Phần lớn quỹ BHXH cho ngân sách nhà nước vay (Trúc Diễm-TBKTSG)
Theo báo cáo kiểm toán, các hoạt động liên quan tới quản lý, sử dụng
vốn và tài sản nhà nước năm 2015 của Cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam
(BHXH), trong tổng số hơn 435.000 tỉ đồng quỹ BHXH cho vay, số dư quỹ
này cho ngân sách nhà nước vay là 324.000 tỉ đồng, 74,46% dư nợ đầu tư,
tăng 0,31% so với năm 2014.
Theo
báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, phần lớn số tiền của Quỹ bảo hiểm xã
hội được cho nhà nước vay, thông qua việc cho ngân sách nhà nước vay,
mua trái phiếu chính phủ. Số còn lại cho các ngân hàng và dự án thủy
điện Lai Châu vay. Ngoài ra, tính đến hết năm 2015, tổng số nợ của Cơ
quan BHXH Việt Nam vẫn “kẹt” ở hai công ty cho thuê tài chính ALC I và
ALC II lên tới hơn 1.500 tỉ đồng.
Theo báo cáo kiểm toán, các hoạt động liên quan tới quản lý, sử dụng
vốn và tài sản nhà nước năm 2015 của Cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam
(BHXH), trong tổng số hơn 435.000 tỉ đồng quỹ BHXH cho vay, số dư quỹ
này cho ngân sách nhà nước vay là 324.000 tỉ đồng, 74,46% dư nợ đầu tư,
tăng 0,31% so với năm 2014.
Tiếp đến là cho các ngân hàng vay hơn 59.000 tỉ đồng, chiếm khoảng
13,7% dư nợ đầu tư, tăng 1,92% so với năm 2014. Ngoài ra, Cơ quan BHXH
còn mua trái phiếu Chính phủ với số tiền 45.500 tỉ đồng, chiếm 10,46% dư
nợ đầu tư, giảm 1,99% so với năm 2014.
Ngoài các khoản cho ngân sách nhà nước, ngân hàng vay, và mua trái
phiếu Chính phủ, Cơ quan BHXH Việt Nam còn cho dự án thủy điện Lai Châu
vay 6.000 tỉ đồng.
Theo báo cáo, trong năm 2015, Cơ quan BHXH Việt Nam cho vay với nhiều
mức lãi suất khác nhau: cho vay ngắn hạn (dưới 12 tháng) áp dụng mức lãi
suất hầu hết là 5,08%/năm đến 5,1%/năm; lãi suất bình quân cho ngân
sách nhà nước vay, mua trái phiếu Chính phủ, đầu tư vào dự án thủy điện
là 9,04%/năm. Theo đó, lãi suất bình quân chung là 8,49%/năm.
Về tình hình thu nợ tại hai Công ty cho thuê tài chính ALC I và ALC II
(thuộc Ngân hàng Agribank), đến hết năm 2015, BHXH Việt Nam vẫn chưa thu
hồi được hết các khoản nợ gốc và lãi của ALC II, chưa thu hồi được lãi
của ALC I (đã trả hết nợ gốc).
Cụ thể, năm 2015, ALC I mới trả được số tiền 1 tỉ đồng lãi vay, số lãi
còn phải thu đến hết năm 2015 là hơn 26 tỉ đồng. Nguyên nhân không thu
được lãi vay là do ALC I đang trong quá trình tái cơ cấu nên không có đủ
nguồn thu để trả nợ lãi.
Trong lúc đó, ALC II còn nợ Cơ quan BHXH Việt Nam 12 hợp đồng vay vốn
đã quá hạn thanh toán từ năm 2011 với số tiền hơn 769 tỉ đồng. Năm 2015,
công ty này không trả được lãi, do đó tổng lãi tính đến hết năm 2015 là
hơn 735 tỉ đồng. Như vậy, nếu tính cả nợ gốc và số lãi phải trả thì ALC
II đã nợ cơ quan BHXH Việt Nam hơn 1.500 tỉ đồng. Nguyên nhân được chỉ
ra do đơn vị này không có khả năng trả nợ và hiện chờ quyết định của Thủ
tướng.
Cũng theo báo cáo trên, tổng số tiền nợ đóng các quỹ BHXH đến hết năm
2015 là hơn 9.900 tỉ đồng, chiếm 4,88% tổng số phải thu năm 2015, tăng
5,5% so với số nợ BHXH năm 2014. Trong đó, nợ đóng BHXH bắt buộc chiếm
tỷ lệ lớn nhất, hơn 70%.
Đặc biệt, trong tổng số nợ trên, nợ từ trên 12 tháng là hơn 4.000 tỉ
đồng, bao gồm hơn 1.400 tỉ đồng thuộc các đơn vị đã phá sản, giải thể và
gần như không thể thu hồi được.