Có chăng sự thay đổi dân chủ trong đảng CSVN? (Người Buôn Gió)

Tất nhiên dòng chảy lịch sử có những khúc biến động nảy sinh ra những nhân tố thay đổi. Nhưng nếu không có những đột biến như thế,  câu chuyện có một nhân vật hay một thế lực nào trong đảng muốn thay đổi thể chế dân chủ là điều hoang đường.  Những câu chuyện như thế vẽ ra chỉ  để an ủi người dân sống trong hy vọng và đừng bức xúc quá đến mức bạo động mà thôi.
 
 
Từ lâu trong dư luận xã hội Việt Nam vẫn có luồng hy vọng ở sự đột biến nào đó trong đảng CSVN. nhất là hy vọng có một nhóm hoặc một người lãnh đạo cao cấp nào đó có tư duy thay đổi chế độ như trường hợp của Trần Xuân Bách, uỷ viên Bộ chính trị.
 Nhiều năm sau khi Trần Xuân Bách bị đảng kỷ luật và buộc phải rời khỏi bộ chính trị ĐCSVN vì có những tư tưởng nhen nhóm chút ít về đòi cải cách chính trị, mở rộng thêm đa nguyên, đa đảng. Từ đó một quãng thời gian dài Việt Nam mê mải theo đường lối của Trung Cộng và không ai nói đến thay đổi hay cải cách về chính trị. Người mang lại hơi thở thay đổi chút là ông Võ Văn Kiệt, nhưng đó cũng chỉ là những hơi thở thoáng qua.
 Ở các khoá 10, 11 của đảng nổi lên hai nhân vật mà thiên hạ xì xào rằng họ có thể là những đột biến về chính trị, mang lại thay đổi dân chủ cho Việt Nam là Nguyễn Tấn Dũng và Trương Tấn Sang. Nhưng cuối cùng thì cả hai người này đều rời khỏi chiếc ghế quyền lực đỉnh cao để về hưu và mọi thứ không có gì thay đổi.
 Không đủ cơ sở để đánh giá hai con người này có tư tưởng muốn thay đổi thật sự hay chỉ là những màn kịch để tranh giành ảnh hưởng, lấy điểm để tạo ra uy tín trong và ngoài nước nhằm củng cố sức mạnh của mình. Thường những người có tư tưởng dân chủ, tiến bộ khi về hưu, họ thường có những phát biểu đòi hỏi cải cách nhiều hơn khi họ còn tại chức. Với ông Dũng thì không, ông về hưu và tuyệt nhiên không có những phát biểu nào nhòm ngó đến chính trị như người khác. Còn với ông Sang thì ngay khi về hưu mấy tháng, ông lớn tiếng đòi hỏi toàn đảng, toàn dân phải trung thành CNXH mà ông TBT Nguyễn Phú Trọng đang dẫn dắt.
Một ông không nói gì, một ông mở mồm ra nói là sắt máu đòi hỏi trừng trị ai đi lệch hướng con đường CNXH. Nếu như ông Dũng còn có hai đứa con làm quan trong đảng, ông nín thanh đã đành. Nhưng với ông Sang mà kêu gọi trung kiên với đảng, với con đường CNXH và với Nguyễn Phú Trọng thì đến giờ khó có  cơ sở nào, để bảo trong nội bộ đảng có những người tiến bộ, có những người cải cách muốn đất nước dân chủ, văn minh.
Sẽ chẳng có một nhân tố nào cao cấp trong đảng có ý muốn thay đổi, cải cách dân chủ trong vòng 10 năm nữa. Tất cả những động thái tưởng như là muốn cải cách, muốn dân chủ chỉ là những màn kịch diễn để người dân sống trong hy vọng. Dẫn dắt họ nuôi niềm tin rằng trong tương lai tới sẽ có thay đổi, hãy bình tĩnh tiến chậm, tiến chắc đừng manh động quá gây bất lợi cho công cuộc.  Chỉ là lừa đảo hết mà thôi.
 Hãy nhìn ở một khía cạnh thực tế, khách quan. Chúng ta đặt ra một nhân vật có lý tưởng tiến bộ, có hoài bão muốn đất nước dân chủ,văn minh, cường thịnh. Hãy bỏ qua bước trước kia anh ta là bí thư đoàn đầy nhiệt huyết hay một cán bộ trẻ mẫn cán  trong sáng và đầy năng lực. đường anh ta đi bắt đầu từ một tỉnh uỷ viên hoặc một giám đốc sở thành phố, vụ trưởng  của một bộ.
 Hàng ngày anh ta phải lo cho tốt công việc của mình,  để hoàn thành kế hoạch cấp trên đặt ra vào những lần tổng kết quý, năm. Để hoàn thiện như thế, anh ta phải lừa dối, báo cáo láo thành tích, đắp con số ở chỗ này sang chỗ kia. Anh ta không thể nào làm một cách thẳng tay, minh bạch với cả một bộ máy chồng chéo ù lì. Sức anh ta có hạn, anh ta đành chấp nhận mọi thứ miễn sao hoàn thành trách nhiệm không bị kỷ luật ảnh hưởng đến con đường tiến lên.
 Song song với việc lo hoàn thành kế hoạch, anh ta còn phải học tập chính trị, học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, học nghị quyết, học các khoá an ninh quốc phòng. Anh ta phải lo sao có được chứng chỉ suôn sẻ, qua được những đợt kiểm tra để chứng minh phẩm chất chính trị trong sáng, kiên định. Như thế chưa đủ , anh ta phải quan hệ tốt với các đồng nghiệp và cấp trên để có thiện cảm khi đến những đợt bình bầu. Cái này mới đáng sợ hơn cả, để quan hệ tốt trong xã hội Việt Nam ngày nay là làm ngơ cho sai trái nào đó của đồng chí. Là đi nịnh bợ cấp trên, cấp trên đi lễ chùa mình cũng phải đi. Cấp trên thích uống rượu, thích đồng hồ, thích xe hơi phải tìm cách ra tiền để có những thứ đó biếu tặng. Đối với cấp cấp ngang hàng phải liên tục có những cuộc nhậu triền miên để nắm bắt thái độ của họ với mình, luôn luôn phải giữ tình cảm. Mà cách giữ nhanh nhất là tham gia cùng những cuộc nhậu đắt tiền, những cuộc chơi bời gái điếm cao cấp. Như thế mới là hoà mình, là đoàn kết, là thái độ chan hoà với đồng chí.
 Rồi anh ta cũng phải lo cho gia đình mình, phải có nhà đàng hoàng, xe tương đối, con cái học hành phải được những nơi tốt...để được đẹp mặt với bạn bè, họ hàng, người thân thích.
 Anh ta qua được những khó khăn đó, vào đến trung ương, làm bộ trưởng. Nếu anh ta chỉ còn có một nhiệm kỳ hoặc hai nhiệm kỳ là đến tuổi hưu, lúc này anh ta phải lo cho con cái mình có được vị trí ổn định và sáng sủa trong tương lai. Ai là người Việt Nam mà không muốn lo cho con mình như vậy chứ, chẳng ai cả. Ai cũng cũng thế. anh ta đưa con mình vào chân này thì cũng phải đưa con người khác vào chân khác. Con của ông bộ trưởng này làm chánh văn phòng bộ tôi, thì con tôi làm trợ lý cho ông. Em trai tôi làm chỗ này, em vợ ông sẽ làm chỗ kia.
 Và như thế anh ta không những trách nhiệm với con cái mình, mà còn cả con cái người khác. Một bộ máy chế độ đầy ắp những người thân thích đan xen nhau như thế. Anh ta liệu muốn thay đổi nó không.?
Có, anh ta vẫn hung nấu ý định muốn thay đổi một xã hội dân chủ, công bằng văn minh như phương Tây. Cứ cho là thế đi cho có tính khách quan và tích cực. Không nên dìm chết cái hoài bão của anh ta mặc dù chúng đã bị dìm ở bao nhiêu yếu tố đã kể trên. Anh ta vẫn còn hoài bão đẹp đó.
Anh ta được vào bộ chính trị, tột đỉnh của quyền lực. Nơi mà điều kiện nhất để anh ta thực hiện hoài bão của mình. Anh ta nghĩ mình từng này tuổi, tiền bạc có, còn tha thiết gì mà không làm một điều gì lớn lao cho đất nước, để lại danh tiếng muôn đời sau như một vĩ nhân. Một nhà cải cách lớn. Anh ta bước qua được sự ươn hèn , ích kỷ, trí trá đã ngấm vào mình trong suốt con đường tiến thân từ bí thư đoàn trường đại học  hoặc chiến sĩ trong lực lượng vũ trang đến vị trí hôm nay. Anh quyết định làm điều gì lớn cho đất nước.
 Muốn thế đầu tiên anh ta phải có một nhóm khá đông những quan chức ủng hộ anh ta thay đổi. Cái khó  tiếp theo là anh ta phải tiếp xúc với các cường quốc nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ, giúp đỡ khi thay đổi và sau thay đổi. Không thể khơi khơi đứng ra tuyên bố vài câu là sự thay đổi đến ngay.
 Để được sự ủng hộ chắc chắn, anh ta cần có sự ủng hộ của ban bí thư, uỷ ban kiểm tra trung ương đảng, ban bảo vệ chính nội bộ trung ương, ban tuyên giáo trung ương, bộ công an, bộ quốc phòng, bộ ngoại giao...và các lão thành cách mạng nữa. Lấy gì để đảm bảo rằng những nhân tố chủ chốt ở các ban, bộ ấy đều muốn thay đổi cho đất nước như anh ta. Anh ta cần nhiều năm để thuyết phục họ, trong khi anh ta vẫn phải hoàn thành trách nhiệm trên cương vị mình đang nắm.  Chưa kể những kẻ không đồng ý vì bảo thủ, còn những kẻ cũng thích đổi mới, nhưng lại thích anh ta bị hạ đế thế chỗ là nhiều hơn. Kế hoạch thay đổi chế độ của anh ta mang lại nhiều rủi ro khiến anh ta có số phận như Trần Xuân Bách.
 Đến đây thấy rằng, nhân vật của chúng ta dù ở đỉnh cao quyền lực trong chế độ, dù hoài bão của anh ta vẫn còn. Nhưng để thay đổi được sức anh ta không thể nào làm được. Và anh ta đủ thông minh để không làm cái việc vá trời thất bại thảm hại nhiều hơn là thành công ấy. Anh ta không dại gì mạo hiểm để rồi con cái của mình bị liên lụy, hoặc tạo ra điểm yếu để lũ đồng bọn anh ta nhè vào đó hạ bệ anh ta xuống đầy nhục nhã với tội phản bội lý tưởng, đi lệch hướng.
 Anh ta khoanh tay chọn cách an toàn, qua nhiệm kỳ của mình rồi về hưu, có thể anh ta sửa đổi vài điều nhỏ nhoi để an ủi lương tâm mình, đồng thời anh ta vun vén cho gia đình mình được bao nhiêu hay bấy nhiêu trước khi anh ta hết cơ hội.
 Trên đây là giả dụ về một nhân vật có lương tri trong hàng ngũ cấp cao nhất của chế độ . Nếu như có nhân vật như thế anh ta còn chẳng làm được gì, đừng nói là cả một đống cơ hội và xảo trá, ươn hèn nhung nhúc tranh nhau bò lên vị trí cấp cao.
Tất nhiên dòng chảy lịch sử có những khúc biến động nảy sinh ra những nhân tố thay đổi. Nhưng nếu không có những đột biến như thế,  câu chuyện có một nhân vật hay một thế lực nào trong đảng muốn thay đổi thể chế dân chủ là điều hoang đường.  Những câu chuyện như thế vẽ ra chỉ  để an ủi người dân sống trong hy vọng và đừng bức xúc quá đến mức bạo động mà thôi.
 
 Nhưng một xã hội đầy ắp những bức xúc, những cuộc biểu tình nổ ra đến hàng trăm ngàn người ở khắp nơi. Cộng hưởng với sự thanh toán khốc liệt trong đảng. Biết đâu thời thế như vậy sẽ sinh ra một nhân tố thuộc dạng thời thế tạo anh hùng.