Giám định tư tưởng : công cụ đàn áp chính trị (Trần Khánh Ân)

                                        Tự do tư tưởng là quyền cơ bản, bất khả xâm phạm của con người.

tudo1

Tự do tư tưởng là quyền cơ bản, bất khả xâm phạm của con người.

Giám định tư tưởng là một công cụ đàn áp

John Stuart Mill, nhà triết học nổi tiếng trong thế kỷ 19, từng nói : "Nếu tất cả nhân loại trừ một người có chung một ý kiến, thì nhân loại cũng không có quyền bắt người đó im lặng, cũng như người đó không có quyền bắt nhân loại im lặng". Thế nhưng, tại Việt Nam, chính quyền đang đi ngược lại nguyên tắc này khi sử dụng cái gọi là "giám định tư tưởng" như một công cụ để đàn áp, buộc tội những người lên tiếng đòi hỏi tự do và dân chủ, những quyền cơ bản nhất của nhân loại.

Trong những năm gần đây, nhiều người hoạt động vì dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam đã bị bắt giữ, xét xử dựa trên cáo buộc "tuyên truyền chống nhà nước". Đáng chú ý, cơ quan chức năng thường viện dẫn các kết quả "giám định tư tưởng" của "Hội đồng giám định tư tưởng" để làm căn cứ buộc tội. Những tài liệu, bài viết, phát ngôn, hay thậm chí các bài đăng trên mạng xã hội bị gán ghép là "chống phá", mà không cần bất kỳ bằng chứng rõ ràng nào cho thấy họ thực sự gây hại đến trật tự công cộng hay an ninh quốc gia.

Giám định tư tưởng, trong thực chất, là một công cụ mang tính áp đặt. Nó không chỉ xâm phạm quyền tự do tư tưởng, mà còn mở đường cho sự lạm quyền, khi bất kỳ ai bày tỏ ý kiến trái chiều cũng có thể bị "gắn mác" chống đối. Điều này không chỉ bất công với những người hoạt động dân chủ mà còn tạo ra một môi trường xã hội đầy sợ hãi, nơi quyền tự do ngôn luận bị bóp nghẹt.

Giám định tư tưởng xâm phạm quyền cơ bản và vi phạm luật pháp quốc tế

Theo Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR), mà Việt Nam là thành viên, quyền tự do tư tưởng và tự do biểu đạt là những quyền không thể bị hạn chế một cách tùy tiện. Điều 19 của công ước khẳng định rằng mọi người đều có quyền tự do bày tỏ quan điểm mà không bị cản trở. Tuy nhiên, việc chính quyền Việt Nam áp dụng "giám định tư tưởng" để buộc tội những người đòi hỏi dân chủ là một hành vi trái ngược hoàn toàn với các cam kết quốc tế. Đây không chỉ là vi phạm quyền con người, mà còn làm mất uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, khiến hình ảnh đất nước gắn liền với chế độ độc tài và chuyên chế, lấy đàn áp và kiểm soát tư tưởng làm phương châm hành động.

Hậu quả xã hội và chính trị

Việc sử dụng giám định tư tưởng để đàn áp các quan điểm đối lập không chỉ đe dọa cá nhân, mà còn làm tổn thương nghiêm trọng đến nền tảng dân chủ và tiến bộ của xã hội. Một đất nước không có tự do tư tưởng sẽ trở thành một xã hội bị bưng bít, thiếu sự phản biện và đối thoại cần thiết để phát triển, nói chung không thể có tiến bộ và phát triển. Những người hoạt động vì dân chủ không phải là mối đe dọa ; họ là những người đem trí tuệ và lòng can đảm để cống hiến và xây dựng một xã hội công bằng hơn. Việc đẩy họ vào tù thông qua những cáo buộc mơ hồ chỉ làm tăng thêm sự bất mãn trong lòng người dân, đồng thời cản trở sự tin tưởng vào tương lai đất nước và sự tiến bộ của cả một quốc gia.

Hãy trả lại cho người Việt Nam quyền tự do tư tưởng

Giám định tư tưởng không phải là một công cụ pháp lý chính đáng, mà là sự lạm quyền, bóp nghẹt quyền tự do biểu đạt, quyền tư tưởng và không những thế nó còn là bằng chứng vi phạm nhân quyền.

Chính quyền Việt Nam cần chấm dứt việc sử dụng phương pháp giám định tư tưởng này để bịt miệng và đàn áp những người hoạt động dân chủ. Hơn nữa, thực tế và những kinh nghiệm lịch sử cận đại cho thấy, không ai và không chế độ nào có thể che tai, bịt mắt và khóa miệng người dân mãi mãi.

Hãy trả tự do cho Trần Khắc Đức

Nói tới đây tôi không thể không nhắc tới một Chí hữu của chúng tôi – anh Trần Khắc Đức, một thanh niên hiền lành, thông minh và quả cảm đang bị giam giữ chỉ vì ủng hộ và theo đuổi một tư tưởng không những đúng mà còn đẹp, không những chính đáng mà còn cao cả.

Chúng tôi coi những người như anh Trần Khắc Đức là tấm lòng, là trí tuệ, là tài sản ít ỏi còn lại của Quốc gia.

Ông Tô Lâm và Đảng cộng sản đang hô hào và kêu gọi mở ra một Kỷ nguyên mới, một Kỷ nguyên mà ông Tô Lâm nói rằng không thể tách rời xu hướng của Thế giới. Xu hướng của Thế giới là xu hướng nào ? Có phải là đem nhốt những tinh hoa của đất nước, "cất giữ trí tuệ và tài sản" còn lại của dân tộc để đổi lấy những hợp đồng buôn bán, xuất khẩu hàng gia công trị giá thấp nhờ nhân công rẻ ?

Không phải thế, xu hướng của thế giới là hòa nhập vào cộng đồng tiến bộ chung dựa trên tự do và dân chủ để cùng tiến hóa, trong đó mọi người đều có tiếng nói và chỗ đứng ngang nhau trong tình anh em tìm lại.

Trả tự do cho Trần Khắc Đức không những là hoạt động sáng suốt mà còn là một thái độ dũng cảm được hướng dẫn bởi trí tuệ - tôn trọng quyền tự do phát biểu, quyền tự do tư tưởng.

Như John Stuart Mill đã nói, quyền tự do tư tưởng không chỉ là quyền của cá nhân, mà còn là nền tảng cho sự phát triển và hưng thịnh của cả một xã hội.

Đã đến lúc Đảng cộng sản Việt Nam hãy bình tâm nhìn lại, thay vì kìm kẹp tư tưởng, hãy để những bông hoa của trí tuệ phát huy tiềm năng để thúc đẩy xã hội tiến lên và trong sạch hơn. Đó là con đường thiển nghĩ là duy nhất để đưa đất nước tiến vào Quỹ đạo tiến bộ chung của nhân loại và hội nhập vào Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của tự do và hạnh phúc.

Trần Khánh Ân

(11/12/20224)