Bão Yagi để lộ tham nhũng và làm ăn tất trách tại Hà Nội (Nhiều tác giả)

 Vì sao hàng chục ngàn cây xanh bật trơ gốc ở Hà Nội sau bão Yagi ?

BBC, 10/09/2024

Sau khi cơn bão Yagi càn quét qua các tỉnh phía Bắc Việt Nam, một trong những vấn đề đang được dư luận quan tâm là hàng ngàn cây xanh gãy đổ, bật gốc, lộ ra bộ rễ trơ trụi, thậm chí vẫn bị bó chặt trong các bầu đất.

cay1

Hàng loạt cây xanh bật gốc ở Hà Nội, trơ bộ rễ bị bó chặt trong các bầu đất, sau cơn bão Yagi

Theo ước tính sơ bộ, hàng vạn cây xanh ở các tỉnh miền Bắc nơi cơn bão đi qua đã bị bão quật đổ.

Riêng tại Hà Nội, số cây bật gốc ước tính khoảng 24.000.

"Trồng cây nhưng cây phải sống, sống khỏe, tạo mảng xanh cho đô thị, không phải trồng cho xong việc, sau khi nghiệm thu thì 'sống chết mặc cây'", một bài bình luận đăng trên báo Lao Động hôm 9/9, viết.

Bão Yagi đã ghi nhận kỷ lục là cơn bão giữ cấp siêu bão (cấp 16) lâu nhất trên Biển Đông trong khoảng 30 năm trở lại đây.

Vì sao hàng loạt cây xanh ở Hà Nội bật gốc sau bão Yagi vẫn còn nguyên bọc bầu, lộ vụ án quan trọng?

Cây đổ trơ gốc cụt

cay2

Nhiều cây xanh bật gốc sau bão Yagi ở Hà Nội

Sau cơn bão, nhiều người dùng mạng xã hội đã chia sẻ hình ảnh cây xanh đổ bật gốc trên nhiều tuyến đường đô thị nơi cơn bão đi qua.

Đặc điểm chung của các hình ảnh này khiến dư luận chú ý là có rất nhiều cây to gãy đổ để lộ ra bộ rễ chùm rất ngắn.

Nhiều cây khác bật gốc để lộ ra toàn bộ phần rễ cây vẫn bị bó chặt trong những bầu đất bằng nilon, bao bố. Rễ cây không thể xuyên qua các lớp bọc này.

Đây không phải là lần đầu tiên vấn đề cây xanh Hà Nội được mang ra mổ xẻ.

Sau mỗi cơn bão và các đợt cây bị bật gốc, dư luận lại đặt câu hỏi về trách nhiệm của các công ty cây xanh trong việc trồng và chăm sóc cây.

Tuy nhiên, mỗi mùa bão qua đi, cây vẫn tiếp tục bật gốc trong khi dư luận đến nay chưa nhận được câu trả lời nào thỏa đáng.

Dư luận cũng nêu vấn đề liệu có nên ngay lập tức cưa các cây bật gốc làm gỗ thay vì trồng lại và chăm sóc.

Ngày 8/9, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài khi đi kiểm tra tình hình thiệt hại của bão số Ba đã yêu cầu phải cứu, trồng lại những cây xanh đổ do bão.

Đơn vị trồng cây đúng hay sai ?

cay3

Cây to còn nguyên bọc bầu và hố trồng rất nông. Ảnh : Thu Hồng.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Đặng Văn Đông - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả - trả lời báo Dân Trí rằng việc bọc gốc cho cây là cần thiết, nếu không cây sẽ dễ bị chết do bị sốc trong quá trình vận chuyển và trồng.

Tuy nhiên, khi trồng xuống đất, lẽ ra phải gỡ lớp lưới này ra, hoặc nếu giữ nguyên thì phải dùng chất liệu bọc tự tan.

Chất liệu này đảm bảo tự tan vào đất trong sáu tháng đến một năm, biến thành bùn giúp cây sinh trưởng phát triển tốt.

Dùng nilon bọc bầu cây sẽ bịt kín hơi, khiến rễ cây không thể phát triển, có thể dẫn đến làm chết cây.

Ngoài ra, đơn vị trồng cây cần đặc biệt chú ý kỹ thuật nén chặt đất vào bầu cây, để khi rễ thoát khỏi bọc sẽ ngay lập tức có sự kết nối với phần đất bên ngoài.

Trả lời báo Lao Động, Thạc sĩ Ngô Thị Minh Thê - Trưởng bộ môn Cảnh quan và Kĩ thuật hoa viên (Trường Đại học Nông Lâm TPHCM) - nói rằng những cây được lựa chọn trồng ở đô thị phải là những cây có kết cấu rễ cọc, ăn sâu xuống dưới lòng đất. Tuyệt đối không trồng những cây tăng trưởng nhanh.

Về hình ảnh những cây bị đổ còn nguyên bầu đất bọc nilon, bà Thê cũng cho rằng việc này khiến rễ cây không phát triển, khó bám chắc vào đất và dễ gãy đổ.

Cùng chung quan điểm với Tiến sĩ Đông, bà Thê cho hay cần phải sử dụng vật liệu phân hủy được để bọc bầu đất của cây nếu muốn trồng cây giữ nguyên bầu đất.

"Theo đạo đức nghề nghiệp thì không nên làm bọc bầu bằng nilon vì nó không phân hủy được, rễ sẽ không ăn được vào đất", bà Thê nói.

Để tránh cây gãy đổ trong bão, Phó Giáo sư Tiến sĩ Đặng Văn Đông cho rằng với cây to, phải có cọc chống trong thời gian vài năm.

Tuy nhiên, nên hạn chế lấy các loại cây to để trồng ở đô thị, mà ưu tiên các cây có kích thước vừa phải, với đường kính 5- 10 cm, chiều cao 2- 3 mét.

Trao đổi với báo Tiền Phong liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo một đơn vị chuyên cây xanh đô thị tại Hà Nội khẳng định, tại tất cả các dự án có cây xanh thì việc đưa cây nhỏ về trồng nguyên bầu là "đúng kỹ thuật". Đợt mưa bão quá lớn vừa qua thì cây bật gốc là điều không thể tránh khỏi.

Ý kiến dư luận

Trong khi đó, nhiều ý kiến trên mạng xã hội cho rằng việc trồng cây để trong các bầu đất như vậy là không đúng cách, là cách làm gian dối.

Và rằng cơn bão này là cơ hội để "dựng lại cây và dựng lại người".

Tài khoản Cù Mai Công viết trên Facebook :

"Trước đó bốn năm, trận bão số 5 quét qua Huế hồi tháng 9/2020 khiến 15.000 cây xanh, trong đó có cả ngàn cây cổ thụ bị quật ngã, bật gốc, người Huế đã không cưa đoạn làm củi, làm bàn ghế bán mà ra sức trồng lại hàng ngàn cây, tới giờ xanh mơn mởn, cành lá sum suê.

Đây không phải là chuyện khó với người làm vườn lẫn đơn vị trồng cây...

...Riêng về mấy bầu nhựa quanh gốc cây khiến rễ cây bị bó không khó truy lại đơn vị, bộ phận trồng mấy cây đó lẫn những đơn vị làm đường, làm vỉa hè đã chặt, xén rễ… Để xử lý, kỷ luật và bồi thường về hành vi "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" này. Cũng là một cách răn đe những tái phạm và kiểm tra kỹ hơn việc trồng cây.

Dựng lại nhà, dựng lại cây và quan trọng hơn là cũng cần dựng lại người trồng lẫn kẻ phá".

Ông Huỳnh Ngọc Chênh viết trên Facebook :

"...Nhìn vào các gốc trốc lên ai cũng thấy rõ đó là những bao ni lông phải cả 100 năm sau mới tiêu hủy được. Bằng chứng là sau vài năm trồng các bao ấy vẫn còn nguyên và hoàn toàn không có cái rễ nào xuyên qua bao ấy được. Hầu hết những cây bị bọc rễ ấy phải đâm rễ ra từ phần gốc không bọc bên trên. Đó là lý do tại sao cây đổ dễ dàng. Chưa nói hàng loạt cây khác chẳng thấy gốc và rễ đâu chỉ thấy cắm thân thẳng xuống đất".

Cựu Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Huỳnh Tấn Vinh đưa ra một số góp ý về cách trồng và chăm sóc cây trên Facebook cá nhân :

"Trồng cây bằng hình thức chiết cành như hình là gian dối. Theo mình thì :

- Nên trồng cây non, chọn cây phù hợp với thổ nhưỡng khí hậu tại nơi trồng. Cây non giữ được rễ cái, giúp cây đứng vững khi trưởng thành

- Nếu trồng từ bầu cây nên chuẩn bị hố trồng đủ rộng và sâu, đủ chất dinh dưỡng cho cây. Sau khi đặt cây xuống hố phải cắt bỏ bọc ni lông bao dứa để rễ mới phát triển

- Chèn chống bằng khung tam giác hoặc tứ giác để giữ cây không bị lay gốc khi có gió mạnh làm đứt rễ non.

- Trước mùa mưa bão phải cắt tỉa cành để tán cây không quá sum suê, cản gió làm cây dễ gãy đổ.

Ở các thành phố miền Trung có những hàng cây Xà cừ, cây Sao do người Pháp trồng đã trải qua nhiều giông bão tồn tại hàng trăm năm cho tới nay".

Facebook Nguyễn Thùy Dương chia sẻ kinh nghiệm trồng cây xanh lâu năm :

"Thứ nhất, xét về gốc cây bị bật lên thì bầu bứng quá nhỏ so với tán cây. Bầu rễ quá nhỏ khó trụ tạo cân bằng cho cây.

Thứ hai, cây bật gốc là cây rễ cọc hay còn gọi là rễ đuôi chuột. Rễ đuôi chuột một khi đã chặt thì không thể mọc lại. Cây trồng lại vẫn sống nhưng cần diện tích mặt thoáng lớn cho các rễ khác phát triển.

Thứ ba,.. khi thợ đánh gốc bứng cây, sẽ cố định bầu cây bằng lưới hoặc bao để bảo vệ rễ cây. Cây bứng xong có thể để trên mặt đất vài tháng tới vài năm tùy từng loại cây với điều kiện vẫn bọc bầu và tưới nước đều. Nhưng khi xác định trồng lại đàng hoàng thì bắt buộc phải cắt bao, cắt lưới quanh bầu. Nếu không phần rễ bị bọc cứng sẽ không phát triển, nó sẽ bị cỗi đi. Phần rễ gần gốc cây sẽ cố ra rễ để hút dinh dưỡng sinh tồn. Điều này làm cây thiếu cân bằng, giảm tuổi thọ, dễ mục rỗng bên trong..".

"Nếu ai hỏi mình ở Hà Nội và Sài Gòn nên trồng cây gì thì an toàn nhất là trồng cây me con... Sau 5-10 năm sau cho bóng mát tốt…".

Về chuyện cứu cây, hiện cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng cần cứu, trồng lại cây gãy đổ, chỉ cây nào không thể cứu được mới bỏ.

Trong khi đó, cũng có ý kiến cho rằng chỉ nên cứu các cây có ý nghĩa văn hóa, lịch sử, còn lại cây đã đổ nên loại bỏ, trồng cây khác. Quan trọng nhất là chọn đúng loại cây thích hợp với đô thị và trồng, chăm sóc đúng kỹ thuật.

Nguồn : BBC, 10/10/2024

**************************

25.000 cây xanh ngã đổ nhờ công của cán bộ tham nhũng

Minh Hải, VNTB, 10/09/2024

Vô trách nhiệm với cây xanh, tham nhũng khi trồng cây xanh, và cuối cùng là đón nhận những hậu quả từ cây xanh.

cay

Cây xanh gãy đổ do bão ở Hà Nội vẫn còn nguyên bọc bầu. Ảnh : Khánh An

Bão Yagi đi qua, Hà Nội có hàng vạn cây xanh ngã đổ, nhiều thương tiếc và cũng nhiều băn khoăn bởi sự thật đã chứng minh cây gãy đổ có một phần "góp công" không nhỏ đến từ những cán bộ tham nhũng…

Thống kê của truyền thông Nhà nước Việt Nam vào sáng ngày 9/9/2024 cho biết, toàn Hà Nội có hơn 25.000 cây xanh ngã đổ khi bão Yagi đi qua. Cây xanh ngã đổ cũng là nguyên nhân chính khiến 3 người ở Hà Nội tử vong.

Nhìn những cây xanh bật gốc, gãy thân nằm la liệt trên các tuyến đường, làm ách tắc giao thông nghiêm trọng ở Hà Nội, nhiều người xót xa bởi Hà Nội chưa bao giờ có nhiều cây xanh ngã đổ như vậy. Rất nhiều người thương tiếc những hàng cây bởi cây xanh là một phần linh hồn của người Hà Nội.

Có thể nói, một cơn bão đi qua đã khiến Hà Nội phải tốn rất nhiều tiền của, nhân lực và thời gian mới lấy lại mảng xanh như trước đó. Mặt khác, việc hơn 25.000 cây xanh ngã đổ, nhiều cây trong số đó to như cổ thụ cũng dễ dàng bật gốc đã bộc lộ sự yếu kém, dối trá trong khâu kỹ thuật trồng cây xanh đô thị mà nhiều người quan tâm đã chỉ thẳng ra. Ví dụ hàng loạt cây xanh trên phố Phạm Văn Bạch, trước đó được người trồng bó gốc rồi cho thêm thuốc kích để cây tươi tốt, kỹ thuật trồng cây kiểu này được cho là nông cạn, kém kiến thức và thậm chí là dối trá vì cây xanh có thể phát triển nhưng không vững chắc.

Từ đây người dân đặt luôn câu hỏi, vậy trách nhiệm của những đại diện Cơ quan chức năng ở đâu ? Sao không kiểm tra, giám sát và xử lý kịp thời những tình huống sai sót lúc mới trồng cây ? Để rồi những thiệt hại ngày hôm nay ai là người đứng ra chịu trách nhiệm ?.

Vấn đề cây xanh là một trong những vấn đề nóng tại Việt Nam trong thời gian qua. Vào hồi tháng 7/2024, Cơ quan An ninh điều tra (A09) Bộ Công an Việt Nam đã ra quyết định khởi tố vụ án "Hối lộ" "Nhận hối lộ" và "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiệm trọng" xảy ra tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Cây xanh Công Minh và hơn 20 tỉnh thành ở Việt Nam. Hiểu đơn giản đây là vụ án liên quan đến hoạt động đấu thầu dự án trồng cây xanh mà Công ty Công Minh là "vua" trúng thầu.

Trong vụ án này, hàng loạt quan chức cấp cao bị "điểm tên" hoặc vào "lò", điển hình cựu Chủ tịch UBND Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh, ông Lê Trương Hải Hiếu, con trai của cựu Bí thư Thành ủy-Ủy viên Bộ Chính trị Lê Thanh Hải. Chỉ mình Công ty Công Minh tham gia và trúng thầu gói thầu trị giá hàng chục tỉ đồng.

Ngay tại Hà Nội, cựu Thiếu tướng Công an- cựu Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội ông Nguyễn Đức Chung ngoài những bản án tù vì dính líu đến các vụ án : "Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước", "Vi phạm quy tắc đấu thầu cung cấp chế phẩm hỗ trợ lọc nước cho Thành phố Hà Nội" và "Vi phạm quy tắc đấu thầu cung cấp dịch vụ số hóa cho Thành phố Hà Nội" thì ông Chung còn lãnh thêm bản án 18 tháng tù giam ở vụ án "Thổi giá cây xanh ở Hà Nội".

Cũng liên quan đến cây xanh, ở Thành phố Đà Nẵng vào cuối năm 2020 đầu năm 2021, xảy ra vụ việc khó tin là nhiều cán bộ bị kỷ luật với nguyên do "ăn cây xanh sau bão". Đà Nẵng là thành phố lớn nằm ở miền Trung Việt Nam, hằng năm thường xuyên hứng chịu những cơn bão từ Biển Đông đi vào nên số lượng cây xanh ngã đổ rất lớn.

Trước tình hình đó, chính quyền Thành phố Đà Nẵng hằng năm chi gần 200 tỉ đồng để phát triển cây xanh đô thị và Công ty Công viên cây xanh là đơn vị quản lý cây xanh toàn Thành phố Đà Nẵng. Sau khi thu gom lại số cây xanh ngã đổ về bãi tập kết phía nam cầu Cẩm Lệ để xử lý, phân loại, những cây thân gỗ to còn tốt thay vì phải ươm dưỡng lại thì các cán bộ cấu kết với nhau mổ xẻ lấy gỗ đem đi bán.

Vô trách nhiệm với cây xanh, tham nhũng cây xanh và cuối cùng là đón nhận những hậu quả từ cây xanh. Đây là bài học đắt giá về cách ứng xử mà con người không ngừng học hỏi để có cách hành xử đúng đắn với mẹ thiên nhiên.

Minh Hải

Nguồn : VNTB, 10/09/2024

***************************

Bão Yagi và bộ mặt thật của thủ đô

Nguyễn Thị Sen, VNTB, 09/09/2024 

Kết quả của việc học và làm theo gương lãnh đạo đã được phơi bày qua trận bão quét qua thủ đô với 17.000 cây xanh gãy đổ : lỗi do con người chứ không phải do bão.

cay5

Gian đối trong việc trồng cây xanh đô thị

Đến chiều ngày 8/9, hiện đã có 21 người thiệt mạng, 229 người bị thương, và 8.017 nhà ở bị hư do siêu bão Yagi. 

Bão Yagi còn càn quét qua các tỉnh phía tây bắc, gây ra lũ lụt lớn, nhấn chìm hàng ngàn ngôi nhà trong biển nước, làm hư hại hạ tầng cơ sở và đáng lo hơn là ruộng lúa, hoa màu cũng hoàn toàn bị huỷ hoại. Hiện đã có 121.500 ha lúa và hoa màu bị ngập, hư hại ; 5.027 ha cây ăn quả bị hư hại ; trên 1.000 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi.

Tuy nhiên siêu bão Yagi năm Thìn đi qua vùng phía bắc cùng thủ đô Hà Nội đã để lộ ra nhiều thứ khiến người ta căm phẫn lẫn chua xót.

Chất lượng các công trình xây dựng 

Ở Quảng Ninh, hai công trình nghìn tỷ là Bảo tàng Hạ Long và Cung Cá Heo tan hoang, đổ nát sau cơn bão khiến người ta càng nghi ngờ chất lượng của 2 công trình này.

Nhà lợp tôn bay tróc hết nóc. Các nhà để xe, nhà dựng tạm đều không chịu được sức gió của tâm bão nên bung nóc, sập nhà. Cả một dãy nhà giả cổ ở Quảng Ninh sập đổ tan tành.

Chung cưkhách sạn 5 sao 41 tầng A La Carte Hạ Long Bay ở Hạ Long bị bể, nổ kính hàng loạt ở cả 4 mặt nhà. Trong khi đó, nhà cao tầng ở Hà Nội nứt tường, nứt bệ cửa sổ, rung lắc do gió lớn. Thậm chí có nơi nước tràn luôn vào nhà do nước chảy không kịp, thang máy bị hư do nước mưa. Còn có nhà dân ở một chung cư cao tầng tại Hà Nội cũng bị sụp trần thạch cao

Các chung cư cao tầng bị bung kính đã được nhiều người nhắc tới do hậu quả của hiệu ứng Bernoulli, nhất là các căn góc có hai mặt kính. 

Nguyên nhân một phần do thiết kế nhưng còn những nguyên nhân không kém phần quan trọng hơn đó là mật độ nhà cao tầng quá dày, xây quá cao và chất lượng vật liệu xây dựng không đảm bảo nhằm tối đa lợi nhuận ở từng khu vực xây dựng của nhà đầu tư.

Sau cơn bão Yagi này rồi thì có lẽ người ta sẽ sợ luôn chung cư cao tầng.

Gian đối trong việc trồng cây xanh đô thị

Chỉ sau 7 giờ gió lớn, toàn thành phố Hà Nội có 17.000 cây gãy đổ, trốc gốc, gãy ngang thân hay gãy cành. 

Cây gãy đè lên xe đậu trên đường, đè lên nóc nhà hay thậm chí là gây thương tích cho người tình cờ đi ngang qua đó. Chưa kể đến đường dây điện, điện cáp bị đứt do cây đổ cũng làm mất điện, có thể gây nguy cơ bị giật điện cho người qua đường. 

Hàng loạt cây cổ thụ cả trăm năm tuổi cũng bị bung gốc. Không biết bao giờ Hà Nội mới có thể có lại những hàng cây xanh để thay thế cho gần 2 vạn cây xanh bị gãy đổ trong trận bão vừa qua.

Được biết tại Hà Nội trong 3 năm (từ năm 2016-2018) đã chi hết 256 tỷ đồng trồng cây xanh. Cuối năm 2018, Chủ tịch Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung phấn khởi đưa tin đã hoàn thành mục tiêu trồng 1 triệu cây xanh trong thành phố. 

​​Đầu năm 2020, Sở Xây dựng Hà Nội đã duyệt chi hơn 1.800 tỷ đồng cho chăm sóc cây xanh, thảm cỏ trên địa bàn Thành phố Hà Nội trong 5 năm. Tuy nhiên năm 2021, đã có thông tin cây xanh và thảm cỏ Hà Nội vẫn nhếch nhác dù đã được chi tiền tỷ. 

Tham vọng của Hà Nội là trồng sao cho được 2,9 triệu cây xanh, trong đó có 1,9 triệu cây xanh cho đô thị.

Yêu cầu đặt ra cho việc trồng cây xanh của Hà Nội là "cây trồng phải được bảo vệ, chăm sóc đúng kỹ thuật". Nhưng kỳ thật qua cơn bão này mới thấy cây của Hà Nội trồng còn không đúng kỹ thuật chứ nói gì là chăm sóc. 

Ngoài những cây cổ thụ, thì những cây được trồng mới khi trốc gốc làm lộ ra những bộ rễ ngắn, không có rễ cái mọc đâm dài sâu xuống đất hay rễ chùm toả ra xung quanh để giúp cho cây bám chắc vào đất. Bọc quanh nhưng bộ rễ ngắn đó là những bao nilon, bao gai hay thậm chí là dây cột cả rễ cây lẫn đất vẫn còn nguyên. 

Còn có những cây trông có vẻ xanh tốt khi chưa có bão, nhưng khi bị trốc gốc thì mới phát hiện ra đó là một nhánh cây không có luôn rễ được chôn xuống để giả làm cây xanh. 

Còn có những cây cổ thụ đã bị cắt gần hết rễ khi làm đường hay khi đặt cáp ngầm. Vỉa hè bị thu hẹp, khoảnh đất dành cho cây xanh cũng bị bóp lại để lát gạch vỉa hè bao kín gốc cây, đổ xi măng che kín gốc cây… Đây là những điều khiến cho cây không còn bám chắc đất và khoẻ mạnh.

Điều khó hiểu là những công ty thầu trồng cây không có đạo đức rồi, người có trách nhiệm đi nghiệm thu công trình cũng không làm tròn trách nhiệm hay không có kiến thức khi nghiệm thu để chấp nhận chi tiền cho những loạt cây trồng gian dối như vậy. 

Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại. Những hình ảnh lãnh đạo trồng cây cổ thụ để tuyên truyền vào dịp tết là minh chứng rõ nhất cho sự dối trá trong việc trồng cây xanh. Đó là họ cho bứng nguyên một cái cây lớn ở đâu đó, mang về nơi cần trồng, rồi trồng xuống để lấy tiếng. 

Đừng nói là trên bảo dưới không nghe. Mà là trên sao dưới vậy. Lãnh đạo cấp cao chấp nhận gian dối trước mắt như vậy, thì làm sao lãnh đạo cấp dưới không học và làm theo ? 

Kết quả của việc học và làm theo gương lãnh đạo đã được phơi bày qua trận bão quét qua thủ đô với 17.000 cây xanh gãy đổ. Cây bị hư hại là hoàn toàn do con người chứ không phải do bão. Bão Yagi chỉ là có một cú hích để làm lộ ra bộ mặt xấu xí của thủ đô mà thôi. 

Coi thường cảnh báo

Những clip quay bão Yagi lan truyền trên mạng xã hội cho thấy sức tàn phá khủng khiếp của một cơn siêu bão, nhưng cũng cho thấy không ít người dân ở đó coi thường mạng sống của mình. 

Ở những nơi thường xuyên có bão, người dân tự giác hơn nhiều vì đã quen đối phó với thiên tai. Còn người dân Hà Nội có vẻ không tin vào sức mạnh của siêu bão, cũng chẳng tin khuyến cáo của nhà nước để tìm nơi trú ẩn, bảo vệ an toàn trước hết trong thời gian chờ cơn bão qua đi.

Đã có cảnh báo bão từ một hai ngày trước khi bão còn ở ngoài Thái Bình Dương và chưa tràn qua Philippines, nhưng người dân vẫn không quan tâm nhiều tới việc phòng chống bão cũng như bảo đảm an toàn của bản thân. 

Trong cơn gió bão vẫn thấy không ít người dân bất chấp chạy xe gắn máy trên cầu cao, đường lớn. Rồi báo chí lại ca ngợi tình người Việt Nam khi có xe hơi, xe tải giúp họ chắn gió để vượt qua một quãng đường gió đùng đùng trong cơn bão cấp 13, cấp 14.

Hay ngay cả trong thành phố vẫn có người liều mạng chạy xe ra ngoài đường để ráng về nhà hay tới một nơi nào đó. Không hiếm cảnh cả người lẫn xe bị gió thổi bay, té xuống đường  hên là không bị xe đè lên. 

Gió lớn, xe hơi còn bị gió thổi bay, nói gì là những loại xe hai bánh hay người đi bộ. Còn có những người dám xông ra ngoài trời để quay phim, livestream mà bất chấp nguy hiểm, coi thường tính mạng của bản thân. 

Ngoài ra, những nhà bị tốc mái vốn có thể phòng ngừa bằng cách chặn nóc nhà bằng bao cát trước khi bão tới nhưng hình như rất hiếm gia đình làm như vậy. Người dân sống trong những nhà tạm, nhà cấp 4 hư cũ không có nơi để tạm trú cho an toàn trong thời gian có bão, để khi nhà sập thì hoặc thiệt mạng hoặc phải lao ra ngoài đường trong lúc mưa gió.

Chính phủ và báo Thanh Niên đã có lời kêu gọi các tổ chức cá nhân ra tay uỷ lạo, cứu trợ theo như lời ông Chính nói là "trên tinh thần ‘lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá rách hơn’". Chưa biết là cả nước sẽ góp bao nhiêu tiền của, nhưng đã có người cho rằng dân miền Nam sẽ ra tay cứu trợ miền Bắc.

Không biết ai sẽ cứu trợ ai, bao nhiêu. Nhưng đòi hỏi dân đang trong lúc suy thoái kinh tế lại phải chung tay cứu trợ có lẽ hơi khó. Quỹ Covid từ năm 2020-2021 tới giờ vẫn được gởi ngân hàng để lấy tiền lời tiền lãi. Cứ lấy tiền lời trong mấy năm qua cũng đủ để cứu trợ cho người dân trong lúc cấp bách này.

*************************

Sau bão, Thủ Chính khéo léo "móc túi dân giúp dân" !

Hoàng Phúc, Thoibao.de, 10/09/2024

Ngày 8/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị đánh giá công tác chỉ đạo ứng phó tình hình thiệt hại, và triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả của cơn bão số 3.

cay8

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị đánh giá thiệt hại và khắc phục hậu quả cơn bão số 3. Ảnh : Dương Giang/TTXVN

Thủ tướng Việt Nam đã kêu gọi "người dân, doanh nghiệp, cơ quan, địa phương phát huy truyền thống tương thân, tương ái, "lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều", hỗ trợ những nơi bị thiệt hại do bão số 3 gây ra".

Việc người đứng đầu Chính phủ đứng ra kêu gọi xã hội giúp sức, là điều bình thường, dù là ở các nước giàu. Tuy nhiên, ở các nước tự do, nhà nước chỉ kêu gọi, còn người dân, doanh nghiệp, các tổ chức dân sự vv… tự lên kế hoạch giúp đỡ. Mọi sự giúp đỡ đều được thực hiện một cách tự do, nhà nước không ép các nhà hảo tâm phải rót tiền thông qua đại diện nhà nước, như ở Việt Nam.

Có người ví von, chính quyền cộng sản chẳng khác nào một "bầy kền kền". Họ rất giỏi trong việc lợi dụng tai họa để trục lợi. Như quỹ Vaccine mà họ từng hô hào người dân đóng góp, tại thời điểm bùng phát dịch Covid-19, đã được chi tiêu như thế nào thì người dân hoàn toàn không được biết. Trong khi đó, vaccine của Việt Nam sử dụng, chủ yếu là được Mỹ và các nước phương Tây giúp đỡ. Đấy là chưa kể đến những trò trấn lột người dân một cách tàn nhẫn, như vụ Việt Á và vụ chuyến bay giải cứu.

Thiên tai ập đến người Việt hàng năm. Cứ xảy ra thiên tai, thì Mặt trận Tổ quốc – một cánh tay nối dài của Đảng, lại đứng ra quyên góp cứu trợ. Họ thường cản trở, gây khó khăn cho những cá nhân, doanh nghiệp, hoặc các tổ chức thiện nguyện cứu trợ trực tiếp cho dân. Họ ép buộc các tổ chức này phải giao cho họ thực hiện.

Nguồn tiền từ thiện là nguồn tiền không bị kiểm toán, nên dễ xà xẻo nhất. Nếu ăn tiền ngân sách, quan chức rất dễ bị điều tra và ngồi tù, còn ăn tiền từ thiện, thì chẳng có quan chức nào chịu trách nhiệm. Cho nên, các tổ chức của chính quyền cộng sản tìm mọi cách để lùa tiền từ thiện vào tay họ, nhằm 2 mục đích. Thứ nhất là kiếm chác, thứ nhì là tạo ra cái gọi là "ơn Đảng". Nhưng thực chất, đó là sự giúp đỡ giữa đồng bào với nhau mà thôi.

Lần này cũng như những lần trước, Thủ tướng Phạm Minh Chính lại kêu gọi "lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều". Nhà nước kêu gọi dân giúp dân, nhưng nhà nước lại đứng ra thu gom tiền, rồi phát lại cho dân. Và thực tế đã xảy ra rất nhiều vụ xà xẻo tiền từ thiện, từ những gói mì tôm đến những vụ lên đến hàng tỷ đồng.

Ở các nước dân chủ, những tổ chức từ nguyện được tự do thực hiện công việc thiện nguyện theo mong muốn của họ, mà không bị cản trở. Điều này sẽ giúp cho nạn nhân tiếp nhận được hàng cứu trợ nhanh hơn, đầy đủ hơn và kịp thời hơn.

Khi hàng cứu trợ phải qua trung gian rồi mới đến tay dân, thì với cách làm việc rườm rà, kém khoa học, với đầy rẫy các chiêu trò cắt xén để tư túi, thì e rằng, tiền hàng cứu trợ vào tay nhà nước là con voi, nhưng khi đến tay dân thì chỉ là con kiến.

Quan chức cộng sản nhờ bòn rút của dân mà trở nên rất giàu. Quan phường cũng có thể mua nhà triệu đô, cho con du học nước ngoài với chi phí hàng tỷ đồng mỗi năm. Quan nào cũng giàu có, vậy mà chẳng quan nào bỏ tiền túi ra giúp dân.

Ông Tô Lâm từng ăn thịt bò dát vàng với trị giá hàng ngàn đô la Mỹ. Ông cũng cho con cái du học Anh Quốc, với chi phí lên đến vài tỷ đồng mỗi năm. Vậy sao ông không xuất tiền túi ra giúp dân ?

Hay như ông Thủ tướng, tại sao ông không bỏ tiền túi ra giúp dân để làm gương, mà ông chỉ kêu gọi miệng ? Chỉ kêu gọi suông như thế, mà xem như ông đã giúp dân ? Đảng của ông đã giúp dân theo cách như thế sao ?

Hoàng Phúc