Việt Nam khắc phục nợ công bằng cờ bạc và cá cược? (Anh Văn-VNTB)
Như vậy, trước mắt có thể thấy, Việt Nam đang khắc phục nợ
công bằng cờ bạc và cá cược, nhưng cốt lõi của nợ công và
thâm thủng ngân sách nằm ở kỷ luật ngân sách. Nếu điều này
không được siết chặt, thì mọi hướng tìm cách tạo nguồn thu
thuế mới chỉ mang lại thực trạng: đổ muối ra biển.
Một trong nhiều “đại hạn” mà chính quyền Hà Nội đang phải
gánh hiện nay là: thâm thủng ngân sách. Và có vẻ chính phủ
kiến tạo của ông Nguyễn Xuân Phúc đang tiến hành mở rộng nguồn
thu thuế mới nhằm bù đắp ngân sách thông qua mở rộng casino và
hợp pháp hóa cá cược đá bóng.
Thâm thủng ngân sách
Vào đầu tháng 1 năm 2017, báo giới Việt Nam đăng tải tình trạng
nợ công quốc gia đã chạm ngưỡng 94,8 tỷ USD, tức mỗi người dân
Việt Nam đang gánh khoản nợ khoảng 23 triệu đồng. Dù Bộ Tài chính khẳng
định nợ công được quản lý, kiểm soát chặt chẽ đảm bảo trong giới hạn
cho phép, nhưng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lại nhấn mạnh rằng,
nợ công tăng nhanh, gấp 3 lần tăng trưởng kinh tế là một nguy cơ
gây ra sụp đổ tài khóa quốc gia, bởi “nếu tính đủ thì nợ đã vượt
quá trần cho phép”.
Tình trạng ngân sách tiêu tốn vô tội vạ là kết quả của sự
quản lý không chặt chẽ nguồn tiền vay (ODA) từ nước ngoài,
cũng như sự ăn chia lợi ích của nhóm người cầm quyền và tình
trạng phình to của bộ máy nhà nước. Nỗi sợ về “sụp đổ tài
khóa quốc gia” đã khiến cho Bộ Chính trị Việt Nam ngồi trên
đống lửa, và vào 11/2016, Nghị Quyết số 07 của Bộ Chính trị
do ông Nguyễn Phú Trọng ký ban hành đã đề ra "chủ trương, giải
pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công". Trong
đó, về mặt chủ trương và giải pháp để đảm bảo nền tài chính
quốc gia có việc: Hoàn thiện chính sách thu gắn với cơ cấu lại thu
ngân sách nhà nước theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ
sở thu, nhất là các nguồn thu mới.
Trong khi đó, trong một diễn biến gần đây, Dự thảo Luật Quản lý nợ
công của Bộ Tài chính đã được đưa ra lấy ý kiến và sớm ban
hành thành luật nhằm chạy đua với quản lý và siết chặt kỷ
luật nợ công. Bởi nếu đúng như sự cảnh báo của TS Vũ Quang
Việt trên TBKTSG thì, với tổng nợ của chính phủ và nợ DNNN sau khi
trừ đi phần Chính phủ bảo lãnh trùng lặp, thì con số nợ năm 2016 đã
lên 431 tỷ USD (tức 210%GDP). Nó trở thành một lực cản lớn cho
sự phát triển nền kinh tế, chưa kể đến việc, với dư nợ và
lạm phát ở mức 4,7% của năm 2016, thì dự kiến lãi suất tăng
lên 8% vào năm 2017, theo đó dãy trật tự “nợ cao-lãi suất
cao-trả nợ giảm” sẽ đẩy Việt Nam rời vào thế khủng hoảng.
Tăng xăng dầu; mở cá cược
Gần đây, chính quyền Hà Nội cho phép mở Casino. Điều này có
nghĩa gì? Theo tác giả Muhammad Cohen trên trang Forber đã bình
luận, bởi Việt Nam đang muốn tăng trưởng kinh tế, và việc cho
mở sòng vừa xóa nạn cờ bạc biên giới Tây Nam với Campuchia, và
nạn cờ bạc ngầm trong nước, vừa tích lũy được nguồn thuế
thông qua các cơ sở casino này. Nói cách khác, với Việt Nam đang
muốn trở thành một điểm du lịch và cờ bạc chất lượng cao cho
các tay chơi bài trong lẫn ngoài nước.
Nghị định 03/2017/NĐ-CP về kinh doanh Casino ra đời, trong đó có
quy định số bàn chơi và máy trò chơi căn cứ trên tỷ lệ đầu tư.
Cũng như đối tượng chơi cũng được khoanh vùng là người nước
ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài, còn người Việt
mới chỉ thí điểm nhằm tăng sức hút đầu tư FDI vào ngành này.
Chưa dừng tại đó, Nghị định này còn quy định số tiền tối
thiểu cho hoanh nghiệp kinh doanh casino là phải 2 tỷ USD.
Các khu nghỉ mát trên đảo Vân Đồn; Phú Quốc; Huế; Hội An; Tp. Hồ
Chí Minh,… đang rục rịch cho sự ra đời của các sòng casino. Và
điều này theo tác giả Muhammad Cohen nhận định, là biểu lộ cho
sự “khát khao muốn thu hút đầu tư FDI nhiều hơn, thu thuế nhiều
hơn”, thậm chí bên cạnh casino, chính quyền Hà Nội còn tìm
cách hợp pháp hóa cá cược thể thao để thúc đẩy kinh tế và bồi
đắp thâm thủng ngân sách.
Tại cuộc họp báo ngày 9/2, hãng tin AFP đã hỏi người phát ngôn Bộ
Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình rằng, nghị định hợp pháp hóa việc cá
cược bóng đá có liên quan đến vấn đề ngân sách hay không. Đáp lại, ông
Bình khéo léo gián tiếp thừa nhận qua việc khẳng định chính
sách này “phù hợp với thực tiễn của quốc tế cũng như phù hợp với sự phát
triển của đất nước”.
Trong khi đó, thuế môi trường áp dụng cho xăng dầu tăng đã bắt
đầu tính ngưỡng tăng lên 8.000, tức gấp 8 lần so với năm 2010;
đặt thu lên đến 42.393 tỷ đồng so với mức 11.290 tỷ đồng (2010),
đưa thuế môi trường lên trên các loại thuế phí khác áp dụng
cho giá xăng dầu.
Như vậy, trước mắt có thể thấy, Việt Nam đang khắc phục nợ
công bằng cờ bạc và cá cược, nhưng cốt lõi của nợ công và
thâm thủng ngân sách nằm ở kỷ luật ngân sách. Nếu điều này
không được siết chặt, thì mọi hướng tìm cách tạo nguồn thu
thuế mới chỉ mang lại thực trạng: đổ muối ra biển.