Việt Nam : Nước cộng sản duy nhất không "nhất thể hóa" (RFA tiếng Việt)

Ông Tô Lâm đã nhường vị trí chủ tịch nước cho ông Lương Cường hôm 21/10/2024, chỉ nắm giữ vị trí tổng bí thư quyền lực nhất. Trong khi các nước cùng thể chế cộng sản với Việt Nam như Trung Quốc, Lào, Bắc Triều Tiên, Cuba đều đã "nhất thể hóa" vị trí nguyên thủ, tại sao Việt Nam dùng dằng khi thực hiện mô hình này ?

nhatthe1

Ông Tô Lâm bàn giao công tác chủ tịch nước cho ông Lương Cường hôm 21/10/2024, tại Phủ Chủ tịch, Hà Nội - Chính phủ Việt Nam

"Lưỡng long nhất thể" ở các nước xã hội chủ nghĩa

"Nhất thể hóa" là gì ? Trong bộ truyện tranh "Bảy viên ngọc rồng" của nhà văn - họa sĩ Toriyama Akira có một chiêu thức gọi là "lưỡng long nhất thể". Các nhân vật anh hùng như Son Goku và Vegeta, hay những kẻ xấu như Sên Bọ Hung và Mabu dùng chiêu thức hợp nhất làm một với nhau để trở thành một nhân vật nhất thể mới, có sức mạnh gấp bội...

Nhất thể hóa trong chính trị Việt Nam có thể hiểu tương tự như vậy : các chức danh quyền lực khác nhau được "nhất thể" vào một người để có thể tập trung sức mạnh chính trị vào cá nhân đó.

Ở Trung Quốc, tổng bí thư đảng cầm quyền là Tập Cận Bình đồng thời là chủ tịch nước. Ở Lào, Thongloun Sisoulith kiêm nhiệm cả tổng bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và chủ tịch nước. Trên thượng đỉnh của Bắc Triều Tiên, Kim Jong-un có quyền lực bao trùm.

Ở Cuba, mức độ nhất thể hóa còn cao hơn. Từ sau khi cướp được chính quyền năm 1959, Fidel Castro kiêm nhiệm cùng lúc các vị trí Tổng bí thư Đảng cộng sản Cuba, Chủ tịch Hội đồng nhà nước (tức chủ tịch nước), thủ tướng (sau đó đổi sang tên gọi "Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng") và Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang. Người lãnh đạo hiện nay, Miguel Díaz-Canel, nhường chức thủ tướng cho Manuel Marrero Cruz nhưng vẫn kiêm nhiệm hai chức vụ tổng bí thư đảng và chủ tịch nước.

Ở Việt Nam, cho đến nay có bốn người từng "lưỡng long nhất thể" trên thượng đỉnh quyền lực : Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Nguyễn Phú Trọng và Tô Lâm.

Hồ Chí Minh là chủ tịch nước từ 1945 đến 1969. Trong thời gian đó, ông kiêm nhiệm thủ tướng từ 1945 đến 1955, là chủ tịch đảng cầm quyền từ 1951 đến 1969, tổng bí thư đảng từ 1956 đến 1960.

Trường Chinh là chủ tịch nước từ 1981 đến 1987. Trong thời gian này, ông nắm vị trí tổng bí thư trong khoảng năm tháng, từ tháng 7 đến tháng 12/1987.

Lê Duẩn là một "trường hợp đặc biệt". Mặc dù không dùng chiêu thức "lưỡng long nhất thể", "đầu rồng" của ông có quyền lực bao trùm, lớn nhất. Ông Duẩn toàn quyền quyết định cuối cùng các chính sách đối ngoại, quân sự, kinh tế. Sau khi ông Hồ Chí Minh mất năm 1969, chức danh chủ tịch nước của ông Tôn Đức Thắng không có thực quyền. Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng thậm chí không được nằm trong Bộ chính trị khóa IV (1976 – 1982). Bộ chính trị khóa III kéo dài từ 1960 đến 1976 đã bổ sung hai ủy viên dự khuyết là Văn Tiến Dũng và Trần Quốc Hoàn năm 1972 nhưng không bổ sung chủ tịch nước Tôn Đức Thắng sau khi ông kế nhiệm Hồ Chí Minh.

Theo một báo cáo của CIA năm 1974, quyền lực của Lê Duẩn bao trùm tất cả các vị lãnh đạo còn lại trong bộ máy chính trị thời đó.

Sau khi Lê Duẩn mất, Việt Nam dần dần hình thành cơ chế tứ trụ. Trong cơ chế này, các chức danh chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội, và thủ tướng chính phủ có quyền lực ngày càng lớn hơn. Chức danh tổng bí thư đảng mà ông Duẩn nắm 1961 đến 1986 dần dần thu lại trong phạm vi đảng, mặc dù thực tế là vị trí quyền lực nhất.

Gần đây, Đảng cộng sản ở Việt Nam đã có hai lần "thử nghiệm" cơ chế nhất thể hóa. Ông Nguyễn Phú Trọng từng kiêm nhiệm hai chức danh tổng bí thư đảng và chủ tịch nước từ năm 2018 đến 2021, trong 164 ngày, sau khi ông Trần Đại Quang qua đời. Gần đây, ông Tô Lâm kiêm nhiệm hai chức danh tổng bí thư và chủ tịch nước từ ngày 3 tháng Tám đến ngày 22/10, chỉ trong khoảng 110 ngày.

Câu hỏi đặt ra là tại sao hiện nay Việt Nam không làm như các nước cùng thể chế khác ? Hiến pháp Việt Nam năm 2013 có vai trò gì trong việc duy trì cơ chế tứ trụ ? Các lực lượng chính trị khác nhau trên chính trường Việt Nam có vai trò như thế nào để ngăn cản cơ chế nhất thế hóa ? Có hay không sự tác động từ phía Trung Quốc, một đại cường láng giềng có lợi ích trong việc duy trì ảnh hưởng ở Hà Nội ?

Muốn "nhất thể hóa", phải đổi Hiến pháp ?

Điều 4 của Hiến pháp năm 2013 quy định Đảng cộng sản Việt Nam "là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội".

Điều 86 quy định "Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại".

Đảng lãnh đạo nhà nước. Tổng bí thư là người lãnh đạo đảng, còn chủ tịch nước là người đứng đầu nhà nước. Hai điều này trong Hiến pháp hiện hành đã cho thấy hai vị trí tổng bí thư và chủ tịch nước là hai vị trí tách biệt nhau.

Mặt khác, Hiến pháp hiện hành cũng cho thấy vị trí chủ tịch nước thấp hơn vị trí tổng bí thư, do tổng bí thư là người đứng đầu "lực lượng lãnh đạo Nhà nước". Nguyên thủ thực sự của thể chế chính trị hiện nay là tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam.

Vì lý do trên, trao đổi với RFA, nhà nghiên cứu Hoàng Việt cho rằng muốn nhất thể hóa hai vị trí tổng bí thư và chủ tịch nước thì Việt Nam phải sửa đổi Hiến pháp 2013.

Điều 74 của Hiến pháp 2013 cũng quy định các chức danh chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội và thủ tướng chính phủ phải được bầu chính thức, hoặc miễn nhiệm và bãinhiệm tại Quốc hội. Như bốn chức danh tổng bí thư, chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội và thủ tướng chính phủ đã được quy định như là bốn trụ cột của bộ máy nhà nước. Chức danh tổng bí thư do đảng tự quyết, còn ba chức danh còn lại cần được Quốc hội chuẩn y.

Có hay không sự tác động của "phe quân đội" ?

Nhìn vào danh sách 15 ủy viên Bộ Chính trị Việt Nam hiện nay, chúng ta thấy hiện có 6 người xuất thân công an là Tô Lâm, Lương Tam Quang, Pham Minh Chính, Phan Đình Trạc, Nguyễn Văn Nên, Nguyễn Hòa Bình và 3 người thuộc quân đội là Lương Cường, Phan Văn Giang, Nguyễn Trọng Nghĩa.

Với cơ cấu như trên, không khó để nhận thấy những người có gốc công an chiếm đa số trong Bộ Chính trị.

Trao đổi với RFA, Giáo sư Carl Thayer cho rằng điều này dẫn đến lo ngại rằng ông Tô Lâm đang tích lũy quá nhiều quyền lực thông qua lực lượng công an. Do đó, ông Tô lâm "đã trả lời những lo ngại trong nội bộ" này bằng cách từ bỏ chức vụ chủ tịch nước và ủng hộ Lương Cường thay thế ông ở vị trí đó.

Mặt khác, "việc đại biểu quốc hội nhất trí bầu ông Cường là một dấu hiệu cho thấy việc chia sẻ quyền lực thông qua cơ cấu lãnh đạo tứ trụ được ủng hộ rộng rãi", vị chuyên gia người Úc về chính trị Việt Nam nhận xét.

Tuy nhiên, trong Bộ Chính trị, những người có gốc công an chiếm đa số, nhưng trong Ban Chấp hành Trung ương, các ủy viên bên quân đội chiếm số lượng nhiều hơn.

Năm 2021, Đại hội 13 của Đảng cộng sản Việt Nam đã bầu ra 180 ủy viên chính thức của Ban Chấp hành Trung ương, trong đó có 23 ủy viên quân đội (12,8%) và sáuủy viên công an (3,3%). Giáo sư Carl Thayer nhận xét rằng chi tiết nói trên cho thấy vai trò chính trị của quân đội và công an đã được thể chế hóa trong cơ cấu lãnh đạo của Đảng. "Cả hai phe đều có đại diện trong Ban Chấp hành Trung ương", trong đó phía quân đội có nhiều ủy viên hơn.

Theo Điều lệ Đảng hiện hành (ban hành từ 2011), Ban Chấp hành Trung ương có quyền lực khá lớn. Điều 17 của Điều lệ này quy định Ban Chấp hành trung ương bầu Bộ Chính trị, bầu Tổng bí thư, thành lập Ban Bí thư, bầu Ủy ban Kiểm tra trung ương, bầu Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương.

Như vậy, ai là tổng bí thư nhiệm kỳ tiếp theo sẽ được Ban Chấp hành trung ương quyết định tại đại hội 14, diễn ra vào đầu năm 2026.

Tóm lại, ở Bộ Chính trị thì những người xuất thân công an có nhiều ủy viên hơn, nhưng ở Ban Chấp hành Trung ương có nhiều ủy viên quân đội hơn.

Theo Giáo sư Carl Thayer, với các đại diện ở Ban Chấp hành trung ương Đảng, "vai trò chính trị của quân đội và công an được thể chế hóa trong cơ cấu lãnh đạo của Đảng. Cả hai phe đều được đại diện khối trong Ban Chấp hành trung ương".

David Hutt, một nhà báo chuyên theo dõi chính trị Đông Nam Á và là nghiên cứu viên tại Central European Institute of Asian Studies (CEIAS), trong một bài viết hôm 29/10/2024 trên South China Morning Post, cho rằng hiện nay Việt Nam đã đạt được sự ổn định chính trị nhờ chia sẻ quyền lực. Đó là sự chia sẻ quyền "giữa bộ máy quân đội và ngành an ninh".

Điều này có phải là động lực tạo ra sự đối trọng và cân bằng quyền lực trên thượng tầng Việt Nam ? Liệu đây có phải là nguyên nhân ông Tô Lâm từ bỏ vị trí chủ tịch nước ?

Trao đổi với RFA, một mặt Giáo sư Zachary Abuza cho rằng "có một phe quân sự, đóng vai trò là cơ quan kiểm tra, cân bằng về mặt thể chế đối với Bộ Công an". Và như vậy, quân đội và công an là những "đối thủ" có tính thể chế. Nhưng mặt khác, ông cho rằng các nhà quan sát "không nên nói quá về điều đó".

Điều lệ Đảng hiện hành, công bố năm 2011, quy định tổng bí thư đảng đồng thời là bí thư quân ủy trung ương, cơ quan đảng nắm quyền lãnh đạo toàn diện quân đội. Như vậy, không phải là ông Tô Lâm không có uy thế đối với bên quân đội. Tổng bí thư đảng là nhà lãnh đạo cao nhất đối với quân đội, theo Hiến pháp và Điều lệ đảng.

Ngoài ra, trao đổi với RFA, Giáo sư Carl Thayer cho rằng không hẳn những người cùng xuất thân công an hay quân đội sẽ gắn kết với nhau thành một khối. Bởi vì khi chuyển sang vị trí mới, các mối liên kết chính trị của họ cũng khác đi. Do đó, việc phân chia các chính trị gia ở Việt Nam thành hai khối "quân đội" và "công an" sẽ không hẳn chính xác.

Nhà nghiên cứu Hoàng Việt ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng có cùng chung nhận xét đó. Ông đặt chính trị Việt Nam trong bối cảnh Đông Nam Á nói chung :

"Ở Đông Nam Á, quân đội đương nhiên có tiếng nói mạnh trên chính trường. Tổng thống Indonesia mới đắc cử là bộ trưởng quốc phòng. Bên Thái Lan, Philippines quân đội cũng có sức mạnh. Việt Nam cũng vậy.

Nhưng bảo rằng ở Việt Nam phe quân đội kìm chế phe công an thì không đúng thực tế. Nếu nói quân đội kìm chế công an thì tại sao không phải là ông Phan Văn Giang lên chủ tịch nước mà lại là ông Lương Cường ? Ông Phan Văn Giang còn mạnh hơn ông Lương Cường. Với quyền lực của Bộ trưởng Quốc phòng, ông Giang cũng nắm cả Tổng Cục II (Tổng cục Tình báo) của bộ này, có thẩm quyền điều tra, nắm thông tin không chỉ các vấn đề quốc phòng mà cả các vấn đề nội trị. Cho nên việc ông Lương Cường lên chủ tịch nước không hẳn là vì quân đội muốn việc này việc kia.

Đối với văn hóa chính trị Việt Nam thì dù công an hay quân đội có sức mạnh thì Đảng và Bộ chính trị vẫn đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Do đó, họ mạnh nhưng không có nghĩa là họ không có người chỉ huy cao hơn".

Ông Hoàng Việt cho rằng hai lần nhất hóa thời ông Nguyễn Phú Trọng (2018 - 2021) và ông Tô Lâm (tháng Tám đến tháng 10/2024) đều chỉ là giải pháp tình thế chứ không phải là một "sự thử nghiệm". Khi ông Trần Đại Quang mất thì ông Trọng phải kiêm luôn chủ tịch nước. Khi ông Nguyễn Phú Trọng qua đời thì ông Tô Lâm cũng bắt buộc phải làm như vậy.

"Khi ông Nguyễn Phú Trọng nắm giữ hai chức danh, ông cũng tuyên bố là không muốn nắm mãi như vậy. Ông chỉ nắm hết nhiệm kỳ rồi chuyển sang cho người khác. Đó là truyền thống của Việt Nam đã được xác lập. Ngoài ra, theo Điều lệ Đảng thì muốn nhất thể hóa thì phải được Ban Chấp hành trung ương bỏ phiếu để quyết định. Có lẽ Trung ương cũng sẽ không chọn nếu được đưa ra bỏ phiếu. Như các nhà nghiên cứu phương Tây hay nói là tương quan chính trị giữa các lực lượng không để cho điều đó xảy ra".

Ẩn số Trung Quốc

Trao đổi với RFA, Luật sư Vũ Đức Khanh, giáo sư thỉnh giảng ở Đại học Ottawa, đặt ra giả thuyết về "ẩn số Trung Quốc" trong việc ông Tô Lâm từ bỏ vị trí chủ tịch nước. Theo luật sư Khanh, ông Tô Lâm có nhiều động thái nghiêng về Mỹ và phương Tây, do đó, ông đã gây lo ngại cho Trung Quốc.

Một nhà lãnh đạo mạnh mẽ với xu hướng thân phương Tây sẽ gây bất lợi cho chiến lược duy trì Việt Nam trong quỹ đạo của hệ thống xã hội chủ nghĩa do Trung Quốc dẫn dắt, theo nhà nghiên cứu về chính trị và quan hệ quốc tế Việt Nam đến từ Canada.

Vì những nguyên nhân trên, ông Vũ Đức Khanh đặt ra giả thuyết là Trung Quốc đã "âm thầm ủng hộ Lương Cường, một đồng minh cũ của Nguyễn Phú Trọng và người có quan điểm giữ Việt Nam trong phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc".

Trước khi đăng quang chủ tịch nước, ông Lương Cường đã thăm Bắc Kinh và hội kiến với ông Tập Cận Bình.

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Hoàng Việt ở Thành phố Chí Minh không đồng tình với góc nhìn của Luật sư Khanh. Ông Hoàng Việt chỉ ra rằng ông Vương Đình Huệ vào tháng 3/2024 cũng đã công du Trung Quốc, hội đàm với Tập Cận Bình. Đến ngày 22/4, thư ký của ông Vương Đình Huệ là ông Phạm Thái Hà chính thức bị bắt. Chỉ mười ngày sau, ngày 2/5, ông Vương Đình Huệ bị Quốc hội miễn nhiệm chức vụ chủ tịch cơ quan lập pháp cao nhất này.

Nhà nghiên cứu Hoàng Việt phân tích rằng sự việc ông Vương Đình Huệ đi thăm Trung Quốc về rồi mất chức cho thấy việc ông Lương Cường đi thăm Trung Quốc khoảng mười ngày trước khi đăng quan chủ tịch nước không phải là căn cứ để suy luận rằng Trung Quốc có thể can thiệp vào nhân sự chủ chốt của Việt Nam.

Nếu muốn can thiệp vào chính sách của Việt Nam, theo ông Hoàng Việt, Trung Quốc thường tác động gián tiếp, ví dụ thông qua việc gây hấn trên Biển Đông, trừng phạt về kinh tế, khiến Việt Nam thấy cái giá phải trả mà không đi xa đến mức gây thiệt hại cho lợi ích chiến lược của họ. Còn tác động đến chính trị Việt Nam theo cách có thể đưa người này lên, hạ người kia xuống thì rất khó.

Nhà nghiên cứu Hoàng Việt cũng nhắc lại trong quá khứ, thời Việt Nam Cộng Hòa, Mỹ là nước viện trợ toàn diện cho Việt Nam Cộng Hòa nhưng cũng không dễ lèo lái về nhân sự. Để thay một lãnh đạo cao nhất như ông Ngô Đình Diệm, Mỹ đã phải dùng đến biện pháp đảo chánh. Việc tác động về nhân sự bằng cách "chỉ đạo" là điều rất khó, nếu không muốn nói là không thể làm được, ngay cả khi Việt Nam Cộng Hòa phụ thuộc vào Mỹ nhiều mặt.

Việt Nam ngày nay có sức mạnh lớn hơn Việt Nam Cộng Hòa nửa thế kỷ trước rất nhiều. Theo nhà nghiên cứu Hoàng Việt, sức mạnh về kinh tế, chính trị, quân sự, đối ngoại, dân số của Việt Nam hiện nay khiến cho khó có một nước nào có thể can thiệp về nhân sự cấp cao.

Tóm lại, các lực lượng chính trị khác nhau trong hệ thống chính trị thượng tầng cũng như cơ chế tứ trụ như được "thiết kế" trong Hiến pháp 2013 và Điều lệ Đảng năm 2011 đã khôi phục cơ chế tứ trụ. Do đó, việc "nhất thể hóa" không được duy trì. Tuy nhiên, chính trường Việt Nam từ nay đến Đại hội 14 và giai đoạn sau đó có thể có nhiều biến đổi. Nhu cầu phát triển của Việt Nam có thể thúc đẩy những cải cách từng bước để có một thể chế chính trị hiệu quả hơn.

Nguồn : RFA, 02/11/2024