Công an săn trộm thú nuôi của dân : vì đói hay vì gian? (JB Nguyễn Hữu Vinh, Đồng Phụng Việt, Viết từ Sài Gòn)
Những sự nhầm lẫn bá đạo "chỉ có thể là Việt Nam"
JB Nguyễn Hữu Vinh, RFA, 28/06/2023
Lại chuyện công an đi trộm cắp
Ngày 26/6/2023 mạng xã hội nổi sóng với một loạt video Clip chiếc xe Vinfast nhãn hiệu Fadin màu đỏ bị tháo hết hơi, xẹp lốp và đóng kín cửa trên đường tại Cầu Ái Nàng, xã An Phú huyện Mỹ Đức, Thành phố Hà Nội.
Hàng loạt dân từ nhiều nơi trong các làng xung quanh đổ đến xem sự kiện xảy ra ở đó : Người dân chặn bắt được một chiếc xe chở ba sĩ quan Công an Hà Nội, mang theo quân trang, quân dụng đủ cả quân hàm Đại úy, Thượng úy và cả còng số 8, một khẩu súng kèm theo mấy con dê bỏ trong bao tải ở trong cốp xe.
Sự phẫn nộ dâng tràn đám đông, khi mà ở đây người dân đã nói rõ rằng từ rất lâu, đàn dê của đồng bào nuôi ở vùng này đã mất rất nhiều, bà con rất cảnh giác, nhưng chẳng ai ngờ rằng chính Công an, lực lượng mà mỗi khi mất tài sản, gia súc, gia cầm, người dân vẫn đến khai báo và nhờ đi tìm, nhờ họ bảo vệ.
Trong khi sự phẫn nộ của người dân lên đến đỉnh cao, thì ba sĩ quan gồm một đại úy và hai thượng úy, vẫn cố thủ trong chiếc xe khóa kín cửa chờ "cứu viện".
Chuyện công an đi ăn cắp, ăn trộm tưởng là chuyện hiếm, thì giờ cũng đã trở thành "chuyện thường ngày ở huyện", chẳng mấy làm người dân ngạc nhiên. Thời gian qua, biết bao vụ việc phạm tội hết sức trắng trợn, man rợ và biết bao vụ trộm cắp, lừa đảo mà thủ phạm chính lại là các sĩ quan, chiến sĩ công an gây ra.
Mới cách đây chưa lâu, báo chí nhà nước đưa tin : Ngày 18/10/2022, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Ninh Bình phối hợp với Công an huyện Yên Khánh (Ninh Bình) bắt giữ 2 đối tượng trộm cắp xe ôtô trên địa bàn huyện Yên Khánh. Hai đối tượng này là Nguyễn Đình Hoàng Anh, sinh năm 1993, và Bùi Thúc Quyết, sinh năm 1992 (cùng là công an Huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội). Với thủ đoạn bán xe cho người khác nhưng không làm thủ tục sang tên mà chỉ có giấy viết tay, Chiếc xe được bán đã cài định vị để rồi khi xác định được xe ở nơi nào, sẽ đến trộm xe đi bằng chìa khóa đã được làm thêm.
Không chỉ có một vụ, hàng loạt những vụ lừa đảo của bọn tội phạm là công an hết sức trắng trợn và ghê tởm như Thượng úy Nguyễn Thị Vững, công tác tại Cục chống buôn lậu đã bày mưu cài ma túy vào xe người khác rồi báo cảnh sát phòng chống ma túy nhằm để đưa họ vào tù tội hoặc cái chết để chiếm đoạt tài sản – Một thủ đoạn tội phạm mà chỉ có công an mới nghĩ ra.
Không thể kể hết những trường hợp công an là tội phạm từ bắc đến nam. Mà chẳng cần nói đến những việc lặt vặt như trộm cắp, lừa đảo ở đám sĩ quan hay lính tráng trong lực lượng công an. Ngay cả những sĩ quan cấp tướng, các anh hùng lực lượng vũ trang hẳn hoi đua nhau vào tù với tội danh được gọi là tham nhũng, hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn như Phan Văn Vĩnh, Trung tướng, Nguyễn Thanh Hóa, thiếu tướng, Đỗ Hữu Ca, thiếu tướng hay Nguyễn Đức Chung hoặc hàng loạt tướng khác đang rủ nhau ở tù… thực chất cũng là những hành động cướp đoạt của người dân, của nhà nước bằng hình thức khác mà thôi.
Ngay như ở Hà Nội mới vài tháng qua, thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Phó Giám đốc Công an Hà Nội đã bị bắt vì hối lộ và lừa đảo trong vụ chuyến bay giải cứu sắp được đưa ra vành móng ngựa, là những ví dụ sinh động nhất.
Tướng đã vậy, nói chi lính tráng, quân cán. Cả đội quân đông đúc ấy, lúc nhúc ấy diễn đủ trò sáng tối trong mọi mặt đời sống xã hội.
Một sự "nhầm lẫn" hiếm có
Chuyện mấy sĩ quan đi bắn trộm dê của dân chắc cũng sẽ đi vào im lặng hoặc sẽ được coi là bình thường, bởi những chuyện công an đi ăn cắp, ăn trộm, tham nhũng, cướp đoạt… đã trở thành chuyện không lạ. Hoặc cũng có thể sẽ trở thành một đề tài để thiên hạ bàn tán, thán phục và ca ngợi sự nhanh chóng, quyết liệt của Công an Hà Nội, sự kiên quyết xử lý "công khai, minh bạch" "không có vùng cấm, bất kể người đó là ai"… như quan chức cộng sản thường thề thốt.
Nhưng, câu chuyện ba sĩ quan Công an đi bắn trộm dê của dân bỏ xe ô tô bị dân bắt, một chuyện "lặt vặt" như vậy lại trở nên ồn ào, thành câu chuyện truyền khẩu và tạo nên sự phẫn nộ trong dân chúng, trong dư luận, lại có nguyên nhân từ Công an Huyện Mỹ Đức, cấp trên trực tiếp của các sĩ quan ăn trộm kia.
Chẳng là khi trả lời về sự việc, lãnh đạo công an huyện nói rằng : Ba sĩ quan đi bắn chim, nhưng lại bắn nhầm dê của dân.
Và chỉ cần như vậy cũng đã đủ tạo nên con sóng dư luận xã hội.
Có lẽ người dân Hà Nội và cả nước cũng chẳng đủ kiên nhẫn để có thể cười trước màn hài kịch về chữ nghĩa mà đám lãnh đạo công an đã vận dụng để gỡ tội cho cấp dưới ở đây. Bởi người ta đủ thông minh để hiểu bản chất sự việc là gì, cũng như lời phân bua, thanh minh của đám quan chức nhằm mục đích gì.
Dư luận xã hội sôi sục lên rằng : Có đời nào mà con dê của dân lại có thể nhầm được thành con chim ?
Có thể nào khi nhầm rồi lại bỏ bao tải chuẩn bị sẵn trong cốp xe ? Và có thể nào đi bắn chim lại chuẩn bị những khẩu súng có thể bắn chết dê dễ dàng đến vậy ?
Và nếu nhầm lẫn, chẳng lẽ nhầm lẫn cả 3 con dê mà tưởng là 3 con chim ?
Và dư luận xã hội phẫn nộ lên tiếng, phẫn nộ dùng những hình thức ngôn từ phản ứng làm cho Công an Hà Nộ lúng túng và hoảng hốt phải bắt giữ 3 tên sĩ quan "bắn nhầm" đồng thời khởi tố ngay vụ án, Giám đốc Công an Hà Nội ngay lập tức phải có động tác xoa dịu dư luận bằng cách đuổi cổ 3 sĩ quan ra khỏi ngành Công an và ngày hôm sau thì huyện ủy đình chỉ sinh hoạt đảng của 3 đồng chí sĩ quan đã "bắn nhầm" dê của dân.
Nhưng, lãnh đạo công an Hà Nội dù có hành động nhanh, dứt khoát trong vụ này, thì cũng đã là rất muộn, bởi lời lẽ của Công an Mỹ Đức còn nhanh hơn và đã kịp loan ra khắp thế giới, rằng thì các sĩ quan công an Hà Nội đã nhầm dê thành chim, nên bắn cả ba con dê của dân.
Và đó cũng trở thành đề tài, thành câu chuyện để người dân bàn tán và phẫn nộ.
"Bắn chim nhưng nhầm vào dê", nguyên nhân từ đâu ?
Thật ra, để vụ việc bị đẩy đến mức độ này, là có sự đóng góp lớn của lãnh đạo công an Mỹ Đức. Bởi anh ta đã học cấp trên của mình là Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc từ thời làm người phát ngôn, đã sáng tác ra khái niệm "gạt tay trúng má" để thay cho việc công an tát méo mặt và "Giơ chân hơi cao" để thay cho việc "đá cho vẹo sườn" phóng viên phải đi viện. Hoặc công an nhiều nơi cũng đã đua nhau sáng tác ngôn ngữ dành riêng cho ngành mình như "dân tự húc đầu vào gậy Cảnh sát giao thông", "Công an dùng chân tác động vật lý vào nhân dân" hay CSGT "cầm những vật giống tiền của người tham gia giao thông, cầm vật giống súng để bắn dân"… hay nghi can tự tử bằng cách treo cổ ngồi, hoặc tự đập đầu xuống đất để chết do được giác ngộ… Đủ cả mọi ngôn từ riêng mà chắc chỉ còn ngành công an hiểu, chỉ có công an dám dùng, còn xã hội thì người ta hoặc phẫn nộ, hoặc lấy làm một trò tiêu khiển khi nhắc lại.
Tìm hiều căn nguyên nào, để lãnh đạo công an Mỹ Đức có thể nói với cả xã hội rằng con người, nhất là các sĩ quan công an trẻ lại nhìn con dê thành con chim, mà nhầm đến 3 lần, bắn chết 3 con và thậm chí, nhầm không chỉ khi bắn mà còn nhầm cả khi cho vào bao tải bỏ vào cốp xe.
Thì câu trả lời mà người ta chỉ có thể giải thích hợp lý nhất rằng : Bởi đó là Công an.
Ở đây, Công an Mỹ Đức đã sử dụng cái gọi là "ngôn ngữ công an" chưa được nhuần nhuyễn, nên đã tạo nên cơn sốc cho xã hội. Bởi cách giải thích trước công luận, cách biện bạch của lãnh đạo Công an, đã nói lên sự coi thường dư luận, coi thường nhân dân đến mức muốn nói gì thì nói, bất chấp chuyện dân nghe có được hay không.
Nhưng, họ đã không ngại. Bởi đó là Công an, nếu phản ứng, đã có đủ mọi điều luật để kết tội, nặng, nhẹ, phạt tiền hay phạt tù tùy thích.
Nhầm lẫn
Có thể nói rằng : Trong cuộc sống, chắc chẳng có ai tránh được nhầm lẫn. Có thể là sự nhầm lẫn lớn hoặc nhỏ, có thể gây hậu quả nặng nề hoặc đơn giản. Sự nhầm lẫn là điều không ai muốn và thường xảy ra một cách khách quan ngoài ý thức của người gây ra. Chính vì vậy, người đời vẫn nói : "Thánh nhân còn có khi nhầm" huống chi con người ta vốn không ai hoàn hảo nên chuyện nhầm lẫn là thường xảy ra.
Nói về sự nhầm lẫn, có thể kể đến nhiều lĩnh vực, nhiều trường hợp, nhiều hoàn cảnh mà sự nhầm lẫn gây những hậu quả to lớn đối với cá nhân và đời sống xã hội.
Thế nên, có những lĩnh vực, sự nhầm lẫn gây hậu quả hết sức tai hại và ảnh hưởng đến tính mạng con người. Do vậy, người ta đặt ra những quy định khắt khe, ngặt nghèo và những quy tắc cần tuân thủ, nhiều khi máy móc nhưng vẫn cứ phải thực hiện để tránh những sự nhầm lẫn không đáng có. Và thậm chí, có những lĩnh vực, công việc không được phép nhầm lẫn. Bởi hậu quả của nó khó có thể khắc phục.
Chẳng hạn, người ta đặt ra một nguyên tắc khi mổ cho người bệnh, là phải đếm số kìm, kéo, dao, panh… đã đưa sử dụng cho ca mổ cả trước và sau khi mổ. Điều này buộc phải làm, để nhằm tránh sự thất lạc, sự sai sót mà bỏ lại dụng cụ trong người bệnh nhân. Hoặc việc kiểm tra người bệnh, hồ sơ bệnh nhân, đối chiếu… trước khi mổ để xác định đúng người, đúng bệnh.
Vậy là vẫn có khi người ta quên luôn cả cây kéo, cả cái panh trong bụng bệnh nhân do sơ ý, do cẩu thả. Thậm chí, đã có rất nhiều vụ đã mổ chân phải thay cho chân trái cần mổ…
Những nhầm lẫn đó, là do tắc trách, do thiếu trách nhiệm hoặc vi phạm nguyên tắc cần thiết khi làm việc mà gây ra.
Nhưng cũng có những sự nhầm lẫn hoàn toàn cố ý, điều này mới tạo ra nguy hại cho xã hội không chỉ một sự việc, một lúc, một giai đoạn.
Trong xã hội Việt Nam thời gian qua, đã có những vụ "nhầm lẫn" cười ra nước mắt, bởi những vụ nhầm lẫn này, chắc chỉ có ở Việt Nam. Có thể kể ra hai vụ như sau được báo chí Việt Nam đưa lên như những hình mẫu dùng sự "nhầm lẫn" để bào chữa rất "Việt Nam" :
Chuyện Hồ Ngọc Chính Bí thư đảng ủy xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng nửa đêm chui vào giường ngủ của vợ người khác, sàm sỡ với chị của sui gia mình, bị bắt quả tang thì giải thích là do "nhầm lẫn".
Thấy có vẻ phù hợp khi sử dụng lý do "nhầm lẫn", thế nên, sau đó, Phạm Minh Xem, Phó bí thư Thường trực Thành uỷ Kon Tum, Chủ tịch HĐND TP Kon Tum đã ngang nhiên quan hệ với một phụ nữ đã có chồng và đang sống với gia đình cùng chồng và con. Khi bị người chồng tố cáo, ông ta biện minh rằng : Sở dĩ ông ta có quan hệ với bà này, là do "nhầm lẫn".
Có thể kể ra nhiều sự "nhầm lẫn cố ý" đã từng được quan chức vận dụng trong xã hội Việt Nam, nhưng đến vụ nhầm lẫn dê thành chim này, thì có lẽ đã là đỉnh điểm.
Đó là đỉnh điểm của sự dối trá, trí trá và là sự coi thường công luận, coi thường người dân.
Nghe chuyện này, một cụ già chậm rãi : Có sao, thời nay quan chức muốn nói sao chẳng được. Chuyện nhầm lẫn này làm sao so được với sự nhầm lẫn đến mức cả gần một thế kỷ đã trôi qua, đảng vẫn cứ gân cổ kêu gào "Tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên Chủ nghĩa xã hội" để cả đất nước, cả dân tộc đổ biết bao máu xương, mồ hôi và sức lực, tính mạng để đi con đường mà "đảng và bác đã chọn".
Thế mà đến nay thì Tổng bí thư nói ráo hoảnh : "Đến cuối thế kỷ này chưa chắc đã thấy bóng dáng của Chủ nghĩa xã hội".
Đó mới thực sự là sự nhầm lẫn không thể tha thứ.
Nhưng, chẳng ai thú nhận là đã nhầm lẫn, chẳng ai nhận lỗi là đã đọa đày đất nước đến điêu linh vì sự nhầm lẫn đó. Thậm chí lại vẫn cứ hô hào "đi lên Chủ nghĩa Xã hội" theo kiểu "đâm lao thì phải theo lao".
Nhưng có sao, đảng ta sáng suốt, tài tình nhưng những điều đó, phải đi theo súng và nhà tù.
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Nguồn : RFA, 28/06/2023
*************************
Săn dê là chuyện nhỏ ! Chuẩn bị
Đồng Phụng Việt, RFA, 28/06/2023
Vụ án liên quan đến ba sĩ quan công an (một đại úy, hai thượng úy) cùng làm việc tại Công an thị trấn Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội đang khuấy động dư luận. Ngày 26/6/2023, cả ba lái xe đến xã An Phú cùng huyện, lựa lúc vắng người, bắn chết ba con dê nhưng chỉ bỏ vào cốp xe được hai con để chở về. Vì thường xuyên bị trộm dê nên dân chúng địa phương tổ chức mật phục và đổ ra bắt Sợ bị hành hung, cả ba cố thủ trong xe và được đồng đội giải cứu (1).
Hiện trường công an bắn chết dê của dân huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội bị người dân bắt quả tang hôm 26/6/2023 - Facebook via Thanh Niên
Cả ba sĩ quan công an nhân dân đã bị sa thải, bị khởi tố về tội "trộm cắp tài sản". Tính ra, giá trị mỗi sĩ quan Công an nhân dân chỉ tương đương một con dê ! Tuy Công an nhân dân đã cử đại diện đến xin lỗi và thỏa thuận về chuyện bồi thường với các khổ chủ, khẳng định xẽ xử lý nghiêm khắc nhưng chỉ như thế thì quá đơn giản. Theo Công an nhân dân thì cả ba chỉ sử dụng súng hơi loại thông dụng để săn bắn trộm nhưng cũng có một vài viên chức hữu trách lại bảo đó là súng tự chế.
Cũng vì vậy phải thắc mắc, súng hơi loại thông dụng hay súng tự chế có thể bắn chết mấy con dê dễ dàng để thu nhặt một cách gọn gàng như súng hơi loại chuyên dùng để trấn áp hay súng quân dụng không ? Xử lý vụ săn bắn trộm này sẽ dễ dàng hơn nếu đó là súng hơi loại thông dụng hay súng tự chế, súng hơi loại chuyên dụng hay súng quân dụng sẽ khiến việc xử lý phức tạp hơn vì sẽ phát sinh những nghi ngại về vũ trang cho công an và quản lý vũ khí của công an.
Xin lưu ý, cách nay năm năm, được chính quyền bật đèn xanh, Bộ Công an đã ban hành Quy định về trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ cho lực lượng công an (Thông tư 17/2018/TT-BCA), xác định sẽ từng bước trang bị đủ loại vũ khí, phương tiện quân sự cho công an tất cả các cấp. Ngoài súng ngắn, công an xã sẽ có súng hơi chuyên dùng để trấn áp, súng trường, tiểu liên. Còn công an từ cấp huyện trở lên sẽ được cấp phát trung liên, đại liên, súng phóng lựu, súng cối, súng chống tăng, lựu đạn, mìn, bom, trực thăng vũ trang (2), Chỉ bảo vệ trật tự, trị an mà có quyền sử dụng công quỹ để mua sắm, trang bị đủ loại vũ khí, phương tiện quân sự dùng trong chiến tranh như thế thì công an nhân dân dùng súng săn dê là chuyện nhỏ, chuyện phụ, săn dân mới là chuyện lớn, chuyện chính. Trong thực tế, hồi đầu năm 2020, công an nhân dân đã từng tổ chức săn dân ngay tại huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội, gây rúng động dư luận cả trong lẫn ngoài Việt Nam (vụ bao vây rồi tấn công thôn Hoành, xã Đồng Tâm lúc rạng sáng 9/1/2020).
Không rõ có phải vì ba sĩ quan công an dùng súng hơi loại chuyên dụng để trấn áp hay súng quân dụng để săn dê hay không mà không thấy cơ quan điều tra của Công an nhân dân công bố hình ảnh liên quan đến tang vật gây án như họ vẫn thường làm (3) và cũng không thấy công an nhân dân khởi tố ba đồng đội thêm tội "tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng hay vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ" như đã được quy định tại các điều 304 và 306 của Bộ Luật Hình sự. Chẳng lẽ như thế là nghiêm khắc ?
***
Chắc chắn viên đại úy và hai viên thượng úy vừa bị khởi tố vì "trộm cắp tài sản" không nghèo túng đến mức phải làm liều. Hành vi của cả ba là biểu hiện của tâm thế ngạo mạn nên ứng xử càn rỡ một cách thản nhiên. Tâm thế đó, lối ứng xử đó phổ biến trong toàn lực lượng công an cả khi thi hành công vụ lẫn sinh hoạt thường nhật. Không đủ tự tin vào vị thế, vai trò của "cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân" thì sẽ không có chuyện cùng nhau lái xe đi săn trộm trong giờ làm việc ở chỗ chỉ cách nơi làm việc chừng bảy cây số !
Tuần trước, ông Tô Lâm – Bộ trưởng Công an hối thúc các đại biểu Quốc hội gật đầu với "Dự luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở" vốn đã từng bị các đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ trước loại bỏ vì "lực lượng công an đã quá đông, mỗi tỉnh ít nhất cũng có 3.000, tỉnh to thì 4.000 công an chính quy" (3), đó là chưa kể nhân sự của các cục, các trung đoàn cảnh sát cơ động,… trực thuộc bộ này. Bởi ngân sách có hạn, nếu chấp thuận thì "các địa phương sẽ không còn tiền đầu tư cho phát triển, an sinh xã hội".
Cho dù lực lượng công an các tỉnh, thành phố được ước đoán đã khoảng 200.000 nhưng theo tính toán của các đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ trước thì việc thống nhất ba lực lượng theo tinh thần của "Dự luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở" sẽ khiến ngân sách phải gánh thêm chi phí cho chừng 800.000 người nữa (4). Tuy nhiên Bộ Công an không cam tâm từ bỏ kế hoach gia tăng nhân sự, nhận thêm tiền từ công quỹ và tiếp tục yêu cầu Quốc hội nhiệm kỳ này biến dự luật thành luật.
Các đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ trước gạt bỏ ý tưởng thông qua bộ luật cho phép Bộ Công an tăng thêm nhân sự và nhận thêm chi phí để đầu tư cho phường, xã vì công an đã "đông như thế mà còn thêm nhiều lực lượng nữa, chẳng lẽ lực lượng chính quy không đủ khả năng để chúng ta nắm tình hình, xử lý tình hình ?" tuy nhiên ông Tô Lâm đã dùng vụ nổi loạn ở Cư Kuin Đắk Lắk để dọa là phải "bảo đảm an ninh trật tự ngay từ địa bàn cơ sở, xây dựng xã hội trật tự kỷ cương, an toàn, không ai bị đe dọa, ảnh hưởng" để "phường, xã trở thành những pháo đài về an ninh trật tự, là nơi được bảo đảm an ninh, an toàn nhất" (6).
Thiên hạ vốn chẳng lạ gì kiểu hoạt động và hiệu quả hoạt động của lực lượng dân phòng lấy gì bảo đảm chuyện cho phép Bộ Công an tuyển thêm và sử dụng khoảng 800.000 người nữa thì xã hội sẽ có "trật tự, kỷ cương, an toàn, không ai bị đe dọa, ảnh hưởng" ? Nay thêm chuyện giá trị mỗi sĩ quan Công an nhân dân tương đương một con dê trong vụ án "trộm cắp tài sản" ở xã An Phú, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội. Đó chỉ là ví dụ mới nhất về. công an nhân dân chứ không phải scandal đầu tiên và duy nhất. Cứ đối chiếu những gì đã biết về Wagner Group - được chính quyền Liên bang Nga "hà hơi, tiếp sức" ra sao, hỗ trợ vũ trang, phát triển nhân lực, dùng vào việc gì, kiểu hoạt động thế nào, thì sẽ thấy Bộ Công an có khá nhiều điểm tương đồng với nhóm này. Cũng vì vậy, lấy gì bảo đảm Bộ Công an không đi theo con đường của Wagner Group khi muốn chi phối nhiều hơn để được nhiều hơn và dù trên danh nghĩa chỉ bảo vệ trật tự, trị an nhưng vẫn tìm đủ mọi cách để tiếp tục phát triển cả thế lẫn lực ?
Đồng Phụng Việt
Nguồn : RFA, 28/06/2023
Tham khảo
***********************
Công an để "bảo vệ dân" hay "ăn cắp của dân" ?
RFA, 28/06/2023
Các cấp bậc sĩ quan công an Việt Nam từ ngày 01/7/2023 sẽ được chính thức tăng lương theo chính sách tăng mức lương cơ sở. Lương và bổng vẫn chưa đủ với họ ?
Theo khoản 1 Điều 3 Nghị quyết 69/2022/QH15 và Nghị định 24/2023/NĐ-CP, kể từ ngày 01/7/2023 thì mức lương cơ sở tính cho cán bộ công an sẽ thay đổi thành 1 triệu 800 ngàn đồng/tháng nhân với hệ số lương. Những cán bộ cấp cao có lương lớn hơn mức này vẫn giữ nguyên mức cũ.
gặp mặt 50 đại biểu Công an nhân dân dự Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII ngày 13/12/2022
Trong khi trước đó theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 38/2019/NĐ-CP thì mức lương cơ sở tùy theo cấp bậc có mức lương cơ sở là từ 928 ngàn đồng tháng nhân với hệ số lương 3,2 lần… cấp Thiếu tá 1.740.000 nhân với 6 lần… và cho đến cấp tướng công an là 3.016.000 đồng tháng nhân với 10,4 lần.
Tăng lương có tăng "sĩ diện" ?
Như vậy kể từ 1/7, toàn bộ sĩ quan công an sẽ được tăng lương hơn nhiều lần. Trong đó, cấp bậc đại úy, thượng úy mức lương sẽ tăng năm lần, khoảng trên chín triệu đồng/tháng.
Cựu Trung tá quân đội Vũ Minh Trí hôm 28/6 nhận định với RFA :
"Theo tôi được biết từ ngày 1/7 mức lương cơ bản tăng lên không phải chỉ mỗi ngành công an, mà toàn bộ những người hưởng lương ngân sách Nhà nước. Ngành công an có nhiều vị trí mà ngoài đồng lương, người ta có thể kiếm ra những đồng tiền không chính đáng. Ví dụ như cảnh sát giao thông, ta thấy rất rõ và xã hội cũng đã phản ánh rất rõ, một số vị trí khác cũng thế. Chính vì vậy mới có tình trạng người dân ở ngoài tỉnh, không phải ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh rất chuộng cho con em mình thi vào ngành công an với hy vọng vừa có quyền, vừa có tiền. Nhưng mà suy cho cùng, nếu mà chỉ có đồng lương không thì cũng không đủ sống".
Một cựu trung tá Công an khác, không muốn nêu tên, đưa ra nhận định với RFA hôm 28/6 :
"Nói về năng lực thì công an Việt Nam là một trong những công an giỏi, không có tổ chức phản động nào tồn tại được ở Việt Nam, ngo ngoe là bắt liền. Nói mặt bằng chung thì công an giữ được an ninh chính trị, ổn định xã hội, trừ vụ Đắk Lắk vừa rồi thì rõ ràng là thủng lưới. Về khách quan, ổn định chính trị thì người dân yên tâm làm ăn. Nhưng cá nhân thì khác, như vừa rồi ba công an đi bắn dê là làm bậy, công an bảo vệ dân thì lại đi ăn cắp của dân. Hay mấy ông cảnh sát biển, thực chất là công an qua, tham nhũng 50 tỷ chia nhau và bị trừng trị. Có công thì khen, có tội thì phạt, tội nặng thì trừng trị, người ta phải làm vì nếu không làm được thì mất chế độ thôi. Khi mà mất lòng dân thì chắc chẳng mất chế độ, lấy tiêu chí phục vụ nhân dân thì còn tồn tại, nếu làm ngược lại thì chắc chắn nhân dân sẽ đứng lên phế truất anh, đó là quy luật".
Góp thêm ý kiến về năng lực của ngành công an, cựu Trung tá quân đội Vũ Minh Trí cho rằng :
"Vụ ba sĩ quan công an huyện Mỹ Đức bắn dê của dân thì tôi nghĩ cũng là một vụ việc nhỏ. Tất nhiên nó cũng phản ảnh chất lượng của cán bộ lực lượng công an, nhưng theo tôi nó có tính chất trẻ con nhiều hơn. Nhưng gần đây nhất, liên quan vụ việc có hai nhóm người tập kích đồn công an ở Tây Nguyên thì Bộ trưởng Bộ Công an có nói : ‘dân người ta biết hết, nhưng chính quyền không biết, công an không biết’… Ông ta đã thừa nhận một thực trạng, giữa người dân với chính quyền, với công an có sự "cách bức" rất lớn. Mặc dù nhiều năm qua ngành công an, cũng như cả hệ thống chính trị đã tập trung xây dựng cái gọi là thế trận an ninh nhân dân, quốc phòng toàn dân… nhưng cuối cùng khi có sự cố thì hoàn toàn không nắm được tình hình".
Ưu ái ngành Công an
Theo Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân, được chính phủ công bố hôm đầu tháng 2/2023, Bộ Công an đã đề xuất bổ sung quy định về thăng hàm cấp Tướng trước thời hạn đối với sĩ quan Công an. Dự thảo Luật sửa đổi này khi đó bị dư luận mạng xã hội cho là quá ưu ái ngành công an.
Anh Võ Minh Đức, từng là trưởng ban dân vận của một sư đoàn thuộc Quân đội Nhân dân Việt Nam, trả lời RFA khi đó, nói :
"Tôi có cảm nhận rằng từ khi kinh tế phát triển, chất lượng cuộc sống cao hơn thì việc phong tướng nó như việc các ổng cho nhau bổng lộc. Vì tướng thì chắc chắn là lương cao, mà theo quy định ngày tôi còn ở quân đội thì khi tướng về hưu mức lương hưu vẫn giữ nguyên 100%, không như hàm đại tá, lương hưu kịch trần cũng chỉ khoảng 75% so với lúc còn tại ngũ".
Theo cựu Trung tá Vũ Minh Trí, qua ngân sách và đãi ngộ đối với ngành công an cho thấy mối quan tâm lớn nhất của Đảng cộng sản và Chính phủ Việt Nam hiện nay là giữ vững được an ninh chính trị, hay nói cách khác là giữ được vị trí độc tôn lãnh đạo, quản lý nhà nước và xã hội của họ.
Hôm tháng 3/2023, nhân buổi lễ kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống xây dựng lực lượng công an nhân dân, ông Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, yêu cầu mỗi cán bộ, chiến sĩ công an phải luôn vững vàng, không lợi dụng cương vị công tác của mình để làm phương hại đến lợi ích chung, lợi ích chính đáng của nhân dân, phải thực sự là điểm tựa bình yên của Nhân dân. Thế nhưng, với những sự việc xảy ra gần đây, từ nhỏ như vụ "ăn trộm dê" của dân đến hối lộ hàng chục tỷ đồng thì liệu việc "không lợi dụng cương vị công tác để làm phương hại đến lợi ích của dân" có được thực hiện.
Nguồn : RFA, 28/06/2023
***************************
Ba con dê bị mất từ một nền giáo dục trộm cắp
Viết từ Sài Gòn, RFA, 27/06/2023
Những năm sinh viên, tôi và bạn bè gốc quê của mình đi làm thuê, thường thì đi theo nhóm, một nhóm chừng năm đứa, rủ nhau đi làm, có nhóm đi dạy thêm, có nhóm đi bồi bàn, có nhóm đi làm thêm những việc có tính chất "thợ đụng", ai kêu gì làm nấy. Nhóm tôi ngoài việc đi dạy thêm còn đi bồi bàn trong những ngày cuối tuần mới đủ tiền thuê trọ, tiền ăn. Thời gian đi làm thêm cũng là khi tôi nhận ra sự khủng khiếp của thế hệ tôi từ nền giáo dục, một sự khủng khiếp tôi còn mơ hồ khi ở giảng đường và nó hiển hiện rất rõ khi đi làm, càng về sau, tôi càng thấy rằng với nền giáo dục này, sẽ cho ra những con người trộm cắp toàn diện, ai may mắn lắm mới thoát được nó nhờ vào giáo dục gia đình.
Chuyện ba công an viên vừa bị bắt ở Hà Nội do bắn trộm dê của dân vì tưởng là chim chỉ là chuyện hổ ngươi và đen đủi trong thói quen trộm cắp của công an mà thôi.
Tôi còn nhớ như in hình ảnh một thằng bạn chuyên ăn cắp vặt trong lúc bưng thức ăn, khi bưng dĩa chả chiên hoặc món ăn gì đó có thể bốc được ngang qua đoạn không có ai quan sát, hắn lén bốc một cục bỏ vào mồm, sau đó, miệng thì nhai nhanh, tay thì sửa cho dĩa thức ăn tròn, đều trở lại, hắn làm trong tích tắc.
Nhưng, chuyện ăn cắp thức ăn vì quá đói, dần thành thói quen vẫn chưa có gì đáng kể, trong một lần nói chuyện với nhau, sau khi nghe một tay giám đốc ngân hàng trò chuyện trên bàn rượu, rằng ông ta tuyển nhân viên toàn nữ, phải đẹp mới tuyển, khi phỏng vấn để nhận người, ông ta chỉ hỏi đúng một câu "em uống được mấy chai ?", nếu trả lời không biết uống và không biết hát karaoke thì ông sẽ không nhận.
Những đứa sinh viên giàu mộng mơ như tụi tôi sẽ rất sốc khi nghe chuyện, nhưng có vài đứa không những không sốc mà lại nhìn thấy cơ hội của mình. Tôi nhớ một đứa bạn đố tôi "giả sử sếp của mi hỏi năm cộng năm bằng mười một đúng hay sai, mi trả lời sao ?". Tôi nói : "Theo toán học thì rõ ràng sai !". Nó bảo "Mi ngu quá, như vậy là mất việc đó con, mi phải nói lại là nếu sếp nói đúng, thì đó là đúng". Mấy đứa còn lại vỗ tay khen thằng đó khôn, thông minh. Riêng tôi lúc ấy chỉ thấy ớn lạnh và chán nản, bởi mọi thứ tôi chưa bao giờ hình dung nó tệ mạt như vậy.
Nhưng rồi, khi đi làm việc, tiếp xúc với đủ hạng người, tôi lại thấy thằng kia khôn và đúng, chí ít là nó khôn với tình thế xã hội nó sống và nó đúng cho tương lai của nó, còn mình thì quá ngu, mình luôn tâm đắc với quan niệm "ghét thì nói ghét, thương thì nói thương, đúng sai rõ ràng" nên mình đụng đâu cũng thấy khó, đụng đâu cũng thấy thất bại, đụng đâu cũng gặp toàn oan khiên gai độc. Như vậy là tôi sai sao ? Như vậy thì xã hội này trở thành cái nồi lẩu lộn xộn, chẳng còn đúng sai, chẳng còn công lý hay thiên lương sao ?
Tôi nghĩ không đến nỗi như vậy, chí ít, vẫn còn rất nhiều người từng thụ đắc một nền giáo dục tốt, và cả những người tuy sống trong lòng chế độ xã hội chủ nghĩa nhưng bản thân họ được thụ đắc nền giáo dục gia đình chỉn chu, họ may mắn học được những làn gió tư tưởng cởi mở, họ biết tự trọng và tin vào sự chân thành, sự thật... Họ vẫn tồn tại đâu đó, không phải ít trong xã hội này. Nhưng tiếng nói của họ trở nên nhỏ nhoi hoặc họ không buồn nói ra tiếng lòng của mình, bởi giữa cái xã hội hổ lốn, họ biết có nói ra cũng bằng thừa, bởi đó là sự hỏng hóc từ kiến trúc thượng tầng, sự hỏng hóc từ nền giáo dục, thì họ nói ra để mà làm gì ?
Một nền giáo dục mà ngay từ nhỏ, cả nhà trường và học sinh đều phải gồng lưng để vừa chạy đua vừa nuốt những chương trình vô bổ, những giáo án , giáo trình vừa xa rời thực tế vừa vặn vẹo dối trá, một mặt ca ngợi chiến công hiển hách cũng như sự lãnh đạo thiên tài của đảng cầm quyền, mặt khác chì chiết, bêu riếu với giọng điệu đầy thù hận đối với bên thua cuộc. Với một nền giáo dục mà khởi sự là một thái độ phi khoa học, phi nhân đạo như vậy, tâm hồn của học trò không thể khai mở một cách bình thường, nếu không muốn nói là tổn thương, méo mó và dị dạng.
Một nền giáo dục mà ở đó, cuộc chạy đua về thành tích gần như bất tận, chạ mẹ phải vã mồ hôi để chạy đua với thành tích của con, còn con thì lao đầu như thiêu thân vào việc học, từ học chính khóa đến học thêm, học kèm và các loại phấn đấu, nỗ lực để có giấy khen, có khen thưởng từ thành tích học tập cũng như thành tích sinh hoạt đội, đoàn, thành tích noi gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Tất cả những thứ vớ vẩn ấy chi phối toàn bộ thời gian và khiến cho bất kì gia đình cha mẹ học sinh nào đều phải xoắn chân, vắt chân mà chạy theo. Nếu chạy theo bằng đường chính không kịp thì chạy theo bằng đường băng. Tức cố gắng cho con học thêm, học kèm, học bồi dưỡng... mà con vẫn chưa đạt được thành tích mong muốn thì mua thành tích. Thời đại thành tích là sản phẩm đặc trưng của nhà trường nên với sản phẩm, người ta mua được nó bằng mọi giá, nếu mua bằng nhiều tiền không được thì mua bằng thật nhiều tiền.
Ngay cả những tấm bằng đại học, cao học của các quan chức lãnh đạo, những thứ mà phải trầy vi tróc vảy mài đũng quần suốt mười hai năm học để thì vào đại học, thì đậu đại học rồi lại mài đũng quần suốt gần năm năm dài để lại thức khuya dậy sớm mà luyện, ôn, thi mới có nó... nhưng người ta có thể dễ dàng nhấc một cuộc điện thoại, chuyển một dãy số trong tài khoản hoặc giả chuyển một cái phong bì thì có tất tần tật, hàng thật, từ chữ ký Hiệu trưởng cho đến con dấu đỏ, có hết. Trong một bầu khí quyển giáo dục mang tính chợ búa và mua bán như vậy, thì lòng thật thà có còn không ?
Một khi lòng thật thà không còn, giá thành hàng hóa ngày càng đắt đỏ, người không mua nổi sẽ nghĩ đến chuyện ăn cắp. Bởi bản thân những người làm giáo dục cũng đang ăn cắp, từ ăn cắp lương tâm đến ăn cắp danh dự, ăn cắp sản phẩm giáo dục, ăn cắp thành tích, ăn cắp tài sản quốc gia... thì câu chuyện ăn cắp đâu chỉ dừng ở những người làm công tác giáo dục. Sự ăn cắp nhanh chóng chuyển sang những đứa học trò, những đứa có khả năng học và tiếp thu rất nhanh so với người lớn, chúng có thể phát huy, người lớn biết ăn cắp một thì chúng biết ăn cắp mười.
Chúng không những ăn cắp cây viết của bạn bè, ăn cắp cuốn tập, ăn cắp trái bắp, trái dưa mà chúng sẽ nuôi mộng ăn cắp rừng, ăn cắp biển, ăn cắp khoáng sản, ăn cắp luôn cả thành tựu, thánh tích của người khác, thậm chí ăn cắp cả ý nghĩ của người khác nếu có thể. Bởi ăn cắp đã trở thành sinh quyển của chúng, luật chơi của xã hội và là đường hướng đi đến tương lai.
Trong một xã hội đầy rẫy kẻ cắp, từ nhà trường đã nuôi ý chí ăn cắp, khi đi làm việc, nếu là thầy thuốc, chúng sẽ ăn cắp từng viên thuốc, từng chút dụng cụ, vật tư y tế, nếu làm nhà giáo, chúng sẽ ăn cắp thời gian của học trò bằng cách ém nhẹm, kéo dài bài vở để dạy thêm, dạy kèm, thậm chí toa rập để chạy đua thành tích, đó là chưa nói đến việc ăn cắp giờ giấc để hẹn hò, ngoại tình khi đã có gia đình, nếu làm quan, làm cán bộ thì chúng sẽ ăn cắp tài sản quốc gia, ăn cắp tài nguyên đất nước... Có cả một ngàn lẻ một đường để chúng ăn cắp.
Và hệ lụy của việc ăn cắp đồng loạt này là các quan chức giàu nứt đố đổ vách, công chức giàu sụ, viên chức giàu kếch xù và tất cả đều lấy của ăn cắp để nuôi tham vọng. Tài nguyên quốc gia ngày càng cạn kiệt, kể cả tài nguyên con người. Tài sản quốc dân bị bòn rút đến tận cùng, xã hội trở nên rối ren và đầy rẫy trộm cắp.
Chuyện ba công an viên vừa bị bắt ở Hà Nội do bắn trộm dê của dân làm dấy động dư luận hai ngày nay, thiết nghĩ đó chỉ là chuyện hổ ngươi và đen đủi trong thói quen trộm cắp của công an mà thôi. Bởi công an cũng từng là học sinh xã hội chủ nghĩa, công an cũng là công chức nhà nước, công an cũng là công dân xã hội chủ nghĩa, cũng đều chung một nền giáo dục và thiên hướng chính trị cũng như khuynh hướng tính cách.
Thử hỏi : Nếu tất cả cán bộ Việt Nam sống một cách lương thiện, không có thói quen trộm cắp, thì tiền lương của họ có đủ để xa hoa, sa đọa như đang thấy ? Và giả sử họ giỏi kinh doanh, thì với những đồng tiền chảy mồ hôi, sôi nước mắt do kinh doanh mà có được, những đồng tiền sạch, họ có dám vứt qua cửa sổ sau một đêm ăn chơi ?
Chỉ có tiền ăn cắp, chỉ có thứ tiền có được bởi "một đêm ăn trộm bằng ba năm làm" mới giúp cho cán bộ, công chức, viên chức sẵn sàng vứt nó qua cửa sổ, ăn chơi sa đọa, bất chấp như vậy mà thôi !
Đừng ngạc nhiên khi nghe tin công an hay cán bộ ăn cắp, bởi hằng ngày, họ vẫn công khai ăn chặn, ăn trấn lột bằng hình thức "giữ trật tự an toàn giao thông" với áo vàng, trang phục ngành và lực lượng hỗ trợ, họ vẫn nói năng với dân giống như quân cướp, hỗn hào, vô lễ, mất dạy... Họ có tất ! Hằng ngày, họ vẫn ăn cắp, buôn lậu, buôn hàng quốc cấm qua cửa khẩu một cách ngang nhiên, thậm chí rạch vali của hành khách mà lấy trộm đồ đó thôi, họ là những người ưu tú của chế độ đấy !
Đừng ngạc nhiên khi cán bộ ăn cắp, bởi lúc này, việc thụt két nhà nước đã khó hơn rồi, nên chuyện họ sổng ra ngoài, ăn cắp một thứ gì đó của dân mà bị bắt, là do họ xui rủi. Còn ngay từ nền giáo dục, ngay từ tấm bé, họ đã sống trong bầu khí quyển trộm cắp, bởi vậy : đừng ngạc nhiên !
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 27/06/2023
****************************
Dư luận : 3 cán bộ bắn trộm dê của dân là việc đáng hổ thẹn, gây hại cho ngành công an
VOA, 28/06/2023
Đại diện công an huyện Mỹ Đức, thủ đô Hà Nội, đến gặp một gia đình ở xã An Phú hôm 27/6 để xin lỗi việc 3 sĩ quan công an bắn và ăn trộm 2 con dê của hộ dân này, nhiều báo Việt Nam đưa tin.
Ba cán bộ công an bị bắt quả tang bắn chết, ăn trộm 2 con dê của dân ở Mỹ Đức, Hà Nội, 26/6/2023.
Theo quan sát của VOA, vụ việc tạo nên một cơn bão dư luận, trong đó, nhiều người bình luận rằng 3 viên công an đã gây ra một sự việc "cay đắng", "đau đớn", "nhục nhã", "báo hại" cho ngành công an.
Các báo, đài, bao gồm cả Tuổi Trẻ, Dân Trí, VTC News, tường thuật rằng vào trưa ngày 26/6, một đại úy và hai thượng úy công an đi xe ô tô, mang theo 1 khẩu súng hơi vào một khu vực núi ở huyện Mỹ Đức để "bắn chim".
Kết quả của cuộc đi săn là nhóm này "đã bắn chết 2 con dê của người dân" và "cho lên ô tô, rồi đi về", các báo cho hay. Tuy nhiên, nhóm 3 sĩ quan công an này "bị người dân phát hiện và chặn lại" khi nhóm chưa ra khỏi địa phận huyện Mỹ Đức.
Các đoạn video về vụ việc lan truyền trên mạng xã hội cho thấy một số người dân địa phương khống chế 3 viên công an, lục soát xe, lấy ra 2 con dê bị bắn chết, 1 khẩu súng dài, 1 bộ cảnh phục. Họ hết sức phẫn nộ la hét, chửi bới 3 viên công an.
Trong video, có tiếng nói của một người cáo buộc rằng dê trong đàn của hộ gia đình đã từng bị mất nhiều lần trước đây và nay mới bắt được thủ phạm. Có lúc, tiếng động và hình ảnh trong video cho thấy dường như một vài người dân đã đánh 2 trong 3 viên công an, một số người khác can ngăn, đôi khi có tiếng nói "Em xin các anh".
Tin tức trên báo chí chính thống cho biết rằng ngay sau khi nhận được thông tin về vụ việc, giám đốc công an Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị cấp dưới "khẩn trương điều tra".
Vào ngày 27/6, căn cứ kết quả điều tra, vị lãnh đạo công an thành phố đã ra quyết định tước danh hiệu công an nhân dân đối với 3 cán bộ công an thị trấn Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức, là đại úy Nguyễn Văn Nhân, thượng úy Bùi Đình Việt và thượng úy Bùi Tiến Tùng.
Cùng ngày, công an Hà Nội ra các quyết định khởi tố vụ án hình sự "trộm cắp tài sản" và tạm giữ hình sự đối với 3 người đàn ông có tên nêu trên để "điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật".
Theo chỉ đạo của giám đốc công an Hà Nội, các vị lãnh đạo, chỉ huy của 3 người đó cũng bị "xem xét, xử lý trách nhiệm" về vai trò quản lý của họ khi để cán bộ dưới quyền sai phạm, vi phạm pháp luật.
Người đứng đầu công an của thủ đô cũng yêu cầu công an huyện Mỹ Đức gặp trực tiếp xin lỗi và bồi thường cho gia đình người bị hại.
Các báo cho biết một đoàn gồm đại diện chỉ huy công an huyện Mỹ Đức, công an thị trấn Đại Nghĩa và công an xã An Phú, cùng đại diện chính quyền địa phương, đã đến nhà người dân có tên viết tắt là Nguyễn Văn X., 40 tuổi, ở thôn Ái Nàng, để "chân thành xin lỗi".
Đoàn công tác cho gia đình ông X. biết rằng các cán bộ công an liên quan đến vụ việc "đã nghiêm túc kiểm điểm, nhận thức rõ hành vi vi phạm gây ảnh hưởng không tốt đến dư luận xã hội và lực lượng công an Hà Nội".
Đại diện gia đình của 3 viên công an gây ra sự việc "cam kết bồi thường thiệt hại cho phía gia đình bị hại", các báo tường thuật, dẫn lại thông tin từ đoàn công tác.
Trên mạng xã hội, bao gồm cả các diễn đàn Nhóm Chúng Tôi Ghét Lừa Dối, Dân Đen Đưa Tin, Nhật ký Yêu nước, Diễn đàn Nhà báo & Chính sách, Góc nhìn Báo chí - Công dân, Chân Trời Mới Media, các thông tin và những lời thảo luận về vụ việc thu hút hàng trăm ngàn lượt tương tác, phản ứng, theo quan sát của VOA.
Trong số hàng nghìn người đưa ra ý kiến là những người có nhiều ảnh hưởng như tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, nhà báo Võ Đức Phúc, các cựu nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, Nguyễn Ngọc Vinh, Hoàng Linh, Võ Văn Tạo ; các luật sư Lê Quốc Quân, Lê Văn Luân ; nhà văn Nguyễn Đình Bổn, blogger Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, nhà hoạt động Nguyễn Văn Đài, Facebooker Hoàng Dũng, nhà báo tự do Đỗ Cao Cường, v.v Tính chung, họ có số người theo dõi lên đến hàng trăm ngàn.
Một bài đăng trong Nhóm Chúng Tôi Ghét Lừa Dối nói rằng vụ việc 3 viên công an khai rằng "đi bắn chim" nhưng lại "bắn nhầm" làm chết dê đang "báo hại" ngành công an. Một số bài khác trong Nhóm Chúng Tôi Ghét Lừa Dối và Chân Trời Mới Media dẫn lại nội quy của công an về cần, kiệm, liêm, chính để chất vấn về hành vi của 3 viên công an.
Trang Diễn đàn Nhà báo & Chính sách có bài đăng nêu vấn đề : "Tôn chỉ [của công an] là ‘Không tơ hào cái kim sợi chỉ của nhân dân’ nên nếu có sự việc xảy ra cần trừng trị thích đáng".
Nhà báo Võ Đức Phúc nhận xét rằng "chỉ vì 2 con dê, mấy cán bộ trẻ đã mất trắng cả sự nghiệp, một bài học cay đắng và rất đau".
Luật sư Lê Quốc Quân cho rằng hành vi của công an trộm cắp tài sản của dân "thật là nhàn cư vi bất thiện, thật là nhục nhã".
Có chung suy nghĩ với ông Quân, nhiều người dân viết trên trang cá nhân hoặc trong các diễn đàn rằng 3 viên công an thật "tham lam" với hậu quả "đắng ngắt" là "phải ra khỏi ngành vì miếng ăn", mà trong tiếng Việt đã có câu "miếng ăn là miếng nhục".
Facebooker Hoàng Dũng, người thường tích cực bình luận về thời cuộc ở Việt Nam, viết trên trang cá nhân rằng video về người dân bắt công an cho thấy "thật nhục nhã cho bọn công an, an ninh".
Từ những hình ảnh người dân "lao vào đấm thẳng vào mặt" của những sĩ quan công an bị bắt quả tang, ông Dũng khuyế