không có áp lực bên ngoài. Họ chỉ cần vượt
qua rào cản nội tâm của họ thì mọi chuyện đều có thể. Chủ nhật 5/3 vừa
qua, nhiều nơi trên thế giới đã chứng kiến cảnh người Việt tập hợp lại
với nhau, vượt qua những bất đồng và hiềm khích vốn có trước đó, để đứng
cạnh nhau. Trước hiểm hoạ diệt vong của dân tộc thì việc người Việt sẽ
phải liên kết lại với nhau chỉ là vấn đề thời gian mà thôi. Sẽ đến ngày
mọi đau buồn, tổn thương, mất mát trong quá khứ sẽ biến thành một sức
mạnh chung phục vụ quá trình kiến tạo một tương lai chung cho Việt Nam.
Dù muốn hay không, dù cố tình hay không, sự tồn tại của Formosa đang và sẽ làm lung lay chế độ chính trị.