Thêm một năm trắng tay của các chủ nhà hàng Hà Tĩnh (VOA)
Không quá lời khi nói rằng giờ đây xứ biển Hà Tĩnh đang là vùng đất
chết đối với giới kinh doanh nhà hàng hải sản. Không có khách ngay từ
sau vụ xả thải hủy diệt môi trường biển của Formosa, những ông bà chủ
nhà hàng nơi đây ráng cầm cự, nhưng rồi cứ mãi kéo dài chuyện ô nhiễm
khiến nhiều nhà hàng đã giở bỏ cơ ngơi, kiếm kế sinh nhai khác.
Vụ Formosa Hà Tĩnh gây ô nhiễm môi trường tiếp tục đưa đến hàng loạt hệ lụy khôn lường trong đời sống cộng đồng.
Từ ngày Formosa xả thải làm cá biển chết hàng loạt cho đến nay, hàng
loạt nhà hàng ven biển Hà Tĩnh không còn một bóng khách. Sáng ngày 8
tháng 2 năm 2017, có tin Bộ tài chính vừa cấp thêm 1.680 tỷ đồng tiền
bồi thường thiệt hại của Formosa. Tuy nhiên, trong số nhận bồi thường đó
không có chủ của những nhà hàng đã phá sản vì Formosa.
Bà Nguyễn Thị Thương, chủ nhà hàng nơi đây than rằng coi như lại thêm
một năm nữa sẽ trắng tay: “Cuộc sống của cô hiện tại bây giờ là sang
cái năm nay, từ đợt xảy ra sự cố đến giờ là rất khó khăn, khó khăn từ
vật chất, từ tinh thần, khó khăn từ mọi điều kiện làm ăn. Thế còn bây
giờ, muốn khắc phục trở lại đây để mà làm ăn, lấy hàng chất lượng, lấy
hàng của hồ mình nuôi, hoặc lấy hàng của hồ lòng bè mình làm, họ cũng
không ai tin tưởng đến mà ăn. Là vì chưa được 100% người là tin tưởng về
an toàn hải sản”.
Không quá lời khi nói rằng giờ đây xứ biển Hà Tĩnh đang là vùng đất
chết đối với giới kinh doanh nhà hàng hải sản. Không có khách ngay từ
sau vụ xả thải hủy diệt môi trường biển của Formosa, những ông bà chủ
nhà hàng nơi đây ráng cầm cự, nhưng rồi cứ mãi kéo dài chuyện ô nhiễm
khiến nhiều nhà hàng đã giở bỏ cơ ngơi, kiếm kế sinh nhai khác.
Theo lời kể của bà Nguyễn Thị Thương, trước đây mỗi năm bà tiêu thụ
hàng chục tấn hải sản, và có thể giúp cả họ cùng làm giàu: “Cô ra đây
được 7, 8 năm rồi. Buôn bán của cô thuận tiện. Trừ trường hợp bão gió
thì mình tu sửa lại một vài ba ngày gì đó thôi, chứ buôn bán thuận tiện.
Gia đình cô, cả con cái sinh sống đây cả đó. Mình làm ăn được. Bây giờ
thì một năm nay là mình trắng tay. Một năm nay là đóng quán, giữ quán,
coi quán và dọn vệ sinh. Có ai quen biết đến hỗ trợ thì mình được một
vài mâm, còn hổng có thì mình chấp nhận.”
Giờ đây, những người như bà Thương đang cố níu giữ cơ ngơi đầu tư bạc
tỷ này để mong ngày biển miền Trung thật sự hồi sinh, để hàng quán nơi
đây có lại cảnh tấp nập như trước khi xảy ra vụ xả thải hủy diệt của
Formosa. Tuy nhiên, niềm tin này ngày càng cạn dần, khi mà còn nhiều nơi
khác cũng bị thiệt hại từ chuyện xả thải của Formosa. Họ đã phải xuống
đường đòi đền bù nhưng rồi chỉ nhận được những lời hứa hẹn từ nhà chức
trách.
Sẽ là một năm Đinh Dậu thật dài đối với những ông bà chủ nhà hàng ở ven biển Hà Tĩnh.