Bệnh lười dưới chế độ Cộng sản (Trần Trung Đạo)
Chủ nghĩa CS xóa bỏ quyền sở hữu cá
nhân, giới hạn các quyền tự do căn bản, ngăn chận tinh thần sáng tạo,
cạnh tranh, cầu tiến và ước muốn được đền bù xứng đáng cho công lao tự
nhiên có trong mỗi con người. Tất cả những điều đó đã làm cho con người
có thói quen lười biếng.
Hôm 24 tháng 8, 2016, VietNamNet có bài viết “Việt Nam mãi nghèo vì người Việt quá lười? Ngẫm sâu hơn, có thể bạn sẽ nghĩ khác!”
Tác giả bài báo dùng các ví dụ về hợp tác xã nông nghiệp để phân tích
và dù tránh đụng đến nguyên nhân sâu xa, cũng đã thừa nhận tệ trạng lười
biếng phát xuất từ chính sách: “Dân lười nên nghèo hay chăm chỉ có của ăn của để do chính sách nông nghiệp khác nhau tạo ra môi trường khác nhau”. [1]
Một bài viết khác khá chi tiết Đất nước của những kẻ lười biếng
của tác giả Lục Phong tập trung vào việc phê bình người Việt “lười
học”, “lười làm”, “lười suy nghĩ”, “lười tập thể dục”, “lười tranh
đấu”.[2]
Nói chung, đủ thứ lười. Những điều các
tác giả đưa ra đều đúng. Không chỉ hai bài trên, quý vị chỉ cần vào
google và đánh ba chữ “Việt Nam lười” sẽ hiện lên hàng chục bài viết
tương tự.
Phê bình các hiện tượng xấu, tiêu cực
trong xã hội là một điều nên làm, dựng lên một chiếc gương để mỗi người
có thể soi vào đó mà nhìn lại chính mình. Tuy nhiên, nếu chỉ phê bình
hiện tượng thôi sẽ không bao giờ chữa trị được căn bệnh xã hội trầm
trọng như bệnh lười tại Việt Nam.
Đặc biệt trong thời gian qua, không chỉ
báo “lề dân” mà cả báo đảng cũng đồng thanh lớn tiếng phê bình bệnh lười
của người Việt, nhất là trong các thế hệ trẻ. Phê bình nhiều đến nỗi,
một người Việt Nam tự trọng và có nhận thức sẽ không khỏi cảm thấy bị
xúc phạm và đặt câu hỏi phải chăng lười biếng là một loại bệnh tổ tiên,
một phần của văn hóa Việt Nam?
Câu trả lời là dứt khoát không phải.
Bệnh lười do ý thức hệ CS gây ra
Đây không phải là lý luận kiểu “có gì
xấu đổ lên đầu CS” mà từ các ông tổ CS như Karl Marx, Friedrich Engels,
Lenin, Mao cho đến các lãnh tụ CS sau này đều công nhận lười biếng là
một thực tế trầm trọng dưới chế độ CS.
Không giống như bệnh nghiện rượu mà
người viết trình bày lần trước là những hiện tượng xã hội, bệnh lười
được chế độ CS nuôi dưỡng và tồn tại suốt chiều dài của chế độ. Nói theo
lý luận Marx Lenin, bệnh lười giống như tệ trạng tham nhũng, có tính
đảng và xảy ra không chỉ riêng ở năm nước CS còn lại mà đã từng xảy ra ở
mọi quốc gia CS như Liên Xô, khối Đông Âu, Đông Đức trước đây.
Nguyên nhân của căn bệnh cũng rất hiển nhiên và dễ hiểu.
Chủ nghĩa CS xóa bỏ quyền sở hữu cá
nhân, giới hạn các quyền tự do căn bản, ngăn chận tinh thần sáng tạo,
cạnh tranh, cầu tiến và ước muốn được đền bù xứng đáng cho công lao tự
nhiên có trong mỗi con người. Tất cả những điều đó đã làm cho con người
có thói quen lười biếng.
Bệnh lười trích trong Tuyên Ngôn Đảng Cộng Sản
Qua các tác phẩm kinh điển, Karl Marx,
Friedrich Engels, Lenin, Mao, Lưu Thiếu Kỳ đã tập trung biện luận rằng
bệnh lười là sản phẩm của chủ nghĩa tư bản chứ không thuộc về bản chất
của ý thức hệ CS.
Lấy Tuyên Ngôn Đảng Cộng Sản, văn bản chỉ đạo quan trọng nhất của các đảng CS để phân tích trước.
Trong tuyên ngôn này, Karl Marx và Frederick Engels đã tìm cách lý giải bệnh lười dưới chế độ CS một cách ngụy biện: “Người
ta còn phản đối lại rằng xoá bỏ chế độ tư hữu thì mọi hoạt động sẽ
ngừng lại, thì bệnh lười biếng sẽ phổ biến sẽ ngự trị. Nếu quả như vậy
thì xã hội tư sản phải sụp đổ từ lâu rồi do tình trạng lười biếng, vì
trong xã hội ấy, những người lao động thì không được hưởng, mà những kẻ
được hưởng lại không lao động. Tất cả sự lo ngại chung quy chỉ là luận
điệu trùng phức cho rằng không còn tư bản thì cũng không còn lao động
làm thuê nữa.”[3]
Tuy nhiên, ngay cả khi biện hộ, một điểm
mà Marx, Engels, Lenin, Mao đều không phủ nhận rằng bệnh lười trầm
trọng chỉ phát sinh sau khi đảng CS chiếm được nhà nước.
Bệnh lười tại Liên Xô
Trong thời kỳ từ 1918 đến khi chết,
1924, Lenin đối diện với bệnh lười lan rộng nhanh chóng trong xã hội CS
và gần như làm tê liệt bộ máy kinh tế. Chính Lenin cảnh cáo bằng khẩu
hiệu “Ai không làm thì không ăn”. Leon Trotsky còn đi xa hơn “Ai không
vâng lệnh thì không ăn”, nhưng bệnh lười không vì các đe dọa đó mà giảm
sút. [4]
Để tạm thời giải quyết bệnh lười xã hội
chủ nghĩa, Lenin buộc lòng thay đổi chính sách từ tuyệt đối kiểm soát
nền kinh tế sang một hình thức nới rộng tạm thời mà ông ta gọi là Chủ
nghĩa Tư bản Nhà nước để nhằm kích thích sản xuất bằng cách trả lại một
phần quyền sở hữu của người dân.
Trước 1990, Liên Xô với nền kinh tế quốc
doanh chỉ huy, đã dành 20 phần trăm Tổng sản phẩm nội địa (GDP) vào mục
tiêu sản xuất võ khí nhằm cạnh tranh với Mỹ. [5]
Cuộc chạy đua vũ trang đã để lại một
khoảng trống to lớn và không được quan tâm đối với các ngành kinh tế
khác cũng như các lãnh vực khác của đời sống con người. Vào thời điểm
1986, Liên Xô có 45,000 đầu đạn nguyên tử [6] trong khi không đủ giấy vệ
sinh để cung cấp cho dân. [7]
Bệnh lười tại Trung Cộng dưới thời Mao
Bệnh lười tại Trung Cộng sau cách mạng
CS 1949 trầm trọng không kém như tại Liên Xô. Mao Trạch Đông trước Hội
Nghị Bắc Đới, 30 tháng Tám, 1958 cũng thú nhận bệnh lười đang xảy tại
Trung Quốc khi y phát biểu: “Ngày nay, nếu một người có một phát
minh mới, chúng ta trả người đó chỉ 100 yuan và điều đó sẽ tạo ra tình
trạng lười biếng và bất mãn”. [8]
Cũng tại Trung Cộng, Diêu Văn Nguyên, Ủy
viên Bộ Chính trị kiêm Trưởng ban Tuyên Truyền Trung Ương Đảng CS Trung
Quốc, trong tham luận “Phản Bác Lý Thuyết CS Nuôi Dưỡng Sự Lười Biếng” xuất bản tại Bắc Kinh tháng 10, 1958 cho rằng xã hội CS là xã hội của những con người tự giác, nơi đó, “mỗi người sẽ sống vì mọi người và mọi người sẽ vì mỗi người”. [9]
Diêu Văn Nguyên khai triển lý thuyết “từ
vượn thành người” của Frederich Engel khi cho rằng sở dĩ con người có
hai tay như ngày nay cũng là kết quả của một quá trình lao động dài để
chuyển hai chân trước thành hai tay và việc lười biếng có trong con
người là thói quen do các chế độ bóc lột sau đó truyền nhiễm. Đọc tiểu
luận của Diêu Văn Nguyên đầy những ngụy biện và hoang tưởng đến độ buồn
cười nhưng đã một thời khống chế trong nhận thức của mỗi người dân Trung
Quốc. Nhắc lại họ Diêu là một trong Nhóm Bốn Người (the Gang of Four)
bị Đặng Tiểu Bình và phe nhóm bắt, tống giam và đã qua đời năm 2005.
Những biện luận đó cho thấy, bệnh lười
thuộc về bản chất của chế độ và là một trong những mối lo của những
người sáng lập nên chủ nghĩa CS.
Một điều rất dễ hiểu, con người với bản
tánh tự nhiên, không muốn đổ mồ hôi nước mắt cho một mục tiêu, phục vụ
cho một nền sản xuất mà họ biết cả đời họ có thể sẽ không được hưởng. Ví
dụ như tại Ba Lan và Bulgaria trong thời kỳ CS, một người dân muốn mua
một căn phòng trong chung cư phải chờ trong danh sách ít nhất 20 năm.
Ngay cả khi dành dụm đủ tiền mua xe, một người dân Đông Đức phải chờ 15
năm để sở hữu một chiếc xe. Tại Rumani, để tiết kiệm năng lượng, nhà cầm
quyền CS không cho phép người dân được sử dụng bóng đèn quá 45 watt cho
một căn phòng, không được mở nhiệt độ trong nhà cao quá 57 độ Farenheit
và đài truyền hình chỉ phát hai giờ mỗi ngày. [10]
Lưu Thiếu Kỳ định nghĩa “người CS là
người lo trước và hưởng sau” nhưng những “nhiệt tình cách mạng”, “lý
tưởng giai cấp” như họ Lưu nói nếu có cũng chỉ tồn tại trong một thời
gian ngắn và trong số ít người cuồng Cộng thuộc thế hệ CS thứ nhất nhưng
đã chết dần theo thời gian, nhường chỗ cho các nhu cầu tinh thần và vật
chất thực tế của đời sống con người thuộc các thế hệ sau. [11]
Bệnh lười tại Trung Cộng dưới thời Tập
Dưới thời Tập Cận Bình hiện nay, tình
trạng lười biếng cũng không có dấu hiệu gì thay đổi. Tháng 9, 2015, họ
Tập ra lịnh sa thải 249 cán bộ trong 24 tỉnh về tội lười, thất bại trong
chính sách chống tham nhũng và cố tình trì hoãn các công trình.
Tân Hoa Xã, trong bản tin Anh Ngữ “China
Voice: Incompetence and laziness mean curtains for China’s officials”
nhắc lại chủ trương nghiêm khắc chống lười của Tập Cận Bình: “Lười biếng
là bệnh không thể chấp nhận trong đảng CS Trung Quốc”.[12]
Chỉ trong vòng 2 năm 2013 và 2014, có
tổng cộng 96,788 cán bộ các cấp đã vi phạm các ngăn cấm của đảng CSTQ
trong đó có lười biếng. Dù cứng rắn bao nhiêu và kỷ luật nhiều cán bộ
bao nhiêu, bệnh lười không có dấu hiệu gì giảm bớt. [13]
Các nước cựu CS sau cách mạng dân chủ
Hàng loạt các cuộc cách mạng dân chủ đầu
thập niên 1990 đã thay đổi khuôn mặt của Đông Âu, không chỉ về các giá
trị tinh thần, tự do, nhân bản nhưng cả trong đời sống vật chất.
Andrei Shleifer và Daniel Treisman trên Foreign Affairs,
tháng 12, 2014 đã đánh giá những khó khăn và thành tựu của các nước cựu
CS qua những nghiên cứu, thống kê, tham khảo rất chi tiết.
Theo nghiên cứu này, nếu dùng Tổng sản
phẩm nội địa (GDP) như thước đo của mức độ phát triển, những quốc gia
cựu CS đã phát triển với một tốc độ nhanh hơn cả những quốc gia đã có
nền kinh tế thị trường tiên tiến trong khu vực. Chẳng hạn trong giai
đoạn mười năm từ 1990 đến 2011, GDP của Uzbekistan gia tăng 47 phần trăm
trong lúc Na Uy gia tăng 45 phần trăm. Lợi tức tính theo đầu người của
Bosnia và Herzegovina, vốn chịu đựng CS và rồi nội chiến, đã gia tăng
gấp năm lần so với thời kỳ CS và là quốc gia phát triển nhanh hạng thứ
ba trên thế giới trong thời kỳ đó, nhanh hơn của Singapore và Hong Kong.
Các phương tiện cần thiết để thỏa mãn
các nhu cầu đời sống đã thúc đẩy con người lao vào sản xuất và qua đó
gia tăng mức lợi tức cá nhân cũng như gia đình. Theo chỉ tiêu cung cầu,
tại Nga, mức cầu của người dân sau 1991 gia tăng 53 phần trăm so với mức
gia tăng 45 phần trăm phần còn lại của thế giới. Riêng Ba Lan, mức cầu
gia tăng 146 phần trăm, cùng hạng với Nam Hàn tiên tiến. Trong thời gian
từ 1993 đến 2011, số lượng xe hơi tính theo đầu người tại các nước cựu
CS Lithuania, Slovenia và Ba Lan cao hơn cả Anh quốc.
Dưới thời kỳ CS, du lịch nước ngoài là
chuyện hiếm hoi, năm 2012, các quốc gia cựu CS đã thực hiện 170 triệu
chuyến du lịch quốc tế. Nhờ vào các chương trình tư hữu hóa nhà cửa,
ngày nay 99 phần trăm người dân Tiệp, 85 phần trăm người dân Armenia, 39
phần trăm người dân Nga được sống trong những căn nhà rộng rãi.
Khi con người tập trung vào sản xuất để
thỏa mãn nhu cầu ngày càng đa diện cũng giúp cho tình trạng sức khỏe
cũng qua đó nâng cao. Bệnh ghiền rượu, vốn là phương tiện duy nhất để
giải sầu dưới thời CS, tự động được chữa trị bằng một đời sống tinh thần
phong phú. Mức độ tiêu thụ rượu trung bình đã từ từ giảm tại các quốc
gia cựu CS. Không giống thời kỳ CS Liên Xô, nơi đó theo một thống kê,
trên 50 phần trăm công nhân thừa nhận có uống rượu trong khi làm việc,
điều kiện và tinh thần làm việc đã thay đổi một cách nhanh chóng sau
thời kỳ CS. [14]
Như Andrei Shleifer và Daniel Treisman kết luận: “gần
như tất cả thống kê đã cho thấy một sự cải thiện cấp bách về phẩm chất
của đời sống đối với người dân các nước cựu CS tính trung bình từ 1989 –
một thay đổi thường vượt qua những tiến bộ tương tự tại các phần khác
của thế giới”.
Bệnh lười tại Việt Nam
Con người Việt Nam, cũng giống như bao
nhiêu tỉ con người khác trên thế giới không phải mang theo bản chất lười
biếng khi ra đời. Hơn thế nữa, nhìn lại lịch sử Việt, nếu dân tộc Việt
Nam lười biếng thì từ lâu đã không có một nước Việt Nam mà là tỉnh An
Nam, tỉnh Nam Việt nào đó của Tàu hay thậm chí đã không còn tồn tại trên
mặt đất này.
Bệnh lười tại Việt Nam đã được phân tích
khá nhiều, người viết không thấy cần phải viết thêm. Điều muốn nhấn
mạnh ở đây, cũng những con người đó, cũng những dân tộc đó nhưng chỉ
trong một thời gian ngắn các quốc gia CS cũ đã hoàn toàn thay đổi. Việt
Nam thì chưa. Một người có nhận thức căn bản cũng hiểu vật cản đầu tiên
và cuối cùng cho tương lai phát triển toàn diện Việt Nam chính là đảng
CS.
Việt Nam sẽ không bao giờ trở thành một
Singapore, Nam Hàn hay Thái Lan ngày nào đảng CS còn cai trị Việt Nam
bởi vì Việt Nam thiếu một nguyên tố quan trọng nhất để thăng tiến, đó là
dân chủ.
Những ai đang mơ một ngày Việt Nam sẽ trở thành Nam Hàn nên đọc phân tích của tạp chí The
Economist: “Nam Hàn không chỉ đơn giản phát triển nhanh. Quốc gia này
đã kết hợp sự phát triển với dân chủ. Mặc dù khởi đi dưới thời một nhà
độc tài quân sự, Park Chung Hee , trong suốt 25 năm, quốc gia đã có một
hệ thống quốc hội đầy sinh động. Theo Freedom House, Nam Hàn có mức độ
phát triển dân chủ ngang với Nhật Bản. Không một nước Á Châu nào có sự
phát triển tốt đẹp tương tự.” [15]
Những người Việt có lòng yêu nước và
biết nhìn xa, xin đừng xoa dịu vết thương xã hội đang mỗi ngày thêm lở
loét bằng những lớp băng bó ngoài da mà hãy mạnh tay cắt bỏ những ung
nhọt đã làm cho thân thể Việt Nam hư thối.
Chỉ có ánh sáng của tự do dân chủ mới
chữa được bệnh lười CS. Tiến trình thay đổi cơ chế chính trị độc tài CS
bằng một cơ chế dân chủ là một tiến trình gian nan và đầy chông gai
thách thức nhưng, như lịch sử các quốc gia cựu CS vừa cho thấy, đó là
chọn lựa của thời đại và không có chọn lựa nào khác.
Trần Trung Đạo