Bộ Kế hoạch & Đầu tư: Bất hợp lý, thế giới chưa có đường sắt 350 km/h chở khách và hàng* (VnExpress)

Bộ Kế hoạch & Đầu tư đánh giá kịch bản 1 và 3 đường sắt tốc độ 350 km/h chở khách và dự phòng chở hàng bất hợp lý trong phương án đầu tư.

 Bộ Giao thông Vận tải đang xin ý kiến Ban chỉ đạo xây dựng, thực hiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc Nam về ba kịch bản đường sắt Bắc Nam.

Kịch bản 1 là đầu tư xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam đường đôi, khổ ray 1.435 mm, dài 1.545 km, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 17 tấn mỗi trục, chỉ khai thác tàu khách. Tuyến đường sắt Bắc Nam hiện hữu được nâng cấp để chở hàng. Tổng vốn đầu tư khoảng 67,32 tỷ USD.

Kịch bản 2 xây dựng mới tuyến đường sắt Bắc Nam đường đôi, khổ ray 1.435 mm, tải trọng 22,5 tấn mỗi trục, khai thác chung cả tàu chở khách và chở hàng, tốc độ thiết kế 200-250 km/h, chạy tàu hàng tối đa 120 km/h. Tổng vốn đầu tư khoảng 72,02 tỷ USD.

Kịch bản 3 là đầu tư tuyến đường sắt Bắc Nam đường đôi, khổ ray 1.435 mm, tải trọng 22,5 tấn mỗi trục, tốc độ thiết kế 350 km/h, khai thác tàu chở khách và dự phòng cho chở hàng khi có nhu cầu. Tổng vốn đầu tư dự án 68,98 tỷ USD. Nếu đầu tư hạ tầng, thiết bị, phương tiện để khai thác tàu hàng chạy Bắc Nam thì vốn đầu tư dự án khoảng 71,69 tỷ USD.

Trong ba phương án, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất lựa chọn kịch bản 3 cùng một số cơ chế, chính sách đặc thù để rút ngắn tiến độ, huy động vốn đầu tư, đào tạo nhân lực.

Góp ý các phương án, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đánh giá kịch bản 1 và 3 "không đáp ứng được yêu cầu" theo chỉ đạo của Ban cán sự Đảng Chính phủ tại cuộc họp tháng 10/2022. Cuộc họp này kết luận trình Bộ Chính trị cho định hướng phát triển đường sắt theo hướng hiện đại, với kịch bản đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc Nam đường đôi, khổ 1.435 để vận tải hành khách và hàng hóa, tốc độ thiết kế 200-250 km/h, tốc độ khai thác 200 km/h.

Theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, kịch bản 3 còn bất hợp lý là phương án đầu tư có tốc độ thiết kế 350 km/h, nhưng tổng mức đầu tư dự án lại thấp hơn kịch bản 2 có tốc độ thiết kế 250 km/h; chưa có nội dung liên quan phương án vận tải hàng hóa, cơ sở tính toán chỉ số hoàn vốn nội bộ, chỉ số lợi ích - chi phí...

"Hiện nay thế giới chưa có tuyến đường sắt tốc độ cao nào có cấp tốc độ thiết kế 350 km/h có thể vận tải hỗn hợp hành khách và hàng hóa", Bộ Kế hoạch & Đầu tư nêu góp ý.

Theo Bộ này, qua đợt công tác học tập kinh nghiệm của Đức, Tây Ban Nha, Trung Quốc cho thấy các nước phát triển đường sắt vận tốc trên 300 km/h đều là nước làm chủ về công nghệ đường sắt cao tốc. Khi đầu tư phát triển loại hình này, các quốc gia này đã có mạng lưới đường sắt vận tải hàng hóa hoàn chỉnh và có GDP cao hơn nhiều lần so với Việt Nam.

Đề án của Bộ Giao thông Vận tải chưa đề cập đến xây dựng ngành công nghiệp đường sắt tiến tới làm chủ công nghệ. Do đó, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đề nghị làm rõ đề xuất phát triển công nghiệp đường sắt và tạo nguồn nhân lực, đa dạng hóa nguồn vốn vay cho dự án để không lệ thuộc công nghệ bởi bên cho vay.

Về tải trọng trục thiết kế, kịch bản 3 đề cập tải trọng thiết kế 22,5 tấn/trục. Nhưng thực tế hiện nay, theo kinh nghiệm của các nước, tải trọng trục thiết kế của đường sắt cao tốc chở khách là 17 tấn/trục, tiêu chuẩn tải trọng trục của tàu chở hàng Trung Quốc là 23 tấn/trục. Do đó, Bộ đề nghị làm rõ cơ sở lựa chọn tải trọng thiết kế để bảo đảm phù hợp quốc tế.

Bộ cũng dẫn ưu thế của loại hình tàu tốc độ cao 200 km/h, vừa chở khách vừa chở hàng. Các dự án đường sắt tốc độ cao tại Nhật Bản đang chuẩn bị đưa vào khai thác cũng chỉ thiết kế vận tốc 250-260 km/h. Các đoàn tàu thế hệ mới tốc độ cao, tối ưu chi phí vận hành như hãng Siemens đã phát triển đoàn tàu ICE4 tốc độ khai thác tối đa 250 km/h; hãng Alstom bắt đầu sản xuất đoàn tàu thế hệ mới với vận tốc 250 km/h cho các nước Bắc Âu.

Cuối năm 2022, Bộ Kế hoạch & Đầu tư từng đề xuất Bộ Giao thông Vận tải phương án xây dựng đường sắt Bắc Nam tốc độ khai thác 180-225 km/h, vận chuyển hành khách và hàng hóa, chi phí đầu tư khoảng 64,8 tỷ USD.

Nêu thực trạng vận tải trên trục Bắc Nam đang mất cân đối, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho rằng dự án đường sắt tốc độ cao rất quan trọng trong việc hình thành trục vận tải khối lượng lớn, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội của đất nước và các địa phương. Do đó, việc lựa chọn kịch bản đầu tư sẽ quyết định sự thành công hay thất bại của dự án, cũng như phát triển hệ thống đường sắt của Việt Nam.

Khác quan điểm của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Xây dựng mới đây góp ý đồng thuận kịch bản 3. Theo Bộ Giao thông Vận tải, ưu điểm của kịch bản 3 là tàu chở khách tốc độ trên 300 km/h theo công nghệ hiện đại, tốc độ cao nên có khả năng cạnh tranh với phương tiện khác, thị phần vận tải trên hành lang Bắc Nam được tái cơ cấu theo hướng tối ưu hơn.

Ngoài ra, phương án này có khả năng vận tải hàng hóa trong trường hợp năng lực của tuyến đường sắt Bắc Nam được nâng cấp để vận chuyển hàng hóa bị quá tải. Tàu hàng sẽ được bố trí chạy vào ban đêm với tốc độ 160 km/h trong khi tàu khách ngừng khai thác nên không ảnh hưởng an toàn khai thác.

Năm 2019, Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ báo cáo tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam. Đây là tuyến đường đôi khổ 1.435 mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350 km/h, tốc độ khai thác 320 km/h. Chính phủ đã thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước để thẩm tra dự án này.

Hồi tháng 10/2022, Ban cán sự Đảng Chính phủ kết luận "thống nhất trình Bộ Chính trị cho định hướng phát triển đường sắt theo hướng hiện đại, với kịch bản đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, đường đôi khổ 1.435mm để vận tải hành khách và hàng hóa, tốc độ thiết kế khoảng 200-250 km/h".

Kết luận của Bộ Chính trị hồi tháng 3 yêu cầu xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao đồng bộ, hiệu quả, có tầm nhìn chiến lược dài hạn; mục tiêu hoàn thành trước năm 2045.

Giữa năm 2023, Bộ Giao thông Vận tải cùng một số cơ quan liên quan đã đi học tập kinh nghiệm tại một số nước châu Âu, Á và nghiên cứu 3 kịch bản đầu tư cho tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam.

Tháng 10, Thủ tướng thành lập Ban chỉ đạo xây dựng, thực hiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, giao Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan thường trực, lấy ý kiến các thành viên Ban chỉ đạo về các kịch bản đầu tư. Tại cuộc họp sau đó, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, Trưởng ban chỉ đạo, cho rằng phát triển đường sắt tốc độ cao Bắc Nam phải đồng bộ, hiện đại, phù hợp xu thế của thế giới, tốc độ thiết kế 350 km/h.

Đoàn Loan

*Tựa đề do Ban biên tập đặt lại