Giải quyết nhóm Nghệ – Tĩnh, bài toán quá tầm của Tô Lâm ? (Thái Hà)

Nghệ An và Hà Tĩnh là 2 nhóm lớn, có số ủy viên Trung ương Đảng lẫn ủy viên Bộ Chính trị đông nhất nhì, trong 2 nhiệm kỳ liên tiếp.

nghean1
Cầu Cửa Hội bắc ngang sông Lam, dài hơn 5,2 km, là một trong 5 cầu kết nối hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh - Ảnh minh họa

Nghệ An và Hà Tĩnh lại gần gũi nhau về địa lý, cũng như tương đồng về chất giọng và từ ngữ địa phương. Hai tỉnh này trước đây cùng thuộc tỉnh Nghệ – Tĩnh.

Hai nhóm này cũng đang liên minh, liên kết, giữa các sân sau, khiến cho sức mạnh ngầm mạnh hơn rất nhiều, so với những gì họ thể hiện.

Cả 2 nhóm đều lợi dụng sự ủng hộ của ông Nguyễn Phú Trọng để bành trướng. Trong Ban Bí thư, vị trí Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương được ông Trọng giao cho một người Hà Tĩnh, vị trí Trưởng ban Nội chính Trung ương giao cho một người Nghệ An. Hiện ông Tô Lâm rất khó bứng 2 vị trí này. Có lẽ, cần thời gian và cả sự "may mắn", thì Tô Lâm mới có thể dọn được 2 "di sản" này của ông Trọng.

Ông Tô Lâm thắng lớn là nhờ khả năng chớp thời cơ tốt. Tận dụng tối đa sức mạnh của Bộ Công an, và thời điểm mà sức khỏe ông Trọng cạn kiệt, để ra tay, nên ông đã thắng lớn. Tuy nhiên, ông Tô Lâm cũng gặp may, vì sức khỏe của ông Trọng đã trở nên nguy kịch sớm. Nếu ông Trọng có thể sống qua Đại hội 14, thì lúc đó, ông Tô Lâm khó có cơ hội được ngồi vào ghế Tổng bí thư.

Hiện nay, lực lượng của phe Hưng Yên trong Trung ương Đảng vẫn còn mỏng hơn phe Nghệ An và Hà Tĩnh rất nhiều. Vì vậy, ông Tô Lâm phải đánh dẹp 2 phe Nghệ An và Hà Tĩnh, để tạo ra chỗ trống cho người của phe Hưng Yên vào thay thế.

Ngoài ra, với tổng cộng 4 ủy viên Bộ Chính trị và 20 ủy viên Trung ương Đảng, phe Nghệ – Tĩnh vẫn là mối nguy lớn nhất đối với phe Hưng Yên.

Bằng việc đưa Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh lên thớt, ông Tô Lâm đang muốn cắt sợi dây liên hệ giữa 2 phe này. Tuy nhiên, ông Khánh chỉ là Ủy viên Trung ương Đảng, ông bị rụng cũng không làm cho phe Hà Tĩnh yếu đi bao nhiêu. Cần phải loại được những nhân vật tầm Ủy viên Bộ Chính trị, hoặc có cơ hội vào Bộ Chính trị cao, như Hồ Đức Phớc hay Trần Hồng Hà, thì mới có tác dụng.

Nguồn tin nội bộ từng cho thoibao.de biết rằng, Tô Lâm chuẩn bị hồ sơ để hạ Trần Cẩm Tú và Phan Đình Trạc. Ông cũng đã tiến hành những bước cần thiết, như bắt giam Nguyễn Văn Yên, cấp phó của Phan Đình Trạc, và tấn công vào Công ty Cây xanh Công Minh, để lật Trần Cẩm Tú. Tuy nhiên, đến nay, ông vẫn chưa thể khiến 2 nhân vật trên lung lay. Xem ra, 2 ủy viên Bộ Chính trị hàng đầu của 2 nhóm này không dễ gục ngã, như Tô Lâm muốn. Ngay trong Ban Bí thư, Tô Lâm muốn tiến hành Hưng Yên hóa cũng không dễ dàng.

Lên Tổng bí thư chỉ mới hơn 2 tháng, thời gian chưa đủ lâu để Tô Lâm có thể sắp xếp lại Ban Bí thư, đồng thời dọn hết những di sản mà ông Trọng để lại. Ông muốn có sức mạnh, thì người của ông phải chiếm đa số và giữ các vị trí quân trọng trong Ban bí thư, như ông Trọng từng làm.

Đánh Đặng Quốc Khánh thì chỉ mới cắt được một cọng "rễ", kết nối giữa Nghệ An và Hà Tĩnh. Cắt 1 rễ thì chưa thể khiến cho cây chết. Ông Tô Lâm cần phải làm nhiều hơn, cần đánh vào những nhân vật lớn hơn, có sức ảnh hưởng hơn ông Đặng Quốc Khánh.

Việc đánh văng ông Vương Đình Huệ dễ dàng, không có nghĩa, đánh Phan Đình Trạc và Trần Cẩm Tú cũng dễ dàng như vậy. Nếu những nhân sự mà ông Trọng để lại trong Ban Bí thư dễ bị đánh gục, thì ông Tô Lâm đã ra tay. Những người còn lại này, mà đặc biệt là những người gốc Nghệ An – Hà Tĩnh, đều là những đối thủ khó hạ, đối với Tô Lâm.

Từ nay đến Đại hội 14 chỉ còn hơn 1 năm, chúng ta cùng đợi xem, ông Tô Lâm có thể làm được gì với nhóm Nghệ Tĩnh ?

Thái Hà