Vài nghịch lý của cuộc chiến tranh Nga-Ukraine (Hoàng Quốc Dũng)
Dầu mỏ Nga : quá nhiều kẽ hở trong các biện pháp trừng phạt
Kể từ khi Nga bắt đầu xâm lược Ukraine, Liên Hiệp Châu Âu (Liên Âu-EU), Hoa Kỳ và nhóm G7 đã áp dụng các biện pháp trừng phạt chưa từng có đối với Moscow.
Các biện pháp hạn chế xuất khẩu dầu mỏ là một phần quan trọng trong loạt trừng phạt nhằm giảm nguồn thu nhập mà Nga dùng để nuôi chiến tranh. Chính vì vậy mà Nga đã không ngừng tìm cách trốn tránh các biện pháp trừng phạt này.
Một cuộc điều tra được công bố trên báo Le Monde, số ra ngày 31/10/2024, cho thấy chính quyền Nga có một hệ thống trốn tránh quy mô lớn, qua trung gian một loạt các công ty nhỏ và vô danh từ nhiều quốc gia phía Nam (chậm tiến) liên kết với Coral Energy.
Hải quan Anh bắt giữ một đội tàu ma chở dầu lậu từ Nga sang các quốc gia phía Nam di chuyển trong lãnh hải Scotland hồi tháng 9/2024
Coral Energy, trụ sở đặt tại Geneva và Dubai, là một doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng hóa và nguyên liệu. Công ty này đã là đối tác ưu tiên của Nga trước khi xảy ra chiến tranh ở Ukraine. Mặc dù công ty này tuyên bố đã chấm dứt các hợp đồng với Nga từ đầu năm 2022 và khẳng định tuân thủ các lệnh trừng phạt từ phương Tây, nhưng thực tế lại không đúng như thế.
Bằng cách sử dụng các công ty khung ở nước ngoài (phần lớn là các quốc gia chậm tiến Á-Phi), các đội tàu ma, đăng ký và hoạt động chuyển hàng bí mật, Coral Energy đã giúp Nga bán dầu của mình ra phần còn lại của thế giới một cách bất hợp pháp. Hơn nữa, hoạt động kinh doanh của Coral Energy được các ngân hàng lớn của Châu Âu, như Société Générale ở Pháp, hỗ trợ tài chính và còn ký những hợp đồng mua bán với nhiều công ty dầu mỏ quốc tế lớn, như TotalEnergies của Pháp. Vụ việc này phơi bày những lỗ hổng lớn trong hệ thống trừng phạt của phương Tây.
Hiệu quả của hệ thống trừng phạt đang giảm sút, đặc biệt là đối với việc áp giá trần mà Nga không thể vượt qua khi bán dầu. Mục tiêu của biện pháp này là làm giảm doanh thu của Nga mà không gây ra sự tăng giá trên thị trường toàn cầu, điều có thể làm gia tăng lạm phát ở Châu Âu và làm cho các quốc gia phía Nam gánh thêm nợ. Tuy nhiên, hiện nay, 70% xuất khẩu của Nga được giao dịch vượt mức giá trần này, điều này làm gia tăng đáng kể lợi nhuận của Nga.
Liên Âu cũng cảm thấy hối tiếc vì đã cho phép Hy Lạp bán một số lượng lớn tàu chở dầu cho Nga vào năm 2022. Những tàu này đã tham gia vào đội tàu "ma", giúp che giấu nguồn gốc của dầu để bán với giá cao hơn.
Việc ban hành các lệnh trừng phạt không phải là điều khó khăn. Vấn đề quan trọng là phải đảm bảo sự tuân thủ. Liên Âu không có một cơ quan quản lý duy nhất như Hoa Kỳ để điều tra các vi phạm có thể xảy ra. Mỗi quốc gia thành viên đều phải tự thực hiện các biện pháp trừng phạt này. Tuy nhiên, nguồn lực hiện tại của từng quốc gia trong Liên Âu không đủ, và hệ thống pháp lý chưa thực sự phù hợp. Trong nhiều quốc gia Liên Âu, việc điều tra phạm tội hầu như không có và nếu có những biện pháp trừng phạt chưa đủ sức răn đe.
Thụy Sĩ đã can đảm từ bỏ sự trung lập của mình và áp dụng hầu hết các biện pháp trừng phạt. Giờ đây, Thụy Sĩ phải chứng minh rằng họ có khả năng đảm bảo việc tuân thủ các biện pháp trừng phạt này đối với các ngân hàng và công ty kinh doanh đặt trụ sở trên lãnh thổ của mình.
Từ khi Nga xâm lăng Ukraine (tháng 2/2022), Châu Âu đã giảm đáng kể nhập khí đốt từ Nga, tuy nhiên không phải là dừng hoàn toàn vì những hợp đồng mua bán khí đốt có thể đã được ký kết từ trước chiến tranh. Hai đường ống dẫn khí khổng lồ Nord Stream 1 và 2 đã bị phá hoại hay hư hại hoàn toàn. Không có bằng chứng cụ thể nào để quy kết Ukraine chủ động, nhưng Nga đã mất đi một nguồn lợi tức quan trọng. Nhiều hệ thống dẫn khí khác cũng bị phá hủy, không vận hành được một cách bình thường. Chuyện cũng rất vui là Nga bán dù được khí đốt cho Liên Âu thì cũng phải chia 1 phần lợi tức cho Ukraine, vì đường ống dẫn khí đốt từ Nga phải đi qua lãnh thổ Ukraine để bán cho Áo, Hungary và Slovania. Kiev cũng không dại gì phá hoại hay ngăn chặn nguồn lợi tức bán chính thức này.
Không chỉ dầu mỏ và khí đốt
Ngoài dầu mỏ và khí đốt, Châu Âu cũng nhập khẩu rất nhiều uranium của Nga để vận hành các nhà máy điện hạt nhân. Lĩnh vực này chưa bị đưa vào các biện pháp trừng phạt Nga. Cụ thể là Pháp năm 2022 đã bỏ ra 359 triệu EUR để nhập uramium của Nga (Rosatom), một con số không đáng kể vì phí trung chuyển uramium chưa chế biến từ Kazakstan và Uzbekistan đã chiếm hơn phân nửa. Để tránh phụ thuộc, Tổng thống Macron cuối năm 2023 đã đi thăm và ký kết mua uranium chưa chế biến của các nước Trung Á như Kazakstan và Uzbekistan.
Không phải là vô lý khi có người từng nói : Phương tây làm tất cả để cho Ukraine không thua, nhưng cũng để cho Nga không bại.
Hoàng Quốc Dũng
(05/11/2024)