Tù nhân lương tâm tuyệt thực, Công an tra hỏi trẻ em, cải tiến giáo dục (RFA tổng hợp)
Ba tù nhân lương tâm Trại giam số 6 đồng loạt tuyệt thực đòi nhà nước phóng thích hết tù chính trị
RFA, 28/09/2024
Ba tù nhân lương tâm ở Trại giam số 6, Thanh Chương (Nghệ An) thông báo sẽ tuyệt thực từ ngày 28/9 để phản đối chế độ giam giữ hà khắc và yêu cầu trả tự do cho tất cả các tù nhân lương tâm ở Việt Nam.
Các tù nhân lương tâm ở trại giam Số 6, gồm Bùi Văn Thuận, Trịnh Bá Tư và Đặng Đình Bách. RFA edited
Thông tin này được ông Trịnh Bá Tư cho biết trong cuộc gọi điện thoại về gia đình hôm 27/9. ông Trịnh Bá Tư đã nói với chị dâu của mình là bà Thu Đỗ rằng từ ngày 28/9, ông Tư cùng với hai tù nhân lương tâm khác là Bùi Văn Thuận và Đặng Đình Bách sẽ bắt đầu tuyệt thực.
Thông điệp và mục tiêu của cuộc tuyệt thực lần này được bà Thu Đỗ thông báo trên Facebook của mình như sau:
"Một là kêu gọi Nhà nước phóng thích tù chính trị và các nhà hoạt động xã hội, nhằm mở đường cho đất nước dân chủ hoá để thiết lập một nhà nước pháp quyền, từ đó mới có thể bảo vệ thực chất quyền con người cho từng người dân. Chỉ có như vậy đất nước mới bước vào một cuộc chuyển mình vĩ đại. Đảng Cộng sản Việt Nam cần từ bỏ quyền độc tôn với nhà nước và xã hội.
Thứ hai là phản đối chế độ giam giữ hà khắc vô nhân đạo của Thái Văn Thủy, Nguyễn Văn Du là những người đứng đầu phân trại 1, Trại giam Số 6, Nghệ An. Yêu cầu chấm dứt ngay "chuồng cọp" và sự hủy hoại sức khỏe, tinh thần của tù nhân chính trị".
Cũng trong cuộc gọi điện này, ông Trịnh Bá Tư cho biết lần này mọi người sẽ chiến đấu quyết liệt để đạt được mục tiêu đề ra.
Bà Trịnh Nhung, vợ của tù nhân lương tâm Bùi Văn Thuận, nói với RFA rằng kể từ ngày 11/4/2024, các tù nhân chính trị khu K1, bao gồm chồng bà, đã bị giam giữ trong các khu vực biệt lập, thường được gọi là "chuồng cọp", không được phép ra ngoài để tập thể dục hoặc sinh hoạt. Điều này là trái với quy định của trại giam rằng các tù nhân được ra sân chung để sinh hoạt văn nghệ, thể thao vào mỗi chủ nhật hàng tuần.
Đặc biệt là trong mùa hè nóng bức, theo lời mà ông Thuận kể lại cho bà Nhung, các tù nhân lương tâm phải sống trong những phòng giam nhỏ hẹp với điều kiện vệ sinh rất kém. Bên trong phòng giam chỉ có một chiếc quạt, không đủ để lưu thông không khí trong thời tiết nóng bức :
"Anh Thuận bị giam ở trong một căn phòng ba người nhưng chỉ rộng 12 mét vuông và nhà vệ sinh tắm giặt ở trong cái buồng giam đó luôn, thì cái không gian rất là bé mà ba người ở trong đó rất là tù bức, và bị nhốt trong phòng gần như suốt ngày".
Bà Nhung cho biết, điều kiện sinh hoạt này đã khiến ông Thuận bị giảm cân và suy yếu về sức khỏe, tinh thần căng thẳng và mệt mỏi trong thời tiết khắc nghiệt của mùa hè miền Trung.
Khi biết chồng mình chuẩn bị tuyệt thực trong trại giam, bà Nhung bày tỏ nỗi lo lắng cho sức khỏe của chồng vốn đã không tốt do điều kiện sống thiếu thốn. Tuy nhiên, bà cho hành động này của ông Thuận là chính đáng và bà luôn đồng hành ủng hộ chồng :
"Thứ nhất là rất lo lắng vì ở trong đó đã thiếu thốn rồi mà các anh lại bị tuyệt thực thì nó sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe rất là nhiều nhưng mà cũng tin tưởng và ủng hộ cái việc đó. Bởi vì, các anh đang đòi quyền lợi chính đáng và mục tiêu để tuyệt thực là muốn đòi thả tự do cho tất cả các tù nhân chính trị trên khắp Việt Nam.
Tôi nghĩ lý do đó là hoàn toàn chính đáng và cần thiết. Tôi cũng ủng hộ các anh đã đoàn kết với nhau để đòi những quyền lợi chính đáng của mình".
Ông Trần Huỳnh Duy Thức, một cựu tù nhân lương tâm nổi tiếng vừa bị trại giam Số 6 "cưỡng bức đặc xá" vào ngày 19/9 vừa qua, cũng đã công khai lên tiếng ủng hộ ba người từng ở chung trại giam trước khi ông được phóng thích.
Trong bài viết trên trang Facebook cá nhân, ông Thức bày tỏ rằng nếu không bị tống ra khỏi tù, ông cũng đã tham gia và dẫn dắt cuộc tuyệt thực này. Ông kêu gọi mọi người chia sẻ, lan tỏa thông điệp cuộc tuyệt thực lần này và nếu có thể, đồng hành cùng những con người can đảm vì đất nước.
Đây không phải là lần đầu tiên ba tù nhân lương tâm Trịnh Bá Tư, Đặng Đình Bách và Bùi Văn Thuận tuyệt thực trong Trại giam số 6, Thanh Chương (Nghệ An).
Ông Trịnh Bá Tư (35 tuổi) là một nhà hoạt động vì quyền đất đai, bị tuyên án tám năm tù giam hồi năm 2020 với tội danh "phát tán tài liệu nhằm chống Nhà nước" cùng với mẹ và anh trai. vào tháng 6/2022, đã bị cán bộ trại giam đánh đập và tước đoạt quyền lợi cơ bản của tù nhân. Khi đó, ông Tư đã tuyệt thực Trịnh Bá Tư tuyệt thực trong 14 ngày cho đến ngày thăm gặp người thân.
Luật gia Đặng Đình Bách (46 tuổi), người đang thụ án tù năm năm tù giam về tội trốn thuế, tuyên bố tuyệt thực từ ngày 02/02/2024 để tiếp sức bạn tù cùng phòng khi đó là ông Trần Huỳnh Duy Thức nhằm đòi quyền lợi của tù nhân, cũng như phản đối việc bị đối xử hà khắc bởi cán bộ Trại giam số 6.
Ông Bùi Văn Thuận, 43 tuổi, đang thi hành bản án tám năm tù giam về tội danh "tuyên truyền chống Nhà nước" theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự. Ông đã tuyệt thực kéo dài năm ngày hồi tháng vừa qua nhằm phản đối chế độ giam giữ quá khắc nghiệt đối với tù nhân chính trị ở trại giam này.
Nguồn : RFA, 28/09/2024
****************************
Công an tra hỏi cả trẻ em để truy tìm tung tích nhà hoạt động chính trị
RFA, 27/09/2024
Tình trạng người thân của các nhà hoạt động chính trị và dân chủ tại Việt Nam bị quấy rối, đàn áp tinh thần vẫn diễn ra phổ biến trong những năm qua. Tuy nhiên, gần đây, một số nhà hoạt động còn tố cáo rằng chính quyền ở một số địa phương còn tra hỏi cả trẻ em chưa đến tuổi trưởng thành.
Nhà hoạt động Huệ Như - Fb Huệ Như
Truy đến cùng
Bà Đặng Thị Huệ, còn được biết đến với tên Huệ Như, là một cựu tù nhân lương tâm, từng bị kết án tù vì hoạt động phản đối các trạm thu phí BOT bẩn. Sau khi mãn hạn tù vào đầu năm 2023, bà cho biết vẫn đối mặt với sự truy lùng liên tục từ công an tỉnh Thái Bình.
Theo lời kể của bà Huệ Như, công an đã mời chồng cũ và con trai chín tuổi của bà lên Ủy ban xã để hỏi thăm tung tích của bà:
"Họ quay sang con trai của tôi hỏi về cách thức để liên lạc với mẹ như thế nào, mẹ mua máy tính cho con rồi con nhận bằng cách nào, mẹ mua xe đạp cho con và con nhận ở đâu".
Những câu hỏi thẩm vấn từ phía công an với đứa con nít chín tuổi, theo bà Huệ Như, đã gây ra sự khủng hoảng tinh thần cho cháu bé:
"Tôi cho rằng đây là một hành động mà coi thường pháp luật của Công an Thái Bình cũng như là vi phạm Công ước quốc tế về quyền trẻ em vì cháu nó còn rất nhỏ, mới có chín tuổi. Cháu chưa thể nhận thức được việc làm của mẹ. Đây là một hành động xâm phạm và đàn áp tinh thần đối với một đứa trẻ còn nhỏ".
Việc công an tìm cách truy tìm thông tin về bà Huệ bằng cách tiếp cận cậu con trai, đã khiến bà Huệ đã phải cắt đứt mọi liên lạc với con, nhằm bảo đảm an toàn cho cháu, đồng thời tránh những tác động tiêu cực về tâm lý cho đứa trẻ.
Bà nói với RFA quyết liệt phản đối hành động này của công an Thái Bình:
"Tình hình ngày càng trở nên nguy hiểm hơn. Nếu như trước kia họ chỉ tiếp xúc với tôi và những người lớn thôi thì đến bây giờ họ đã tìm đến những đứa trẻ là con của tôi. Điều đó cho thấy sự điên cuồng của phía bên an ninh để truy tìm tung tích của tôi".
Chuyện không mới
Thư mời con của bà Uyên Thùy lên làm việc và thư kêu gọi đầu thú. Ảnh : Nhân vật gởi cho RFA
Tình trạng tương tự cũng xảy ra với gia đình bà Uyên Thùy - một thành viên của nhóm Hiến Pháp hiện đang tị nạn ở Thái Lan.
Vào năm 2018, tám thành viên của nhóm Hiến Pháp bị bắt giữ vì đã tham gia vào các cuộc biểu tình phản đối Dự luật Đặc khu với điều khoản cho Trung Quốc thuê đất đến 99 năm. Vì sự việc đó, bà Thùy phải chạy sang Thái Lan để lánh nạn. Tuy nhiên, việc bà rời khỏi Việt Nam, đã trở thành cái cớ để chính quyền "ra tay" sách nhiễu người thân trong gia đình của bà hiện còn đang ở trong nước.
Bà Uyên Thùy cho biết, vào đầu năm 2023, con gái của bà, mới 16 tuổi, bị xuất huyết não phải mổ khẩn cấp. Sau khi xuất viện về nhà, đang trong giai đoạn điều trị hồi phục thì công an ập vào nhà. Cụ thể, lúc đó là 4/3/2023. Họ vào và đọc giấy kêu gọi bà ra đầu thú ngay trước mặt đứa trẻ đang nằm trên giường bệnh:
"Nhà tôi không có phòng riêng nên khi bé ở nhà nhìn ra là thấy công an ập đến đọc lệnh đầu thú thì nó sợ quá, bị khủng hoảng tinh thần và bị sốc, lúc đó cả nhà đều hoảng loạn".
Sau đó, công an gởi giấy mời cho hai người con lớn của bà Uyên Thùy yêu cầu họ lên làm việc với công an thành phố Huế Điều này khiến con gái út của bà đang cần người chăm sóc sau ca phẫu thuật não phải ở nhà một mình:
"Khi đến làm việc thì họ hỏi tại sao không kêu mẹ về đầu thú. Câu thứ hai họ hỏi là có biết mẹ đã làm chuyện phạm tội với quốc gia hay không.
Tôi nghĩ rằng đây là một hành vi rất tàn bạo không thể chấp nhận được. Những chuyện đã làm với tôi cũng không bằng chuyện một bệnh nhi nằm trên giường bệnh mà lại hành xử như vậy khiến cho bệnh nhi một lần nữa bị nguy hiểm thì đó là một chế độ hết sức tàn bạo".
Không chỉ có các trường hợp của bà Uyên Thùy và bà Huệ Như mới xảy ra trong hai năm gần đây, RFA ghi nhận đã có rất nhiều vụ việc sách nhiễu đã từng xảy ra trong những năm trước đó vói thân nhân của các nhà hoạt động. Cụ thể, hồi tháng 3/2020, thân nhân của nhiều nhà hoạt động bị công an triệu tập, thẩm vấn và gây áp lực với mục tiêu cô lập các nhà hoạt động chính trị. Trong số đó có mẹ của hai nhà hoạt động là Phạm Đoan Trang và Đường Văn Thái ; tháng 2/2019, một báo cáo ghi nhận trường hợp thân nhân của nhà hoạt động Hoàng Đức Bình. Mẹ của ông Bình đã phải bị công an mời lên làm việc nhiều lần mà không có lý do chính đáng. Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần và sức khoẻ của một người mẹ đã ngoài 70 có con trai đang phải chịu án 14 năm tù giam.
Bình luận về tình trạng người thân của các nhà hoạt động bị sách nhiễu, luật sư Đặng Đình Mạnh cho biết về pháp lý, giấy mời làm việc của cơ quan công an có tính cách nhiệm ý. Người được mời có thể đến hoặc từ chối làm việc mà không phải chịu trách nhiệm gì.
Trong trường hợp bị sách nhiễu, người dân có thể làm đơn khiếu nại gởi đến thủ trưởng của cơ quan có nhân viên, cán bộ thực hiện hành vi sách nhiễu. Trường hợp khiếu nại không được giải quyết hoặc giải quyết không hợp tình, hợp lý, người dân có thể gởi khiếu nại lên cơ quan cấp trên.
Đồng thời, việc nhờ luật sư cùng đồng hành trong quá trình làm việc với cơ quan công an (nếu có) hoặc khiếu nại cũng là giải pháp tốt nên lưu ý.
Nguồn : RFA, 27/09/2024
****************************
Ngành giáo dục cải tiến hay cải lùi trong việc đổi tên chứng chỉ hành nghề nhà giáo ?
RFA, 27/09/2024
Dù thời gian qua báo chí nói nhiều về việc nên bỏ quy định ‘Giáo viên đứng lớp phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp’ vì sợ phát sinh thêm thủ tục "giấy phép con", nhưng trong Dự thảo Luật Nhà giáo lần ba của Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn giữ lại quy định này, nhưng có sửa tên ‘Chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo’ thành ‘Giấy phép hành nghề đối với nhà giáo’.
Ảnh minh họa chụp tại một lớp học ở Hà Nội trước đây. AFP PHOTO
Chỉ đổi câu chữ
Trả lời RFA hôm 27/9/2024, thầy giáo Đỗ Việt Khoa - giáo viên trường Trung học Phổ thông Thường Tín - Hà Nội, nhận định:
"Tôi nghĩ đây là cái trò cố tình giữ nguyên quy định bắt buộc giáo viên phải có thêm một giấy phép con. Thành ra họ đổi qua đổi lại từ ‘chứng chỉ hành nghề’ thành ‘giấy phép hành nghề’... hay làm ngược lại thì cũng thế thôi. Cả hai đều chỉ gây phiền toái cho giáo viên và hết sức không cần thiết. Yêu cầu bỏ điều này ra khỏi dự thảo luật".
Thầy Khoa cho rằng, trường Đại học Sư phạm đã đào tạo nghề nghiệp để dạy học, tức là chuyên môn đứng lớp cho giáo viên... thì tại sao Bộ Giáo dục lại vẽ ra một chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm nữa ?
"Thật sự là cả nước phản đối, hãy dừng ngay việc này lại, bỏ hết những chứng chỉ không cần thiết trong ngành giáo dục đi. Chưa kể nhiều năm học, thầy cô giáo còn phải đi bồi dưỡng chương trình này nọ kia, mà tôi cho là thật lãng phí lắm".
Giải thích với báo nhà nước về việc chỉ đổi tên ‘Chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo’ thành ‘Giấy phép hành nghề đối với nhà giáo’... đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo hôm 26/9 nói với truyền thông Nhà nước rằng, "Giấy phép hành nghề dạy học" là văn bản xác nhận người đủ điều kiện hành nghề dạy học do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp. Giải thích của Bộ xem ra chưa được nhiều người đồng tình. Như lời của thầy Đỗ Việt Khoa, "Chứng chỉ Hành nghề giáo viên" là một loại chứng chỉ không cần thiết, làm tốn tiền của giáo viên. Bởi lẽ, trường Đại học Sư phạm đã làm việc này rồi.
Qua đó, thầy Khoa hy vọng Chính phủ sẽ thay đổi cách quản lý đối với ngành Giáo dục, quan tâm đến chất lượng và thực tài hơn là những chứng chỉ thay đổi tên gọi nhiều lần như vậy:
"Từ các bộ trưởng trước đây cho đến nhiều cán bộ hiện nay, đều có vấn đề, những vấn đề đó có thể là do chiều cao trong suy nghĩ của họ, trong trí tuệ, trong cái tầm nhìn đều có vấn đề tồn tại hạn hẹp. Ví dụ như vấn đề chứng chỉ nghề này là một cái dở, tốt nhất là không nên có. Đây là những tầm nhìn rất kém của nhiều cán bộ ngành giáo dục hiện nay".
Máy móc & nhiều hạn chế
Quy định ‘Giáo viên các cấp muốn đứng lớp sẽ phải có chứng chỉ đạt tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp’ có hiệu lực từ ngày 20/3/2021. Cụ thể theo quy định này, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp để xếp hạng lương viên chức giảng dạy trong các trường phổ thông công lập. Giáo viên có chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp sẽ được bổ nhiệm vào hạng tương ứng và được tăng lương theo quy định.
Từ khi quy định này ra đời, hàng loạt giáo viên phải học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, vì nếu không có chứng chỉ thì sẽ bị tụt hạng, giảm lương... Học phí khi đó tương đương khoảng 2,5 triệu đồng, tùy nơi cấp chứng chỉ và do giáo viên tự chi trả.
Một giáo viên ở Sài Gòn không muốn nêu tên vì lý do an toàn, khi trả lời RFA hôm 27/9, nói về việc này :
"Thi chứng chỉ nghề giáo viên đã có từ thời gian trước, tất cả giáo viên đùng đùng kéo nhau đi học chứng chỉ. Tức là giáo viên có bằng sư phạm, làm việc lâu năm, là giáo viên tiểu học hạng hai, thì phải đi học chứng chỉ nghề đó mới giữ được hạng hai của mình. Còn nếu không đi học, thì sẽ bị xét cho lùi xuống hạng ba, do đó giáo viên nào cũng phải đi học".
Nhiều chuyên gia cho rằng, quy định về chứng chỉ áp đặt một cách máy móc, khiến giáo viên khổ sở. Những ‘giấy phép con’ như thế có thể sẽ tạo ra những hành vi tiêu cực trong ngành giáo dục, chưa kể còn tạo cơ hội cho hoạt động "cò chứng chỉ" nở rộ.
Việc tổ chức thu chứng chỉ nâng cao tay nghề thì điều đó đáng hoan nghênh. Có điều là cách thức tổ chức thế nào?
-Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng
Trao đổi với RFA liên quan vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, một chuyên gia về ngôn ngữ học, từng giảng dạy nhiều năm tại trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, đưa ra nhận định :
"Về nguyên tắc, bất cứ ngành nghề nào cũng vậy thôi, kiến thức không dừng lại một chỗ, nó luôn luôn cần phải được bổ sung. Cho nên việc tổ chức thu chứng chỉ nâng cao tay nghề thì điều đó đáng hoan nghênh. Có điều là cách thức tổ chức thế nào ? Thì hiện nay người ta áp dụng đồng loạt, cái đó không nên làm và không thể làm. Bởi vì làm thì chất lượng không tốt đâu, ngay cả khi giảng viên là giảng viên tốt".
Việc thứ hai theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng đó là, đội ngũ giảng viên có đủ khả năng để nâng cao tay nghề cho giáo viên hiện hữu rất ít. Do đó, việc đào tạo "có chất lượng" cho đội ngũ giáo viên là rất khó :
"Tôi không dám khẳng định đội ngũ ấy có thể đủ sức để mà trong thời gian ngắn có thể làm cho các giáo viên có thể học tập có chất lượng. Và nếu chúng ta cứ tổ chức bằng cách này hay cách khác, để đến năm nào đó tất cả giáo viên đều có chứng chỉ, thì tôi tin chắc nó sẽ theo lối mòn. Tức là có chứng chỉ cho vui, còn chất lượng vẫn như thế. Cái đó là một tật bệnh, mà không chỉ trong ngành giáo dục... Tôi thấy trong tất cả các ngành đều thấp thoáng cái đó cả, có những ngành cái đó rất nặng. Do đó về mặt nguyên tắc tôi đồng ý, nhưng trong cách thực hiện như thế này, tôi không tin là nó có thể đạt đến kết quả mà người quản lý cao nhất của ngành họ mong muốn. Cũng là trong điều kiện làm khổ giáo viên thôi".
Nguồn : RFA, 27/09/2024