Hà Nội phủ nhận khái niệm "người bản địa" ở Việt Nam (RFA, Nguyễn Văn Huy)
Người bản địa : từ Bản tuyên ngôn mơ hồ của Liên Hiệp Quốc đến việc phủ nhận khái niệm "người bản địa" ở Việt Nam
Hôm 11/6/2023, ở Tây Nguyên xảy ra một vụ tấn công hai đồn cảnh sát trong đêm, giết chết một số cảnh sát và quan chức địa phương. Vụ tấn công bạo lực này được cho là do một số người Thượng ở Tây Nguyên thực hiện. Vụ việc này đã làm dấy lên những thảo luận trên báo chí tiếng Việt ở nước ngoài về tình trạng của người Thượng ở Việt Nam.
Những cô gái người dân tộc ở Pleiku trong trang phục truyền thống. Ảnh chụp vào ngày 19/6/1966 (minh họa)
"Bản Tuyên ngôn Liên Hiệp quốc về Quyền của người bản địa" có nhiều điểm tiến bộ để bảo vệ quyền con người của người bản địa trên thế giới. Nhưng bản thân tuyên ngôn này cũng có những điểm mơ hồ về câu chữ, tạo điều kiện để diễn giải "quyền của người bản địa" theo hướng nó có thể mâu thuẫn với lợi ích quốc gia chung, khiến cho nó không nhận được sự đồng thuận phổ biến. Ngược lại, ở Việt Nam có một quan niệm chính thống của nhà nước cho rằng Việt Nam không có "dân tộc bản địa". Nhân dịp này, RFA trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, Giáo sư phụ trách Khoa Các Dân tộc Đông Nam Á, Đại học Paris, Pháp, về khái niệm "dân tộc bản địa" và những chính sách đi cùng với nhận thức về khái niệm này.
Bài phỏng vấn gồm nhiều phần. Ở phần đầu tiên này, Giáo sư Nguyễn Văn Huy sẽ giải thích những bất cập của cả "Bản Tuyên ngôn Liên Hiệp quốc về Quyền của người bản địa" và của cả quan niệm chính thống về người bản địa ở Việt Nam ngày nay.
RFA : Tuyên ngôn Liên Hiệp Quốc về quyền của người bản địa không đưa ra định nghĩa về khái niệm "người bản địa", nhưng rõ ràng là họ dùng khái niệm này theo cách hiểu phổ quát nên không cần định nghĩa. Xin ông cho biết cách hiểu phổ quát về khái niệm này.
Nguyễn Văn Huy : Bản "Tuyên ngôn của Liên Hiệp quốc về Quyền của người bản địa" có một số điểm không rõ ràng. Tôi không hiểu tại sao ekip chuyên gia soạn văn bản đó không đưa ra định nghĩa nào cho khái niệm "người bản địa" trong văn bản này. Định nghĩa khái niệm này không phải là việc khó khăn.
Nếu giải thích một cách đơn giản thì "dân tộc bản địa" là những sắc tộc đã có mặt ở một vùng đất nào đó từ lâu, trước khi có một hoặc nhiều thế lực khác đến chiếm hữu, khai thác vùng đất họ đang ở, khống chế họ bằng các phương thức khác nhau (phương thức kinh tế, xã hội, chính trị và thậm chí quân sự…) để đạt được các mục đích về đất đai, chính trị, kinh tế cho riêng mình, hoặc thậm chí thành lập một quốc gia khác. Với thời gian, những người mới đến chiếm ưu thế, quay sang thống trị cộng đồng cũ, tạo ra những so sánh về giàu nghèo, chênh lệch văn hóa, và bất bình đẳng giữa người mới đến và người cũ, từ đó dẫn đến những bất đồng, bất mãn.
Bản "Tuyên ngôn Liên Hiệp quốc về Quyền của người bản địa" chỉ đưa ra những quyền cần phải trao cho người bản địa mà không có định nghĩa nào về khái niệm "người bản địa". Bản Tuyên ngôn này không thực hiện công đoạn đầu tiên là định nghĩa khái niệm, vì vậy nó tạo ra một sự mơ hồ và khiến cho nhiều quốc gia không muốn kí vào.
Ủy ban soạn thảo Tuyên ngôn này cũng để lại nhiều điểm lấn cấn, vì vậy có nhiều quốc gia không muốn kí vào. Và sau nhiều lần sửa đổi, mỗi bên đề nghị sửa đổi bổ sung một vài điểm, cuối cùng tạo ra một văn bản thiếu thống nhất.
Văn bản này do đó có những điểm mà nhiều quốc gia không thể chấp nhận được. Ví dụ, Điều 3 của Bản tuyên ngôn nói một cách mơ hồ như sau :
"Các dân tộc bản địa có quyền tự quyết. Nhờ quyền đó, họ tự do xác định địa vị chính trị của mình và tự do theo đuổi sự phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa của mình".
Điều này có thể tạo điều kiện để diễn giải là người bản địa có những quyền chính trị độc lập với quốc gia. Nếu một văn bản có tính quy ước nhưng lại lại mơ hồ để có thể diễn giải theo nhiều hướng thì rất khó đạt được đồng thuận chung.
Mặc dù Điều 46 có nói rằng "không nội dung nào trong Tuyên bố này có thể được hiểu là hàm ý cho bất kỳ Quốc gia, dân tộc, nhóm hoặc người nào có quyền tham gia vào bất kỳ hoạt động nào hoặc thực hiện bất kỳ hành động nào trái với Hiến chương Liên hợp quốc hoặc được hiểu là ủy quyền hoặc khuyến khích bất kỳ hành động nào sẽ chia cắt hoặc làm suy yếu, toàn bộ hoặc một phần, sự toàn vẹn lãnh thổ hoặc sự thống nhất chính trị của các Quốc gia độc lập và có chủ quyền", nhưng quyền tự quyết định về chính trị trong một quốc gia đã tồn tại là một ý mơ hồ, và không ai có thể chấp nhận, ngay cả những nước như Mỹ, Úc, Canada. Đối với những quốc gia có người bản địa như Việt Nam, Úc, Brazil, nếu quy định một cách không rõ ràng, tạo ra cách hiểu là người bản địa có thể có những địa vị chính trị dẫn đến độc lập với quốc gia thì khó có thể được chấp nhận. Điều đó tạo ra sự khập khiễng của Bản Tuyên ngôn này.
RFA : Có phải vì một số yếu tố mơ hồ như vậy mà có những quốc gia hiện đã có chính sách ưu đãi tốt với người bản địa như Mỹ, Úc, Canada, New Zealand đã từ chối ngay từ đầu kí vào bản Tuyên ngôn này ?
Nguyễn Văn Huy : Đúng vậy. Nhiều nước dân chủ phủ nhận thẳng thắn một số điểm của Bản tuyên ngôn. Còn một số nước độc tài trong đó có Việt Nam thì nói là tán thành Bản tuyên ngôn nhưng trên thực tế không không chấp nhận những nguyên tắc mà Bản tuyên ngôn nêu ra.
Người Thượng lên xe buýt sau khi đến sân bay Quốc tế Phnom Penh hôm 28/7/2004. Nhóm người Thượng theo Tin lành đã phải vượt biên giới sang các nước láng giềng vào chạy trốn sự đàn áp tôn giáo của chính quyền (minh họa). Reuters
RFA : Ở Việt Nam có những ý kiến từ phía Nhà nước phủ nhận khái niệm "người bản địa". Vậy chúng ta nên nhìn vấn đề như thế nào
Nguyễn Văn Huy : Gần đây, trong một phúc đáp ngày 10/5/2023, gửi các chuyên gia nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Việt Nam khẳng định một mặt "Việt Nam nhất trí với Tuyên bố của Liên hợp quốc về Quyền của Người bản địa (UNDRIP) trên tinh thần quốc tế thúc đẩy và bảo vệ quyền con người nói chung", nhưng mặt khác, do "UNDRIP không đưa ra định nghĩa cụ thể về người bản địa. Do đó, các quốc gia có thể hiểu và vận dụng khác nhau tùy theo điều kiện, hoàn cảnh cụ thể ở mỗi quốc gia ; không thể áp đặt trong việc áp dụng UNDRIP. Khái niệm "người bản địa" không phù hợp với đặc điểm, lịch sử hình thành và phát triển của các dân tộc Việt Nam. Nói cách khác, ở Việt Nam không có khái niệm dân tộc bản địa".
Tôi thấy Việt Nam nói "nhất trí" với Bản tuyên ngôn cũng chỉ là cách nói cho vui, cũng giống như Việt Nam đồng ý hết với bản Tuyên ngôn Nhân quyền Liên Hiệp quốc nhưng trong thực tế không áp dụng. Còn về vấn đề quyền của người bản địa, tôi có đọc một bài viết trên Tạp chí Cộng sản năm 2008 nói rằng ở Việt Nam không có "người bản địa". Đó là bài "Bối cảnh lịch sử "Quyền của người bản địa" không tồn tại ở Việt Nam", ngày 28/10/2008 . Bài viết này phủ nhận rằng ở Việt Nam có dân tộc bản địa, mà dân tộc nào ở Việt Nam cũng là bản địa cả. Bài viết lập luận như sau :
"Ở Việt Nam, trước khi thực dân Pháp xâm lược, tất cả các dân tộc đều đã cùng nhau khai sơn, phá thạch, đổ không biết bao nhiêu mồ hôi, xương máu để xây dựng và giữ gìn mảnh đất này. Có thể nói, 54 dân tộc hiện dang sống trên Tổ quốc Việt Nam đều đã chôn nhau, cắt rốn, sinh sống trên mảnh đất này ngay từ buổi bình minh của lịch sử dân tộc. Nếu theo quan điểm : hễ dân tộc nào có mặt đầu tiên trên mảnh đất mà ngày nay họ đang sinh sống, dân tộc ấy là "người bản địa", thì tất cả 54 dân tộc sống trên đất Việt Nam đều là "người bản địa" ! Họ đang ở cả Bắc, Trung, Nam, ở cả đồng bằng, trung du, miền núi. Họ có thể là người Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Cao Bằng, Lạng Sơn, Cần Thơ, An Giang…, thậm chí, cả ở thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh…".
Tôi thấy ngượng thay cho người viết. Trình độ và cấp bậc của người viết bài này chắc hẳn là rất cao chứ không phải là một người mới tập tành viết lách. Bài viết từ chối Việt Nam có người bản địa và cho rằng hễ dân tộc nào có mặt đầu tiên trên mảnh đất mà ngày nay họ đang sinh sống, dân tộc ấy là "người bản địa" là một lối lý luận nói càng, một yếu kém trí tuệ lớn.
Mặc dù Bản tuyên ngôn không có định nghĩa rõ ràng thế nào là người bản địa, nhưng theo cách hiểu thông thường, và cũng là cách hiểu được thể hiện trong ngữ cảnh của Bản tuyên ngôn, thì "người bản địa" là những cộng đồng dân tộc đã có mặt trên một vùng đất rất lâu, trước khi có một lực lượng hay cộng đồng nào khác đến để cạnh tranh, áp đảo hoặc thống trị họ, làm suy yếu họ để giành quyền lợi, quyền sống, quyền tự quyết của họ. Có thể đó là cách hiểu phổ thông nên người ta không định nghĩa. Nhưng rõ ràng một văn bản quốc tế quan trọng như vậy thì nên có định nghĩa.
Tôi nghĩ cách lập luận phủ nhận khái niệm người bản địa ở Việt Nam là một cách nói để từ chối công nhận quyền sống khác biệt của người bản địa : quyền tự trị trong khu vực sinh cư nhất định của họ về văn hóa, phong tục tôn giáo, những tập quán cổ truyền.
Tôi cũng hiểu những lo lắng của Nhà nước Việt Nam và thông cảm một phần, nhưng từ chối Việt Nam không có người bản địa là một tư duy khiên cưỡng. Nó giống như một kẻ ỷ lớn hiếp nhỏ, cậy mình là một cộng đồng lớn hơn, đông hơn, mạnh hơn, từ chối sự hiện hữu của những cộng đồng nhỏ hơn và ép họ phải tuân phục mình.
Nguyễn Văn Huy, nguyên Giảng viên bộ môn Dân tộc học khu vực Đông Nam Á, Phân khoa Nhân chủng, Dân tộc và Khoa học Tín ngưỡng, Đại học Denis Diderot, Paris 7 (1995-1999)
RFA : Xin cảm ơn Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này. Ở phần tiếp theo, TS. Nguyễn Văn Huy sẽ giải thích về thực tế tồn tại của "người bản địa" ở Việt Nam từ góc độ lịch sử.