Lãnh đạo Hà Nội đề nghị 'bỏ loa phường' (BBC)
"Buổi sáng có khi
mẹ và con tôi còn chưa ngủ dậy nhưng loa phường đã oang oang kêu gọi thu
gom rác thải,... Có hôm mẹ tôi bị ốm, cần yên tĩnh nghỉ ngơi nhưng loa
phường vẫn cứ phát ầm ĩ mà chúng tôi cũng chỉ biết "ngậm bồ hòn," Báo
Giao thông dẫn lời cư dân nói trên.
Hệ thống loa phường ở Hà Nội vốn 'có
tác dụng' trong thời bao cấp, nhưng sang thời đại kỹ thuật số 'nếu
không còn hiệu quả thì 'mạnh dạn xóa bỏ đi', theo Chủ tịch Ủy ban Nhân
dân Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung.
Phát biểu tại cuộc họp với Sở
Thông tin và Truyền thông của thành phố, Tướng Chung, cựu Giám đốc Công
an Thành phố, đương kim lãnh đạo Hà Nội đặt dấu hỏi về hệ thống truyền
thông, tuyên truyền ở cơ sở này và cho rằng nó đã 'hoàn thành sứ mạng'
lịch sử.
Ông nói: "Loa ở thời kỳ bao cấp rất có tác dụng. Còn
thời đại công nghệ thông tin như hiện nay, thành phố có nhiều phương
thức khác phục vụ nhân dân, ví dụ như cung cấp chỉ số môi trường qua
mạng internet… Liệu loa còn phù hợp không?"
Chủ tịch Hà Nội đã
nói với Hội nghị 'Triển khai nhiệm vụ năm 2017' của Sở này hôm 09/1,
"Nếu loa phường không còn hiệu quả thì mạnh dạn đề xuất bỏ đi. Loa đã
hoàn thành sứ mệnh của nó".
"Nếu cứ nói đó là truyền thống, đặc
thù là không phải. Giống cuộc cách mạng phát thanh truyền hình giờ đã
chuyển sang kỹ thuật số", ông Trung được truyền thông Việt Nam trích lời
nói, đồng thời giao nhiệm vụ cho Sở Thông tin, Truyền thông Hà Nội hoàn
thành 'công tác đánh giá hiệu quả' loa truyền thanh phường ngay trong
quý một của năm 2017.
Một cuộc trưng cầu ý kiến nhỏ tiến hành trên mạng đến thời điểm cuối giờ chiều ngày thứ Năm, 12/01, trên VnExpress, cho thấy chỉ một tỷ lệ nhỏ những người tham gia cho rằng hệ thống loa phường vẫn còn 'hữu ích' với tỷ lệ là 8%.
Trong khi 53% ý kiến cho rằng 'không còn phù hợp' và 39% cho rằng 'chỉ hợp ở vùng sâu xa'.
Trước
đó, trong năm 2016, một quyết định đã được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam
ban hành và có hiệu lực từ ngày 01/2/2017 liên quan tới hệ thống thông
tin, truyền thông cấp cơ sở, mà theo đó:
"Hoạt động thông tin cơ
sở là hoạt động cung cấp thông tin thiết yếu đến người dân ở xã, phường,
thị trấn thông qua hoạt động phát thanh, truyền thanh của Đài Truyền
thanh cấp xã; bản tin thông tin cơ sở; tài liệu không kinh doanh phục vụ
hoạt động thông tin cơ sở; thông tin trực tiếp qua báo cáo viên, tuyên
truyền viên thông tin cơ sở; bảng tin công cộng và các hình thức hoạt
động thông tin cơ sở khác," tờ Dân trí trích thuật Quyết định 52/2016
cho hay.
"Trong đó, Đài Truyền thanh cấp xã, phường, thị trấn sẽ
sản xuất các chương trình phát thanh bằng tiếng Việt, tiếng các dân tộc
để phát sóng trên hệ thống truyền dẫn, phát sóng phát thanh cấp xã. Nội
dung các chương trình phát thanh tập trung thông tin về hoạt động chỉ
đạo, điều hành của chính quyền cấp xã; cung cấp thông tin, kiến thức
thiết yếu đối với đời sống hằng ngày của người dân địa phương phù hợp
với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương; cung cấp thông tin về
chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan trực tiếp đến người dân ở
địa phương và những quy định của chính quyền, hoạt động chính trị, kinh
tế, xã hội ở địa phương, cơ sở.
Tại Hà Nội, năm 2013, vẫn theo
VnExpress, bên cạnh hệ thống loa phường, Công an TP Hà Nội phối hợp với
Sở Giao thông lắp đặt loa phát thanh tuyên truyền giao thông ở 16 vị trí
công cộng trọng điểm trên địa bàn. Tháng 4/2016, thành phố yêu cầu
chính quyền địa phương thông báo tên các cơ sở vi phạm về an toàn vệ
sinh thực phẩm trên "loa phường" để người tiêu dùng biết, không sử dụng.
Có mâu thuẫn hay không?
Hiện chưa rõ đề nghị 'bỏ loa phường' nói trên của
lãnh đạo thành phố Hà Nội có mâu thuẫn gì hay không với quyết định trên,
tuy nhiên, cũng đã có nhiều ý kiến, dư luận trong cộng đồng ở Việt Nam
và không riêng tại thủ đô Hà Nội, cho rằng hệ thống thông tin, tuyên
truyền 'loa dây', hay 'loa phường treo cột điện' lâu nay gây nhiều phiền
phức cho người dân.
"Người dân Thủ đô tiếp tục bày tỏ bức xúc với hệ thống loa phường gây ảnh hưởng tới cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày," báo Giao thông trong một phóng sự từ trước cho hay.
"Những
gia đình nào ở ngay gần cái loa phường mà có bố mẹ già yếu, con nhỏ cần
yên tĩnh để nghỉ ngơi thì mới biết 15 phút phát sóng của loa phường vào
buổi sáng và chiều tối gây ảnh hưởng như thế nào," tờ báo trích lợi một
người dân ở khu tập thể Thành Công, ở Hà Nội.
"Buổi sáng có khi
mẹ và con tôi còn chưa ngủ dậy nhưng loa phường đã oang oang kêu gọi thu
gom rác thải,... Có hôm mẹ tôi bị ốm, cần yên tĩnh nghỉ ngơi nhưng loa
phường vẫn cứ phát ầm ĩ mà chúng tôi cũng chỉ biết "ngậm bồ hòn," Báo
Giao thông dẫn lời cư dân nói trên.
Một tờ báo mạng khác dẫn ý kiến gián tiếp của một Việt Kiều bày tỏ cảm nghĩ về loa phường:
"Tôi
có người bạn ở Châu Âu, mới đây trở lại Việt Nam đã rất khó chịu và
thảng thốt khi thấy chiếc loa phường mà anh ấy thấy từ 20 năm trước, vẫn
còn tồn tại. Người dân đang bị ép phải nghe loa phường" Báo Dân trí dẫn
lời một luật sư là Phó chủ tịch một Hội luật gia tại Việt Nam nói.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng loa phường vẫn còn tác dụng, như một ý kiến của một lãnh đạo địa phương ở Hà Nội được phản ánh qua một bài báo từ trước trên Báo mới.
"Hệ thống loa phường có vai trò rất quan trọng trong
tuyên truyền thông tin, đặc biệt là trong các đợt tuyên truyền chính
trị trọng tâm thì chỉ có hệ thống loa phường là có tác dụng nhất trong
việc đưa thông tin đến tất cả người dân', tờ báo dẫn lời của một quan
chức ở phòng Truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội (Sở
TT& TT) trong một cuộc họp vài năm về trước.
"Hằng năm chúng
tôi đều có các cuộc khảo sát ở từng khu vực. Qua các cuộc khảo sát cho
thấy, người dân ở các khu vực khác nhau thì có nhu cầu thông tin khác
nhau. Ví dụ, khu vực Ba Đình, Hoàn Kiếm có nhiều ý kiến đề nghị cần phải
tăng cường thêm lượng thông tin nhiều hơn và sâu hơn trên hệ thống loa
phường, trong khi ở nhiều khu vực ngoại thành thì người dân lại không
mấy quan tâm," vẫn theo ý kiến của quan chức này được baomoi.com ghi
nhận.
Còn một người dân ở Hà Nội, vẫn theo bài báo trên Dân trí, cho rằng hệ thống loa vẫn còn có ích.
"Chúng
tôi có thói quen theo dõi thông tin qua loa phường, ngày xưa thì xem
tình hình chiến tranh như thế nào, còn bây giờ thì xem trên địa bàn mình
sinh sống có gì mới, có thủ đoạn lừa đảo gì không. Đó là những thông
tin không phổ biến trên internet và nếu có thì chúng tôi cũng không thể
cập nhật được," một cư dân ở khu tập thể Lý Nam Đế ở Hà Nội được tờ báo
dẫn lời nói.