Lương Tam Quang, ngôi sao mới trong bầu trời Đảng cộng sản (BBC tiếng Việt)
Bộ trưởng Lương Tam Quang vào Bộ Chính trị có đúng quy định ?
BBC, 17/08/2024
Thượng tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, vừa được bổ sung vào Bộ Chính trị. Việc Trung ương Đảng bầu bổ sung là theo quy định nào ?
Ông Lương Tam Quang được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị
Văn phòng Trung ương Đảng hôm 16/8 cho biết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 đã bầu bổ sung Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an, vào Bộ Chính trị.
Trước khi được bầu, ông Lương Tam Quang là trường hợp duy nhất từ sau năm 1975, khi làm bộ trưởng Công an mà chưa phải là ủy viên Bộ Chính trị.
Cùng ngày, một cựu thứ trưởng khác của Bộ Công an là Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Chánh văn phòng Trung ương Đảng, cũng được bầu bổ sung vào Ban Bí thư.
Tiêu chuẩn ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư
Dưới thời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhiều quy định về công tác Đảng, đặc biệt là công tác nhân sự cấp cao của Đảng, đã được ban hành.
Quy định 214-QĐ/TW về "khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý" do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký vào ngày 2/1/2020 đã nêu rõ các tiêu chuẩn cho các chức danh chủ chốt trong Đảng và Nhà nước như : Tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng chính phủ, thường trực Ban Bí thư, ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Trung ương Đảng...
Các bộ tiêu chuẩn này kết hợp các yếu tố định tính (đạo đức, yêu nước, bản lĩnh chính trị...) với các yếu tố định lượng (thời gian công tác, các chức vụ đã đảm trách...).
Trong Quy định 214, tiêu chuẩn chức danh đối với ủy viên Bộ Chính trị và ủy viên Ban Bí thư được quy định chung trong một mục (2.2). Trong đó, bên cạnh các tiêu chuẩn mang tính định tính (bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trí tuệ...) thì có các tiêu chuẩn có thể định lượng cụ thể như sau :
"Là Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương trọn một nhiệm kỳ trở lên ; đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở các chức vụ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh (bí thư tỉnh ủy, thành ủy ; chủ tịch Hội đồng nhân dân, chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố) hoặc trưởng các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương. Trường hợp Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư công tác trong quân đội thì phải kinh qua chức vụ chủ trì cấp quân khu".
Như vậy, để vào Ban Bí thư hoặc Bộ Chính trị, một cá nhân cần phải :
- Đã là ủy viên Trung ương Đảng trọn một nhiệm kỳ trở lên
- Đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở các chức vụ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh (bí thư tỉnh ủy, thành ủy ; chủ tịch UBND, HĐND của tỉnh, thành phố), trưởng các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương (bộ trưởng, chủ nhiệm các ủy ban trực thuộc Chính phủ, bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, giám đốc Học viên Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh...).
Theo từ ngữ mà Quy định 214 thể hiện thì các tiêu chuẩn này là "tiêu chuẩn cứng", tức không có ngoại lệ, hay còn gọi là "trường hợp đặc biệt".
Cũng trong Quy định 214, có các tiêu chuẩn dành cho các vị trí khác (Tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng chính phủ, chủ tịch quốc hội, thường trực Ban bí thư) thì có nêu rõ "trường hợp đặc biệt". Theo đó, tùy theo chức danh cụ thể mà "trường hợp đặc biệt" sẽ do cấp cơ quan nào xem xét, quyết định, ví dụ trong trường hợp Tổng bí thư thì "trường hợp đặc biệt do Ban chấp hành trung ương quyết định".
Đối với tiêu chuẩn chức danh ủy viên Bộ Chính trị và ủy viên Ban Bí thư, Quy định 214 không nêu trường hợp đặc biệt, có nghĩa là các điều kiện (chẳng hạn : Đã là ủy viên Trung ương Đảng trọn một nhiệm kỳ trở lên) là bắt buộc phải đáp ứng.
Trường hợp Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang
Bộ trưởng Lương Tam Quang, sinh năm 1965, đã trải qua quá trình công tác lâu năm trong Bộ Công an.
Ông trở thành ủy viên Ban Chấp hành trung ương Đảng tại Đại hội 13 vào tháng 1/2021, theo hồ sơ chính thức trên trang Xây dựng Chính sách của Chính phủ Việt Nam.
Vị trí "trưởng các ban, bộ, ngành" đầu tiên mà ông nắm là bộ trưởng Bộ Công an, chức danh ông bắt đầu đảm trách vào ngày 6/6/2024, kế nhiệm ghế của ông Tô Lâm sau khi ông Tô Lâm trở thành chủ tịch nước.
Như vậy, xét theo thời gian làm ủy viên Trung ương Đảng thì Bộ trưởng Lương Tam Quang chưa làm trọn một nhiệm kỳ như yêu cầu của Quy định 214.
Thời gian ông làm "trưởng các ban, bộ, ngành" (ở đây là bộ trưởng) cũng mới được hơn hai tháng, không rõ liệu chừng đó đã đủ để có thể được đánh giá là "đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ" hay chưa.
Bên cạnh trường hợp ông Lương Tam Quang thì việc Thượng tướng, cựu Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc, Chánh văn phòng Trung ương Đảng, được bổ sung vào Ban Bí thư cũng tương tự.
Ông Nguyễn Duy Ngọc là ủy viên Trung ương Đảng khóa 13, tức đến nay chưa làm trọn một nhiệm kỳ trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Vị trí Chánh văn phòng Trung ương Đảng thì ông Nguyễn Duy Ngọc cũng mới nắm giữ từ ngày 3/6/2024, gần như tương đương với thời gian ông Lương Tam Quang làm bộ trưởng Công an.
Chiếu theo Quy định 241 thì ông Ngọc cũng chưa đủ tiêu chuẩn để vào Ban Bí thư, vì ít nhất thì ông chưa "là ủy viên Trung ương Đảng trọn một nhiệm kỳ trở lên".
Hai nhân vật còn lại được bổ sung vào Ban Bí thư cùng đợt với ông Nguyễn Duy Ngọc là ông Lê Minh Trí, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, và Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.
Trong đó, ông Trí đã là ủy viên Trung ương Đảng các khóa 12 và 13, tức đáp ứng tiêu chuẩn "trọn một nhiệm kỳ trở lên", trong khi ông Quyết mới vào Trung ương Đảng từ Đại hội 13, cũng chưa làm đủ một nhiệm kỳ.
Nguồn : BBC, 17/08/2024
************************
Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang vào Bộ Chính trị
BBC, 16/08/2024
Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam bầu bổ sung vào Bộ Chính trị khóa 13.
Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang, một nhân vật thân cận của Tổng bí thư Tô Lâm, đã trở thành ủy viên Bộ Chính trị
Văn phòng Trung ương Đảng hôm nay 16/8 cho biết Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa 13 đã họp để xem xét, cho ý kiến về công tác cán bộ.
Theo đó, cơ quan này đã quyết định giới thiệu nhân sự và cho ý kiến để Bộ Chính trị giới thiệu nhân sự kiện toàn lãnh đạo một số cơ quan nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026 theo quy định.
Tại cuộc họp này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã bầu bổ sung Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an, vào Bộ Chính trị.
Như vậy, ông Lương Tam Quang đã chính thức gia nhập nhóm quyền lực nhất của Đảng cộng sản Việt Nam.
Với sự bổ sung ông Quang, Bộ Chính trị Việt Nam hiện có 15 ủy viên.
Cũng trong ngày 16/8, Ban Bí thư đã có sự bổ sung với ba gương mặt mới, trong đó có Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, cựu Thứ trưởng Bộ Công an, Chánh văn phòng Trung ương Đảng.
Cả ông Quang và ông Ngọc đều từng là thứ trưởng Bộ Công an dưới thời ông Tô Lâm làm bộ trưởng bộ này và đều là đồng hương Hưng Yên của ông Tô Lâm.
Sự bổ sung ông Quang vào Bộ Chính trị và ông Ngọc vào Ban Bí thư được đánh giá là càng củng cố sức mạnh chính trị của ngành công an và quyền lực của Tổng bí thư Tô Lâm.
Tiền đồ chính trị của Thượng tướng Lương Tam Quang
Vào thời điểm trở thành bộ trưởng công an hồi tháng 6/2024, Thượng tướng Lương Tam Quang chưa có chân trong Bộ Chính trị.
Đây được coi là một trường hợp ngoại lệ.
Xét các đời bộ trưởng Bộ Công an từ sau 1975 tới nay, có một đặc thù là tất cả những nhân vật này đều được bầu vào Bộ Chính trị trước, sau đó mới lên làm bộ trưởng công an.
Bộ trưởng Bộ Công an là chức danh quyền lực, nếu không có chân trong Bộ Chính trị thì sẽ không được tham gia các cuộc họp quan trọng của nhóm lãnh đạo cao nhất của Đảng.
Với những diễn biến vừa qua trên chính trường, đặc biệt là sau khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời và Đại tướng Tô Lâm lên làm Tổng bí thư, quyền lực của ông Lương Tam Quang đã càng được củng cố.
Việc được vào Bộ Chính trị sẽ giúp ông Lương Tam Quang gia tăng cơ hội thăng tiến trên chính trường.
Vào thời điểm Đại hội 14 vào đầu năm 2026, ông Quang sẽ 61 tuổi, mà độ tuổi tái cử đối với ủy viên Bộ Chính trị là "không quá 65", theo quy định hiện nay của Đảng. Do đó, cơ hội của ông được đánh giá là rất lớn, trong bối cảnh đội ngũ lãnh đạo cấp cao đang "neo người" sau khi hàng loạt ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Trung ương Đảng mất chức do vi phạm kỷ luật.
Ông Lương Tam Quang là ai ?
Thượng tướng Lương Tam Quang sinh năm 1965 tại xã Hiệp Cường, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên.
Ông là đồng hương của cựu Bộ trưởng Tô Lâm, người hiện đang là Tổng bí thư, chủ tịch nước.
Ông được kết nạp đảng vào năm 1998.
Ông hiện là ủy viên Trung ương Đảng khóa 13.
Trước khi được phê chuẩn chức bộ trưởng, ông là ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương.
Ông có trình độ lý luận chính trị cao cấp, trình độ chuyên môn là cử nhân ngành điều tra tội phạm.
Sau thời gian công tác ở các vị trí cấp thấp trong ngành công an, ông Lương Tam Quang bắt đầu vươn lên các vị trí quyền lực hơn tại bộ này.
Năm 2012, ông trở thành trợ lý thứ trưởng Bộ Công an. Cùng năm, ông được bổ nhiệm phó chánh Văn phòng Bộ Công an.
Tới năm 2015, ông được thăng cấp bậc thiếu tướng.
Vào năm 2017, ông được bổ nhiệm chánh văn phòng Bộ Công an kiêm người phát ngôn của bộ này.
Năm 2019, ông Lương Tam Quang được phong cấp hàm trung tướng. Tới tháng 8 cùng năm, ông được bổ nhiệm làm thứ trưởng Bộ Công an.
Tháng 5/2020, ông được phân công kiêm nhiệm chức thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an.
Tại Đại hội Đảng 13 vào tháng 1/2021, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiệm kỳ 2021-2026.
Vào năm 2022, ông được thăng cấp hàm thượng tướng và tiếp tục cương vị thứ trưởng Bộ Công an.
Ngày 6/6/2024, ông được Quốc hội phê chuẩn chức danh bộ trưởng Bộ Công an.
Sau đó, Bộ Chính trị đã chỉ định ông giữ chức Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Vào ngày 16/8, ông được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị.
Thêm tướng công an vào Ban Bí thư
Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 đã bầu bổ sung ủy viên Ban Bí thư gồm các ông : Nguyễn Duy Ngọc, Lê Minh Trí và Trịnh Văn Quyết
Ngoài trường hợp ông Lương Tam Quang vào Bộ Chính trị, ngành công an cũng đã được tăng cường lực lượng ở trong các nhóm quyền lực nhất của Đảng sau sự bổ sung các gương mặt mới vào Ban Bí thư.
Ngày 16/8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 đã bầu bổ sung ủy viên Ban Bí thư với ba cán bộ gồm :
- Ông Nguyễn Duy Ngọc - Ủy viên Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng.
- Thượng tướng Trịnh Văn Quyết - Ủy viên Trung ương Đảng, ủy viên Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.
- Ông Lê Minh Trí - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Trong số các ủy viên Ban Bí thư được bổ sung nói trên, ông Nguyễn Duy Ngọc vốn là tướng công an.
Ông mang cấp hàm thượng tướng, từng giữ chức thứ trưởng Bộ Công an dưới thời Bộ trưởng Tô Lâm.
Vào ngày 3/6, Thứ trưởng Công an Nguyễn Duy Ngọc đã được Bộ Chính trị phân công giữ chức chánh văn phòng Trung ương Đảng thay cho ông Lê Minh Hưng sau khi ông Hưng trở thành trưởng Ban Tổ chức Trung ương thay bà Trương Thị Mai, người đã mất chức do "khuyết điểm".
Việc được phân công làm chánh văn phòng Trung ương Đảng, và giờ đây được bổ sung vào Ban Bí thư, có thể giúp củng cố triển vọng thăng tiến của ông Ngọc trong chính trường.
Nguồn : BBC, 16/08/2024