Thời tổng thống Trump: Mỹ trước hết hay Mỹ một mình? (Financial Times-Philip Stephens)
Tổng thống mới sẽ thấy rằng hầu hết các mục tiêu của mình là ngoài
tầm với của một nước Mỹ hành động một mình. Thoả thuận vụ việc (deal)
không thay thế được đồng minh, và những lời tweet giận dữ sẽ không khôi
phục được sức mạnh và uy tín của Mỹ.
Tổng thống mới có thể nhận ra rằng mục tiêu của ông nằm ngoài tầm với của một siêu cường theo chủ nghĩa cô lập
“Chúng ta không có đồng minh đời
đời, và chúng ta không có kẻ thù mãi mãi. Lợi ích của chúng ta là lâu
dài và mãi mãi, và những lợi ích đó chính là bổn phận chúng ta phải
tuân theo.” Henry Temple, Tử tước Palmerston thứ ba, mô tả chính
sách đối ngoại của Anh như vậy năm 1848, vào lúc nước Anh ở đỉnh cao rực
rỡ đế quốc của mình. “Anh là một cường quốc đủ mạnh, đủ mạnh để lèo lái
theo lộ trình riêng của mình.”
Kỳ lạ hơn khi hình dung Tổng thống Mỹ
mới đắc cử Donald Trump lại theo chỉ dẫn của chính khách Anh thế kỷ 19
này. Phong cách của Palmerston không hoàn toàn phù hợp với thời đại
truyền thông xã hội. Nhưng những người cố tìm cách làm các trận bão tweet
mô tả cách nhìn thế giới của ông Trump có ý nghĩa sẽ không bỏ lỡ sự vô
tâm chung đó. Hãy quên những vướng mắc lịch sử, liên minh và thù hằn:
sau lễ nhậm chức của ông Trump vào tuần tới, đất nước hùng mạnh nhất thế
giới sẽ làm ra luật lệ của riêng mình. Nước Mỹ trước hết, trông giống
nước Mỹ một mình rất nhiều.
Dù sao thì đó là kế hoạch. Hệ thống kinh tế mở toàn cầu hiện nay do Hoa Kỳ vạch ra, nhưng ông Trump dự định sẽ làm ra luật lệ của riêng mình,
bắt đầu với việc từ bỏ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP),
đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) với Mexico
và Canada, và áp dụng mức thuế nặng lên hàng nhập khẩu Trung Quốc. Cũng
hãy quên đi hoài niệm về trật tự địa chính trị cũ — mọi thứ về những giá trị chung và dân chủ.
Tổng thống đắc cử hân hoan đứng cùng phía với Tổng thống Nga Vladimir
Putin chống lại cả Tổng thống sắp ra đi Barack Obama lẫn chính sách đối
ngoại của đảng Cộng hòa.
Tương tự như vậy ông Trump đã sử dụng
tài khoản Twitter của mình chất vấn bốn thập kỷ Mỹ dính dáng với Bắc
Kinh qua việc thách thức chính sách một nước Trung Hoa đối với Đài Loan.
Đừng mong đợi có sự nhất quán [nơi ông Trump]. Lúc thì ông hứa sẽ bỏ
việc Mỹ can dự vào các hỗn loạn bạo lực ở Trung Đông, và lúc khác ông
hứa tạo ra các “vùng an toàn” ở Syria – một chính sách mà trước kia ông
nói sẽ dẫn đến thế chiến thứ ba.
Những người đang trông tìm một quyết
sách lớn sẽ phải thất vọng. Ông Trump thích ngã giá (dealmaking) hơn tư
duy chiến lược (stragetic thinking). Khẩu hiệu ‘Hãy làm cho nước Mỹ vĩ
đại trở lại’ là một mớ bòng bong các thứ bản năng, định kiến và bốc
đồng. Thành phần của nó bao gồm: chủ nghĩa dân tộc về kinh tế, sự ác cảm
với “toàn cầu hóa”, sự thù địch đối với người nhập cư, việc chú tâm
không ngừng vào chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo và quan điểm ‘ăn xổi ở thì’,
tổng zero về quan hệ của các cường quốc lớn. Thêm vào mớ hỗ lốn này là
sự khinh thị thấy rõ đối với liên minh NATO và sự mập mờ về bảo đảm an
ninh cho các đồng minh Đông Á như Nhật Bản và Hàn Quốc.
Với tất cả điều đó, sự căng kéo giữa
việc chối bỏ quyền lãnh đạo quốc tế và việc hứa phục hồi sức mạnh và uy
tín của Mỹ – chủ nghĩa biệt lập hiếu chiến, có thể gọi như vậy – đã bắt
được tâm trạng cả nước. Di sản của các cuộc chiến tranh chọn lấy ở Iraq
và Afghanistan đã làm cạn kiệt sự ủng hộ của dân chúng đối với việc
phiêu lưu ra nước ngoài. Trung tâm Nghiên cứu Pew ghi nhận hồi tháng 6,
gần 6 trong 10 người Mỹ muốn Mỹ “đối phó với những vấn đề riêng của mình
và để cho các nước khác tự đối phó với những vấn đề riêng của họ tới
mức tốt nhất mà họ có thể”. Tuy nhiên, cũng cuộc thăm dò ý kiến đó cho thấy phần lớn vẫn còn muốn Mỹ giữ lại địa vị đứng đầu toàn cầu.
Doạ dẫm biệt lập
Sự sợ hãi theo bản năng ẩn chứa ở các
đồng minh của Mỹ là nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump sẽ vạch một lằn
ngang kết thúc trật tự quốc tế tự do, do Mỹ dẫn đầu. Ngoài việc nâng cao
lá cờ bảo hộ, ông đã hứa sẽ từ bỏ các nghĩa vụ của Mỹ về khí hậu. Ông có thể bắt tay thỏa thuận với ông Putin trên đầu các nước châu Âu và chối bỏ thỏa thuận hạt nhân quốc tế với Iran.
Châu Âu đang hoảng sợ trước đề xuất của ông xây dựng một bức tường
chống lại người nhập cư Mexico và đóng cửa biên giới Hoa Kỳ đối với
người đạo Hồi, nhưng mối quan ngại chiến lược là doạ dẫm biệt lập — ngầm
chối bỏ vai trò của Mỹ trong hệ thống quốc tế từng chống đỡ phương Tây.
Lịch sử ám ảnh họ là sự kiện hồi thập niên 1930, một nước Mỹ tự hấp thu
đứng khoanh tay khi châu Âu rơi vào chủ nghĩa phát xít và chiến tranh.
Tất nhiên, các đồng minh đã cố làm cho mình thích nghi với chế độ mới. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe là người đầu tiên tới gặp
tổng thống mới đắc cử. Ông Abe hoan nghênh đường lối cứng rắn hơn đối
với Bắc Kinh, và cũng tỏ ra phiền muộn về cam kết yếu hơn với an ninh
Nhật Bản. Chính phủ Anh của Theresa May, trong cơn đau tách khỏi lục địa
của riêng mình, còn đau đầu hơn là bình thường về việc bám víu vào một
cái gì đó giống như một “quan hệ đặc biệt”.
Những quan hệ như vậy không có cái thay thế cho sự hợp tác mang tính hệ
thống và thể chế vốn đánh dấu việc dàn xếp sau năm 1945. Nếu không có
sự lãnh đạo của Mỹ thì ngay khái niệm “phương tây” cũng bắt đầu mất đi ý
nghĩa của nó.
Mathew Burrows, cựu cố vấn Hội đồng tình
báo quốc gia và bây giờ là giám đốc Hội đồng Đại Tây Dương, một nhóm
chuyên gia tư vấn đóng ở Washington, nêu một cách ngắn gọn: “Pax
Americana (Hoà bình kiểu Mỹ) không còn chi trả. Thay vào đó, ông Trump
tin rằng Hoa Kỳ đủ tự lực để vứt bỏ thứ trật tự dựa trên luật lệ ngay cả
khi những người khác tổn thương do mất đi sự lãnh đạo của Mỹ”.
Như ông Burrows chỉ ra, các đồng minh
của Mỹ đã kết luận rằng, ông Trump không đoán được cũng không đáng tin
cậy. Quyết tâm của Trung Quốc chuyển dịch sức mạnh kinh tế của họ thành
sức mạnh địa chính trị dường như không bị hề hấn bởi các tweet khiêu
khích của Tổng thống mới đắc cử. Chắc hẳn ông Putin cho rằng ông sẽ có
lợi hơn nhờ ông Trump thiếu kinh nghiệm.
Một nhà ngoại giao cấp cao của châu Âu
nói về những tuyên bố của tổng thống mới “Chúng ta phải xem có bao nhiêu
trong đó được đưa vào thực hiện, nhưng khá rõ là Trump đóng cửa với
việc Mỹ lãnh đạo toàn cầu”. Một nhà hoạch định chính sách cấp cao châu
Âu nhận xét: “Tất cả chúng ta đều cố đạt được các thỏa thuận song phương
với chính quyền mới, nhưng quả là ngu xuẩn khi giả vờ sẽ có một sự
tương tri xuyên Đại Tây dương”, ông Trump khinh rẻ chủ nghĩa đa phương. Ở
châu Âu, đó là một tín ngưỡng.
Thuyết con lắc
Vào thời điểm này, một người lạc quan
(dù có vài người hiếm hoi xung quanh hiện nay) sẽ lưu ý rằng lợi ích của
Mỹ trên thế giới khi trồi khi sụt từ thời lập quốc. Con lắc đã đong đưa
giữa chủ nghĩa biệt lập và chủ nghĩa ngoại lệ, và từ chủ nghĩa đơn
phương sang tham gia đa phương. Ông Trump muốn châu Âu tự giải quyết các
vấn đề của riêng mình. George Washington đã đưa ra một quan điểm tương
tự trong phát biểu chia tay khi vị tổng thống Mỹ đầu tiên nhận xét rằng
“các tranh cãi thường xuyên” của châu Âu là “lạ lẫm đối với các quan
tâm của chúng ta”.
Một phần tư thế kỷ sau, tổng thống James
Monroe từ bỏ chủ nghĩa biệt lập ủng hộ việc nước cộng hòa mới tin rằng
mình có quyền bá chủ trên toàn bộ tây bán cầu. Bước sang thế kỷ 20,
Theodore Roosevelt đã tung ra những cuộc phiêu lưu đế quốc riêng của Mỹ.
Và sau thế chiến thứ hai, Washington đã học bài học của thập niên 1930
qua việc vạch ra một trật tự toàn cầu do Mỹ đứng đầu.
Gần đây hơn, Tổng thống George W Bush
bắt đầu với việc bác bỏ thỏa thuận biến đổi khí hậu Kyoto và Hiệp ước
chống tên lửa đạn đạo 1971 với Nga. Sau vụ tấn công khủng bố ngày 11
tháng 9 năm 2001, ông khinh miệt chủ nghĩa đa phương dựa trên luật lệ và
ủng hộ việc phân chia thế giới thành những kẻ “đi với ta hay chống lại
ta” trong cuộc chiến chống lại khủng bố Hồi giáo. Nếu những nước khác
muốn tham gia vào một liên minh ý chí, không sao cả, nhưng Mỹ sẽ không
bị hạn chế bởi các tổ chức như NATO. Như ông Bush tuyên bố theo giọng
điệu của Palmerston trong bài tổng kết tình hình liên bang (State of the
Union) vào đêm trước của cuộc xâm lược Iraq năm 2003: “Lộ trình của đất
nước này không phụ thuộc vào quyết định của các nước khác”.
Khi sự việc diễn ra, khoảng thời gian
đơn cực của Mỹ ra đi gần như cũng nhanh chóng như khi nó đến. Những ước
mơ tân bảo thủ về dân chủ hóa Trung Đông đã bị mất đi trong hỗn loạn đẫm
máu ở Iraq và bất mãn tại Mỹ với cái giá về xương máu và của cải rất
lớn. Ông Bush đã dành phần lớn nhiệm kỳ thứ hai tìm cách xây dựng lại
cầu nối với các đồng minh mà ông đã phá hỏng trong nhiệm kỳ đầu. NATO đã
được mời vào Afghanistan, trong khi Đức và Pháp được tha thứ về việc họ
phản đối cuộc xâm lăng Iraq.
Cái đúng đối với ông Bush, câu chuyện
của người lạc quan nêu, sẽ nhiều hơn như vậy cho ông Trump. Cán cân
quyền lực toàn cầu đã nghiêng về phía một Trung Quốc đang trỗi dậy và
quyết đoán hơn cùng với một nước Nga hiếu chiến. Có một số sự kiện địa
chính trị mà tổng thống mới không thể phủ nhận.
Dù có việc đánh tráo ý tưởng, đối với
một nhà thương thuyết có vẻ việc tách rời lợi ích quốc gia của Mỹ khỏi
các cam kết và liên minh quốc tế là bất khả. Sự phụ thuộc lẫn nhau về
kinh tế không thể mất đi và, như ông Bush đã khám phá ra ở Iraq, sức
mạnh quân sự cũng có giới hạn riêng của nó. Rút lui cũng không cho ra
một thay thế khả thi cho can dự. Nhìn vào bất cứ chỗ nào, Mỹ cũng đều có
lợi ích quốc gia cần được đề cao và bảo vệ, hoặc là kinh tế và thương
mại, hay địa chính trị và quân sự.
Phản ứng của ông Obama là nửa vời,
kết hợp chủ nghĩa hiện thực với chủ nghĩa quốc tế và viết lại vai
trò của Mỹ như là vai trò của một cuờng quốc đứng cầm trịch. Đôi
khi nó có tác dụng — chứng kiến sự thỏa thuận hạt nhân Iran và thỏa
thuận về biến đổi khí hậu Paris. Biện hộ cho việc không hành động
của mình ở Syria, tổng thống nói với tạp chí The Atlantic:
“Chúng ta đã phải vừa thiết thực vừa rộng lòng… sẽ có nhiều lúc mà
điều tốt nhất chúng ta có thể làm là bật đèn chiếu lên rọi vào một
điều gì đó khủng khiếp”. Những nguời phê phán ông sẽ quy kết rằng,
ông Obama cho phép sự thận trọng tin đuợc trôi dạt vào sự bại
nhược.
Trong bất kỳ sự kiện nào, những người
ủng hộ thuyết con lắc nhận rằng nó đúng. Hoàn toàn có thể tưởng tượng
một nhiệm kỳ tổng thống Trump bắt đầu với một doạ dẫm đơn phương theo
thời gian bị đặt điều kiện bởi những thực tại về cạnh tranh và phụ
thuộc lẫn nhau về kinh tế của các cường quốc lớn.
Tổng thống mới sẽ sớm khám phá ra
rằng Hoa Kỳ cần đến sự trợ giúp trong cuộc chiến chống lại ISIS và các
doanh nghiệp Mỹ sẽ nằm trong số những kẻ thua cuộc lớn nhất do việc
trôi dạt vào chủ nghĩa bảo hộ toàn cầu trở lại. Cũng có khả năng tương
tự là việc tổng thống đắc cử mê đắm ông Putin sẽ không kéo dài hơn
những nỗ lực tương tự của cả ông Bush và ông Obama trong việc thiết
lập lại quan hệ với Moscow.
Không có gì để thay cho đồng minh
Tuy nhiên, điều sai lầm sẽ là nghĩ rằng
quá khứ có thể khôi phục được – rằng sau một vài năm biến động và nguy
hiểm của chủ nghĩa biệt lập thì Pax Americana chỉ đơn giản có thể được
phục hồi “như đã là”. Thế giới đã thay đổi. Sức mạnh của Mỹ đang bị
cạnh tranh — và không phải chỉ bởi một mình Trung Quốc. Hiện đã có
một sự thay đổi tương ứng trong chính trị nội bộ quốc gia. Hệ thống
thương mại toàn cầu mở đã từng đồng nghĩa với việc mở rộng quyền lực
của Hoa Kỳ: các thị trường mới cho Ford, IBM và các công ty khác.
Bây giờ nó thường được nhìn như là kẻ
thù của việc làm tại Mỹ. Sự đua tranh của các cường quốc lớn đã được
mài sắc. Toàn cầu hoá, đuợc phát minh ở Mỹ trong việc theo đuổi các
lợi ích của Mỹ, bây giờ lại ban lợi ích của nó cho Trung Quốc và các bên
thách thức địa chính trị khác.
Cuối tuần tới ông Trump sẽ trở thành
lãnh đạo của quốc gia hùng mạnh nhất thế giới. Theo hầu hết các tính
toán, quân đội Mỹ sẽ vẫn không thể sánh được trong nhiều thập kỷ tới.
Nhưng địa vị đứng đầu (primacy) và quyền bá chủ (hegemony) không như
nhau. Tổng thống mới sẽ thấy rằng hầu hết các mục tiêu của mình là ngoài
tầm với của một nước Mỹ hành động một mình. Thoả thuận vụ việc (deal)
không thay thế được đồng minh, và những lời tweet giận dữ sẽ không khôi
phục đuợc sức mạnh và uy tín của Mỹ. Palmerston đã đúng, rằng trong
địa chính trị không có gì là mãi mãi. Nhưng ngay cả trong mọi thời kỳ
rực rỡ của nó, đế quốc Anh đều cần bạn bè trong việc theo đuổi lợi ích
của mình.
Dựa trên những bằng chứng cho đến giờ
ông Trump không có tâm thế hay tính khí để nhận ra những buộc ràng như
vậy. Nguy hiểm tức thời — về một tính toán sai lầm dẫn đến cuộc đối
đầu với Trung Quốc ở tây Thái Bình Dương, về một “thỏa thuận” khuyến
khích chủ nghĩa trả thù của ông Putin ở Đông Âu, hay những xung đột với
Iran – là đủ rõ ràng. Mối đe dọa lâu dài là nhiệm kỳ tổng thống của ông
Trump sẽ chứng kiến một Americana Pax từng duy trì hòa bình và ổn
định tương đối trong 70 năm qua tan biến vào sự trở lại với thế giới
xung đột cường quốc lớn của Hobbes (theo Hobbes cách duy nhất để bảo đảm
xã hội văn minh sự là thông qua việc tuân phục vào một cấp thẩm quyền
chủ quyền tuyệt đối – ND).