Quốc Phòng Châu Âu : 5 năm để tự chủ quốc phòng, thời gian ngắn cho một hành trình dài (Anh Vũ)

Donald Trump trở lại Nhà Trắng với quan điểm hoàn toàn khác biệt về quan hệ đồng minh rằng Hoa Kỳ có thể sẽ không còn mãi mãi có mặt để bảo vệ an ninh cho châu Âu, đã tạo ra một làn sóng hoang mang thực sự trong 27 nước Liên Âu EU, nhất là khi khối này muộn màng nhận thấy sự yếu kém của mình trước mối đe dọa từ Nga. Châu Âu đang chạy đua với thời gian để hoàn thiện nền quốc phòng của mình.

High Representative for Foreign Affairs and Security Policy and Vice-President of the European Commission Kaja Kallas and European Commissioner for Defense and Space Andrius Kubilius look on as they p
Lãnh đạo ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu Kaja Kallas (T) và Ủy viên Quốc Phòng châu Âu Andrius Kubilius tại thượng đỉnh EU bàn về an ninh quốc phòng, Bruxelles, Bỉ ngày 19/03/2025. REUTERS - Yves Herman

Từ đó trở đi, châu Âu rơi vào vòng xoáy của các sáng kiến ngoại giao để thảo luận, tìm hướng đi mới cho mối quan hệ đồng minh. An ninh quốc phòng bất ngờ trở thành nỗi ám ảnh của các nước Liên Âu. Từ Paris đến Luân Đôn, qua Bruxelles, các hoạt động ngoại giao trở nên náo động hơn nhiều kể từ khi Nhà Trắng chìa tay với điện Kremlin. Một loạt các cuộc họp đã diễn ra giữa các nhóm nhỏ các nước bên trong và bên ngoài EU. Chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng, tại châu Âu đã diễn ra tới 3 cuộc họp thượng đỉnh, nhìn chung đều cùng có một mối quan tâm giống nhau là an ninh quốc phòng.

Vào thứ Năm, ngày 20 tháng 3, mọi sự chú ý lại đổ dồn vào cuộc họp thượng đỉnh Hội Đồng Châu Âu tại Bruxelles, một lần nữa nhằm thảo luận tìm kiếm hướng giải quyết  bài toán quốc phòng cho 27 nước thành viên Liên Âu với chương trình « tái vũ trang » trong 5 năm  đồng thời tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraina.

Để tăng cường khả năng quốc phòng từ nay đến năm 2030 Liên Hiệp Châu Âu đã đưa ra một kế hoạch tái vũ trang châu Âu với nguồn tiền lên tới 800 tỷ euro, tăng tốc đầu tư vào công nghiệp quốc phòng. Các biện pháp để đạt mục tiêu đó cũng đã được kết luận rõ ràng như nới lỏng các quy định ngân sách, cắt giảm bớt một số chuẩn mực để tạo điều kiện phát triển cho ngành công nghiệp quốc phòng. 

Mặc dù có sự thức tỉnh chiến lược trên toàn châu lục, nhưng khi chuyển sang hành động, châu Âu trở lại lối mòn của sự chia rẽ. Ngoài trường hợp Hungary của thủ tướng Viktor Orban, luôn tỏ quan điểm đồng điệu với cả Donald Trump và Vladimir Putin, thì giữa các nhóm nước trong Liên Hiệp Châu Âu vẫn còn nhiều sự khác biệt về chủ trương đi vay để tăng cường năng lực quốc phòng. Đức và Hà Lan vẫn kiên quyết phản đối ý tưởng về một khoản vay chung lớn, dành cho phát triển quốc phòng như EU đã làm trong khủng hoảng đại dịch Covid-19. Ý tưởng này được ủng hộ từ các nước như Pháp, Ba Lan, các nước vùng Baltic, Hay Lạp và thậm chí cả Đan Mạch và Phần Lan, những nước vốn chủ trương tiết kiệm chi tiêu ngân sách.

Năm năm để hoàn thiện tái vũ trang, bảo đảm tự chủ quốc phòng là một khoảng thời gian quá ngắn cho một mục tiêu xa, trong bối cảnh các nước thành viên Liên Âu đều có vấn đề về tài chính. Giải pháp là tìm kiếm mối hợp tác mới từ bên ngoài Liên Âu.

EU mong muốn hợp tác với các nước thứ ba như Na Uy, Nhật Bản hay Hàn Quốc và có thể ký các thỏa thuận với Canada và Vương quốc Anh. Mục đích là để châu Âu tự chủ về mặt quân sự và hạn chế sự phụ thuộc vào Hoa Kỳ, quốc gia hiện đang cung cấp hơn 60% thiết bị quân sự mà quân đội châu Âu sử dụng.

Việc Anh xích lại gần châu Âu là một trong những hệ quả đáng chú ý nhất của sự suy giảm cam kết từ Mỹ. Trong khi những nỗ lực « cài đặt lại quan hệ » sau Brexit vẫn gặp khó khăn, những hiềm khích cũ giữa Luân Đôn và một số thủ đô châu Âu vẫn thi thoảng nổi lên. Tuy nhiên, thủ tướng Anh Keir Starmer đã trở thành một nhân vật trung tâm trong nỗ lực của châu Âu nhằm giữ Washington ở lại trong hồ sơ Ukraina, cũng như tích cực tham gia trực tiếp giải quyết vấn đề an ninh châu lục. « Với Anh, mọi thứ thực sự đã sang trang, chúng ta đã bước vào một tầm mức khác », Camille Grand, chuyên gia thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu nhận xét và c coi đây là một bước ngoặt.

Tại nước Đức, đầu tầu kinh tế của châu Âu, thủ tướng tương lai Merz đã nhận được sự chấp thuận của Quốc Hội cho một kế hoạch nợ khổng lồ. Ông trình bày đây là bước đầu tiên hướng tới việc thành lập một « cộng đồng quốc phòng châu Âu mới », mở cửa cho các quốc gia « ngoài EU », chẳng hạn như Vương quốc Anh. Theo ông, Đức hiện đã sẵn sàng đóng vai trò chủ chốt trong việc xây dựng hệ thống phòng thủ châu Âu. Những gì đang diễn ra cho thấy  « hiệu ứng Trump » đang làm biến đổi châu Âu như thế nào.

Anh Vũ

21/03/2025

Nguồn: RFI Tiếng Việt