Tự hỏi chính mình (Yến Vương)

 Rồi đây qua cơn mê,

Sông cạn lại thành giòng

Xuôi về ngọt quê hương

(Qua cơn mê – Trần Trịnh & Nhật Ngân)

Nếu bạn đã bỏ thời gian ra để đọc bài viết này thì hẳn bạn phải là một người quan tâm tới tình hình chính trị của đất nước. Và nếu bạn đã theo dõi chúng tôi đủ lâu thì hẳn bạn biết rõ tình hình hiện nay của đất nước cũng như tình hình của chúng tôi.

Bây giờ ở miền Trung đang là mùa mưa. Tôi như thấy mẹ Việt Nam lầm lũi đi trong đêm tối. Mẹ Việt Nam dường như kẹt trong những cơn mưa bất tận, hay là trời đang khóc thương cho số phận của những đứa con bà ? Trần Khắc Đức, một người anh em của chúng tôi và một đứa con ưu tú của mẹ Việt Nam đã phải bước vào nơi ngục tù đen tối.

tran-khac-duc-chay-viet-da
Trần Khắc Đức trong một cuộc thi chạy việt dã.

Đứa con của mẹ là một đứa trẻ, lớn lên ở vùng Nghệ An, đã quen trải qua mưa gió, nhưng hiếm có năm nào mưa gió lớn như năm nay. Gió mùa thổi qua người mẹ Việt Nam. Nghe như trong cơn gió có biết bao nhiêu lời tâm sự, nghe như gió cuốn theo lời nhắn nhủ của núi sông. Rồi sấm trả lời gió. Đứa trẻ bỗng chốc đã trưởng thành và chàng trai Trần Khắc Đức biết mình phải làm gì đó cho mẹ Việt Nam.

Tôi biết rằng bây giờ rất nhiều cặp mắt đang dõi theo chúng tôi, trong đó có cả những người đang phục vụ chế độ cộng sản. Tiếp xúc qua với Đức thì các anh cũng đã thấy rồi, kể cả lúc bị đánh và lúc bị bắt, Đức không hề tỏ thái độ hung tợn hay thù hận. Tôi hiểu về con người Đức đủ để biết anh ấy đã tỏ thái độ nào khi bị bắt và bây giờ đang có thái độ nào. Tôi là một trong những người đầu tiên gặp Đức để chia sẻ lập trường của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, và Đức nhanh chóng tán thành lập trường đa nguyên, bất bạo động cũng như hòa giải và hòa hợp dân tộc. Đức trở thành một đại diện cho lập trường ôn hòa và đúng đắn này. Đức lúc nào cũng cười, nụ cười rất tươi, anh cũng chưa bao giờ nặng lời với ai, nhưng lần này tôi không thấy anh cười nữa bởi vì anh đã thấy một hành động quá đỗi tối tăm tồi dở.

Anh Đức đã làm gì để phải bị bắt ? Viết bài nói lên những vấn đề của xã hội là tội chăng ? Đăng tải những bài viết về thực trạng của Trung Quốc là tội chăng ?  Những điều anh viết và đăng tải có sai không ?

Chúng ta đều rõ là đất nước sẽ không thể thoát khỏi tình trạng bế tắc hiện nay. Và chúng ta đều rõ là đất nước cũng vẫn sẽ ở trong tình trạng tồi tệ cho dù chế độ hiện nay đột ngột sụp đổ. Phải làm sao ? Vậy nếu chế độ cộng sản cuối cùng cũng chịu lấy quyết định dân chủ hóa sau khi đã không thể đàn áp được nữa ? Vậy cũng có thể chỉ là khởi đầu cho một bi kịch mới khi tất cả căm thù của quần chúng bộc phát cùng một lúc. Chúng ta sẽ ra sao ? Dù không biết rõ nhưng chắc hẳn các bạn cũng hiểu là kịch bản đó sẽ rất tàn khốc, đúng không ? Dường như trong dòng lịch sử mấy thế kỷ qua Việt Nam cứ luôn tìm những chốn đoạn trường mà đi. Nếu không thì tại sao nhiều người lại tìm đường đi ra nước ngoài như vậy ?

Nhưng, tìm đường ra nước khác sao ? Có bao nhiêu người sẽ thoát đi được để nhập cư vào một nước khác ? Còn những người ở lại ? Có bao nhiêu người trong số đó có thể đưa hết người thân của mình sang những nước khác ? Còn bao nhiêu người phải ở lại ? Rồi bao nhiêu người sẽ gặp nạn, sẽ chết trên đường vượt biên ? Nước Việt Nam ngày nay đã quá phức tạp và thế giới ngày nay cũng quá phức tạp để một lực lượng nào đó chỉ bằng những diễn ngôn hời hợt có thể tái thống nhất đất nước, chưa nói tới trị an và trật tự. Nếu như đất nước bắt đầu tan rã trong loạn sứ quân và thậm chí là loạn sứ quân với bàn tay can thiệp của nước ngoài thì khi nào nó mới chấm dứt ? Có lẽ là không bao giờ. Vậy sao chúng ta không thể ngồi lại, sao chúng ta không thể tìm giải pháp khác ? Và tại sao nói về một giải pháp khác lại có thể là điều đem tới tai ương, là điều mang chúng ta tới lao tù ?

Việt Nam là gì đối với bạn ?

Là những cánh đồng lúa, những dãy núi hay là những con sông thôi sao ? Vậy còn những con người tốt bụng ? Dù là ai chắc chắn bạn từng được những người tốt trên đất nước này giúp đỡ ít nhất một lần, họ không xứng đáng được có một cuộc sống tốt đẹp hơn sao ? Có những người thất vọng vì đất nước này có quá nhiều kẻ xấu, họ chán ngán đất nước tới nỗi họ không muốn giải thích lý do khiến họ chán ngán. Họ tin rằng Việt Nam không thể có dân chủ hoặc nếu có thì cũng là loại dân chủ què quặt không hơn gì một chế độ độc tài. Nhưng có lẽ trong lúc bị nỗi thất vọng che mờ đầu óc người ta đã quên đi sự thật rằng không có đất nước nào chỉ có người xấu hết. Và cũng như không có con người nào hoàn toàn xấu xa, mỗi người chúng ta đều có một phần lương thiện bên trong.

Đất nước, ngoài đất và nước, còn là những con người cảm thấy liên đới với nhau trong một tương lai chung.

Trước khi là người cộng sản hay là người đấu tranh thì chúng ta là con người, và là người Việt Nam. Có thể bạn đã từng nghe rằng người đấu tranh là những kẻ thiếu hiểu biết nhưng luôn dùng mọi thủ đoạn để đoạt lấy quyền lực, và rằng khi đã đoạt được quyền lực họ sẽ trả thù, giống như những triều đại trước đây đối xử với triều đại cũ vậy. Có thể bạn đã từng nghe rằng người cộng sản là một giống loài khác, không nên được xem như con người vì vô cùng độc ác và luôn luôn tráo trở. Hãy để những lời nói đó qua một bên và nhớ lại rằng mỗi người chúng ta đều đã từng là những đứa trẻ vô tư, mỗi người chúng ta đều đã từng có ước muốn tốt đẹp nào đó, cho người khác và cho đất nước này. Ai cũng có những giấc mơ, ai cũng có những suy nghĩ tốt. Vậy thì tại sao chúng ta không nhìn lại nhau để thấy rằng người trước mặt không phải là đối tượng để thù ghét, để đàn áp hay để nguyền rủa. Họ cũng biết yêu thương, biết lo lắng, cũng có lúc yếu đuối và cũng có lúc cần được nương tựa vào ai đó, cũng có lúc ghê sợ trước điều ác và cũng có lúc hân hoan trước cái thiện, cũng biết khóc và cũng biết cười, và rằng chúng ta cũng đều là người Việt Nam.

Ai cũng có những giấc mơ, ai cũng có những suy nghĩ tốt. Vậy thì bạn ơi sao không thử, thử nhìn nhau như là người Việt Nam. Có bao giờ bạn từng thử chưa ? Ai cũng từng là một đứa trẻ vô tư, ai cũng từng có ước muốn tốt đẹp nào đó. Có bao giờ bạn thử trở về làm một đứa trẻ để rồi thấy người trước mặt cũng từng là một đứa trẻ chưa ? Đất nước không chỉ là không gian mà còn là những con người. Bạn hãy nhìn những con người trước mắt, họ đều đã từng là những đứa trẻ vô tư lự. Bạn có nhìn thấy những đứa trẻ Việt Nam vô tư trên bãi đất trống vùng ngoại ô, trên đường lên dốc núi, trên sân trường học, trên những chiếc ghe, trên những chiếc thuyền thúng, trên đường đi lễ nhà thờ, trên bậc thềm ngôi chùa tĩnh lặng, trên những cánh đồng lúa được nhuộm vàng trong nắng chiều lấp lánh, trên con đường quê nhìn lên bầu trời đêm đầy tia sáng hi vọng…

Hiện tình của chúng ta là một nước với tỷ lệ sinh thấp và giảm liên tục, quần chúng rã hàng và tìm cách chạy ra nước ngoài. Tình trạng tham nhũng ở nước ta đã vượt qua rất nhiều nước khác, trở thành một điều đương nhiên thâm nhập vào tất cả mọi ngóc ngách, càng chống tham nhũng người ta càng thấy xuất hiện nhiều đại án tham nhũng. Giá trị bị đảo lộn, những tay giang hồ cho vay nặng lãi lên mạng dạy người khác cách sống, cách làm giàu và được con em chúng ta coi như thần tượng. Báo chí của chính quyền thừa nhận rằng 30% dân số bị rối loạn tâm thần. Chúng ta hàng ngày phải đi làm cùng với ô nhiễm, kẹt xe, đường thì ngập kể cả ở vùng cao, vùng ven biển. Chúng ta làm cả nghề tay trái để kiếm thêm thu nhập, nhưng giá nhà thì ở trên trời và người ta không dám hạ nó xuống bởi vì nó có thể kéo cả nền kinh tế sụp đổ. Chúng ta oằn mình đối phó với chi phí nuôi con, mua thức ăn cho con mình rồi thỉnh thoảng lại nghe có người nhập viện vì ngộ độc thực phẩm trong khi bệnh viện thì thiếu vật tư. Rừng bị tàn phá, sông biển bị ô nhiễm, đất bị sạt lở…

Và chúng ta cũng không còn chủ quyền. Riêng một công ty Samsung của Hàn Quốc đã chiếm tới 1/4 nền kinh tế, quyết định sinh kế của hàng trăm ngàn đồng bào. Những kẻ buôn người từ Campuchia, từ khu Tam Giác Vàng bắt người ngay trên lãnh thổ Việt Nam đem ra nước ngoài. Tình trạng này có nghĩa là chính quyền đã bắt đầu mất chức năng kiểm soát lãnh thổ. Có thể tình trạng này đã có từ lâu rồi và diễn ra thường xuyên hơn là những gì báo chí tiết lộ. Chính ông Tô Lâm lúc còn là bộ trưởng công an kể rằng nhiều gia đình nhắn tin cầu cứu ông vì tội phạm ma túy, bây giờ chúng ta vẫn thấy tội phạm ma túy hoành hành ngang dọc mà án tử hình không răn đe được.

Chúng ta có thể rơi vào tình trạng như Mexico hay Phillippines là những đất nước không thành (failed state) vì chính quyền mất quyền kiểm soát lãnh thổ vào tay các băng đảng. Chúng ta cũng đã thấy những chế độ cộng sản cũ như Serbia, Liên Xô, Tiệp Khắc tan vỡ, đã thấy Albania, Romania lâm vào nội chiến, đã thấy Bulgaria sa lầy trong hỗn loạn. Rất nhiều nước Liên Xô cũ cho tới nay vẫn ngập trong hỗn loạn và thậm chí mất kiểm soát một phần lãnh thổ. Gần đây chúng ta cũng thấy Myanmar lâm vào nội chiến và Venezuela rơi vào loạn sứ quân, phải nhắc lại rằng cả hai nước này đều đã từng cố gắng đi theo con đường cộng sản. Và cũng cần phải nhắc tới những vụ trả thù xã hội ở Trung Quốc, nơi mà khả năng rất cao sẽ tan rã trong tương lai bởi chiến loạn. Thời đại toàn cầu hóa mà người ta xét lại khái niệm quốc gia này đe dọa tất cả mọi nước. Ngay những nước dân chủ phồn vinh còn bị đe dọa ly khai…

Bạn có nhìn thấy những đứa trẻ Việt Nam không ?

Mỗi người Việt Nam đều từng là một đứa trẻ vô tư lự, và đứa trẻ nào cũng có giấc mơ. Giấc mơ của bạn có xa nơi đây lắm không ? Giấc mơ của bạn ở ngoài đại dương xanh bao la kia, hay nó ở trong căn nhà nhỏ đứng chờ bạn dưới nắng vàng miền quê ? Hay giấc mơ ở cả hai nơi ? Bạn có nhìn thấy một đứa trẻ đứng giữa cánh đồng không ? Đứa trẻ đó tên là Trần Khắc Đức. Đức có đôi mắt buồn nhưng nếu chúng ta cười, Đức cũng sẽ cười thật tươi. Đức muốn nhìn thấy chúng ta cười. Và nếu bạn có khóc cũng không sao hết bởi vì trẻ con thì chợt khóc chợt cười, hãy nắm tay nhau, và hãy nắm tay Đức, tiến về phía trước. Hãy nghe những lời nhắn nhủ của núi sông trong tiếng gió…

Trần Khắc Đức đã luôn ấp ủ và lan tỏa một giấc mơ đẹp, một giấc mơ Việt Nam tự do, dân chủ và đầy tinh thần bao dung.

…Trời vẫn đang mưa trên khắp đất mẹ Việt Nam và mây đen vẫn đang phủ. Nhiều chiếc xe cố gắng lội nước, trên lề đường xe đẩy bánh mì vẫn đang cố mưu sinh. Người Việt Nam vẫn phải tiếp tục đối phó với cơm áo gạo tiền. Gần như không ai biết về mối nguy giải thể đất nước, và cũng rất ít người chịu bỏ thời gian ra tìm hiểu về những gì các nước cộng sản cũ đã phải trải qua. Ngay cả các đảng viên cộng sản thì có bao nhiêu người đã tìm hiểu về Bulgaria, Romania, Albania, Tiệp Khắc, Gruzia…hậu cộng sản ra sao ? Mọi người chỉ biết rằng tương lai mơ hồ và không đẹp.

Trong những nước hậu cộng sản mà tôi vừa kể tên, tôi đã không nhắc tới Ba Lan. Ngày hôm nay, khi Việt Nam đang kẹt cứng trong bẫy thu nhập trung bình thấp thì Ba Lan vừa thoát được bẫy thu nhập trung bình cao. Ba Lan đã đặt được chân vào nhóm nước giàu. Họ cũng nằm trong nhóm những quốc gia rất ít tham nhũng. Chất lượng giáo dục Ba Lan được đánh giá rất cao. Năm 2004 Ba Lan gia nhập EU, năm 2007 gia nhập khối Schengen, kể từ đó người ta có thể tự do đi lại khắp châu Âu. Tuy vậy họ vẫn có nhiều vấn đề. Các cơ quan EU cho rằng nhánh tư pháp của Ba Lan đã mất đi tính độc lập, nhiều nước EU không còn tin tưởng vào nền tư pháp Ba Lan nữa. Ba Lan ngày hôm nay còn bất ổn vì những cuộc biểu tình của nông dân. Các thủ tướng và tổng thống thường xung đột với nhau kéo theo sự chia rẽ trong quần chúng. Lãnh đạo chính trị Ba Lan thường xuyên công kích nhau, người này tố cáo người kia từng hợp tác với an ninh cộng sản làm cho người dân mất niềm tin vào những người từng là cứu tinh dân tộc.

Nhưng nếu so với Việt Nam thì sao ? Những người Việt đặt chân tới đây thời cộng sản từng hoang mang không hiểu sao nhân dân Ba Lan đứng về phía bọn phản động giờ đây thấy rất may mắn vì được định cư trên một nước có mức thu nhập cao. Ngay bây giờ nhiều người ở Việt Nam còn đang lên kế hoạch định cư tại Ba Lan bằng cách đi du học, bằng cách bỏ tiền ra đầu tư vào Ba Lan và cả bằng cách nộp tiền để đi xuất khẩu lao động. Có người nhờ người thân ở Ba Lan bảo lãnh để được sang đó. Và có người đang phải nhờ tới dịch vụ làm thẻ cư trú giả để ở lậu tại Ba Lan. Đất nước Ba Lan ngày hôm nay có chỗ đứng cho tất cả mọi công dân, kể cả người cộng sản cũ và người Việt tại đây có thể hãnh diện vì họ đã là người Ba Lan.

Vậy tại sao chúng ta không thể hãnh diện vì là người Việt Nam ?

Chuyển dòng vận mệnh của đất nước theo hướng Ba Lan là một kịch bản khả thi. Tại sao lại không ? Người Ba Lan không phải là một giống người quá ưu việt so với chúng ta. Có thể các anh em sống ở Ba Lan hoặc có người thân ở Ba Lan muốn phản đối, nhưng anh em nào đã từng học chung với người Ba Lan có thể nhận ra là họ không hơn người Việt chúng ta bao nhiêu. Anh em có thể nói rằng người Việt chỉ giỏi học còn làm thì thua xa người ta. Đúng là chỉ học giỏi thì cũng không đủ, nhưng thực sự chất liệu con người Ba Lan không hẳn là ưu việt hơn con người Việt Nam đâu.

Trong hành trình về dân chủ Ba Lan cũng đã mắc nhiều sai lầm. Ngay nhiệm kỳ đầu tiên sau khi thoát khỏi chế độ cộng sản nền kinh tế của họ vốn đã khủng hoảng lại càng khủng hoảng hơn, quốc hội và chính phủ Ba Lan lúc đó y như một cái chợ vỡ. Cũng chính vì không quản lý được đất nước mà lực lượng dân chủ Ba Lan thất cử ngay sau đó, để cho người cộng sản cũ quay lại nắm quyền gần 10 năm và bộ máy nhà nước lúc đó vẫn rất tham nhũng. Hiện tại tuy đã khá hơn xưa nhiều nhưng một nửa nước Ba Lan đang đi theo khuynh hướng dân tộc cực đoan. Ba Lan hiện tại hơn Việt Nam, nhưng trình độ của họ là một trình độ mà chúng ta có thể đạt tới được.

Chúng ta có thể tạo kịch bản Ba Lan ngay trên đất nước mình nhưng trước hết phải giữ cho đất nước không tan vỡ đã. Sau đó chúng ta phải chấp nhận một cách quả quyết những giá trị tiến bộ của nhân loại, đó là tự do, đa nguyên, liên đới, hòa bình, hợp tác, lợi nhuận, môi trường, bình đẳng, nhà nước pháp trị, đối thoại. Con đường phải đi đã có. Vấn đề là người Việt chúng ta có đủ niềm tin để dồn hết ý chí và nỗ lực cho con đường này, hay sẽ đầu hàng vì sự mệt mỏi trong tâm trí và chọn thảm kịch.

Chính vì vậy mà đây là lúc lý trí phải thức tỉnh để kêu gọi con tim, là lúc lời nói phải xuất phát từ lương tâm. Chúng ta đã lang thang dưới cái đêm dài bất tận này bao lâu rồi ? Trong bóng tối mịt mờ chúng ta để mặc cho dòng đời xô đẩy mình, chúng ta không biết tin tưởng vào ai. Chúng ta khoác lên mình sự gai góc để che giấu những vết thương lòng bởi vì đã nếm bao nhiêu cay đắng, đã mắc phải bao nhiêu cạm bẫy của cuộc đời để rồi phải dính bao nhiêu thứ dơ bẩn. Đất nước kẹt trong bẫy thu nhập thì tất cả chúng ta cũng kẹt trong vòng xoáy mưu sinh. Chúng ta buộc phải luồn lách tránh né để sống dưới hệ thống này, ngay cả khi chúng ta kiếm được một vị trí trong chính quyền thì cũng không khá hơn bao nhiêu. Chúng ta phải trả một cái giá cao để cải thiện vị trí của mình trong bộ máy. Càng leo lên cao bao nhiêu càng nhiều bó buộc bấy nhiêu, muốn nói mà không nói được, muốn làm mà không làm được. Bởi vì chúng ta phải đeo chiếc mặt nạ vô cảm để nhìn hệ thống này chà đạp lên giấc mơ tuổi trẻ của mình. Đối với những người bỏ nước ra đi thì cái giá phải trả là vứt bỏ tất cả quê hương và hoài bão. Có lúc chúng ta thấy mình sống như kẻ mất trí.

Cho nên hãy đốt đuốc lên, để xua tan đêm tối. Hãy đốt đuốc lên để nhìn rõ khuôn mặt người phía trước mình, cho dù đó là một người bình dân hay một công chức, cho dù đó là một công an hay một người đã bỏ lại tất cả để ra hải ngoại, hay dù đó là một người tù chính trị, thì tất cả đều có đôi mắt chất chứa nỗi uất ức, tất cả đều là nạn nhân của hệ thống này, và tất cả đều là người Việt Nam. Và trong bóng tối của ngục tù đó là một người Việt Nam tên là Trần Khắc Đức. Chúng ta đốt đuốc đi tìm nhau và chúng ta đã tìm thấy Đức, và Đức cũng tìm thấy chúng ta. Nếu bạn đã nhìn thấy những điều đó thì có nghĩa là trong lòng bạn đã đốt đuốc lên. Chúng ta nhìn thấy nhau, lấm lem những dơ bẩn của hệ thống. Nhưng không sao. Lương tri lúc nào cũng còn đó và giấc mơ của mỗi người cũng còn đó, hãy lau chùi và chúng sẽ sáng lên. Tìm lại được giấc mơ của mình thì mỗi chúng ta đều là ý chí còn lại của dân tộc.

ngon-duoc
Tư tưởng dân chủ đa nguyên trong tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc mà Trần Khắc Đức theo đuổi sẽ là ngọn đuốc sáng dẫn đường cho đất nước ra khỏi đêm đen và ngõ cụt.

Chúng ta sẽ thay đổi dòng chảy số phận của đất nước, cho cả chúng ta và mọi người. Chúng ta sẽ giải phóng cho những người muốn làm một cái gì đó cho đất nước, đem họ ra khỏi cô đơn và bất lực. Rồi sẽ không còn những người gặp nạn, phải chết trên đường vượt biên nữa. Nước Việt Nam rồi đây sẽ vươn mình, sẽ thay đổi, rồi con cháu chúng ta sẽ được sống trong một nước lớn.

Làm người Việt Nam cho tới nay đã là một điều bất hạnh thì làm người Việt Nam trong một tương lai gần sẽ phải là một niềm vui, một may mắn và một nguồn hãnh diện. Vậy nên chúng ta hãy ngồi lại, rồi chính chúng ta sẽ là giải pháp khác. Và giải pháp này sẽ cứu được đất nước của ông cha, rồi thế hệ sau sẽ hãnh diện gọi tên đất nước mình.

Khi mưa vừa mới tạnh, có lúc nào bạn thử đứng ở một bãi cỏ xanh rì, ngắm nhìn bầu trời Việt Nam trong xanh sạch bóng mây đen chưa ? Hãy thử nghe xem có tiếng gì đó không. Có thể là tiếng gió, cũng có thể là tiếng đất mẹ Việt Nam.

Yến Vương

(31/12/2024)