Rồng quái thú, các công trình bạc tỷ lãng phí đến quy hoạch nát bét (Song Chi-Blog RFA)
Quả thật là “thành tích phá hoại” trong suốt hơn 7 thập kỷ độc quyền lãnh đạo của nhà nước cộng sản VN kể sao cho xiết!
Sự việc lãnh đạo thành phố Hải Phòng
phải lên báo thanh minh thanh nga về vụ “con rồng” mà dư luận đang chê
ỏm tỏi kia là có lâu rồi và không phải 60 tỷ như dư luận đồn đãi (“Phó Chủ tịch TP Hải Phòng nói gì về ‘con rồng 60 tỷ’?”, VietnamNet); sau đó thì thành phố Hải Phòng phải cho tháo dỡ con quái thú không biết gọi là con gì này (“Hải Phòng tháo dỡ 2 con rồng lạ ở phố trung tâm”, VNExpress, “Hải Phòng quyết tháo dỡ ‘con rồng 60 tỷ’, VietnamNet, “Hải Phòng yêu cầu tháo dỡ rồng vàng đầu… Pikachu gây tranh cãi”,
Dân Trí), chỉ là một trong những ví dụ rất nhỏ cho thấy hiệu quả, dù ít
ỏi, của mạng xã hội và “năng lực” phá hoại của các ông lãnh đạo từ thấp
đến cao ở VN.
Mới trước đó không bao lâu, cũng lại Hải
Phòng, đã phải tháo dỡ công trình nhạc nước 200 tỷ đồng chỉ sau vỏn vẹn
2 năm tồn tại, cũng là nhờ dư luận, người dân bất bình lên tiếng, và
nếu tiếp tục tồn tại thì theo bài báo “mỗi năm chi phí cho hoạt động và bảo dưỡng công trình nhạc nước cũng mất khoảng 200 -300 triệu đồng” (“Hải Phòng: Phá dỡ công trình nhạc nước trăm tỷ đầy tai tiếng”, Dân Việt).
Và không chỉ riêng Hải Phòng, ở bất cứ
nơi đâu trên đất nước này cũng có thể nhìn thấy những “công trình”ngốn
hàng chục, hàng trăm, hàng ngàn tỷ VNĐ trong mọi lĩnh vực, nhưng bị dư
luận chê bai tơi tả và sau đó hoặc phải sửa chữa, hoặc làm lại, hoặc bỏ
hoang phế, đã tốn càng thêm tốn kém, và cực kỳ lãng phí.
Ở đây chỉ nói riêng trong lĩnh vực quy
hoạch, trang trí, hoặc những công trình kiến trúc, tượng đài… tại các
thành phố từ Nam ra Bắc. Trở lại con quái thú lai giữa rồng, lươn, giun,
chó và kể cả Pikachu kia dù không đến 60 tỷ, nhưng theo ông Phó Chủ
tịch TP.Hải Phòng trong bài báo “Phó Chủ tịch TP Hải Phòng nói gì về ‘con rồng 60 tỷ’?” đã nêu, vẫn có con số “60 tỷ đồng để trang trí ánh sáng, làm đẹp TP phục vụ nhân dân vui đón tết”.
Năm nào cũng vậy, cứ Tết đến là từ Hà
Nội, Sài Gòn, Hải Phòng cho tới hơn 60 tỉnh thành khác đều đua nhau chi
tiền ra trang trí. Và số tiền không phải là ít. Nhưng có đẹp không? Ít
khi có những “công trình” gọi là đẹp, đa phần là xấu hoặc rẻ tiền hoặc
không xứng với đồng tiền bỏ ra. Ngay Sài Gòn, một thành phố mà các công
trình trang trí công cộng tạm được nhất, năm nay các đường phố cũng hết
sức lòe loẹt, màu sắc y như phố Tàu ở tỉnh lẻ, và chắc chắn là cũng tốn
ối tiền!
Tự nhiên có những so sánh, dù biết rằng
Việt Nam mình bây giở chả nên so sánh với bất cứ quốc gia nào (trừ vài
nước đang/đã từng do đảng cộng sản độc quyền lãnh đạo như Trung Cộng, Cu
Ba, Bắc Hàn, Lào, Campuchia hay vài quốc gia còn lạc hậu ở…châu Phi).
Các nước ở Bắc Mỹ, châu Âu hay Úc những
công trình kiến trúc, trang trí đường phố rất đẹp, đặc biệt là vào mùa
Giáng Sinh, Năm Mới. Các nước này họ bỏ tiền ra một phần là để cho dân
được vui chơi mùa Giáng Sinh, Năm Mới (chưa nói một số là những “công
trình” tư nhân do các cửa hàng, trung tâm mua sắm tự trang trí để hút
khách), mặt khác, khi họ làm như vậy thì họ cũng thu hút khách du lịch
đến mùa này luôn, mà du lịch là một trong những ngành hái ra tiền.
Cứ nhìn lượng du khách ở các thành phố
London, Paris, Vienna, Rome, New York, Sidney, Tokyo…vốn đã động càng đổ
về đông hơn vào mùa Giáng Sinh, Năm Mới, một phần cũng vì những thành
phố này trang hoàng quá đẹp, là biết. Mỗi năm những thành phố trên và
những thành phố khác nữa như Dubai, Istanbul, Bangkok…thu về không biết
bao nhiêu tiền nhở du lịch.
Thôi thì Mỹ, Úc, Canada, Anh, Pháp…
người ta giàu, người ta chơi sang cũng được đi. Nhưng có những quốc gia
cũng rất giàu mà lại rất tiết kiệm. Ví dụ như Na Uy nơi tôi đang định cư
chẳng hạn.
Na Uy nước nhỏ nhưng giàu, chỉ có hơn 5
triệu dân mà trời cho có dầu, có cá hồi, có không khí sạch nước sạch
chuẩn bị xuất khẩu sang Tàu nữa, ai thấy Na Uy hay bỏ tiền cứu trợ quốc
tế, chỗ nào cũng có mặt mà hễ cho là cho “khủng”, cứ tưởng Na Uy rộng
rãi lắm, ai ngờ chính phủ của họ “keo” kinh khủng!
Tôi sống ở Oslo 4 mùa Giáng Sinh, Tết
Dương Lịch rồi mà mùa nào cũng thấy ở Oslo Central Station thì cứ chưng
một cây thông trang trí cực kỳ đơn giản, rồi cứ lôi mấy cái chuông màu
trắng, mấy cái dây xanh đỏ, đèn thì phần lớn chỉ có một màu, trang trí
các đường phố lớn, xấu quắc, thua xa các thành phố vừa kể trên Paris,
London, Vienna…càng không bì kịp với Sidney, New York, Tokyo, Toronto…Mà
cả hàng chục năm rồi họ cứ trang trí y như vậy thôi! Họ có sợ ai nói họ
“keo” đâu? Họ cũng chẳng tính chuyện “vẽ” ra để “ăn”. Ngược lại, nếu
bây giở họ lại đổi tính, làm cho xôm tụ lên thì nhiều khi dân chúng lại
chửi cho ấy chứ!
Trong khi đó, nước mình thì nghèo, dân
mình đa số còn đói vàng cả mắt, năm qua thiên tai nhân họa quá nhiều,
xem cái gì tiết kiệm được thì tiết kiệm, cái gì đồ cũ còn đẹp còn xài
được lôi ra mà xài, cái gì liệu có thật cần thiết thì hãy chi, để dành
tiền đó mua gạo, xây cầu, mua thuốc, xây bệnh viện…giúp dân. Chưa cần
phải nói đến chuyện giúp nước khác đâu, kệ, cứ mang tiếng là một trong
những nước không tử tế nhất nhưng nếu biết lo cho dân thì quốc tế cũng
chả ai nói, các nước người ta chỉ chửi khi mình chỉ biết vác mặt đi xin,
không giúp ai cái gì bao giờ nhưng lại xài hoang phí!
Có vẽ ra làm thì mới có ăn mà, kể cả
những tỉnh đang xin gạo cứu đói cũng không chịu thua. Tết nhất chỉ là
một dịp để ăn. Tượng đài ông Hồ rồi xây cơ quan hành chính của tỉnh là
những cái cớ khác, chẳng hạn. Tỉnh nào cũng đua nhau xây tượng đài nghìn
tỷ, dân đói không đủ gạo cho vào bụng như Sơn La cũng đòi xây “tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng bào các dân tộc Tây Bắc cùng quảng trường trung tâm thành phố” (“Sơn La chi 1.400 tỷ đồng xây quảng trường và tượng đài Hồ Chí Minh”, VNExpress).
Rồi tỉnh nào cũng có trụ sở cơ quan hành
chính nguy nga tráng lệ, các ông ngồi trong nhà mát lộng lẫy, ghế bành
nệm êm, máy điều hòa mát rượi ngó càng thêm xa cách với dân, còn dân đen
nghèo khó bước chân vào những trụ sở hoành tráng như vậy càng thêm rụt
rè, ngần ngại, riết rồi có việc gì cũng chả dám đến nữa.
Còn ở Đà Nẵng một trung tâm hành chính 2000 tỷ VNĐ, mới sử dụng được 2 năm đã phải tính đến chuyện di dời, xây cái mới vì “ở
vị trí không phù hợp, ảnh hưởng đến giao thông trong giờ cao điểm, hệ
thống thông gió không được đảm bảo, thiếu không khí, thiếu oxy ảnh hưởng
đến sức khỏe của cán bộ, công chức”-những điều mà lẽ ra họ phải tính toán trước khi bắt tay xây dựng! (“Đà Nẵng sẽ chuyển các sở, ngành khỏi trung tâm hành chính 2000 tỷ”, VNExpress)
Ngược lại, lắm quốc gia giàu có mà trụ
sở cơ quan hành chính cực kỳ giản dị, cũng chả bao giờ xây quá nhiều
tượng đài tốn kém khắp nơi cho một nhân vật như vậy!
Nói thật, “ăn” thì cũng vừa vừa thôi, ăn không từ một thứ gì của dân, ăn như vậy hết sạch cả đức của con cháu, các ông ạ!
Còn nói đến những công trình kiến trúc,
trang trí công cộng thì khối chuyện để nói. Post lên đây đường link các
nước khác họ làm những cái băng ghế công cộng, như một ví dụ nhỏ (https://www.facebook.com/arteide.org/photos/?tab=album&album_id=1239841906037299)
Các ông lãnh đạo Hải Phòng, Hà Nội, Sài
Gòn…và toàn bộ lãnh đạo nhà nước VN làm ơn chịu khó nhìn sang nước người
ta xem họ trang trí phố thị của họ, chỉ là những băng ghế thôi mà vô
cùng sáng tạo, tuyệt đẹp, tiện lợi, và chắc chắn là rẻ hơn những “công
trình” kiểu như rồng lộn ở Hải Phòng hay phố xá lòe loẹt rẻ tiền ở Hà
Nội, Sài Gòn…và vô số “công trình” khác nữa từ trước tới nay!
Không biết thì học, thì bắt chước! Nếu
các ông làm đẹp thì dù có đắt một chút, có vẽ ra ăn một chút dân cũng
bấm bụng chấp nhận, đằng này toàn đồ mã, xài một mùa rồi vứt, vừa xấu
vừa đắt, dân nào mà không chửi kia chứ!
Cuối cùng là quy hoạch tổng thể của một
thành phố. Mấy ngày này lãnh đạo Hà Nội đang than thở về tình trạng quy
hoạch ở Hà Nội bị băm nát. (Bài “Quy hoạch Hà Nội nhìn từ trên cao”,
VNExpress). Mà có riêng gì Hà Nội. Sài Gòn, Vũng Tàu, Nha Trang, Đà
Lạt, Sa Pa…từ Nam ra Bắc có nơi nào mà quy hoạch chẳng nát bét, kiến
trúc lộn xộn như cái nồi lẩu thập cẩm, không thể sửa chữa nổi? Và cùng
với cái sự nát bét, lộn xộn ấy là bụi bặm, khói, xăng dầu, ô nhiễm ngày
càng nặng nề?
Quả thật là “thành tích phá hoại” trong suốt hơn 7 thập kỷ độc quyền lãnh đạo của nhà nước cộng sản VN kể sao cho xiết!
Tại sao lại có những tình trạng như vậy
bao nhiêu năm nay và càng ngày mức độ tham lam, “ăn dày” càng công khai,
trắng trợn hơn? Do luật pháp lỏng lẻo, do mô hình hệ thống chính trị
độc tài không có khả năng tự giới hạn quyền lực và trừng phạt chính nó,
do tham nhũng…Đã đành.
Theo tôi, có 3 điểm khác nhau căn bản
giữa lãnh đạo nước người ta và lãnh đạo nước Cộng hòa XHCN VN: Thứ nhất,
là trình độ/khiếu thẩm mỹ (thôi thì cái này có dốt thì ta bắt chước
người ta vậy). Thứ hai, người ta thật sự yêu cái đất nước, cái thành phố
của họ, muốn làm cho thành phố, đất nước của họ đẹp lên. Còn các ông
thì chỉ yêu TIỀN. Thứ ba, khi làm một sản phẩm nào đó, người ta nghĩ đến
người tiêu dùng/đến người dân trước hết, sao cho người tiêu dùng/người
dân ưa thích, được thoải mái, tiện lợi, sản phẩm tốt, xài bền…Còn các
ông khi bắt tay vào ký cái “công trình” nào thì nghĩ ngay bao nhiêu phần
trăm vào túi mình, bớt xén được bao nhiêu, làm sao cho nó rẻ mà kê giá
thật cao, mau hư để còn mau vẽ ra cái khác mà làm nữa…Hai cái khác này
thì chịu, chỉ có thay người, thay luôn chế độ chứ không dễ mà sửa được
đâu!