Để giữ thế chủ động chính trị (Nguyễn Gia Kiểng)
Lời tòa soạn
Chúng tôi đăng lại sau đây bài "Để giữ thế chủ động chính trị" của Nguyễn Gia Kiểng trên báo giấy Thông Luân số 1, tháng 01/1988. Đây là bài chính luận đầu tiên của Thông Luận. Bài này tuy được viết ra cách đây gần 37 năm rồi nhưng lại rất có tính thời sự trong lúc này, khi mà Đảng cộng sản đã bị tham nhũng và đấu đá nội bộ phá nát và nhận ra rằng "thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn". Cũng như năm 1986 Đảng cộng sản thấy cần phải đổi mới nhưng lại ngoan cố chống "tự diễn biến tự chuyển hóa" để duy trì chính sách độc tài bạo ngược. Điểm khác là trước đây sự nhượng bộ kinh tế thị trường đã cải thiện đáng kể cuộc sống của nhân dân và cho Đảng cộng sản một thời gian ân huệ ; bây giờ sự ngoan cố duy trì chế độ toàn trị chỉ khiến kinh tế khó khăn hơn và gia tăng sự phẫn nộ của cả nước.
Độc giả cũng có thể hỏi cuộc vận động dân chủ đã có tiến bộ nào so với 37 năm về trước ? Câu trả lời ngắn gọn là "Rất nhiều". Khi bài này được viết ra, lập trường dân chủ đa nguyên, hòa giải và hòa hợp dân tộc, bất bạo động bị phản bác dữ dội ; bây giờ nó đã thành đồng thuận dân tộc.
Không có gì mạnh bằng một đồng thuận đã chín muồi. Thắng lợi của dân chủ rất gần.
Nguyễn Văn Huy
Không có gì mạnh bằng một đồng thuận đã chín muồi. Thắng lợi của dân chủ rất gần.
************************
Vì đất nước hôm nay và ngày mai
Để Giữ Thế Chủ Động Chánh Trị
Còn lại những gì sau những đợt phê bình kiểm điểm sôi nổi cuối năm 86 chuẩn bị cho Đại hội VI của Đảng cộng sản Việt Nam ? Người ta đã thấy những phát biểu gay gắt, những cáo trạng bốc lửa của những người "cộng sản tiến bộ".
Nhưng giờ đây tất cả đã đi vào nề nếp trở lại. Các diễn giả đã trở về với những bàn giấy, với những nhà máy ngưng hoạt động hay hoạt động lấy lệ. Hoặc tiếp tục lấy métro đi làm mỗi ngày tại Paris với những ưu tư của cuộc sống hằng ngày.
Cũng có người cho rằng đã có thay đổi.
Thí dụ như đảng đã cho tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh làm dân biểu quốc hội, đảng đã thay thế ba lãnh tụ cao nhất, đảng đã nới lỏng kiểm soát đối với các sinh hoạt kinh tế gia đình, đảng vẫn tiếp tục lên án các hành vi tham ô… Đối với người tị nạn tại nước ngoài, đảng đã dễ dãi hơn trong thủ tục về thăm nhà.
Nhưng trong đại bộ phận, những người chống chế độ nói chung và cộng đồng người Việt tị nạn nói riêng đã gạt bỏ những biện pháp mà họ cho là có mục đích ve vãn để kiếm lợi chứ không phải là đổi mới thực sự.
1. Những người yêu nước và yêu chuộng tự do dân chủ có quyền phủ nhận những biện pháp gọi là đổi mới của chính quyền cộng sản
- Cho một mình ông Nguyễn Xuân Oánh vào quốc hội trong đó có tới năm trăm đảng viên cộng sản phục tùng không điều kiện có gì đáng gọi là đổi mới ? Huống chi ông Nguyễn Xuân Oánh không tượng trưng cho một tiếng nói khác với tiếng nói của đảng. Từ mười hai năm qua, ông Oánh không hề phản kháng bất cứ một quyết nghị nào của đảng. Ông phục tùng hoàn toàn. Họa hiếm lắm ông đưa ra một vài "đề nghị xây dựng" rất chi tiết. Sự hiện diện của ông Oánh trong cái quốc hội bù nhìn một trăm lẻ một phần trăm ấy như vậy không có một ý nghĩa chánh trị mảy may nào. Phải chăng nó có ý nghĩa kinh tế ? Nghĩa là nó nói lên ưu tư trọng dụng hơn những chuyên viên và đánh giá nhẹ khía cạnh chánh trị ? Chúng ta có thể trả lời thẳng thắn là cũng không nốt. Ai biết ông Oánh đều hiểu rằng mặc dầu có bằng tiến sĩ về kinh tế, ông Oánh được biết đến như một tay ăn chơi, chồng nữ nghệ sĩ Thẩm Thúy Hằng hơn là một chuyên viên. Ông không có khả năng kinh tế nào đáng kể và ông đã chỉ nổi bật trong những năm 1963-1966 nhờ hoàn cảnh rối loạn chánh trị, trong đó nếp sống phóng túng của ông đã phù hợp với cái nhân sinh quan hạ cấp của lớp tướng tá ngu dốt, thụ hưởng. Ông đã mất tất cả mọi ảnh hưởng và uy tín từ mười năm trước ngày quân cộng sản tràn vào Sài Gòn.
- Thay thế ba lãnh tụ đã gần tám mươi tuổi cũng không có gì đáng gọi là đổi mới. Đó chỉ là việc bắt buộc phải làm, vì nếu không làm thì trời đất cũng sẽ làm giùm. Huống chi những người mới lên nào có trẻ trung gì. Ông Phạm Hùng có trẻ hơn ông Lê Đức Thọ được tuổi nào không ? So với năm năm về trước cấp lãnh đạo của đảng có trẻ trung gì hơn không ? Tệ hơn nữa, nếu những người ra đi là những khuôn mặt lịch sử thì những người mới lên lại chỉ là những khuôn mặt khủng bố và công an, những con người đã sống được và leo lên được các giai tầng của đảng nhờ đặc tính phục tùng mà không bàn cãi. Cái gì bảo đảm rằng những người chỉ có thói quen không suy nghĩ lại một sớm một chiều có thể suy nghĩ được ? Cái gì bảo đảm rằng những loài cây hèn mọn quen sống dưới bóng những cây cổ thụ, cam phận với bóng tối và tầm vóc nhỏ bé lại có thể lớn lên dưới ánh mặt trời ?
- Cái gì cho phép nói rằng những biện pháp dễ dãi, nới tay đối với sinh hoạt kinh tế cá thể là một đổi mới ? Trên thực tế nó chỉ là xác nhận một sự thực : đảng và nhà nước không còn kiểm soát được tình thế nữa. Sự kiện này đã có từ trước Đại hội VI. Sự túng thiếu đã đưa đến móc ngoặc và thỏa hiệp giữa công an địa phương và dân chúng. Sự thất bại liên tục của đảng đã làm một số đảng viên có nhiệm vụ kềm kẹp đồng bào tỉnh ngộ và từ chối không chịu thi hành nhiệm vụ đàn áp đồng bào và phá hoại đất nước nữa. Đại hội VI đã chỉ làm cái việc đơn giản là nhìn nhận một sự thực hiển nhiên, một chính sách đàng nào cũng không còn áp dụng được nữa mà lại còn nguy cơ làm cho sự công phẫn nổ bùng.
- Đảng đã bãi bỏ (dù chưa phải là tại tất cả mọi địa phương) giới hạn bốn thùng quà tặng mà mỗi hộ được nhận từ thân nhân tại nước ngoài, nhưng đâu phải vì đảng bỗng trở thành nhân đạo không muốn ngăn cản liên lạc gia đình nữa. Trái lại đảng đã tăng một cách tàn nhẫn tiền tem thư gửi đi nước ngoài làm cho giao dịch giữa trong và ngoài nước sút kém một cách thê thảm. Đảng đã phải nhượng bộ vì hai lý do. Một mặt các đảng viên không hiểu nổi, và phê bình rất gay gắt, tại sao trong khi đất nước thiếu thốn đủ thứ, chính quyền lại cấm đoán quà tặng gửi về. Mặt khác, đảng gặp khó khăn khi đi ăn xin các cơ quan từ thiện quốc tế, khi bị chất vấn là tại sao một mặt đi xin thuốc, một mặt lại cấm gửi thuốc về…
- Đảng đã phải muối mặt để cho những người mà đảng đã không vồ được lúc vượt biên trở về phô trương sự giàu có với đồng bào trong nước vì đảng quá thiếu ngoại tệ, mặc dầu sự trở về của những người này đặt ra cho đảng vô số vấn đề. Đảng biết, đảng không muốn, nhưng đảng không thể nào làm khác hơn. Đảng quá cần tiền. Cái khó bó cái khôn. Đảng ở trong hoàn cảnh tương tự như vô số những người cùng khổ, nạn nhân của chính sách của đảng, phải xếp hàng bán máu để mua gạo, mặc dầu dư biết là số gạo ấy không tạo nổi lượng máu bán đi.
- Nhưng điều đáng lưu ý nhất trong các biện pháp "cởi mở" của đảng cộng sản là không hề có một văn kiện pháp lý nào quy định. Như vậy đảng vẫn giành trọn quyền bãi bỏ đi một sớm một chiều ngay khi đảng tự cảm thấy có đủ sức mạnh.
Điều đó chứng tỏ rằng tất cả những gì mà đảng rêu rao là biện pháp canh tân thực ra chỉ là nhượng bộ tạm thời.
Vả lại, chỉ giới hạn ở những chi tiết vụn vặt.
Trên những vấn đề cơ bản như địa vị độc tôn của chủ nghĩa Mác Lênin, địa vị độc tài của đảng, tình đoàn kết chiến đấu với Liên Xô, quyền tư hữu, quyền kinh doanh, quyền đối lập chính trị, v.v… đảng vẫn không hề thay đổi.
Vì thế mà những người chống đối đảng cộng sản, những người thực sự yêu chuộng chân lý và tự do dân chủ có tất cả mọi lý do để gạt phăng một cách thản nhiên những biện pháp ve vãn đó.
Những người thực sự yêu chuộng chân lý và tự do dân chủ có tất cả mọi lý do để gạt phăng một cách thản nhiên những biện pháp ve vãn đó.
2. Nhưng phải có lập trường cụ thể và rõ rệt
Tuy nhiên, phải nhìn nhận là đã có thay đổi. Thay đổi vụn vặt, thay đổi tạm bợ, thay đổi để ve vãn, thay đổi để kiếm chác trong thế túng quẩn giặt gấu vá vai. Thay đổi vì bị bắt buộc phải nhượng bộ thực tế. Thay đổi vô nghĩa lý. Thay đổi cho có lệ, để khỏi phải thay đổi thực sự.
Nhưng có thay đổi.
Và ta phải có thái độ nghiêm túc và chính xác đối với những thay đổi ấy. Nếu không, ta có thể xuất hiện dưới mắt một số người, dưới mắt một phần của dư luận quốc tế, như một khối người bất đồng trước sự chuyển động của chính quyền cộng sản.
Vấn đề không phải không đặt ra. Nhiều tờ báo đã nói đến những biến chuyển tại Việt Nam. Thậm chí một số bài trên các báo việt ngữ của người chống cộng đề cập đến những thành phần lãnh đạo mới tại Việt Nam như là nhóm "canh tân".
Chúng ta có những lý lẽ vững vàng để chứng tỏ tính cách cuội của những canh tân đó, nhưng chúng ta sẽ thuyết phục dư luận quốc tế, sẽ trấn tĩnh tâm lý cộng đồng tị nạn, và nhất là sẽ thức tỉnh những người cộng sản đang muốn thực sự đổi mới một cách dễ dàng hơn nhiều nếu chúng ta vạch rõ thế nào là mới, là thay đổi thực sự, để người ta nhờ đó thấy được sự nhỏ nhoi, vụn vặt, giả tạo của cái mà tập đoàn đương quyền rêu rao là những biện pháp đổi mới.
Chúng ta sẽ xuất hiện như một lực lượng đối kháng xây dựng có trách nhiệm, chứ không phải như những người chỉ chống đối để chống đối.
Bí quyết của mọi cuộc đấu tranh, kể cả cuộc đấu tranh võ trang, vẫn là luôn luôn có một giải pháp cho sự hòa dịu. Trong các lực lượng kháng chiến trên thế giới, UNITA của Angola là kháng chiến gây nhiều bối rối cho người cộng sản nhất. Nhưng UNITA lúc nào của có lập trường để thương thuyết, để đi đến chấm dứt chiến tranh bằng thỏa hiệp. Chính vì thế mà UNITA được cảm tình của thế giới vì họ xuất hiện như những người chiến đấu trên lập trường yêu chuộng hòa bình.
Vậy thì ta cũng cần có lập trường của ta trên những đổi mới cần phải có để đặt căn bản cho một hòa giải dân tộc.
Thực ra, chỉ trừ một số người say mê bạo lực, ai cũng thực sự muốn hòa giải. Người trong một nước mà phải chống đối nhau một cách khốc liệt chẳng qua là chuyện chẳng đặng đừng. Đối thoại với nhau, thỏa hiệp với nhau, là điều mà mọi người phải mong muốn.
Nhưng thỏa hiệp chỉ có thể có với kẻ biết điều, và đối thoại chỉ có thể có trên căn bản lành mạnh.
3. Năm điều kiện căn bản để có thể nói tới hòa dịu
Xét cho cùng thì vấn đề của nước ta là chính sách thù hận và độc đoán của đảng cộng sản đưa đến chia rẻ dân tộc và cô lập trên cộng đồng quốc tế, là lối quản lý tồi dở độc đoán đưa đến sư tẩy chay và chống đối của dân chúng làm tê liệt mọi sinh hoạt trong nước.
Đổi mới trước hết là nhằm vào hòa giải dân tộc và bình thường hóa quan hệ giữa người Việt với người Việt.
Đổi mới trước hết là nhằm vào hòa giải dân tộc và bình thường hóa quan hệ giữa người Việt với người Việt.
Hiểu như vậy thì không thể nào có thể nói tới hòa dịu và đối thoại giữa ta và chính quyền cộng sản nếu những điều kiện tiên quyết chưa được thực hiện.
Những điều đó là :
Điều kiện thứ nhất là phải long trọng chấp nhận nguyên tắc nhà nước pháp trị.
Dân tộc Việt Nam là một dân tộc lớn, có lịch sử dài và vẻ vang, có trình độ chánh trị cao, xứng đáng được đối xử như những người lớn. Người Việt Nam phải biết chắc chắn mình có quyền gì, được làm những gì và không được làm những gì, và có những đảm bảo nào. Dân tộc Việt Nam không thể chấp nhận một nhà nước cai trị bằng khẩu hiệu và nghị quyết tùy theo hứng của những ông quan cộng sản như hiện nay. Đó là một quan niệm nhà nước lỗi thời, cổ hủ, không văn minh cần phải chấm dứt ngay tức khắc.
Điều kiện thứ hai là phải long trọng xác nhận và thực hành nguyên tắc bình đẳng về mặt chánh trị giữa mọi người Việt Nam.
Mọi người, mọi tổ chức chánh trị dù theo khuynh hướng nào đều có quyền tham dự một cách bình đẳng vào vận mệnh đất nước và đều có thể tiến lên địa vị lãnh đạo nếu được nhân dân tín nhiệm qua bầu cử tự do.
Người cộng sản có thể coi yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội, cũng như người khác có quyền coi yêu nước là yêu tự do kinh doanh, nhưng không ai có quyền áp đặt quan điểm của mình lên trên người khác.
Bản hiến pháp của chế độ cộng sản hiện nay quy định đảng cộng sản là lực lượng duy nhất lãnh đạo đất nước, chủ nghĩa Mác-Lênin là chủ nghĩa duy nhất được hiện diện tại Việt Nam, và mọi sự chống đối đảng cũng như chủ nghĩa Mác-Lênin đều bị trừng trị.
Bản hiến pháp đó phải bỏ đi và phải được thay thế bằng một hiến pháp mà trong đó nguyên tắc dân chủ đa nguyên phải được long trọng xác nhận.
Không thể có những người Việt Nam đương nhiên được quyền lãnh đạo và những người Việt Nam khác đương nhiên phải tuyệt đối phục tùng. Đó là một quan niệm vua quan phong kiến không còn chỗ đứng trong loài người tiến bộ.
Điều kiện thứ ba là phải long trọng xác nhận một chính sách đối ngoại thực sự không liên kết.
Việt Nam đã tốn quá nhiều xương máu để giành độc lập, do đó mọi chính sách làm thương tổn đến độc lập dân tộc đều là một sự phản bội.
Những hiệp ước liên minh quân sự mà đảng cộng sản đã ký trên thực tế biến Việt Nam thành một thứ tiểu bá quyền địa phương : một mặt cho phép Liên Xô có quyền đem quân vào Việt Nam, một mặt cho phép Việt Nam can thiệp quân sự vào Lào và Campuchia. Những hiệp ước liên minh quân sự đó phải được bãi bỏ. Nước Việt Nam quá yêu chuộng độc lập để có thể một mặt để cho Liên Xô xâm phạm độc lập của mình, một mặt xâm phạm độc lập của hai nước láng giềng.
Nước Việt Nam cần có một bộ mặt hiền hòa để được cộng đồng thế giới chấp nhận như một quốc gia có thể giao thương được. Chỉ có thế Việt Nam mới ra khỏi sự cô lập hiện nay và thoát khỏi cái thế bí bị bắt chẹt mọi đường trong khối COMECON.
Về sự tham dự của Việt Nam trong khối COMECON, nếu các nước xã hội chủ nghĩa chấp nhận sự có mặt của một quốc gia dân chủ đa nguyên và vẫn giao dịch một cách tự do với các nước khác, sự tham dự đó có thể tiếp tục.
Điều kiện thứ tư là phải thành thực hàn gắn những đổ vỡ tinh thần và vật chất mà chính sách độc đoán và bất dung của chế độ cộng sản gây ra.
Phải trả tự do ngay lập tức cho các tù nhân chính trị.
Phải long trọng phục hồi danh dự, quyền công dân đầy đủ và trọn vẹn cho những người đã bị tù đày vì đã tham gia vào quân đội, chính quyền miền Nam, hay các đảng phái. Phải bồi thường ít nhất là một cách tượng trưng những thiệt hại tinh thần và vật chất mà họ phải chịu một cách trái phép.
Đảng cộng sản hiện nay có một cách nhận lỗi rất quái gở. Một mặt họ nhìn nhận cách đối xử với những người thuộc miền Nam trước đây là sai lầm, một mặt khác họ lai rêu rao rằng dầu sau họ vẫn còn nhân đạo hơn nhiều so với cách mà người Pháp đã đối xử với bọn theo Đức Quốc Xã sau thất bại của Hitler.
Đó không phải là một cách nhận lỗi. Đảng cộng sản vẫn tiếp tục trịch thượng coi tất cả những nạn nhân của họ là phản phúc. Thứ ngôn ngữ xấc xược ấy không thể chấp nhận được. Nó không hòa giải dân tộc, nó còn ngoáy dao vào vết thương. Đó chỉ là thóa mạ sau khi đã đả thương.
Sử dụng thứ ngôn ngữ khiêu khích này, người cộng sản đã bộc lộ thâm tâm không muốn hòa giải và hòa hợp dân tộc của họ. Họ cũng chứng tỏ lòng dạ hẹp hòi và ý thức thấp kém của họ. Và hơn lúc nào hết, người Việt Nam cần hòa giải với nhau để cùng chung sức chung lòng đưa đất nước ra khỏi tình trạng tồi tệ ngày hôm nay.
Điều kiện thứ năm là nhìn nhận một thực thể Việt Nam hải ngoại.
Kể từ ngày 30/4/1975, một triệu người Việt Nam đã phải miễn cưỡng bỏ nước ra đi vì chính sách hà khắc của đảng cộng sản. Dù họ có lập lại được cuộc sống tại nước ngoài, cố hương vẫn còn day dứt như một vết thương chưa lành. Những người này cần được nhìn nhận quyền công dân tức khắc và trọn vẹn, cho họ cũng như cho con cái sinh ra tại nước ngoài.
Bất cứ một chính phủ Việt Nam nào sau này cũng phải khuyến khích giúp đỡ sự giao thông giữa trong và ngoài nước và nhìn nhận sự hiện hữu của một thực thể Việt Nam tại hải ngoại.
Có thể là trong đại bộ phận những người đã ra đi sẽ không về sinh sống tại Việt Nam nữa, nhưng cộng đồng người Việt hải ngoại sẽ là những đầu cầu khoa học, kỹ thuật, văn hóa, thương mại vô cùng quý báu cho sự nghiệp phát triển đất nước mà một chính phủ Việt Nam khôn ngoan nào cũng phải săn sóc ân cần.
***
Chúng ta thách đố chính quyền cộng sản. Nếu họ thực sự muốn đổi mới, thì đó là năm điều kiện tiên quyết. Còn nếu không, tất cả chỉ là những biện pháp ru ngủ. Những điều kiện đó là những điều kiện rất khiêm nhường, rất hợp lý hợp tình. Những điều kiện của một sự hòa giải và hòa hợp dân tộc thực sự để chung sức chung lòng đưa đất nước ra khỏi cảnh nghèo khổ và bế tắc. Trước khi đảng cộng sản chấp nhận và thực hiện những điều kiện trên đây, mọi thái độ thỏa hiệp chỉ là đầu hàng trá hình, đều chỉ có tác dụng tệ hại là khuyến khích đảng cộng sản trong thái độ ngoan cố và do đó đều phải bị lên án nghiêm khắc.
Có nhiều người sẽ nói rằng những điều kiện đó dù sao cũng không thể chấp nhận được đối với người cộng sản, vì như vậy không khác gì đòi người cộng sản hết là người cộng sản.
Nhưng có phải là lỗi tại ta không nếu người cộng sản không thể chấp nhận ngay cả những đòi hỏi hợp tình hợp lý nhất ? Đó chỉ là cái giá tối thiểu phải trả để thực hiện mục tiêu hòa đồng dân tộc và đưa đất nước ta ra khỏi tình trạng thua kém, mục tiêu mà chúng ta nhất định phải theo đuổi.
Về mặt chánh trị, khi mà ngay cả những đòi hỏi hợp tình hợp lý nhất cũng đe dọa sự sống còn của một đảng, thì phải kết luận rằng chính đảng đó không còn chỗ đứng chứ không phải là những đòi hỏi đó không nên đặt ra. Chính đảng đó phải tự hóa thân để phù hợp với tình huống mới. Hay sẽ bị đào thải
Một lập trường yêu nước và quảng đại
Những sự thực có phải là đảng cộng sản hoàn toàn không có lối thoát không ? Họ có lối thoát và thực ra chỉ có một lối thoát. Một lối thoát vinh quang. Đó là lối thoát trong lòng dân tộc. Lối thoát duy nhất đó là thẳng thắn chấp nhận nguyên tắc dân chủ thực sự. Đảng cộng sản có thể mất chính quyền và có lẽ sẽ mất chính quyền, nhưng họ vẫn còn tồn tại được như một lực lượng chánh trị, và chắc chắn còn giữ được chỗ đứng vẻ vang của một đảng tuy đã làm nhiều sai phạm nhưng cũng đã có công thống nhất được đất nước và mở đường cho dân tộc đi vào một quỹ đạo tiến bộ.
Từ những năm qua đất nước ta như là con tàu điên cứ tiến sâu mãi vài vùng bão tố.
Điều quái gở là đảng cộng sản không nhìn nhận lối thoát hiển nhiên đó. Và thay vì đi tìm một lối thoát vinh quang trong lòng dân tộc, họ chọn một lối thoát mà họ sẽ không bao giờ thành công được, để rồi thời gian càng qua đi, chỗ đứng của họ càng trở thành tuyệt vọng.
Từ mười hai năm qua đất nước ta như là con tàu điên cứ tiến sâu mãi vài vùng bão tố. Đoàn thủy thủ vô ý thức lúc đầu thì hân hoan hớn hở không biết rằng mình đang đem chính mình và hành khách vào chỗ chết. Sau đó vì con tàu lắc lư quá mạnh, sóng gió trở thành mảnh liệt, viên thuyền trưởng bắt đầu hoảng sợ và tìm cách cứu nguy bằng cách điều tra xem nhà bếp có ăn vụng không, phòng thủy thủ có được quét dọn sạch sẽ không, rồi ra lệnh sơn lại boong tàu. Nhưng con tàu vẫn lừng lững đi vào chỗ chết.
Con tàu đó là đất nước ta. Và cuộc tranh đấu của người người yêu nước là đổi hướng đi của con tàu đó, để cứu nó và đưa nó đến bến bờ.
Chúng ta muốn cứu con tàu đó và những người trên đó vì đó là dân tộc ta. Ta muốn cứu hành khách. Nhưng ta cũng muốn cứu luôn cả đoàn thủy thủ tệ hạ này vì dầu sao, dù họ coi ta là thù nghịch, ta vẫn xem họ là anh em ruột thịt.
Với tình cảm quảng đại ấy, ta xứng đáng để thắng trong cuộc đấu tranh cứu nước.
Nguyễn Gia Kiểng
(Thông Luận, tháng 1/1988, tr. 4-7)