Việt Nam tung chiến dịch truy bắt quan tham trốn ra nước ngoài (VOA tiếng Việt)
Việt Nam nói đã ‘vận động, truy bắt’ được 9 người tham nhũng bỏ trốn ra nước ngoài
VOA, 30/10/2024
Ban Nội chính Trung ương cho biết hôm 30/10 rằng các nhà chức trách Việt Nam đã vận động đầu thú và truy bắt được 9 người bỏ trốn ra nước ngoài trong các vụ án tham nhũng trong năm nay, theo truyền thông trong nước.
Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn là một trong số những người đang bị Việt Nam truy nã vì liên quan đến các vụ án tham nhũng về đấu thầu thiết bị y tế.
Những thông tin này được đưa ra trong cuộc họp của Ban khi thông báo kết quả cuộc họp thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, theo Tuổi Trẻ và VnExpress.
Họ không công bố danh tính những người được cho là đã đầu thú hay bị truy bắt về nước từ đầu năm tới nay.
Ông Đặng Văn Dũng, phó Ban Nội chính Trung ương, được VnExpress trích lời nói rằng nhà chức trách đang kêu gọi các trường hợp khác ra đầu thú.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Hữu Đông, cũng là một phó Ban, cho biết Ban Chỉ đạo sẽ tiếp tục yêu cầu các cơ quan quyết liệt vận động đầu thú, truy bắt, dẫn độ những người bỏ trốn ra nước ngoài trong các vụ án tham nhũng.
"Tất nhiên cũng còn có nhiều khó khăn do những người này bỏ trốn lâu rồi, bỏ trốn ra nước ngoài và chúng ta phải tiếp tục phối hợp các nước để thực hiện nhiệm vụ này", ông Đông được Tuổi Trẻ trích lời nói.
Cũng theo tờ báo này, người phát ngôn của Bộ Công an, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, cho biết rằng cơ quan điều tra đã áp dụng nhiều biện pháp như dẫn độ tội phạm, hợp tác quốc tế, ngoại giao và nhiều kênh khác để truy bắt người bỏ trốn.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, chủ tịch AIC, là người nổi danh nhất trong số những người đang bị giới chức Việt Nam truy nã vì liên quan đến 5 vụ án tham nhũng khác nhau. Người phụ nữ được cho là đóng vai trò quan trọng trong các thương vụ mua vũ khí cho quân đội Việt Nam đã bỏ trốn vào đầu năm 2022. Bà bị cáo buộc đưa hối lộ hàng chục tỷ đồng và bị công an Việt Nam phát lệnh truy nã quốc tế.
Tại buổi họp hôm 30/10, ông Tuyên đã kêu gọi bà Nhàn và những người bỏ trốn khác "sớm về đầu thú để hưởng khoan hồng".
"Người bỏ trốn sẽ vẫn bị xử theo quy định pháp luật và không có điều kiện tự bảo vệ mình", ông Tuyên nói, theo VnExpress.
Bà Nhàn đã bị xử vắng mặt trong 3 phiên tòa trước đây vì bị cáo buộc có sai phạm trong những dự án liên quan đến 2 bệnh viện ở Đồng Nai và Quảng Ninh và một trung tâm công nghệ ở Thành phố Hồ Chí Minh với bản án tổng cộng 30 năm tù giam. Nữ doanh nhân này cũng đang đối mặt với một bản án nữa về tội danh "đưa hối lộ" trong một vụ án liên quan đến công ty AIC và Sở Y tế Bắc Ninh đang được xét xử.
Ngoài bà Nhàn, còn có 7 người khác trong vụ án liên quan đến công ty AIC đang bỏ trốn và chịu lệnh truy nã của công an Việt Nam.
Các lãnh đạo phòng chống tham nhũng của Việt Nam hồi tháng 8 năm ngoái nói rằng họ quyết tâm "dẫn độ bằng được" các đối tượng bỏ trốn như bà Nhàn về nước, ngay cả trong trường hợp Việt Nam chưa ký kết hiệp định hỗ trợ tư pháp với quốc gia mà đối tượng đó đang cư trú.
Bà Nhàn được cho là đang sống ở Đức. Một ghi nhận của báo Taz vào tháng 8 năm ngoái cho biết rằng bà có nguy cơ bị mật vụ Việt Nam bắt cóc về nước như trường hợp của ông Trịnh Xuân Thanh. Điều tra của Taz lúc đó nói rằng Việt Nam đã gửi văn bản đề nghị dẫn độ và Nhàn lên Sở Tư pháp Liên bang Đức nhưng bị cơ quan của chính phủ Đức từ chối.
Ông Thanh, cựu chính trị gia và lãnh đạo ngành dầu khí Việt Nam, bị mật vụ Việt Nam bắt cóc vào tháng 7/2017 khi đang xin tị nạn tại Đức. Việt Nam nói rằng ông Thanh tự về "đầu thú" và tuyên cho ông 2 án tù chung thân.
Nguồn : VOA, 30/10/2024
*****************************
Hy Lạp bắt người phụ nữ buôn lậu vàng theo lệnh truy nã quốc tế của Việt Nam
VOA, 30/10/2024
Một bà trùm đường dây buôn lậu vàng giữa Campuchia và Việt Nam vừa bị nhà chức trách Hy Lạp bắt giam hôm 28/10 tại sân bay Athens, truyền thông nước này đưa tin.
Truyền thông Hy Lạp loan tin một phụ nữ 64 tuổi, bà Đặng Tị Thanh Hằng, bị bắt do buôn lậu vàng vào Việt Nam. Photo en.protothema.gr
Rạng sáng ngày 28/10, các sĩ quan thuộc Phòng An ninh của Cảnh sát Sân bay Athens bắt giữ một phụ nữ nước ngoài 64 tuổi, theo trang tin ProtoThema hôm 29/10.
Việc bắt giữ này được thực hiện căn cứ vào lệnh truy nã quốc tế của Interpol, Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế, khi nhà chức trách Việt Nam tìm cách dẫn độ bà này vì liên quan đến đường dây buôn lậu vàng.
Cảnh sát cho biết người phụ nữ nêu trên có liên quan đến đường buôn lậu vàng miếng, vàng thỏi giữa Campuchia và Việt Nam, bằng cách điều động đồng bọn giấu các thỏi vàng dưới đáy xe ba gác, trang eKathimerini loan tin hôm 29/10.
Các bản tin cho hay đường dây buôn lậu vàng này đã thực hiện các biện pháp phòng ngừa để vượt qua các trạm kiểm soát hải quan, xóa mọi ký hiệu nhận dạng trên các thỏi vàng để khiến việc phát hiện trở nên khó khăn hơn.
Truyền thông Hy Lạp tường thuật rằng sau khi người phụ nữ này bị bắt, bà đã được đưa đến Văn phòng Công tố viên hữu quan.
Chính quyền và truyền thông Việt Nam chưa đưa tin về người phụ nữ bị bắt tại Hy Lạp.
Trước đây, vào tháng 11/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định truy nã đối với một người phụ nữ tên Đặng Thị Thanh Hằng, sinh năm 1960, quốc tịch Việt Nam, trong vụ án "buôn lậu" xảy ra tại tỉnh Tây Ninh và thành phố Hồ Chí Minh.
Theo hồ sơ truy nã, bà Hằng, một cư dân ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, là chủ Tiệm vàng Phúc Hằng, chỉ đạo đồng phạm thực hiện hành vi buôn lậu tổng cộng 6 tấn vàng (trị giá 8.500 tỷ đồng) từ Campuchia về Việt Nam.
Cơ quan chức năng Việt Nam cho rằng hai tiệm vàng tại Sài Gòn và Hà Nội của bà Hằng "không được phép kinh doanh vàng miếng, vàng thỏi, vàng nguyên liệu" nhưng bà đã cùng đồng phạm mua vàng lậu từ Campuchia, vận chuyển ra Hà Nội bằng đường hàng không để kinh doanh kiếm lời.
Trong hơn hai tháng, từ 16/7 đến 28/9/2022, đường dây này đã vận chuyển trót lọt hơn 6 tấn vàng vào Việt Nam, trị giá 8.500 tỷ đồng, bằng cách giấu vào ngăn bí mật của xe ba gác chở nước đá từ Campuchia về Tây Ninh, báo VnExpress đưa tin.
Trang này cho biết mỗi thỏi vàng trước khi bán được khò mất ký hiệu để che giấu nguồn gốc từ nước ngoài.
Trong vụ án này, riêng bà Hằng, người tiêu thụ gần 300 kg vàng lậu, bị cáo buộc đã chỉ đạo một người em trai mang "hàng" lên các chuyến bay ra Hà Nội vì ông quen biết "nhiều nhân viên an ninh sân bay", theo truyền thông Việt Nam.
Vào tháng 7/2024, hơn 20 bị cáo trong đường dây buôn lậu vàng này bị tuyên các mức hình phạt từ 4-18 năm tù về tội buôn lậu. Riêng bà Hằng đã trốn ra nước ngoài và bị quan tòa kiến nghị Bộ Công an "tiếp tục truy bắt" do bà đã chủ mưu "gây tác hại xấu đến sự ổn định của thị trường vàng, xâm phạm tới trật tự quản lý việc xuất nhập khẩu hàng hoá của nhà nước".
Nguồn : VOA, 30/10/2024