Trước áp lực của Donald Trump, tổng thống Ukraina đến Mỹ để ký thỏa thuận về khoáng sản và đất hiếm (Chi Phương)
Trước sức ép của Hoa Kỳ, tổng thống Volodymyr Zelensky gặp tổng thống Donald Trump hôm nay, 28/02/2025, tại Nhà Trắng, để ký thỏa thuận khung, cho phép Washington khai thác khoáng sản và đất hiếm tại nước này, đổi lại khoản viện trợ mà Hoa kỳ cấp cho nước này từ 3 năm qua.
Nguyên thủ Hoa Kỳ tiếp ông Zelensky tại Nhà Trắng vào lúc 11 giờ, theo giờ địa phương hôm nay. Trước đó một ngày, theo AFP, tổng thống Trump vốn được biết đến là người « lật mặt như trở bàn tay », đã bác bỏ những chỉ trích đối với tổng thống Ukraina, coi ông là « kẻ độc tài».
Tổng thống Mỹ tỏ ra ngạc nhiên : « Tôi đã nói thế à, không thể tin là tôi đã nói như vậy », sau đó ông khẳng định rất tôn trọng người đồng cấp Ukraina và cho rằng nước này « rất dũng cảm ».
Thỏa thuận mà hai bên dự trù ký kết vào hôm nay, cho phép Hoa Kỳ tiếp cận các nguồn tài nguyên của Ukraina, để đổi lại khoản viện trợ tài chính và quân sự mà Washington dưới chính quyền Biden, đã cấp cho Kiev từ 3 năm qua để chống Nga.
Cụ thể, theo Reuters, thỏa thuận này sẽ yêu cầu Ukraina « phải đóng góp 50 % tất cả các doanh thu của các hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên trong tương lai », vào một quỹ do Hoa Kỳ và Ukraina cùng sở hữu và quản lý ».
Thỏa thuận này cũng có một số điểm khác biệt, không nhắc đến khoản tiền 500 triệu đô la, theo yêu cầu ban đầu của ông Trump, cũng như không hề đề cập đến việc bảo đảm an ninh cho Ukraina.
Tuy nhiên, hôm qua, chính Donald Trump đã khẳng định rằng thỏa thuận này sẽ đóng vai trò như một « lưới bảo vệ », vì « không ai muốn gây phiền phức nếu chúng tôi ở Ukraina, đưa nhiều nhân lực Mỹ đến đó để khai thác khoáng sản. » Hôm qua, nguyên thủ Mỹ khẳng định tin tưởng vào tổng thống Nga về thỏa thuận ngừng bắn, nếu đạt được và ông đã rất nỗ lực tìm cách chấm dứt chiến tranh. Đồng thời tổng thống Mỹ đe dọa « thỏa thuận ngừng bắn sẽ đạt được nhanh chóng, hoặc là sẽ không có thỏa thuận nào ».
Ukraina chứa khoảng 5 % trữ lượng khoáng sản thế giới, phần lớn chưa được khai thác, do khó tiếp cận, hoặc là những vùng bị Nga chiếm đóng.
Chi Phương - RFI Tiếng Việt
28/02/2025