Công nhận kinh tế tư nhân, một vấn đề không mới (Duy Quang)

Ngay từ những năm 86, đảng cộng sản đứng trước một chọn lựa: đổi mới hay là chết. Đổi mới để công nhận quyền tư hữu và cho phép người dân được tự do kinh doanh hay giữ nguyên đường lối chủ nghĩa Mác – Lê đã đề ra là tập thể hóa tất cả tư liệu sản xuất và tiến hành kinh tế tập thể một cách triệt để. Chấp nhận quyền tư hữu của tư nhân là đi ngược với chủ nghĩa Mác – Lê, đảng cộng sản sẽ phải giải thích với người dân thế nào về tính chân lý, về sự ưu việt của chủ nghĩa mà họ đã áp đặt cho Việt Nam. Đó là một lựa chọn cam go như chính họ đã thừa nhận, không đổi mới là chết và tất nhiên họ đã phải lựa chọn một cách bắt buộc. Ngoài nền kinh tế tập thể hợp tác xã, kinh tế tư nhân cũng đã có chỗ đứng một cách khiêm tốn bên cạnh kinh tế tập thể, quyền tư hữu được công nhận. Việc công nhận tư hữu, tư nhân kích thích sản xuất và giao thương Việt Nam đã thoát khỏi nạn đói ngay sau đó.

Cùng với sự thay đổi bắt buộc đó, đất nước cũng chỉ tiến thêm một bước là thoát khỏi nạn đói. Tuy vậy, đất nước đã quằn quại trong 20 năm sau đó trong tình trạng nghèo khổ. Đến năm 1995 đất nước đón một cơn gió mới là quan hệ Việt Mỹ được bình thường hóa. Đây là một hơi thở, một luồng sinh khí mạnh mẽ thổi vào nền kinh tế. Cùng với việc bình thường hóa quan hệ, các nước tư bản mà trước đây bị coi là bóc lột và kẻ thù cần phải đoạn tuyệt được đảng cộng sản nhìn nhận lại, họ không còn là kẻ thù mà là những cơ hội Việt Nam cần tranh thủ. FDI, ODA đổ vào Việt Nam như thác lũ và Việt Nam muốn không phát triển cũng không được, thời điểm từ năm 1996 đến năm 2007 đã là thời điểm phát triển huy hoàng nhất của Việt Nam. Việt Nam đã chỉ phát triển bằng cách từ bỏ các rào cản thương mại, bằng cách tháo gông cùm cho nền kinh tế.

Nguồn lực 80 triệu dân đang sống trong cảnh nghèo khổ là mảnh đất màu mỡ cho tư bản tìm đến, hàng loạt các trụ sở đại diện của các công ty, các công xưởng mọc lên cùng với ngoại tệ đổ vào Việt Nam. Tư nhân giờ đây không còn là những người bán rau, bán cá, những cửa tiệm tạp hóa nhỏ mà còn là những công ty nước ngoài, những tập đoàn đa quốc gia. Tư nhân giờ đây là Kodak, Toshiba, Samsung, Cocacola, LG … Các “ tư nhân nước ngoài “ này thổi vào nền kinh tế một sức sống mới, từ một đất nước chỉ làm nông nghiệp, Việt Nam đã trở thành một nước xuất khẩu. Người Việt Nam ngoài làm nông nghiệp còn có thể đi làm thuê cho các doanh nghiệp nước ngoài. Dù chỉ đi làm thuê thôi nhưng đất nước Việt Nam đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt, người lao động bình thường ở Việt Nam đã bắt đầu có tài sản dự trữ.

Sự phát triển của “ tư nhân nước ngoài” giúp thúc đẩy nền kinh tế nhưng kéo theo một hệ lụy là các tư nhân nước ngoài này có thể quay lại khống chế chính trị trong nước. ĐCS ý thức được vấn đề đó nên nhu cầu cấp thiết phải có các doanh nghiệp nội địa mạnh làm đối trọng. Theo nhu cầu cấp thiết đó, đất nước xuất hiện một tầng lớp tư nhân mới là những ông chủ các tập đoàn bất động sản lớn. Những Vinaconex, Contrexim, Cienco, Đại Thanh, Vingroup, Sungroup, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát – một tầng lớp tư nhân Việt Nam mới lần lượt xuất hiện. Các tập đoàn này phát triển một cách nhanh chóng bằng một phương thức kinh doanh chung duy nhất là buôn bán bất động sản, cụ thể là chuyển đổi quyền sử dụng đất từ đất nông nghiệp, đất xã hội thành đất có sổ đỏ để bán lại cho người dân. Đây là một thị trường siêu lợi nhuận mà bất cứ một doanh nghiệp nào cũng muốn tham gia, vì nếu có thể tham gia dù không muốn lớn cũng không được. Những tư nhân này nhờ quan hệ và hối lộ đã chiếm đoạt tài sản quốc gia – là đất đai như hiến pháp đã quy định, đồng thời chiếm đoạt cơ hội của các tư nhân khác thông qua các khoản vay ưu đãi để đầu cơ bất động sản. Họ vay tiền và thổi giá đất từ 20 năm qua khiến nền kinh tế trở thành bệnh hoạn. Nền kinh tế giờ đây xoay quanh đất, thu nhập chính của nhiều tầng lớp xã hội dựa vào đất và các dự án bất động sản. Vì được ưu đãi chính sách và vay nợ dễ dãi, dư nợ của những tư nhân tài phiệt này ngày một tăng lên theo sự quay cuồng của xã hội cùng với đất.

Nhưng cái gì cũng có giới hạn của nó, giới hạn của giá cả đất đai là thu nhập thực tế của người dân, kinh tế có phát triển thì giá nhà đất mới có thể tăng tương ứng. Vì khi có tiền thì người dân mới có khả năng để mua nhà. Việc chỉ dừng lại ở một quốc gia gia công và xuất khẩu hàng hóa có giá trị thấp nên nền kinh tế Việt Nam sau năm 2008 đã xuất hiện dấu hiệu trì trệ. Sau một thời gian FDI dồn dập vào Việt Nam thời kỳ đầu mở cửa đã có dấu hiệu chững lại do thị trường nội địa đã hết khả năng hấp thụ để có thể tạo ra lợi nhuận cho tư bản nước ngoài. Nhưng đảng cộng sản cần có thành tích để báo cáo, cần phải chứng minh cho người dân Việt Nam thấy là họ đang đưa đất nước phát triển. Công cụ để đo lường sự phát triển của một quốc gia là GDP, đảng cộng sản đã tìm cách tăng trưởng GDP bằng mọi cách. Khi mà vốn đầu tư nước ngoài (FDI) không thể tăng do hết dư địa, sản xuất trong nước không lạc quan thì họ đều đặn bơm những khoản tiền lớn vào nền kinh tế thông qua hệ thông ngân hàng, tăng cường đầu tư công để làm tăng chỉ số GDP.

Như đã phân tích ở trên, ngân hàng luôn có “ nhu cầu” cho vay tiền nhưng phải xét đến khả năng hấp thụ của nền kinh tế. Một người dân chỉ muốn vay tiền đề đầu tư khi họ có thể nhìn thấy cơ hội làm giàu, một doanh nghiệp chỉ muốn vay khi họ thấy các khoản đầu tư của họ có thể mang lại lợi nhuận. Cơ hội ở đâu khi tất cả các lĩnh vực kinh doanh màu mỡ đã bị tư bản thân hữu chiếm đoạt, các doanh nghiệp vừa và nhỏ bị chèn ép cạnh tranh bất bình đẳng khiến họ không thể tồn tại. Và khi họ thực sự nhìn thấy cơ hội thì còn một rào cản lớn nhất của họ là cơ hội để tiếp cận các khoản vay ưu đãi. Vì không nhìn nhận vị trí xứng đáng của các hộ kinh doanh, doanh nghiệp vừa và nhỏ nên các cơ hội luôn vuột khỏi tầm tay để rơi vào túi tài phiệt. Những ưu đãi luôn bị chiếm đoạt bởi các tư nhân tài phiệt thông qua những mối quan hệ, hối lộ hay vì chính trọng lượng của những tập đoàn này – chúng quá lớn để có thể sụp đổ. Đất nước đã lạc lối trong những toan tính cá nhân và sự vô trách nhiệm của những người cầm quyền.

Công nhận vai trò chủ đạo của nền kinh tế là hộ kinh doanh và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tại sao lại là bây giờ?

Nghị quyết 68 mà đảng cộng sản mới ban hành có đề cập rất rõ ràng vai trò chủ đạo của nền kinh tế là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, những doanh nghiệp khởi nghiệp, phụ trợ sản xuất, những hộ kinh doanh. Tư nhân được chỉ rõ ràng là những thành phần này chứ không phải là những Vingroup, Sungroup, Tân Hoàng Minh hay bất kì một tập đoàn bất động sản lớn nào khác. Ông Phạm Minh Chính cũng đăng đàn cổ vũ : “ Mỗi doanh nghiệp là một chiến sỹ tinh nhuệ, quả cảm trên mặt trận kinh tế” và “ Phát động phong trào toàn dân thi đua làm giàu” như một thông điệp hướng tới toàn dân.

Có thể thấy sự nhìn nhận một cách bắt buộc sự thất bại của các lãnh đạo cộng sản khi đã dành quá nhiều ưu đãi cho các tập đoàn lớn hiện tại. Một đề xuất của Vinspeed về việc xin vay vốn với lãi suất 0 đồng để làm chủ đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam hay báo cáo tài chính trong đó nợ vay đã gấp hơn 4 lần vốn chủ sở hữu của Vingroup thời gian qua đã làm rung động xã hội. Không khó để có thể nhìn thấy những tư nhân tài phiệt mà trước giờ chính quyền đã dành mọi nguồn lực ưu đãi đều đã thất bại. Thất bại trên cả kinh doanh trong và ngoài nước, thất bại trên mặt lương tâm và đạo đức mà với vai trò những tập đoàn lớn được dành mọi ưu đãi phải mang lại một điều gì đó cho xã hội.

Trên lĩnh vực kinh tế, trái với những con số báo cáo tăng trưởng 6-8% hàng năm từ năm 2020 đến nay có thể hỏi bất kỳ một người dân nào đều nhận được câu trả lời là nền kinh tế của Việt Nam đang xuống dốc. Chính các bài báo quốc doanh cũng đã nhìn nhận tình trạng các đơn hàng gia công xuất khẩu bị suy giảm, các doanh nghiệp làm thủ tục phá sản nhiều hơn doanh nghiệp xin cấp phép hoạt động, du lịch ảm đạm, hàng quán đóng cửa hàng loạt, lạm phát tăng cao…

Tình trạng kinh tế quốc gia hiện tại đã đứng trước bờ vực của sự sụp đổ: hiện thực bết bát và tương lai đen tối của nền kinh tế, các khoản nợ đến hạn phải trả mà không tìm đâu ra nguồn trả, dư nợ khổng lồ của các tập đoàn bất động sản luôn trong tình trạng báo động sẽ kéo theo sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng đã khiến đảng cộng sản phải hành động. Họ phải làm một điều mà đáng ra họ đã phải làm từ năm 86 bằng nghị quyết 68. Họ hi vọng một kỳ tích, một cơn gió mới, một tình trạng phấn khởi sẽ đến ngay sau nghị quyết này để cứu nguy nền kinh tế. Cũng như tình trạng năm 86 nhượng bộ này là một nhượng bộ bắt buộc của tình thế, đảng cộng sản đã chỉ nhượng bộ khi không còn lựa chọn.

Đất nước đã có thể có một tương lai xứng đáng hơn!

Duy Quang

26/05/2025