Suy nghĩ của một Đại tá quân đội về hưu (Định An)
Cái hồi bác còn làm công tác tôn giáo ở Đồng Nai, ban đầu
bác cũng đề phòng, cũng có suy nghĩ tiêu cực về đồng bào công giáo.
Nhưng sau hai năm sống chung với họ bác mới vỡ lẽ ra nhiều điều, bác
hiểu họ hơn và họ cũng rất quý những người lính như bác. Tôn giáo nào
cũng hướng con người ta đến cái thiện, chỉ có vô thần kiểu cộng sản
khiến con người ta làm điều ác.
Trên chuyến tàu đi Hà Nội lần này, ngồi cùng hàng ghế với tôi là một
bác đại tá quân đội về hưu. Ban đầu tôi và bác làm quen nhau bằng những
câu chuyện xã giao. Bác ấy rất ít nói, vẻ mặt lúc nào cũng trầm tư như
đang suy nghĩ điều gì đó rất xa xôi. Chính vì điều này khiến tôi tò mò,
tôi đã đi sâu vào câu chuyện của bác, lúc đầu bác cũng nhìn tôi với ánh
mắt dò xét nhưng khi biết tôi là người biết lắng nghe, bác bắt đầu nói
chuyện cởi mở.
Bác ấy kể về mình: Bác quê ở Thanh Hóa, 19 tuổi đã nhập ngũ vào nam
chiến đấu (tháng 12/1974). Sau 1975 đơn vị của bác chuyển về Bình Phước
làm kinh tế. Năm 1979, tham gia chiến đấu tại Campuchia, năm 1984 về
nước, đóng quân ở Đồng Nai. Tại đây bác làm công tác tôn giáo. Sau đó
hai năm ra học tại Học viện Quốc Phòng và chuyển công tác về quân đoàn
1. Cấp bậc khi về hưu là Đại tá, từng giữ các chức vụ Chính ủy Trung
Đoàn, cục phó cục Chính trị, trước khi về hưu làm trưởng khoa triết học
trường Quân sự quân đoàn.
Khi biết bác từng là giáo viên dạy triết học, tôi hỏi bác, bác nghĩ
gì về triết học Marx – lenin, về lý tưởng cộng sản ? Bác suy nghĩ một
lát rồi hỏi lại tôi, cháu đã vào đảng chưa? Tôi nói, cháu chưa và cũng
không có ý định vào đảng. Bác nói, làm công chức nhà nước mà không có
đảng thì không thể phát triển sự nghiệp cho dù có tài giỏi cỡ nào.
Bác nói tiếp: Bác nói chuyện với cháu như thế này không phải vì bác
bất mãn gì mà bác chỉ nhìn vào cuộc sống để nói sự thật. Với lương hưu
đại tá 10 triệu/tháng, vợ bác lại là giáo viên, con cái đã có công việc
ổn định. Với thu nhập đó cuộc sống của vợ chồng bác ở quê khá thoải mái.
Nhưng tình hình đất nước hiện nay bác có nhiều trăn trở, bác thấy mình
hèn quá, không thể nói ra chính kiến của mình, cứ sống âm thầm và lầm
lũi. Nói thật với cháu, quân đội ngày nay không còn như xưa, cũng tham
nhũng, cũng hư hỏng như các ngành nghề khác.
Bác là người dạy triết học Max – lenin, bác hiểu chứ, làm gì có thể
xây dựng một xã hội mà mọi người làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu
được. Cái đó thuộc về lý tưởng cộng sản, một lý tưởng tốt đẹp nhân văn
nhưng chủ nghĩa cộng sản thì lại khác. Marx chỉ là một nhà triết học như
bao nhà triết học khác, có cái sai cái đúng. Khi Liên Xô và Đông Âu sụp
đổ lý tưởng cộng sản cũng đổ vỡ theo nhưng chủ nghĩa cộng sản vẫn còn.
Như cháu thấy đấy, trên thế giới bây giờ còn lại 4 nước tuyên bố theo
chế độ XHCN, nhưng mỗi nước một kiểu nhưng điều là độc tài toàn trị. Sau
cái chết của Fiden, Cuba rồi sẽ thay đổi, Trung Quốc tuy là một cường
quốc nhưng không có chân móng, có thể sụp đổ bất cứ lúc nào, Triều Tiên
thì là quái thai của lịch sử . Còn Việt Nam sẽ ra sao, con đường nào để
đi ? Không ai biết, ngay cả Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng còn không chắc:
“đến hết thế kỷ này không biết có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay
không”.
Tôi hỏi bác, thế với chức vụ như bác, bác có xin cho ai vào ngành
không ? Bác nói, trong đơn vị bác nhiều người đã làm vậy, nhưng bác thì
không. Bác có ba người con nhưng không đứa nào theo con đường binh
nghiệp của bác. Chúng điều tự lựa chọn con đường cho riêng mình. Bác rất
tự hào về điều đó.
Bác bây giờ đêm ngủ nhiều còn giật mình toán mồ hôi, đó là hậu quả
của những trận chiến năm xưa ở Campuchia, nó giống như kiểu lính Mỹ bị
hội chứng chiến tranh Việt Nam vậy. Đó không phải là cuộc chiến cho lý
tưởng mà đơn thuần chỉ là bắn giết. Như bác 5 năm chiến đấu bên đó mà
không bị một vết thương quả là thần kỳ, đồng đội của bác nằm lại bên đó
quá nhiều, người sống sót phần nhiều là bị thương.
Tôi hỏi tiếp, bác nghĩ như thế nào về người lính Việt Nam Cộng Hòa ?
Bác trả lời, bác tôn trọng họ, họ cũng là lính, mình cũng là lính ai
cũng chiến đấu cho lý tưởng của mình, nói như kiểu tàu “không lấy thành
bại luận anh hùng”. Điều bác buồn nhất là sau khi đất nước thống nhất
Đảng và nhà nước đã có phân biệt đối xử với họ, ngay cả với người nằm
xuống cũng không được yên, như việc phá nghĩa trang Biên Hòa là một ví
dụ điển hình.
Còn nói về tôn giáo, bác rất thất vọng về chính sách tôn giáo của
Đảng. Tuy nói tự do tôn giáo, bình đẳng nhưng có ai theo đạo thiên chúa
được công tác trong quân đội, công an hay làm lãnh đạo trong các cơ quan
nhà nước không? Hồi đó, đơn vị bác có một người lính nghĩa vụ, phải nói
cậu ấy rất giỏi, đi thi hội thao toàn quân khu đạt giải nhất mấy năm
liền. Đến khi xét đi học sĩ quan lại bị gạt ra, lý do là vì theo đạo
thiên Chúa.
Với những người theo đạo thiên Chúa, Đảng luôn đề phòng họ, luôn coi
họ là nguy cơ… Cái hồi bác còn làm công tác tôn giáo ở Đồng Nai, ban đầu
bác cũng đề phòng, cũng có suy nghĩ tiêu cực về đồng bào công giáo.
Nhưng sau hai năm sống chung với họ bác mới vỡ lẽ ra nhiều điều, bác
hiểu họ hơn và họ cũng rất quý những người lính như bác. Tôn giáo nào
cũng hướng con người ta đến cái thiện, chỉ có vô thần kiểu cộng sản
khiến con người ta làm điều ác. Ngày chia tay để ra bắc bác đã khóc, họ
mong bác ở lại lắm, nhưng bác còn quê hương, bác phải trở về.
Còn nói về lãnh đạo thời nay thì bác chẳng tin ông nào, ai cũng tham
nhũng nhưng cứ mở miệng ra là nói chuyện đạo đức. Như Tổng bí thư Nông
Đức Mạnh chẳng hạn, chính ông ấy phát động phong trào học tập tấm gương
đạo đức Hồ Chí Minh nhưng hãy xem cuộc sống đời tư của ông ấy như thế
nào. Tư gia thì như cung vua phủ chúa, lấy bồ của con làm vợ, thật ê
chề.
Việt Nam bây giờ như thế này có sự góp phần của thế hệ như bác, nhưng
lúc đó không ai cho rằng nó sai, con đường đó là không đúng. Thế hệ
trước bác và bác đã say mê lý tưởng cộng sản và chết bởi nó. Đến bây giờ
nhiều người vẫn không thức tỉnh, họ vẫn sống với ảo vọng từ quá khứ huy
hoàng, và những kẻ thức tỉnh lại chọn cách sống im lặng mặc cho đất
nước bị tàn phá.
Tôi lại hỏi bác, bác có những suy nghĩ như vậy, bác có nghĩ mình là
người tự chuyển hóa không ? bác cười nói, có gì mà chuyển hóa, đó là sự
thật, sự thật mà bất kỳ ai cũng nhận thấy. Chỉ có điều ai đủ cam đảm nói
ra.
Câu chuyện của bác còn dài,nhưng chuyến tàu đã về đích, tôi và bác chia tay. Ga Thanh Hóa buổi chiều mùa đông thật ảm đạm.
Theo Dân Luận