CHÚNG TA KHÔNG CHẤP NHẬN MỘT MỨC ĐỘ DÂN CHỦ TỐI THIỂU TRONG MỘT CUỘC ĐUA CẦN MỘT CỐ GẮNG TỐI ĐA (Chu Tuấn Anh)

Chúng ta cần phải rất cảnh giác khi thất bại của đảng CSVN đã rõ ràng và có người muốn áp đặt một mô thức dân chủ bậc thấp cho Việt Nam.
Thực ra Myanmar đã có thể có một mức độ phát triển rất khác nếu họ đặt dân chủ ở một mức độ cao hơn và có một quyết tâm dân chủ hóa lương thiện hơn. Vào năm 2021, thực ra phe quân đội đã đảo chính bà Aung San Suu Kyi vì họ tin rằng mô hình dân chủ quân phiệt của Myanmar sẽ thành công (nghĩa là cho phép dân chủ theo từng giai đoạn và quân đội có thể trở lại bất cứ lúc nào)- chúng ta thấy đây là một thảm họa vô cùng lớn, và cướp đi mất một tương lai khá đáng kể mà Myanmar hoàn toàn có thể có được. Tại Philippines thì mô hình tổng thống chế và một thể thức dân chủ chỉ ở mức khiêm tốn nhất đã khiến Philippines từng bước tụt lại so với khu vực trong đó có Malaysia và rất có thể là Indonesia hay Việt Nam- nếu chúng ta có dân chủ trong tương lai gần. Áp dụng một thứ dân chủ ở mức thấp nhất cũng có nghĩa là dân chủ ở con số 0, vì thực tế dân chủ ở mức độ thấp thường dẫn đến hỗn loạn triền miên và đôi khi còn tỏ ra thua kém những chế độ cởi mở về kinh tế nhưng độc tài về chính trị ở thời điểm thuận lợi nhất trong một số giai đoạn (dù điều đó không nói lên độc tài ưu việt hơn dân chủ).
Cuộc chạy đua về mô hình tăng trưởng ở thế giới Đông Á diễn ra khi cả Hàn Quốc và Đài Loan đều chọn con đường dân chủ hóa kiên quyết- nghĩa là chấp nhận thể chế dân chủ và các giá trị tiến bộ; bắt đầu từ sự đấu tranh không nhượng bộ ngay từ khi những nhà độc tài còn chưa hoàn toàn bế tắc đầu năm 1960 và đã dẫn đến sự chuyển tiếp về dân chủ. Và dân chủ hóa đã khiến họ thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình vào thập niên 1990 và trở thành nước thu nhập cao. Nhật Bản thực tế đã từng tăng trưởng rất nhanh và có lúc người ta cảm tưởng sẽ vượt Hoa Kỳ về quy mô kinh tế nhưng họ đứng khựng lại vào đầu những năm 1990 và đi vào một thập kỷ bất ổn. Nhưng nhìn lại thì sự bất ổn đó cũng đến từ một thời kỳ chuyển tiếp khi dân số già hóa, một nền công nghiệp sản xuất phải nhường chỗ cho một nền kinh tế dịch vụ và sản xuất. Và thực ra dân chủ đã khiến họ thực hiện thành công trong cuộc chuyển hóa bắt buộc này và trở thành một nước tuy không phải siêu cường, nhưng là một đảm bảo lớn của thế giới.
Trung Quốc đã bắt đầu năm 1960 của họ bằng cuộc cách mạng văn hóa và sự điên cuồng của chủ nghĩa cộng sản toàn nguyên để rồi họ chấp nhận mở cửa về kinh tế nhưng không chấp nhận dân chủ về chính trị. Để rồi hôm nay họ cũng chỉ là một quốc gia thu nhập ở mức trung bình và đang có nhiều dấu hiệu hụt hơi. Vị trí siêu cường của Trung Quốc có được hoàn toàn là do quy mô của một đế quốc với diện tích lãnh thổ, dân số, và khả năng gây ảnh hưởng. Cuộc đua về mô hình tăng trưởng đã toàn thắng thuộc về phe dân chủ.
Khối địa lý Ấn Độ châu Á-Thái Bình Dương đang đứng trước một cuộc đua mô hình tăng trưởng mới mà ở đó người ta sẽ thêm vào không gian quốc gia thể chế dân chủ, liên đới xã hội, đổi mới sáng tao,… và đó sẽ là một cuộc cạnh tranh áp lực và vô cùng cam go vì sẽ có nhiều quốc gia sẽ tham gia hơn, và một thế giới khi một bộ phận không nhỏ đã trở thành những nước giàu- ít nhất là ở Hoa Kỳ, châu Âu, và Đông Á: chúng ta vừa phải cạnh tranh với chính khối đang cởi mở, vừa phải cạnh tranh để bắt kịp khối đã phát triển.
Chúng ta không nên có một tâm lý lấn cấn là còn một con đường nào khác thay thế lộ trình dân chủ hóa. Dân chủ không thay thế con người, và ý tưởng nhưng nó quyết định mức hay giới hạn của phát triển. Đó sẽ chỉ là lộ trình duy nhất. Và chúng ta không có cơ hội bắt kịp thế giới nếu chỉ chấp nhận dân chủ ở mức tối thiếu, không còn một con đường nào vươn lên khác ngoài chấp nhận một mức độ dân chủ lương thiện nhất- có nghĩa là mức tối đa bao gồm chấp nhận quả quyết Tuyên ngôn Nhân Quyền Phổ Cập, cùng một mô thức và những định hướng đúng.
Hàn Quốc đã gặp phải di sản chaebol và đến thập niên 90, họ phải chấp nhận đánh sập một phần chaebol bao gồm Daewoo cùng mất đi một thập kỷ tăng trưởng, và di sản chaebol vẫn tồn tại và gây ra tai hại cho đến ngày nay. Dù sao thì thời đại của thế kỷ trước, một sai lầm như vậy còn có thể được chấp nhận; dân chủ hóa tối thiểu chỉ để liên hôn chính trị với tài phiệt cũng sẽ chẳng đóng góp vào một tương lai nào của đất nước. Cần phải nhắc lại là chúng ta sẽ không thể bắt đầu lộ trình dân chủ hóa bằng một cố gắng dân chủ tối thiếu vì ở thời đại của chúng ta thứ dân chủ đó cũng chẳng khác nào một thái độ thủ cựu đòi duy trì độc tài toàn trị của những thế kỷ trước .
Chu Tuấn Anh
27/05/2025