Nhân kỷ niệm Cách Mạng Tháng 8, giải oan cho Lâm Đức Thụ (Nguyễn Gia Kiểng)
Cuộc Cách Mạng Tháng 8 (19/8/1945) mà chúng ta sắp kỷ niệm lần thứ 78 đã mở đầu cho một giai đoạn khủng bố kinh hoàng. Hàng trăm nghìn người đã chết trong vài năm sau không phải vì chiến tranh. Trong tuyệt đại đa số họ là những người yêu nước và có kiến thức. Họ đã bị hành quyết, ám sát và thủ tiêu vì bị nghi ngờ là có thể không chấp nhận chủ nghĩa cộng sản. Một trong những nạn nhân đáng thương nhất là Lâm Đức Thụ. Ông là một trong những người xuất chúng nhất của Việt Nam trong nửa đầu thế kỷ 20 cả về tài năng lẫn nhân cách. Ông đã bị giết một cách dã man, vợ con có lẽ đã bị thủ tiêu ngay sau đó. Hơn thế nữa ký ức của ông còn bị bôi nhọ mà không có ai bênh vực ông. Trả lại công lý cho Lâm Đức Thụ trước hết là bổn phận của lương tâm.
Lâm Đức Thụ là một trong những người xuất chúng nhất của Việt Nam trong nửa đầu thế kỷ 20 cả về tài năng lẫn nhân cách.
"Đi giết việt gian Lâm Đức Thụ !"
Xin bắt đầu bằng một câu chuyện cá nhân. Một buổi sáng, mà mãi sau này tôi mới biết là vào năm 1947, một toán dân quân Việt Minh với gậy gộc và mã tấu kéo vào nhà tôi. Họ đòi các anh chị nuôi của tôi phải theo họ "đi giết việt gian Lâm Đức Thụ" (nguyên văn lời họ). Đó là lần đầu tiên tôi nghe đến tên ông này. Lúc đó gia đình tôi có hơn mười người con nuôi nam nữ. Tất cả đều là những thanh thiếu niên mồ côi bơ vơ được cha mẹ tôi đem về nuôi nấng và dạy dỗ. Càng lớn lên họ càng tiếp tay canh tác ruộng vườn. Nhà tôi có ba cái ao và một khu vườn rộng, ngoài hơn mười mẫu ruộng lúa ; đất Thái Bình lại rất phì nhiêu nên chúng tôi không bao giờ thiếu lương thực, ngay cả trong năm đói Ất Dậu 1945. Các anh chị nuôi của tôi vừa no đủ vừa được giáo dục nên họ đọc và viết thông thạo hơn hẳn đa số các thanh niên trong làng. Lúc đó, sau khi hai chú tôi bị cộng sản thủ tiêu, bố tôi đã bỏ đi mất tích. Mẹ tôi ra tiếp nhóm dân quân. Sau một cuộc tranh cãi dằng co hai bên đi đến thỏa hiệp là một nửa các anh chị nuôi của tôi phải đi với họ, một nửa được ở lại trông coi việc nhà.
Làng tôi ở huyện Phụ Dực, nay sáp nhập với huyện Quỳnh Côi thành huyện Quỳnh Phụ. Từ làng tôi đến làng Vũ Trung, huyện Kiến Xương, của ông Lâm Đức Thụ chắc không xa vì mới xế chiều các anh chị nuôi của tôi đã về. Tất cả đều bị chấn động rất mạnh. Ho kể lại nhiều lần chuyến đi này –bên cối xay, trong bữa ăn, lúc gặt lúa hay lúc nghỉ ngơi trò chuyện- đến độ khiến bây giờ, 76 năm sau, tôi còn nhớ khá rõ dù lúc đó tôi mới có năm tuổi.
Họ kể ông ta rất oai vệ. Khăn đóng áo dài nghiêm chỉnh, đứng an nhiên trên thềm nhà nhìn xuống đám người ngày càng đông dưới sân. Khi đám đông đã đủ, các dân quân hô khẩu hiệu "đả đảo việt gian Lâm Đức Thụ" đồng thời thúc dục mọi người cùng hô. Đám đông chỉ hô theo vì sợ. Rồi một toán dân quân xông lên xóc nách Lâm Đức Thụ và lôi đi, mọi người được lênh đi theo. Ra đến đầu làng họ đâm chết Lâm Đức Thụ và đào hố chôn. Các anh chị tôi đều là những người hiền lành, họ đứng đàng sau đám đông và không dám nhìn cảnh giết người nhưng họ cũng chỉ đứng cách chỗ ông Lâm Đức Thụ bị giết không xa. Qua câu chuyện này tôi cũng được biết rằng tất cả những người có mặt trong cuộc hành quyết này đều không biết gì về Lâm Đức Thụ, toán dân quân tới giết ông chỉ thi hành một mệnh lệnh từ cấp trên, những người dân như các anh chị tôi chỉ có mặt vì bị bắt buộc.
Lâm Đức Thụ là ai ?
Wikipedia tiếng Việt viết về Lâm Đức Thụ như sau :
Lâm Đức Thụ là người hoạt động cách mạng chống Pháp rồi trở thành chỉ điểm cho mật thám Pháp, người được cho là đã bán đứng Phan Bội Châu cho thực dân Pháp. Lâm Đức Thụ tên thật là Nguyễn Công Viễn, còn có biệt danh là Trương Béo hoặc bí danh là Hoàng Chấn Đông, quê ở Thái Bình, con trai cụ tú tài Nguyễn Hữu Đàn và là cháu nội nhà nho yêu nước Nguyễn Mậu Kiến. Lâm Đức Thụ thi đỗ đầu xứ, nên còn gọi là Đầu xứ Viễn.
Năm 1912, Lâm Đức Thụ gia nhập Việt Nam Quang phục Hội của cụ Phan Bội Châu.
Năm 1923, do bất mãn với tư tưởng bảo thủ của cánh già, Lâm Đức Thụ cùng với một số thanh niên nhiệt huyết như : Lê Hồng Phong, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Phạm Hồng Thái… đã ly khai Việt Nam Quang phục Hội lập một đoàn thể cấp tiến hơn gọi là Tâm Tâm Xã.
Năm 1925, Lâm Đức Thụ và một số đồng chí sáng lập Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội, tổ chức cách mạng thoát thai từ tổ chức Tâm Tâm Xã. Lâm Đức Thụ có một người vợ Trung quốc tên là Lý Huệ Quần (có tài liệu gọi là Lương Huệ Quần). Ngôi nhà của gia đình Lý Huệ Quần tại đường Văn Minh, Quảng Châu là nơi thế hệ cách mạng đầu tiên của Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội trú ngụ và huấn luyện lý thuyết cách mạng, công tác vận động quần chúng.
Năm 1947, do bị phát hiện là chỉ điểm, mật thám, tay sai cho Pháp, Lâm Đức Thụ bị dân quân giết tại quê hương làng Vũ Trung, huyện Kiến Xương tỉnh Thái Bình.
Wikipedia là một từ điển bách khoa mở, bất cứ ai cũng có thể thêm vào hoặc sửa chữa. Đoạn này chắc chắn là do một cán bộ tuyên giáo của Đảng Cộng Sản viết. Nó cũng xuất hiện nguyên văn trong một số tài liệu của Đảng Cộng Sản.
Chỉ cần một sự sáng suốt tối thiểu cũng có thể thấy cách viết này không lương thiện. Nó mô tả Lâm Đức Thụ như một người yêu nước, tài ba, có ý chí và bản lĩnh chính trị đã sáng lập và lãnh đạo tổ chức chính trị đầu tiên của Việt Nam, rồi đột ngột kết luận, không một lời giải thích, rằng ông bị dân quân giết vì bị "phát hiện" là "chỉ điểm, mật thám, tay sai cho Pháp". Ai phát hiện và phát hiện cái gì để quả quyết Lâm Đức Thụ đã là chỉ điểm, mật thám, tay sai cho Pháp, rồi giết ông ? Hoàn toàn không có một bằng chứng hay giải thích nào cả. Câu chuyện các anh chị tôi kể lại chứng tỏ những người giết Lâm Đức Thụ không hề biết gì về ông. Họ đã chỉ thi hành một mệnh lệnh. Nhưng ai đã ra lệnh ?
Cuộc đời hoạt động của Lâm Đức Thụ -tên thật là Nguyễn Công Viễn- bắt đầu từ năm 1912, ở tuổi 22. Trước đó ông đã đỗ đầu kỳ thi Xứ (thi tuyển lựa trước thi Hương) tại Thái Bình nên còn được gọi là Đầu Xứ Viễn. Thay vì tiếp tục con đường thi cử để làm quan, anh thanh niên Nguyễn Công Viễn đã bỏ nhà sang Trung Quốc để gia nhập Việt Nam Quang Phục Hội của Phan Bội Châu, một tổ chức chống Pháp giành độc lập, và lấy bí danh Lâm Đức Thụ từ đó. Phải nói đây là một chọn lựa rất hiếm hoi vì lúc đó từ Nam ra Bắc đại bộ phận sĩ phu chỉ mơ ước được làm quan. Điển hình là trường hợp Nguyễn Sinh Cung, tức Nguyễn Tất Thành và sau này lấy tên là Hồ Chí Minh, cùng tuổi với Lâm Đức Thụ. Ông Hồ Chí Minh đến Pháp cuối năm 1911 sau khi làm phụ bếp trên một con tàu buôn và ngay lập tức làm đơn xin vào học Trường Thuộc Địa (Ecole Coloniale) để được làm công chức cho Pháp nhưng bị từ chối. Số người có khí phách dám dấn thân tranh đấu để canh tân đất nước và giành độc lập cho dân tộc lúc đó có thể đếm trên đầu ngón tay. (Một trường hợp tương tự như Lâm Đức Thụ là Đầu Xứ Nhu hay Nguyễn Khắc Nhu, đậu đầu kỳ thi Xứ tại Bắc Giang, tham gia Việt Nam Quốc Dân Đảng rồi tuẫn tiết sau cuộc khởi nghĩa bất thành của Việt Nam Quốc Dân Đảng năm 1930). Chọn lựa này chứng tỏ khí phách và trí tuệ vượt trội của Lâm Đức Thụ so với thế hệ và thời đại của ông.
Tại Trung Quốc năm 1923 Lâm Đức Thụ lấy một quyết định phi thường khác. Ông từ giã Việt Nam Quang Phục Hội vì thấy nó lỗi thời và bế tắc. Cùng với một số bạn trẻ -như Hồ Tùng Mậu, Phạm Hồng Thái, Lê Hồng Phong, Lê Hồng Sơn, Nguyễn Giản Khanh, Đặng Xuân Hồng- ông thành lập và lãnh đạo nhóm Tâm Tâm Xã với lập trường "Liên hiệp những người có tri thức trong toàn dân Việt Nam, không phân biệt ranh giới, đảng phái ; miễn là có quyết tâm hi sinh tất cả tư ý và quyền lợi cá nhân, đem hết sức mình tiến hành mọi việc để khôi phục quyền làm người của người Việt Nam". "Ranh giới" ở đây phải được hiểu là thành phần xã hội hay giai cấp chứ không phải là ranh giới theo nghĩa địa lý. Tâm Tâm Xã là tổ chức chính trị Việt Nam đầu tiên nêu khái niệm nhân quyền trong cương lĩnh của mình. Lập trường này cần được đặc biệt lưu ý vì nó giải thích nhiều điều sau này và cả số phận bi thương của Lâm Đức Thụ. Tâm Tâm Xã đặt trụ sở tại nhà Lâm Đức Thụ tại Quảng Châu, thủ phủ của tỉnh Quảng Đông. Lúc đó Lâm Đức Thụ đã thành hôn với một phụ nữ Trung Quốc tên là Lý Huệ Quần. Nhà ông vừa là một tiệm thuốc vừa là nơi hội họp, thảo luận và học tập của các nhà cách mạng đầu tiên của Việt Nam.
Năm 1925 Tâm Tâm Xã đổi tên thành Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội với một chương trình hoạt động mới. Hai sự kiện đã đóng góp đưa đến thay đổi này. Sự kiện thứ nhất là Phạm Hồng Thái, một thành viên của Tâm Tâm Xã, đã ném bom ám sát toàn quyền Đông Dương Merlin tại tô giới Sa Diện, Quảng Châu, năm 1924. Cuộc ám sát không thành và Phạm Hồng Thái tự tử sau đó nhưng tiếng bom Sa Diện đã thức tỉnh nhiều người Việt Nam và đem lại cho Tâm Tâm Xã một vận hội mới. Sự kiện thứ hai là cũng năm 1924 Tâm Tâm Xã đón tiếp một người bạn mới là Lý Thụy đến Trung Quốc với tư cách là thông ngôn cho sứ bộ Borodin của Liên Xô. Thực ra vai trò "thông ngôn" chỉ là vỏ bọc bề ngoài. Lý Thụy chính là Hồ Chí Minh, đại diện Đông Dương của Quốc Tế Cộng Sản và tới Trung Quốc với sứ mạng thành lập cơ sở Đông Dương cho Quốc Tế Cộng Sản (hay Đệ Tam Quốc Tế). Lý Thụy dĩ nhiên tìm đến Tâm Tâm Xã -với tên Nguyễn Ái Quốc- và được tiếp đón rất ân cần. Ông có mọi lý do để được nhóm Tâm Tâm Xã thán phục : một người trẻ đã từng đi Pháp, Anh, Mỹ và được huấn luyện ở Nga, hơn nữa còn là đại diện của Quốc Tế Cộng Sản. Lúc đó đối với người Việt Nam, những người đã từng đi Pháp, chưa nói đã đi nhiều nước như như Nguyễn Ái Quốc, được nhìn như những ngôi sao sáng. Chủ nghĩa Marx lúc đó và trong nhiều thập niên kế tiếp được rất nhiều người coi như là một chân lý mới của thế giới, nhất là tại các nước chưa phát triển, đặc biệt là Việt Nam. Có thể nói không một người Việt Nam nào chống lại chủ nghĩa cộng sản vào lúc đó cả. Chính Phan Bội Châu, trong thời gian cuối đời (1926 – 1940) khi bị giam lỏng ở Huế cũng treo hình Lenin một cách trân trọng trong nhà. Phạm Hồng Thái và Nguyễn Ái Quốc đã đem lại cho Tâm Tâm Xã một sức bật mới, đòi hỏi một cơ cấu mới và một danh xưng mới. Chính vì thế mà Tâm Tâm Xã đã hóa thân thành Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội trong đó, tuy không phải là thành viên chính thức, Nguyễn Ái Quốc còn được trọng nể hơn cả Lâm Đức Thụ.
Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội, cũng được gọi tắt là Đảng Thanh Niên, đã phát triển rất mạnh trong nước. Gần như cùng một lúc nhưng hơi sau, một tổ chức chính trị khác cũng được thành lập : Việt Nam Quốc Dân Đảng, thường được gọi tắt là Quốc Dân Đảng hay Việt Quốc. Khác với Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội, Việt Nam Quốc Dân Đảng có toàn ban lãnh đạo ở trong nước và cũng có một biểu tượng sống ở ngay trong nước là Phan Bội Châu rất được tôn sùng sau một vụ án làm rung động cả nước. Tuy vậy tất cả các cấp lãnh đạo Quốc Dân Đảng mà tôi đã gặp đều nhìn nhận Việt Nam Quốc Dân Đảng, cho đến khi khởi nghĩa và bị đàn áp, vẫn thua khá xa Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội về thực lực. Nhượng Tống, một trong những người sáng lập Việt Nam Quốc Dân Đảng và bị cộng sản ám sát năm 1949, cũng nhìn nhận như vậy trong hồi ký "Nguyễn Thái Học" của ông.
Hai bên Thanh Niên và Quốc Dân Đảng đã gặp nhau nhiều lần để thảo luận việc thống nhất hai tổ chức nhưng không đi tới kết quả. Bên Thanh Niên cho rằng người lãnh đạo phải ở ngoài nước để không bị đập tan trong khi bên Quốc Dân Đảng cho rằng người lãnh đạo phải ở trong nước. Cuối cùng một câu nói hơi nóng giận của một đại diện Quốc Dân Đảng đã kết thúc cố gắng thống nhất này. Ông nói : "Đã chắc gì Nguyễn Ái Quốc hơn Nguyễn Thái Học mà các anh đòi bắt đa số trong nước phải phục tùng một thiểu số ở nước ngoài !". Câu nói này cũng nói lên uy tín của Nguyễn Ái Quốc vào lúc đó. Tại sao lại Nguyễn Ái Quốc mà không phải là Lâm Đức Thụ, người lãnh đạo chính thức của Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội ?
Một điều mà các cấp lãnh đạo Quốc Dân Đảng kể lại cũng rất đáng được chú ý. Bên Thanh Niên nói rằng họ có một chủ nghĩa rất hay nhưng khi các đại diện Quốc Dân Đảng yêu cầu họ giảng giải để được học hỏi thì các đại diện bên Thanh Niên chỉ có thể nói một cách giản dị, dù rất hăng say, rằng chủ nghĩa đó chủ trương thế giới đại đồng, xóa bỏ giai cấp, mọi người bình đẳng ; họ quả quyết chủ nghĩa đó sẽ thắng lợi vì cả thế giới tin rằng nó sẽ thắng lợi, nhưng họ không trình bày được nội dung và lý luận của nó. Bên Việt Quốc thực sự muốn nghe nhưng bên Thanh Niên lại không thể giảng giải. Nói chung vào lúc đó không có người Việt Nam nào chống chủ nghĩa cộng sản nhưng cũng không có người Việt Nam nào hiểu nó là gì, kể cả những người cộng sản cuồng nhiệt nhất. Về tư tưởng chính trị, chúng ta quá kém lúc đó và vẫn còn kém hiện nay. Đó đã là nguyên nhân khiến nước ta đi từ tai họa này đến thảm kịch khác. Hàng trăm nghìn người yêu nước bị sát hại, 40 năm nội chiến, rồi những trại cải tạo, những chiến dịch đánh tư sản, làn sóng người vượt biên, đất nước tụt hậu… và chế độ cộng sản vẫn còn đó.
Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội biến mất sau khi Đảng Cộng Sản Việt Nam được chính thức thành lập năm 1930 dù không bao giờ tuyên bố tự giải tán. Đa số các đảng viên Thanh Niên đã theo Đảng Cộng Sản. Đảng Cộng Sản Việt Nam luôn luôn nhắc lại rằng Tâm Tâm Xã và Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội là tiền thân của họ. Như vậy Lâm Đức Thụ, người sáng lập và lãnh đạo cả Tâm Tâm Xã lẫn Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội, đúng là cha đẻ chân chính của Đảng Cộng Sản Việt Nam.
Vợ chồng Lâm Đức Thu làm mai và tổ chức đám cưới cho Hồ Chí Minh với cô Tăng Tuyết Minh
Lâm Đức Thụ và Hồ Chí Minh
Ngay khi đến Trung Quốc theo phái bộ Borodin Hồ Chí Minh –với tên Lý Thụy và Nguyễn Ái Quốc- đã được cả nhóm Tâm Tâm Xã đón tiếp niềm nở. Riêng Lâm Đức Thụ, bằng tuổi Hồ Chí Minh, trở thành bạn chí thân. Vợ chồng Lâm Đức Thu làm mai và tổ chức đám cưới cho Hồ Chí Minh với cô Tăng Tuyết Minh, điều này không còn ai, kể cả Đảng Cộng Sản Việt Nam, phủ nhận. Lâm Đức Thu cũng không hề tỏ ra khó chịu khi các đồng chí trong Tâm Tâm Xã ái mộ Hồ Chí Minh hơn mình, coi Hồ Chí Minh là lãnh tụ tối cao của Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội dù không phải là thành viên chính thức. Tình bạn không thể thắm thiết hơn.
Tất cả đã đổ vỡ vào tháng 5-1929 trong Đại Hội của Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội. Trước đó, theo chính các tài liệu lưu trữ của Đảng Cộng Sản Việt Nam, các thành viên Thanh Niên theo Hồ Chí Minh đã âm mưu giật lấy ban chấp hành Thanh Niên để biến nó thành Đảng Cộng Sản nhưng không thành. Họ đề nghị Đại Hội thảo luận vấn đề thành lập một đảng cộng sản nhưng bị Lâm Đức Thụ, với tư cách chủ tịch Đại Hội gạt đi, lập luận rằng đây là đại hội của Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội thì chỉ bàn những vấn đề của Thanh Niên thôi. Đoàn đại biểu Bắc Kỳ do Trần Văn Cung và Ngô Gia Tự cầm đầu tuyên bố rút lui khỏi Đại Hội và trở về Việt Nam với mục đích công khai là tranh thủ tất cả các cơ sở quốc nội của Thanh Niên cho Đảng Cộng Sản. Họ thành công vì vừa có sức lôi kéo của chủ nghĩa cộng sản vừa có phương tiện tài chính do Liên Xô cung cấp. Lâm Đức Thụ vừa cô đơn vừa không có phương tiện, Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội chết dần dù không được khai tử. Đầu năm 1930, sau Đại Hội Hồng Kông do họ tổ chức, mà Lâm Đức Thụ không tham dự, Đảng Cộng Sản Việt Nam chính thức được thành lập. Lâm Đức Thu và Hồ Chí Minh từ đó đoạn tuyệt.
Câu hỏi phải được đặt ra là tại sao Lâm Đức Thụ lại chống việc biến Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội thành Đảng Cộng Sản Việt Nam trong khi nếu chấp nhận thì có mọi triển vọng ông sẽ vẫn là đảng trưởng chính thức ? Lý do là Đại Hội 6 của Quốc Tế Cộng Sản họp tại Moskva tháng 8-1928.
Nhắc lại : Quốc Tế Cộng Sản (hay Đệ Tam Quốc Tế hay Quốc Tế 3) đã ra đời năm 1919 theo quyết định của Lenin với mục tiêu đập tan Đệ Nhị Quốc Tế (hay Quốc Tế Công Nhân, hay Quốc Tế Xã Hội Chủ Nghĩa) bị coi là hòa hoãn với chế độ tư bản. Hồ Chí Minh trong Đại Hội Tour, năm 1920, của Đảng Xã Hội Pháp (SFIO) đã theo phe ly khai và tham gia Đảng Cộng Sản Pháp.
Xung đột giữa Đệ Tam và Đệ Nhị ngày càng căng thẳng và đạt tới cao điểm sau Đại Hội 6 của Quốc Tế Cộng Sản. Đại Hội này được coi như là đánh dấu sự hoàn tất của tiến trình "Stalin hóa" Quốc Tế Cộng Sản, biến nó thành dụng cụ tuyệt đối ngoan ngoãn của Liên Xô và Stalin. Ngoài một bản điều lệ khẳng định chủ trương "dân chủ tập trung" theo đó các đảng cộng sản đều phải thi hành trọn vẹn và tức khắc mọi mệnh lệnh của ban chấp hành trung ương Quốc Tế Cộng Sản gồm toàn những thuộc hạ của Stalin Đại Hội này còn biểu quyết một chương trình hành động đáng kinh ngạc. Chương Trình này, ngoài những đả kích hung hăng đối với Quốc Tế Công Nhân (Đệ Nhị Quốc Tế) và khái niệm tổ quốc được coi như là một dụng cụ của các chế độ tư bản, khẳng định các đảng cộng sản chỉ có một tổ quốc duy nhất là Liên Bang Xô Viết với những câu như sau (dịch từ bản bằng tiếng Pháp) (1) :
- Tuyên Ngôn Cộng Sản đã từng khẳng định những người vô sản không có tổ quốc trong các chế độ tư bản (trang 11) ;
- Giai cấp vô sản trên thế giới chỉ có một tổ quốc duy nhất là Liên Xô (trang 20) ;
- Lần đầu tiên giai cấp vô sản trên khắp thế giới đã tìm thấy nơi Liên Xô một tổ quốc đích thực (trang 61) ;
- Phong trào vô sản thế giới -mà Liên Xô là tổ quốc duy nhất, là chiến lũy chinh phục, là yếu tố cốt lõi để giải phóng thế giới- có bổn phận đóng góp xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội tại Liên Xô và bảo vệ nó bằng mọi phương tiện (trang 62).
Nói chung là mọi đảng cộng sản và mọi người cộng sản phải từ bỏ tổ quốc của mình để chỉ có một tổ quốc là Liên Xô và tận tình phục vụ Liên Xô.
Những điều kiện đó có thể chấp nhận được đối với Hồ Chí Minh và những người như Lê Hồng Phong, Ngô Gia Tự, Trần Phú, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Anh v.v., nhưng chắc chắn không thể chấp nhận được với một người như Lâm Đức Thụ mà lý tưởng là để đoàn kết mọi người Việt Nam không phân biệt thành phần xã hội và lập trường chính trị để tranh đấu cho đất nước Việt Nam và "quyền làm người của người Việt Nam" như trong tuyên ngôn của Tâm Tâm Xã do ông thành lập và lãnh đạo. Thái độ của Lâm Đức Thụ đối với Quốc Tế Cộng Sản không thể quyết liệt hơn. Ông đã đánh bại âm mưu chiếm đoạt Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội để biến nó thành Đảng Cộng Sản và trong Đại Hội của Thanh Niên tháng 5-1929 còn không cho thảo luận vấn đề thành lập Đảng Cộng Sản.
Sự chống đối của Lâm Đức Thụ chỉ thuần túy vì lập trường và lý tưởng bởi vì thất bại là chắc chắn, đa số các thành viên Thanh Niên cốt cán đã ngả theo Hồ Chí Minh và Quốc Tế Cộng Sản rồi. Đến khi Đảng Cộng Sản Việt Nam được thành lập, tháng 02-1930 (sau đó đổi tên thành Đảng Cộng Sản Đông Dương theo lệnh của Stalin), thì gần như toàn bộ các cơ sở của Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội ngả theo Đảng Cộng Sản và Lâm Đức Thụ hoàn toàn cô lập.
Ngay sau đó, Lâm Đức Thụ không chỉ cô đơn mà còn lâm nguy, ngay cả tính mạng cũng bị đe dọa. Lý do là vì cuộc nội chiến Quốc – Cộng giữa hai phe Tưởng Giới Thạch và Mao Trạch Đông bùng nổ dữ dội từ năm 1931 khiến phe cộng sản phải rút lui về Tây An sau cuộc hành quân lịch sử Trường Chinh dài hơn 10.000 km. Đối với phe Quốc Dân Đảng, Lâm Đức Thụ là một tên cộng sản phải tiêu diệt trong khi dưới mắt phe cộng sản, qua những người cộng sản Việt Nam, ông cũng là một kẻ chống đối phải loại trừ.
Không biết Lâm Đức Thụ đã lẩn trốn như thế nào nhưng theo nhiều tài liệu thì vào khoảng năm 1935 ông cùng vợ con tới Phnom Penh sống như một gia đình di dân Trung Quốc. Lâm Đức Thụ quá quan trọng để có thể qua mặt được mật vụ Pháp vì đối với họ ông là một trong vài người chống đối quan trọng nhất. Họ bắt được Lâm Đức Thụ và sau một thời gian giam giữ để tra khảo cho ông về quê cũ ở Thái Bình sau hơn 30 năm lưu vong. Quyết định của người Pháp thực ra chỉ đơn giản là hợp lý. Họ không có bất cứ lý do nào để buộc tội Lâm Đức Thụ, ông sống bên ngoài Đông Dương và chỉ thành lập một tổ chức ở Trung Quốc và tổ chức đó, Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội, nay không còn nữa. Trong thời gian bị bắt Lâm Đức Thụ dĩ nhiên đã bị thẩm vấn nhưng không ai biết ông đã khai những gì. Nếu có những bằng chứng, dù mỏng manh đến đâu, chứng tỏ hay thậm chí cho phép nghi ngờ là Lâm Đức Thụ đã tiết lộ cho Pháp những điều có hại cho Đảng Cộng Sản hay một tổ chức chống Pháp nào thì chắc chắn Đảng Cộng Sản đã đưa ra để biện minh cho việc giết ông, nhưng cho tới nay, 76 năm sau họ vẫn không tìm thấy gì cả. Họ buộc tội Lâm Đức Thụ làm chỉ điểm, mật thám, tay sai cho Pháp nhưng hoàn toàn không đưa ra được một chứng cớ nào cả. Như vậy phải nói là Lâm Đức Thụ hoàn toàn vô tội. Đảng Cộng Sản đã giết ông vì một lý do khác.
Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp trên vùng biên giới phía Bắc 1953-1954
Tại sao Hồ Chí Minh giết Lâm Đức Thụ ?
Nhưng ai ra lệnh giết Lâm Đức Thụ và vì lý do nào ?
Người trực tiếp ra lênh cho dân quân Thái Bình giết ông chắc là Võ Nguyên Giáp lúc đó đang là bộ trưởng nội vụ. Cũng nên biết là Võ Nguyên Giáp trong vai trò này còn phải chịu trách nhiệm trực tiếp về cái chết của hàng trăm ngàn người thuộc các đảng phái quốc gia hay bị nghi ngờ là có thể chống lại Đảng Cộng Sản. Nhưng Võ Nguyên Giáp nhận lệnh giết Lâm Đức Thụ từ ai ? Người đó chỉ có thể là Hồ Chí Minh. Không ai ngoài Hồ Chí Minh có thể ra lệnh giết Lâm Đức Thụ. Ông là người đã sáng lập và lãnh đạo Tâm Tâm Xã rồi Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội, hai tổ chức tiền thân của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Ông là người cha đích thực của Đảng Cộng Sản Việt Nam, từng là cấp trên của tất cả các cấp lãnh đạo cộng sản và cũng là bạn thân của Hồ Chí Minh, lãnh tụ tối cao của Đảng Cộng Sản lúc đó.
Nhưng tại sao Hồ Chí Minh lại giết Lâm Đức Thụ ? Đó là vì Lâm Đức Thụ biết quá nhiều và quá rõ về Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản. Ông biết Hồ Chí Minh đã có vợ là Tăng Tuyết Minh. Ông biết rằng tại Đại Hội 6 của Quốc Tế Cộng Sản, tháng 8-1928, Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản đã tuyên thệ chỉ có một tổ quốc là Liên Bang Xô Viết, nghĩa là mặc nhiên đã chấp nhận từ bỏ tổ quốc Việt Nam. Nếu để Lâm Đức Thụ sống ông ta có thể sẽ nói lên những điều đó mà Đảng Cộng Sản không thể cải chính, và huyền thoại Đảng Cộng Sản tranh đấu vì dân tộc, Hồ Chí Minh là con người đạo hạnh khắc khổ không vợ không con, cả cuộc đời chỉ dành cho đất nước không chỉ tan tành mà còn bị lật tẩy như một trò bịp bợm.
Hơn nữa nét đậm nhất của Hồ Chí Minh là một quan tâm rất bệnh hoạn về hình ảnh và danh tiếng của mình, và sẵn sàng làm tất cả để bảo vệ hình ảnh và danh tiếng đó. Ông tự nhận là tác giả bản Yêu Sách Versailles 1919 dù không viết một chữ nào. Ngay sau Cách Mạng Tháng 8, ông đã cho thủ tiêu tất cả những người trong Hội Tam Điểm (Freemasonry) và có thể tiết lộ ông cũng từng là hội viên Tam Điểm (như Phạm Quỳnh, Bùi Quang Chiêu, Dương Văn Giáo, Tạ Thu Thâu…) vì Tam Điểm bị Quốc Tế Công Sản coi là thù địch. Những người này cũng có thể biết Hồ Chí Minh ngay khi tới Pháp đã nộp đơn xin vào Trường Thuộc Địa. Ông Hồ Chí Minh cũng đã từng dùng tới hai bút hiệu để T.Lan và Trần Dân Tiên để viết sách tự đánh bóng mình, một điều chưa từng có trong lịch sử thế giới. Ông cũng đã ra lệnh giết, hoặc ít nhất đồng ý để giết, cô Nông Thị Xuân một phụ nữ đã có con với ông chỉ vì cô gái ngây thơ này sau khi đã sinh con trai đòi công khai hóa hôn nhân với ông. Sau đó em gái cô Nông Thị Xuân cũng bị giết vì biết rõ quan hệ của ông Hồ Chí Minh với chị mình. Đối với tôi, dù chỉ là suy luận, có thể tin chắc 100% là chính Hồ Chí Minh đã ra lệnh giết Lâm Đức Thụ ; những gán ghép chỉ điểm, mật thám, tay sai cho Pháp chỉ là vu cáo.
Cũng vì cái tham vọng bệnh hoạn về hình ảnh và tiếng tăm đó mà sau này, kể từ thập niên 1960, sau Đại Hội 3 của Đảng Cộng Sản Việt Nam, Hồ Chí Minh, cũng như Võ Nguyên Giáp, đã cam phận bị điều khiển một cách không nể nang bởi nhóm Lê Duẩn – Lê Đức Thọ. Nhóm này nắm được bộ máy đảng và biết con người thực của ông. Lê Duẩn, Lê Đức Thọ không coi Hồ Chí Minh ra gì, họ chỉ sử dụng ông như một thương hiệu, còn đối với Hồ Chí Minh địa vị và danh tiếng là tất cả ngay cả nếu chỉ là địa vị và danh tiếng hão.
Nói về Lâm Đức Thụ cũng không thể bỏ qua số phận buồn tủi của Nguyễn Công Thu, em ruột Lâm Đức Thụ và một trong những lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội. Trẻ hơn Lâm Đức Thụ 4 tuổi, Nguyễn Công Thu, bí danh Hồng Xuân, chủ yếu hoạt động trong nước trong vai trò bí thư chi bộ Hà Nội của Việt Nam Thanh Niên Cách mạng Đồng Chí Hội và thường sang Quảng Châu hội kiến với ban lãnh đạo Thanh Niên và Hồ Chí Minh. Nguyễn Công Thu đã gửi sang Trung Quốc để được huấn luyện hơn 200 cán bộ mà ông kết nạp được ở trong nước, trong đó có Phạm Văn Đồng và Ngô Gia Tự. Khi sự đoạn tuyệt giữa Lâm Đức Thụ và Hồ Chí Minh xảy ra thì Nguyễn Công Thu đang ở tù. Sau đó Lâm Đức Thụ mất tích và Nguyễn Công Thu tiếp tục hoạt động với Đảng Cộng Sản nhưng với tầm quan trọng xuống thấp hẳn. Có lẽ ít nhiều Nguyễn Công Thu cũng biết được sự đoạn giao giữa anh mình và Đảng Cộng Sản nên đành chịu. Sau Cách Mạng Tháng 8, Nguyễn Công Thu được giao một trách nhiệm tượng trưng nhỏ là chủ tịch Mặt Trận Việt Minh cấp huyện. Mặt Trận Việt Minh chỉ là một bình phong không khác gì Mặt Trận Tổ Quốc hiện nay. Sau khi Lâm Đức Thụ bị giết, Nguyễn Công Thu mất mọi chức vụ và bị buộc phải vào sống ở Thanh Hóa. Tại đây vợ chồng ông mở một quán bán nước chè sống qua ngày. Phải hiểu rằng Nguyễn Công Thu biết mình có thể bị giết bất cứ lúc nào nên cam chịu hết. Năm 1955, sau khi Đảng Cộng Sản đã làm chủ miền Bắc Nguyễn Công Thu tưởng là đã yên nên trở về quê cũ ở Thái Bình nhưng lập tức bị tuyên án tử hình vì tội là "đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng và tay sai của Pháp". Tại sao có thể vừa là đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng vừa là tay sai của Pháp ? Việt Nam Quốc Dân Đảng còn chống Pháp hơn cả Đảng Cộng Sản. Đây cũng chỉ là một vu cáo để lấy cớ giết người như trường hợp ông anh Lâm Đức Thụ thôi. Rất may cho Nguyễn Công Thu là khi ra pháp trường và sắp bị bắn thì một ô tô chạy tới và theo lệnh của cấp trên chở ông về Hải Dương. Nguyễn Công Thu sau đó được cho về Hà Nội làm người phục dịch trong các cơ quan nhà nước với số lương 44 đồng mỗi tháng, vừa đủ để sống trong sự nghèo khổ. Ông mất năm 1976, thọ 82 tuổi, và được chôn cất "đơn sơ hơn cả người bình dân" theo tài liệu lưu trữ của Đảng Cộng Sản. Vẫn theo tài liệu của Đảng Cộng Sản thì năm 1993, nghĩa là 17 năm sau khi Nguyễn Công Thu đã chết, Đảng Cộng Sản phục hồi danh dự cho Nguyễn Công Thu và Phạm Văn Đồng, lúc đó đã về hưu, gửi tặng gia đình ông 2 triệu đồng.
Một câu chuyện được Đảng Cộng Sản ghi lại là có lần ông Hồ Chí Minh tới thăm một cơ quan thì được một ông già ra mở cửa. Hồ Chí Minh nhận ra Nguyễn Công Thu và kêu lên : "Ô kìa, Hồng Xuân, sao anh làm gì ở đây thế này ?" Nguyễn Công Thu chậm rãi trả lời : "Thưa anh Vương, anh đi tiếp khách đi, kẻo người ta chờ. Chuyện của tôi dài lắm". Sau đó Hồ Chí Minh không còn gặp lại Nguyễn Công Thu nữa. Phải hiểu là Hồ Chí Minh chẳng còn mặt mũi nào để gặp lại Nguyễn Công Thu, còn Phạm Văn Đồng dù có chút lương tâm nhưng, cũng như hầu hết các quan chức cộng sản, luôn luôn phải lo sợ và không dám sống thực với lòng mình trong một chế độ khủng bố mà chính ông đã góp phần dựng lên.
Một điều cũng cần được nhắc tới là giả thuyết cho rằng vào năm 1925 Lâm Đức Thụ và Hồ Chí Minh đã cùng nhau âm mưu dàn dựng giúp mật thám Pháp bắt cóc Phan Bội Châu tại Hồng Kông. Giả thuyết này không có gì vững chắc. Ông Hoàng Văn Chí, một cộng sự viên thân cận của hai ông Trường Chinh và Phạm Văn Đồng sau này đào thoát vào miền Nam, trong cuốn sách "Từ thực dân đến cộng sản" chỉ nói ông Hồ Chí Minh đã chủ mưu nhưng không thuyết phục. Chính ông Phan Bội Châu trong những năm cuối đời tại Huế cũng không hề tố giác Hồ Chí Minh và Lâm Đức Thụ.
Một sự kiện đáng lưu ý khác là gần như tất cả các nhà nghiên cứu lịch sử cận đại thuộc phe chống cộng cũng đều lặp lại luận điệu của Đảng Cộng Sản là Lâm Đức Thụ trong những năm cuối đời trước khi bị giết đã làm mật thám cho Pháp dù không ai đưa ra được một bằng chứng cụ thể nào. Tôi chỉ đọc được một bài phản bác qua loa lập luận này, cho nó là vô căn cứ. Có lẽ các sử gia phe quốc gia không quan tâm lắm tới số phận của Lâm Đức Thụ vì đối với họ vụ án Lâm Đức Thụ chỉ là một chuyện nội bộ của Đảng Cộng Sản. Lâm Đức Thụ thật là cô đơn.
Giải oan cho một người đã khuất
Một lời sau cùng.
Tôi đã nhiều lần muốn viết một bài về Lâm Đức Thụ mà luôn luôn thiếu thời giờ trong khi vụ án Lâm Đức Thụ lại quá phức tạp. Sau cùng tôi thấy áy náy và quyết định phải viết. Tôi không có lý do cá nhân nào để phải bênh ông và cố tình biện hộ cho ông. Hơn thế nữa ông còn là đối thủ của Việt Nam Quốc Dân Đảng mà cha tôi và các chú bác tôi là đảng viên. Tôi quan tâm tới Lâm Đức Thụ chỉ vì ông và tôi cùng là người Việt Nam và tôi thấy ông quá oan ức. Ông là một người yêu nước, dũng cảm, lương thiện và sáng suốt đã bị giết một cách dã man, vợ con có lẽ cũng đã bị thủ tiêu, anh em bị vạ lây. Hơn thế nữa ký ức của ông còn bị bôi bẩn. Càng đọc thêm các tài liệu về Lâm Đức Thụ tôi càng thấy có bổn phận phải trả lại công lý cho ông.
Đối với tôi, Lâm Đức Thụ là người đáng được kính trọng. Ông đã dấn thân vì đất nước và dân tộc, đã có một lý tưởng đẹp và đã suốt đời trung thành với lý tưởng đó. Việc ông quả quyết chống lại Quốc Tế Cộng Sản sau Đại Hội 1928 bây giờ đã được thực tế chứng minh là rất sáng suốt. Trong suốt cuộc đời ông tôi cũng không thấy một dấu hiệu nào là ông đã vu cáo hay hãm hại một ai. Nhân cách của ông lớn và đẹp.
Mỗi chúng ta đều có bổn phận đối với lẽ phải. Bổn phận đó buộc chúng ta phải trả lại công lý cho mọi người. Kể cả Lâm Đức Thụ, dù đã hơi muộn.
Nguyễn Gia Kiểng
(15/08/2023)
-----------------------------
(1) Đại Hội VI của Quốc Tế Cộng Sản