Thảm họa Formosa: Đỏ chọi Xanh ở Việt Nam (Thời Mới - The Economist)
Gần một năm sau, Đồng Hới—giống như tất
cả khu dân cư dọc vùng biển dài 200 cây số bị ảnh hưởng—vẫn còn tính
thiệt hại của thảm họa này. Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là ngư dân của
vùng này, với những chiếc thuyền đỏ và xanh dương túm tụm neo đậu lặng
lẽ trên con sông rộng của thành phố này. Dân địa phương có người không
chịu ăn cá do ngư dân đánh bắt, vì sợ độc tố còn sót lại; có người hứa
chỉ ăn cá đánh bắt ngoài khơi xa, hay ở những độ sâu được cho là tránh
được chất độc. Kho đông lạnh của nhiều nhà hàng hải sản nay trữ thịt gà
và thịt heo.
Việc đảng Cộng sản không thể kiểm soát ô nhiễm đang bào mòn quyền lực của đảng
Tàu đánh cá ở Đồng Hới, một tỉnh lỵ
thanh bình ở vùng biển miền trung Việt Nam, được trang trí bằng những
nhánh xương rồng. Những miếng bùa đầy gai này được cho là bảo vệ thủy
thủ trước bão tố và những mối hiểm họa khác, nhưng chúng không trừ được
vận rủi ập xuống thành phố này mùa xuân năm ngoái. Vào tháng Tư, thủy
triều tống hàng ngàn xác cá chết lên các bờ biển của Đồng Hới. Chính
quyền chần chừ hàng tháng trời mới chịu nêu tên thủ phạm: một nhà máy
thép mới gần biển có những đường ống xả chất thải độc hại xuống biển.
Gần một năm sau, Đồng Hới—giống như tất
cả khu dân cư dọc vùng biển dài 200 cây số bị ảnh hưởng—vẫn còn tính
thiệt hại của thảm họa này. Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là ngư dân của
vùng này, với những chiếc thuyền đỏ và xanh dương túm tụm neo đậu lặng
lẽ trên con sông rộng của thành phố này. Dân địa phương có người không
chịu ăn cá do ngư dân đánh bắt, vì sợ độc tố còn sót lại; có người hứa
chỉ ăn cá đánh bắt ngoài khơi xa, hay ở những độ sâu được cho là tránh
được chất độc. Kho đông lạnh của nhiều nhà hàng hải sản nay trữ thịt gà
và thịt heo.
Thảm họa này cũng đã phá hoại du lịch.
Thành phố này bị san bằng trong cuộc chiến với Mỹ (ngoại trừ một mặt
chính nhà thờ cháy sạm, nay được bảo tồn thành một đài tưởng niệm),
nhưng đã hưởng lợi từ những hang động khổng lồ được khám phá ngay tại
địa phương. Trong những hang động đó có Sơn Đoòng, được xem là hang lớn
nhất thế giới, chỉ mới bắt đầu đón du khách từ năm 2013. Nhưng mùa hè
năm ngoái, rất nhiều người hủy chuyến du lịch của họ vì sợ xoải chân
trên đất nhiễm độc. Những khách sạn và căn hộ xây dở dang nằm rải rác
vùng ngoại ô thành phố, bị những nhà đầu tư lo ngại nên bỏ rơi.
Nạn ô nhiễm tàn phá nhiều phong cảnh đẹp
sững sờ của Việt Nam. Việc xây đập, đào giếng và canh nông với cường độ
cao đang bào mòn Đồng bằng Sông Cửu long, nơi trồng khoảng một nửa
lượng lúa của quốc gia. Mỗi năm đất đai vùng này mỗi mặn hơn do nước
biển giạt vào ngập những dòng nước ngày càng yếu dần của vùng này. Màn
khói bụi bức bách làm ngột ngạt thủ đô Hà Nội. Theo một số ước tính gần
hai phần ba nước thải công nghiệp của Việt Nam xả xuống các sông hồ. Năm
2015 chính quyền đã xác định nhiều làng có tỷ lệ mắc bệnh ung thư cao
khác thường, có lẽ là do nước máy nhiễm chì.
Trong danh sách này sẽ sớm có thêm một
loại vấn nạn môi trường khác không hẳn là do Việt Nam gây ra. Với bờ
biển dài hơn 3.200 cây số, Việt Nam đặc biệt dễ bị tác hại của sự biến
đổi khí hậu. Theo một số ước tính, một phần năm Sài Gòn, đại đô thị miền
nam đang mở rộng nhanh chóng, có thể nằm dưới nước vào cuối thế kỷ này.
Thời tiết khắc nghiệt hơn và nạn lũ lụt trầm trọng hơn có thể phá hoại
các khu dân cư dọc bờ biển dài.
Những mối lo ngại như vậy đang ngày càng
ngấm dần vào chính trị Việt Nam, gây ra những thách thức cho chế độ cai
trị đàn áp của Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN). Một báo cáo của chính phủ
nói rằng ít nhất 200.000 người đã chịu ảnh hưởng trực tiếp của thảm họa
năm ngoái. Một số người trong số họ cả gan biểu tình phản đối tại nhà
máy chịu trách nhiệm—thuộc sở hữu của công ty Đài Loan—hoặc trước tòa án
địa phương. Họ nói rằng số tiền 500 triệu đô-la mà công ty này phun ra
để đền bù là quá ít ỏi, và đòi quyền kiện. Càng đáng ngạc nhiên hơn nữa
là sự phẫn nộ của những người Việt mà bản thân họ không bị ảnh hưởng của
vụ nhiễm độc này. Ngay sau khi thảm họa xảy ra, một phát ngôn viên của
Formosa nói ám chỉ rằng không thể cùng lúc vừa chọn công nghiệp và ngư
nghiệp. Người biểu tình ở Hà Nội và Sài Gòn phản đòn: “Tôi chọn cá.”
Tinh thần dân tộc khuếch đại nỗi phẫn nộ
về môi trường. Năm 2014, nhà máy thép của Formosa bị đốt bởi những
người nổi loạn phản đối quyết định của Trung Quốc đưa một giàn khoan dầu
vào vùng biển đang tranh chấp cách bờ biển Việt Nam không xa (bất chấp
thực tế Formosa là công ty Đài Loan). Phần lớn người Việt nghĩ rằng giới
lãnh đạo đất nước mềm yếu với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất
của Việt Nam nhưng cũng là nước cựu thù và nước đang tranh chấp nhiều
đảo nhỏ ở Biển Đông. Việc CSVN cho phép một công ty (đại loại là) Trung
Quốc làm nhiễm độc vùng biển là điều vô cùng nhục nhã.
Tất cả những điều này quả là đáng sợ đối
với CSVN, vốn đã chứng kiến các phong trào môi trường ở Đông Âu vùi dập
các chế độ cộng sản ở đó, và CSVN xưa nay đã đối xử một cách côn đồ với
những người đứng đầu các cuộc biểu tình. Việc chụp mũ những người đấu
tranh dân quyền là tay sai của các chính phủ nước ngoài nay khó hơn khi
chính CSVN bị tố cáo là bảo vệ những kẻ gây ô nhiễm ngoại quốc. Trong
lúc tìm kiếm những nước bạn mới để giúp giảm bớt sự lệ thuộc vào giao
thương với Trung Quốc, giới lãnh đạo ở Hà Nội cũng lo lắng về uy tín của
Việt Nam. CSVN muốn người ngoại quốc xem Việt Nam là một đối tác đáng
tin cậy về các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, chứ không phải là
một nước cổ hủ tôn thờ một lãnh tụ quá cố trong một lồng kính.
Vì vậy giới lập pháp Việt Nam đang có
thiên hướng bảo vệ môi trường hơn. Việt Nam có luật lệ môi trường khá
toàn diện, theo nhận định của Stephan Ortmann, tác giả của một cuốn sách
mới về chủ đề này—nghiêm ngặt hơn luật lệ do giới cầm quyền Trung Quốc
soạn cẩu thả, và được ban hành với tốc độ nhanh hơn. Việt Nam đã hứa cắt
giảm carbon khỏi nền kinh tế của mình (dù chả ai hiểu nổi chuyện này ăn
khớp ra sao với những kế hoạch xây dựng hàng chục nhà máy nhiệt điện).
Hồi tháng 11/2016, nhà nước tổ chức một lễ rình rang trình diễn nỗ lực
bảo tồn động vật hoang dã, loại bỏ hàng tấn ngà voi bị tịch thu trong
một đống lửa cháy rừng rực trông rất mãn nguyện.
Sương khói mịt mù chẳng biết đâu mà lần
Tuy nhiên vẫn còn nói nhiều hơn làm, và
két tiền cạn của nhà nước chỉ là một phần nguyên nhân. Tăng trưởng kinh
tế—vốn là yếu tố duy nhất để CSVN có được tính chính danh do không có
những cuộc bầu cử có ý nghĩa—lấn át mọi thứ khác. Giới chức uy quyền ở
các tỉnh thành phớt lờ các luật lệ được đặt ra ở Hà Nội, và các công ty
quốc doanh uy quyền thường dường như bất khả xâm phạm. Một hệ thống tư
pháp xử lý những người bất đồng một cách nhanh chóng và tàn nhẫn nhưng
lại thất bại thảm hại trong việc thực thi luật lệ thông thường. Trong
khi giới chức chống nạn khói bụi ở Bắc Kinh đã bắt đầu đóng cửa các nhà
máy và hạn việc sử dụng xe hơi, giới tai to mặt lớn ở Hà Nội vẫn chật
vật ngăn cản người đi xe máy đậu xe trên lề đường. Tâm lý bất bình âm ỉ
về nạn ô nhiễm sẽ khiến CSVN khó đương đầu với các cú sốc chính trị hay
kinh tế hơn.
Trong khi đó, các triển vọng của Đồng
Hới tùy thuộc vào việc du khách có trở lại vào mùa hè năm nay. Chính
quyền nói rằng vùng biển này đã an toàn để tắm biển trở lại, nhưng không
phải ai cũng tin họ. Một ngư dân nói rằng ông đã đi biển trở lại một
thời gian, nhưng trong 5 hay 10 năm tới sẽ không cho mấy đứa con nhỏ của
mình ăn cá do chính ông đánh bắt.
Dịch giả: Khương An
Nguồn: Red v green in Vietnam, The Economist, 16/2/2017.