Việt Nam cần làm gì khi Philippines đệ trình thềm lục địa mở rộng ? (RFA)
Ngày 14/6/2024, Philippines đã đệ trình Ủy ban ranh giới thềm lục địa (Commission on the Limits of the Continental Shelf - CLCS) của Liên Hiệp quốc một phần của những yêu sách đối với "thềm lục địa mở rộng".
Bản đồ các đường yêu sách thềm lục địa mở rộng tại Biển Đông - Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao Việt Nam
Điều 76, phần VI, của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) quy định rằng quốc gia ven biển có thể có tối thiểu 200 hải lý thềm lục địa. Thềm lục địa có thể mở rộng quá 200 hải lý, nếu nếu rìa lục địa tự nhiên kéo dài xa hơn khoảng cách đó. Tuy nhiên, "thềm lục địa mở rộng" không được kéo dài quá 350 hải lý.
Khi Philippines đệ trình yêu sách đối với thềm lục địa mở rộng, phần mở rộng thềm lục địa ở khu vực đảo Luzon đã chồng lấn với phần thềm lục địa mở rộng mà Việt Nam đệ trình từ 2009 cho phần phía bắc Biển Đông.
Điều đáng chú ý là phần thềm lục địa mở rộng ở đảo Luzon của Philippines có thể đối mặt với một số câu hỏi về địa lý : có một máng sâu dưới đáy biển nằm chắn ngang đảo Luzon và Biển Đông. Điều này đặt ra câu hỏi là liệu thềm lục địa của Philippines có thể "mở rộng" hay không. Việt Nam nên đàm phán với Philppines như thế nào để các quốc gia có thể phân chia lợi ích trên Biển Đông một cách công bằng ?
Máng sâu Manila
Theo Giáo sư Nguyễn Hồng Thao ở Học viện Ngoại giao Việt Nam, đệ trình của Philippines gặp phải nhiều "thách thức" . Thách thức đầu tiên là có máng sâu Palawan (Palawan Trench) nằm dưới đáy biển, chắn ngang đất liền Palawan và Biển Đông. Điều này làm cho phần đáy biển phía ngoài máng sâu Palawan không còn là "thềm lục địa" của Philippines theo Luật biển Quốc tế (UNCLOS.)
Điều 76 UNCLOS quy định "thềm lục địa" là vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển mở rộng bên ngoài lãnh hải "theo sự kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền đến mép ngoài của rìa lục địa". Máng sâu Palawan làm cho vùng đáy biển này phía ngoài không phải là phần "kéo dài tự nhiên" của đất liền nữa.
Tuy nhiên, không chỉ ở khu vực phía ngoài đảo Palawan mà cả khu vực phía ngoài đảo Luzon, đảo lớn nhất của Philippines, cũng có một máng sâu là máng Manila (Manila Trench.) Phần thềm lục địa mở rộng này chồng lấn lên phần thềm lục địa mở rộng mà Việt Nam đăng kí từ 2009.
Máng Manila chắn ngang đảo Luzon và Biển Đông. Theo một nghiên cứu , "độ sâu của rãnh Manila là khoảng 4,8–4,9 km và điểm sâu nhất lên tới 5,4 km".
Câu hỏi đặt ra là với sự tồn tại của máng sâu Manila, liệu việc đăng kí "thềm lục địa mở rộng" của Philippines có hợp lý ? Hà Nội có nên thương lượng với Manila về vấn đề này hay không ? Trao đổi với RFA về vấn đề này, nhà nghiên cứu Hoàng Việt ở Thành phố Hồ Chí Minh nhận xét :
"Theo điều 76 của Luật biển quốc tế thì mỗi quốc gia có quyền đệ trình yêu sách về thềm lục địa mở rộng, nhưng có được phê chuẩn hay không là chuyện khác. Đệ trình đó phải được xem xét có hợp lý không, có cơ sở pháp lý, địa lý, địa chất không. Ngoài ra, còn vấn đề quan điểm của các quốc gia khác. Nếu đệ trình của một quốc gia bị nhiều nước phản đối thì Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc có thể xem xét lại".
Ngoài ra, theo nhà nghiên cứu Hoàng Việt, Việt Nam là một quốc gia lục địa, có đất liền, nên thềm lục địa kéo dài. Còn Philippines là quốc gia quần đảo, mảng lục địa của ở đó không phải là lục địa già và kéo dài. Philippines không nhắc tới máng sâu Manila nhưng điều đó không có nghĩa là các quốc gia khác sẽ không nhắc tới. Do đó, đệ trình của Philippines có thể sẽ vấp phải nhiều trở ngại.
Mục đích của Philippines : khơi dậy trở lại vấn đề pháp lý ?
Sự tồn tại của máng sâu Manila và máng sâu Palawan làm cho đệ trình của Philippines suy yếu. Tuy nhiên, UNCLOS quy định nhiều cách khác nhau để tính toán thềm lục địa. Theo nhiều nhà nghiên cứu, Philippines đã áp dụng một phương pháp tính toán đặc thù để xác định thềm lục địa mở rộng, tuy nhiên, mục đích của họ không phải là đòi hỏi thềm lục địa mà muốn dậy vấn đề pháp lý ở Biển Đông nhiều hơn.
Điều 76 của UNCLOS có đưa ra nhiều cách tính toán thềm lục địa, trong đó có "cách nối các điểm cố định ở cách chân dốc lục địa nhiều nhất là 60 hải lý" (mục 4 của điều 76). Theo Giáo sư Nguyễn Hồng Thao , sự tồn tại của máng sâu Palawan (Palawan Trench) tạo ra đứt gãy, "có thể là lý do vì sao Philippines lựa chọn sử dụng phương pháp vòng cung không vượt quá 60 hải lý tính từ chân dốc thềm lục địa (FOS) theo điều 76 mục 4, thay cho phương pháp xác định ranh giới ngoài dựa trên bề dày trầm tích".
Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Hoàng Việt, cách tính toán của Philiipines không giúp hóa giải một cách căn bản những khó khăn về mặt pháp lý do sự tồn tại của hai máng sâu Palawan và Manila tạo ra cho nước này. Ông nói :
"Tôi muốn nhấn mạnh một điều là dù tính toán theo cách nào đi nữa thì với sự tồn tại của máng sâu Manila, thì chắc chắc là đòi hỏi đó khó có tính thuyết phục. Tuy vậy, tại sao sau 15 năm họ mới tung ra đệ trình này ? Theo tôi, Philippines tung ra đệ trình này vào thời điểm này không với mục tiêu đòi hỏi thềm lục địa mở rộng mà là muốn khuấy động trở lại cuộc chiến pháp lý, như Malaysia đã làm hồi năm 2019. Điều đó phù hợp với chính sách công khai mọi thứ của Philippines. Có lẽ đó là mục tiêu lớn hơn mục tiêu đòi hỏi thềm lục địa mở rộng".
GS Nguyễn Hồng Thao cũng cho rằng đệ trình năm 2024 của Philippines về thềm lục địa mở rộng "có thể coi như tín hiệu bắt đầu của vòng ba cuộc chiến công hàm".
Vòng một và vòng hai của cuộc chiến công hàm, đã từng xảy ra vào các năm 2009 và 2019, khi các nước xung quanh Biển Đông và bên ngoài khu vực liên tục gửi công hàm lên Liên Hiệp quốc bác bỏ các yêu sách quá mức của Trung Quốc trong đường lưỡi bò.
Điều đáng lưu ý là trong đệ trình của mình, Philippines thừa nhận rằng đệ trình của mình có thể chồng lấn với yêu sách của Việt Nam và Malaysia năm 2009, và tuyên bố sẵn sàng thảo luận với hai nước láng giềng Đông Nam Á. Đệ trình của Philippines đã không nhắc tới Trung Quốc. Trung Quốc là nước từ tháng 3 năm 2023 đến nay, đã phong tỏa bãi Cỏ Mây, ngăn cản Philippines tiếp tế cho một nhóm binh sỹ đồn trú trên một con tàu cũ ở đó.
Phản hồi động thái của Philppines trong đệ trình nói trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nói "Việt Nam bảo lưu toàn bộ quyền và lợi ích của mình theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982 và sẵn sàng trao đổi với Philippines để tìm kiếm và đi đến giải pháp phù hợp với lợi ích của cả hai nước".
Nguồn : RFA, 06/07/2024