Quản lý giá vàng... (Trà My)

 …hay đòn thù của Thủ Chính với các nhóm lợi ích cũ ?

Vàng là một dạng hàng hóa, ở cả Việt Nam và thế giới đều mua bán, kinh doanh tự do. Thời gian gần đây, do những bất ổn trong thị trường tài chính, người dân thấy rằng, cất tiền thì mất giá, gửi ngân hàng thì không yên tâm và lãi suất ngày càng giảm, mua trái phiếu, cổ phiếu hay bất động sản thì có nguy cơ mất trắng… thế nên, người dân lại quay lại mua vàng để tích trữ.


                                    Do những bất ổn trong thị trường tài chính, người dân lại quay lại mua vàng để tích trữ.

Nhưng kể từ năm 2012, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, theo đó, nhà nước độc quyền kinh doanh, sản xuất vàng miếng, khiến cho giá vàng ở Việt Nam luôn đắt hơn giá vàng thế giới. Đồng thời, chênh lệch giữa giá mua và giá bán cao hơn khiến người dân phải chịu thiệt thòi.

Báo Người Lao Động ngày 1/3 đưa tin, "Động thái mới của Ngân hàng Nhà nước về quản lý thị trường vàng". Bản tin cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã gửi báo cáo Thủ tướng Chính phủ, về giải pháp quản lý thị trường vàng.

Theo bài báo, đến 14 giờ ngày 1/3, giá vàng miếng SJC đã tăng 300.000 đồng/lượng so với ngày hôm trước. Giá vàng nhẫn, vàng trang sức 24K các loại, cũng tăng thêm 300.000 đồng/lượng.

Tính từ đầu năm đến nay, giá vàng miếng SJC đã tăng khoảng 3,8 triệu đồng/lượng và giá vàng nhẫn tăng 2,7 triệu đồng/lượng. Đáng chú ý, biên độ chênh lệch giữa giá vàng trong nước với thế giới tiếp tục duy trì ở mức cao.

Hiện nay, so sánh sự chênh lệch về giá vàng trong nước với thế giới, vàng SJC cao hơn 18 triệu đồng/lượng và giá vàng nhẫn cao hơn trên 4 triệu đồng/lượng.

Vẫn theo báo Người Lao Động, liên quan đến giải pháp bình ổn thị trường vàng, theo yêu cầu của Thủ tướng, đầu năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đã có tờ trình đề xuất, và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước làm đầu mối, để phối hợp với các bộ, ngành chức năng, tiếp tục triển khai các giải pháp về quản lý thị trường vàng.

Theo giới chuyên gia, cuối năm 2023, giá vàng ở Việt Nam tăng vọt như con ngựa bất kham. Có những thời điểm, giá vàng bật lên đến mức 80 triệu đồng/lượng, trong bối cảnh đồng USD lên giá rất ít.

Thời điểm đó, truyền thông nhà nước đưa tin, nhiều tín hiệu cho thấy, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã và đang có chủ trương xóa sổ tệ nạn độc quyền trong việc quản lý và kinh doanh vàng miếng thương hiệu SJC. Nhưng cho đến nay, vẫn chưa có kết quả đáng kể.

Theo giới chuyên gia, việc giá vàng tăng cao tại thời điểm cuối năm, không nằm ngoài mục đích, Chính phủ muốn móc vàng trong dân, bởi lý do "tiền và vàng trong dân nhiều lắm".

Đáng chú ý, khi ấy, nhiều ngân hàng bất ngờ hạ lãi suất xuống mức thấp chưa từng thấy – ở mức 1,9%. Cùng lúc đó, giá vàng cũng cán mốc cao nhất, trên dưới 80 triệu đồng/lượng. Và đó là lý do vì sao, giá vàng chênh lệch đến 20 triệu đồng/lượng so với thế giới mà dân vẫn mua vào, nhưng không bán ra.

Báo Lao Động ngày 29/12/2023 đưa tin, "Ngân hàng Nhà nước sẽ xóa sổ chính sách độc quyền vàng miếng SJC ?". Bản tin cho biết, theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, trong tháng 1/2024, một số cơ chế quản lý thị trường vàng miếng SJC sẽ được sửa đổi, bổ sung.

Phải chăng, đó là những tín hiệu cho thấy, Chính phủ của ông Phạm Minh Chính đang có chủ trương xóa sổ tệ nạn độc quyền trong việc quản lý và kinh doanh vàng miếng thương hiệu SJC.

Nếu biết rằng, Nghị định số 24 ra đời từ tháng 4/2012, vào thời điểm chỉ hơn một năm sau khi ông Nguyễn Phú Trọng trở thành Tổng Bí thư tại Đại hội 11, vào năm 2011. Bằng chính sách độc quyền này, hơn 11 năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã kiếm được biết bao nhiêu tiền lợi nhuận từ tiền chênh lệch giá, mà không ai biết. Song rõ ràng, toàn bộ mảng độc quyền kinh doanh vàng đã trở thành miếng mồi béo bở cho các nhóm lợi ích trong nội bộ Đảng kiếm chác.

Liên hệ với việc và nhiều tín hiệu từ báo chí nhà nước gần đây, cho thấy, Thủ tướng Phạm Minh Chính đang có chủ trương xóa sổ tệ nạn độc quyền trong việc quản lý và kinh doanh vàng miếng thương hiệu SJC. Phải chăng, Thủ tướng Chính đang tìm cách đập bể "nồi cơm" của nhóm lợi ích cũ, liên quan đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ?

Hậu quả của chính sách độc quyền vàng miếng theo Nghị định số 24, rõ ràng cho thấy, người dân bị thiệt hại đủ đường, luôn phải mua vàng với giá cao hơn thế giới, thị trường vàng bị độc quyền, không có sự cạnh tranh, dẫn tới thị trường vàng ở Việt Nam luôn không minh bạch. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến người dân và khu vực kinh tế tư nhân.

Đã đến lúc, chính quyền cần làm rõ về việc độc quyền kinh doanh sản xuất vàng miếng SJC đã kéo dài hơn chục năm qua. Cần xử lý nghiêm các quan chức cũng như nhóm lợi ích đã lợi dụng chính sách này để trục lợi.

Trà My

Nguồn : Thoibao.de, 03/03/2024