Người Thượng (5) - Những nguyên nhân nổi dậy (Nguyễn Văn Huy)
Bài 5
Tìm hiểu những nguyên nhân nổi dậy của người Thượng
Ngày 31/1/2001, khoảng 500 người Djarai đã kéo tới trụ sở huyện Chu Prong phản đối việc bắt giam và đòi trả tự do cho hai tín đồ Tin Lành, hai ông Rahlan Pon và Rahlan Djan, bị công an huyện bắt hai ngày trước đó (29/1), nhưng không thành.
Ngày 2/2, khoảng 6.000 tín hữu Djarai từ khắp nơi kéo đến trụ sở tỉnh ủy tỉnh Gia Lai và ủy ban nhân dân thành phố Pleiku yêu cầu thả hai tín đồ Tin Lành vừa kể, để rồi sau đó biến thành phong trào đòi trả lại đất đai đã bị người Kinh chiếm đoạt.
Ngày 4/2 đoàn biểu tình đã lên tới 20.000 người trong đó có cả người Bahnar, một sắc tộc theo đạo Công Giáo ở phía Bắc tỉnh Gia Lai.
Tại Đắc Lắc, trong các ngày từ 3 đến 11/2, hàng ngàn người Rhadé (còn gọi là Ê Đê) và Mnong cũng đã kéo đến các trụ sở tỉnh ủy, ủy ban nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột và một số huyện lớn trong tỉnh (Buôn Alêa và Bản Đôn) ủng hộ những đòi hỏi của người Djarai và yêu cầu nhà nước trả lại đất đai.
Chính quyền cộng sản đã không coi nhẹ tầm quan trọng những cuộc xuống đường này của người Thượng, phản ứng của họ đã liền tức khắc :
Một mặt họ xoa dịu sự căm tức của người Thượng bằng cách trả tự do cho hai tín đồ Tin Lành vừa nói và cử cán bộ đến giải thích chính sách của nhà nước về đất đai để dập tắt mầm chống đối ngay từ trứng nước.
Mặt khác họ loan tải nhanh chóng tin tức những cuộc xuống đường của người Thượng như để minh oan trước dư luận quốc tế, đồng thời huy động một lực lượng quân sự quan trọng, kể cả trực thăng và xe tăng, nhằm ngăn chặn các ngỏ ra vào cao nguyên để không cho phong trào đòi đất lây lang sang những tỉnh khác ; người Thượng tại các tỉnh Kontum, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa bị giới hạn đi lại, các tuyến giao thông lên cao nguyên (quốc lộ 14, 19) bị chặn xét gắt gao, điện thoại của người Thượng bị cắt.
Tuy vậy những gì thực sự đã xảy ra vẫn lọt ra ngoài : nhiều cuộc va chạm giữa lực lượng an ninh và người Thượng làm 200 người Thượng và 20 công an bị thương, hơn 600 người Thượng bị đánh đập, 20 người bị bắt và nhiều cơ sở công quyền bị đập phá.
Sau biến cố này, tình hình trên cao nguyên đã tạm lắng yên nhưng vấn đề người Thượng vẫn còn đó, chỗ đứng của người Thượng trong lòng dân tộc Việt Nam chưa có đáp số.
Một sự kiện quan trọng là những cuộc xuống đường phản đối của người Thượng không mang tính tự phát mà có sự vận động qui mô trên khắp cao nguyên giữa ba sắc tộc lớn : Djarai, Rhadé và Bahnar. Từng đoàn người từ các buôn làng hay từ nơi làm việc đã rủ nhau đến các trụ sở công quyền phản đối, tuy bất bạo động nhưng không sợ sệt.
Thấy gì qua sự kiện này ? Có ít nhân ba nguyên nhân dẫn đến sự phản đối rầm rộ của người Thượng, nguyên nhân này nối kết với nguyên nhân kia tạo thành một khối nhuần thể.
1. Nguyên nhân trước mắt
Giọt nước đã làm tràn ly là việc bắt bớ, giam cầm và đánh đập hai tín đồ Tin Lành người Djarai, hai ông Rahlan Pon và Rahlan Djan, người huyện Chư Prong. Hai người này bị kết tội "kích động gây chia rẻ khối đại đoàn kết dân tộc" vì đã truyền bá giáo lý đạo Tin Lành bằng thổ ngữ qua đài Chân Trời Mới phát thanh từ Philippines, một đài mà chính quyền cộng sản tìm cách phá sóng mà không được. Uy tín của hai vị này rất cao trong sắc tộc Djarai và được đông đảo người Thượng địa phương ngưỡng mộ.
Việc bắt bớ và cấm đoán những người truyền bá đạo Tin Lành trên Tây Nguyên không phải mới đây, nó đã bắt đầu từ ngày Buôn Ma Thuột lọt vào tay quân đội cộng sản, ngày 19/3/1975. Đạo Tin Lành trong giới người Thượng gần như bị cấm hoạt động, 87 nhà thờ bị niêm phong, rất nhiều mục sư và tín đồ đạo Tin Lành người Thượng, đa số là người Rhadé, Djarai, Churu và Koho, đã bị bắt và giam giữ trong các trại học tập cải tạo ; nhiều người đã thiệt mạng vì bệnh tật và thiếu đói, một số khác vẫn còn bị giam giữ cho tới ngày nay.
Chỉ từ đầu năm 1999, sau khi bị Liên Hiệp Quốc và Hoa Kỳ làm áp lực, đạo Tin Lành trên cao nguyên mới được hoạt động trở lại, số tín đồ người Thượng tăng lên rất nhanh. Hiện nay có khoảng 200.000 người Thượng theo đạo Tin Lành, 12% tổng số người Thượng trên cao nguyên. Nhưng đa số tín đồ Thượng vẫn sinh hoạt đạo dưới hình thức "hội thánh tư gia", nghĩa là không trực tiếp đến nhà thờ, vì chỉ có một vài nhà thờ Tin Lành trong các thành phố và thị xã lớn được cửa hành lễ mỗi chủ nhật, tại những địa phương khác các nơi thờ phượng vẫn còn bị niêm phong. Hơn nữa, những tín đồ Tin Lành Thượng là đối tượng cần theo dõi bởi các chính quyền địa phương.
Tại sao người Thượng theo đạo Tin Lành ? Lý do chính là họ tìm trong đạo này sự an ủi trong tâm hồn trước cuộc sống vật chất đầy vất vả và thiếu thốn, hơn nữa giáo lý của đạo Tin Lành rất giản dị, chỉ cần kính Chúa yêu người là đủ. Lý do thực tiễn là họ muốn được nâng cao mức sống như mục sư Tin Lành người Mỹ trước 1975 đã từng làm, khi theo đạo này số phận của họ không bị lãng quên.
Trên nguyên tắc giáo lý đạo Tin Lành không chống lại chủ nghĩa cộng sản, nhưng trong thực tiễn chính quyền cộng sản rất e ngại thế lực của đạo Tin Lành, một tôn giáo mà họ chưa khống chế được. Chỉ mới gần đây, ngày 8/2/2001, chính quyền cộng sản mới chủ động tổ chức một đại hội đồng tổng liên hội Hội thánh Tin Lành tại miền Nam Việt Nam nhằm loại trừ những hệ phái độc lập mà họ không thể kiểm soát được như các "hội thánh tư gia" của người Thượng.
Tin Lành là một tôn giáo có tổ chức và có hậu thuẩn quốc tế cao, nhất là hậu thuẩn của dư luận Hoa Kỳ và các chế độ dân chủ phương Tây, khống chế được thành phần lãnh đạo tôn giáo này chính quyền cộng sản Việt Nam sẽ bớt lo ngại những chống đối bất ngờ có thể xảy ra.
Đối với cộng đồng người Thượng, những vị mục sư và người phụng sự đạo Tin Lành là những lãnh tụ mới. Từ sau 1975 giai cấp lãnh đạo cộng đồng người Thượng đã gần như bị chính quyền cộng sản làm tan rã. Những người lãnh đạo phong trào FULRO (Mặt trận Thống nhất Giải phóng các Chủng tộc bị Áp bức) thì một số đã chết, một số vẫn còn ngồi tù và một số khác đã trốn sang nước ngoài. Những lãnh tụ mới do đảng cộng sản dựng lên không được người Thượng kính trọng và sống tách rời với đồng hương, trên thực tế họ chỉ là những bóng mờ, chỉ có hư vị chứ không có thực quyền vì tất cả những quyết định quan trọng đều do cán bộ cộng sản gốc Kinh định đoạt. Chính vì thế, những cán bộ Thượng cộng đã không những không dám bênh vực quyền lợi của người Thượng trước sự lấn áp của thành phần di cư gốc Kinh, mà còn thay mặt chính quyền hà hiếp đồng hương của họ. Phần lớn những cán bộ loại này an phận với những quyền lợi vật chất nhỏ nhoi mà chế độ ban cho, uy tín của họ rất thấp, đôi khi còn là đối tượng bị khinh miệt của người Thượng.
Vai trò của lãnh tụ trong cộng đồng người Thượng rất quan trọng. Những người này phải là những người có đạo đức, có kinh nghiệm sống và có kiến thức để hướng dẫn và bảo vệ cộng đồng. Đó là những tộc trưởng, chủ làng trước kia ; những trí thức được đào tạo theo Tây học dưới thời Pháp thuộc ; những nhân sĩ, sĩ quan dưới chế độViệt Nam Cộng Hòa sau 1954 và là những tu sĩ Công Giáo và Tin Lành sau 1975.
Bắt giam và đánh đập hai ông Rahlan Pon và Rahlan Djan chẳng khác nào đánh đập và xúc phạm thần tượng của người Djarai. Cũng nên biết "Rahlan" là một trong mười họ lớn nhất của bộ tộc Djarai, đó là các họ Rchom, Ksor, Siu, R'ô, Rahlan, Rmah, Nay, Hieu, Kpa, Pui (tương đương với các họ Nguyễn Phúc, Tôn Thất hay Nguyễn Khoa của hoàng triều Việt Nam xưa). Trước kia nhiều lãnh tụ thuộc các họ lớn của sắc tộc Rhadé như Nié và Mlô hay Emé, Jdrong, Eban, Lo, Eman... bị bắt giam, gây phẫn uất trong lòng người Rhadé và dẫn đến chống đối chính quyền. Kính trọng những người lãnh đạo cộng đồng người Thượng là điều tối thiểu mà các quan chức lãnh đạo và dân chúng gốc Kinh địa phương chưa hề ý thức.
2. Nguyên nhân cụ thể
Việc xuống đường phản đối việc bắt giam hai tín đồ Tin Lành người Djarai chỉ là lý cớ, nguyên do cụ thể là đời sống của người Thượng ngày càng xuống cấp, nếu không muốn nói đang trên bờ tuyệt chủng. Mức sống của người Thượng hiện nay quá thấp so với người Kinh, mặc dầu cũng đã rất thấp so với thế giới. Lợi tức bình quân đầu người của một người Thượng năm 2001 chưa tới 50 USD/năm (toàn quốc là 370 USD/năm).
Hàng năm sau mỗi cơn bão hay hạn hán, tỷ lệ người Thượng thiếu đói tăng cao so với toàn quốc, nhiều dân làng Thượng phải vào rừng đào củ rừng, bắt côn trùng ăn cho đỡ đói. Những nhóm Thượng ở dọc dãy Trường Sơn phía Tây các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên (người Pacô, Ktu, Bru, Djẻ Triêng, R'măm) sống trong cảnh thiếu đói và bệnh tật triền miên ; nơi cư trú của họ quá sâu và quá xa nên ít ai biết đến, phẩm vật cứu trợ nhận được gần như không có.
Trên cao nguyên, từ sau 1975 và nhất là từ 1986 trở đi khi chính quyền cộng sản Việt Nam thi hành kế hoạch sản xuất cà phê xuất khẩu, nhiều công ty quốc doanh chiếm nhiều vùng đất tốt để lập đồn điền. Người Kinh từ đồng bằng sông Hồng và người sắc tộc thượng du miền Bắc cũng được ồ ạt đưa vào Tây Nguyên phá rừng, khẩn hoang để trồng cây cà phê. Đất đai cổ truyền quanh những buôn làng Thượng teo lại theo số di dân lên Tây Nguyên lập nghiệp, những vùng đất dọc các trục lộ giao thông, trong thung lũng hay cạnh sông ngòi lần lượt lọt vào tay những người mới đến, nhiều buôn làng Thượng hết đất canh tác phải dời vào những chốn rừng sâu hơn để tái định cư.
Luật đất đai ban hành năm 1993 phá vỡ nếp sống cổ truyền và bần cùng hóa người Thượng vì mỗi hộ (nhà) bất kể số nhân khẩu chỉ được canh tác tối đa ba mẫu (3 hecta) và với lối canh tác kém năng suất do làm rẫy, mỗi gia đình Thượng không thể canh tác đủ ăn. Chỉ một số ít gia đình Thượng sinh sống cạnh những thành phố lớn, là cán bộ hay công nhân các đồn điền cà phê, có mức sống cao hơn đồng hương ở những nơi xa xôi (lương trung bình khoảng 400.000 đồng/tháng), nhưng vẫn còn rất thấp so với người Kinh trong vùng.
Sau mười năm triệt để canh tác cà phê (1986-1996), Việt Nam trở thành quốc gia sản xuất cà phê Robusta (canephora) đứng hàng thứ năm trên thế giới với trên 210.000 tấn/năm (hay 3,5 triệu bao) và xuất khẩu cà phê Robusta đứng hàng thứ hai trên thế giới, sau Indonesia, với 190.000 tấn/năm (gấp ba lần năm 1990). Cũng nên biết cà phê Robusta chiếm 25% thị trường cà phê quốc tế sau cà phê Arabica (75%).
Lợi tức do nghề trồng cà phê này mang lại trong thập niên 1990 khá cao, không những đủ bù đắp cho việc không trồng cây lương thực mà còn đem lại một cuộc sống sung túc cho người canh tác. Nhưng kể từ 1997 trở đi, thị trường cà phê quốc tế khựng lại, giá cà phê giảm liên tục cho tới ngày nay, lợi tức của nghề khai thác cà phê cũng giảm theo (giá một kí cà phê hột từ 20.000 đồng xuống còn 5.800 đồng, mất hơn 70% trị giá).
Để bù đắp sự thiếu hụt này, những người canh tác cà phê gốc Kinh tìm thêm đất mới để trồng cây lương thực, một phong trào khai hoang man dại liên tục diễn ra từ 1997 đến nay mà nạn nhân là những dân làng Thượng, bị lường gạt hay bị ép buộc phải nhường những vùng đất tốt cho những người khôn lanh hơn (qua những hợp đồng kinh tế, vay mượn tiền của tư nhân hay ngân hàng) với hậu quả hiển nhiên là (không đủ khả năng hoàn trả đúng hạn những số tiền đã vay, đất đai thế chấp của làng hay gia đình bị tịch thu) nhiều buôn làng phải dời nơi cư trú cổ truyền vào những vùng đất kém màu mở hơn trên các triền núi và chốn rừng sâu để sinh sống. Đó là chưa kể những biện pháp tùy tiện của chính quyền trong việc xây dựng và mở rộng đường sá, trưng thu đất đai của các buôn làng Thượng nơi những đoạn đường đi qua nhưng không bồi hoàn xứng đáng, đã gián tiếp khuyến khích phong trào di dân đến lập nghiệp quanh các trục lộ giao thông mới, rồi từ đó lấn chiếm thêm những đất đai khác của người Thượng.
Những số tiền khổng lồ của chính quyền cộng sản quảng cáo đã đổ ra trên cao nguyên, trong thực tế không nhằm nâng cao mức sống người dân mà để củng cố sự kiểm soát của nhà nước và tăng cường vai trò khống chế của những công ty cà phê quốc doanh trên toàn cao nguyên và sự khai thác triệt để gỗ rừng. Chỉ một vài nhóm Thượng lớn như Djarai, Rhadé và Bahnar mới đủ mạnh để chịu đựng sức ép này, những nhóm nhỏ hơn chỉ biết cúi đầu chấp nhận số phận đen tối và tàn lụi dần theo thời gian.
Trước sự thua thiệt này, cộng đồng người Thượng chỉ còn trông đợi sự cứu tế của các tổ chức thiện nguyện nhân đạo và tôn giáo quốc tế để tồn tại, nhưng tất đã đều bị chính quyền cộng sản Việt Nam cản ngăn nên sự giúp đỡ rất là nhỏ giọt, đôi khi không đến tay người cần giúp đỡ mà lọt vào túi các quan chức địa phương.
Sức chịu đựng của người Thượng đã tới hạn mức tối đa. Ngày 8/8/2000 hơn 150 người Rhadé tại Đắc Lắc bị cưỡng bách di trú sang làng mới đã trở về tấn công di dân Kinh đang cư ngụ trong làng cũ (Buôn Xer) của họ. Những cuộc xuống đường phản đối hồi đầu tháng 2/2001 vừa qua chỉ là khởi điểm nếu không một giải pháp mới nào được tìm ra để giải quyết sự thua thiệt của người Thượng trước sức ép của những di dân mới, cụ thể là để cho các hội thiện nguyện quốc tế đến giúp đỡ và trả lại những vùng đất canh tác cổ truyền cho các buôn làng Thượng.
Ngay cả cho dù chính quyền cộng sản có nhượng bộ trên hai điểm vừa nói, vấn đề người Thượng cũng sẽ không được giải quyết nếu không có một chính sách hội nhập đứng đắn, tôn trọng tiếng nói và chỗ đứng của họ trong lòng dân tộc Việt Nam.
3. Nguyên nhân chính
Hai nguyên nhân vừa kể chỉ là mặt nổi của băng đảo, thực chất của vấn đề là danh dự của người Thượng đã bị chà đạp nặng nề. Trong gần 50 năm cộng cư với người Kinh, từ 1954 đến nay, chưa một chính quyền Việt Nam nào thực sự tôn trọng sự hiện hữu và thành tâm nâng cao mức sống của người Thượng trên cao nguyên. Cộng đồng người Thượng luôn bị coi là những thứ dân hạng hai, bị khinh khi và lợi dụng.
Để tiếng nói và chỗ đứng của họ được tôn trọng, người Thượng đã sử dụng đủ mọi biện pháp có thể sử dụng được, từ bạo lực đến đấu tranh chính trị ôn hòa, và đã lãnh nhận những hậu quả tai hại là một quyết tâm đàn áp mạnh hơn từ các chính quyền người Kinh.
Vì không muốn bị diệt vong, từ 1956 người Thượng tìm hậu thuẩn ở các thế lực phương Tây (Pháp và Mỹ) để được tồn tại, và dưới áp lực của các cường quốc này cộng đồng người Thượng mới có một chỗ đứng vinh dự hơn, nhưng thời vàng son này đã không kéo dài lâu, chỉ được mười năm thì chấm dứt (từ 1965 đến 1975). Dưới chế độ cộng sản, đa số những lãnh tụ Thượng thuộc chính quyền miền Nam cũ đều bị bắt giam hoặc bị giết, những người còn lại phải trốn ra nước ngoài hay sống im lặng trong chốn rừng sâu.
Những lãnh tụ Thượng theo phe cộng sản, các ông Y Bih Aleo (phó chủ tịch Mặt Trận Giải Phóng miền Nam), Y Blok Êban (cựu chủ tịch ủy ban quan quản Buôn Ma Thuột tháng 3/1975), Y Niê Thuột (thượng tá thường vụ tỉnh ủy, chỉ huy trưởng bộ chỉ huy quân sự Đắc Lắc), Ksor Phước (bí thư tỉnh ủy Gia Lai, bộ trưởng tài nguyên và môi trường, chủ nhiệm ủy ban dân tộc quốc hội), Y Vênh (chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Kontum)… bất lực trước sự bạc đãi của cán bộ người Kinh, chỉ biết im lặng và sống trong bóng tối.
Sự bất mãn của người Thượng trước phong trào chiếm đất người Kinh có lý do chính đáng. Người Thượng là những cư dân đầu tiên trên cao nguyên miền Trung, quyền làm chủ tự nhiên vùng đất này đã có từ lâu, nhưng ngày nay người Thượng trở thành thiểu số và không có tiếng nói ngay trên chính quê hương của họ.
Trước 1940, người Kinh chỉ chiếm 1% dân số trên cao nguyên, năm 1945 là 5%, năm 1954 : 15%, năm 1975 : 32%. Năm 2000 người Kinh trở thành đa số với hơn bốn triệu dân, chiếm 72% dân số trên tổng số 5,8 triệu dân trên toàn cao nguyên miền Trung, người Thượng chỉ tượng trưng 28% dân số.
Sự áp đảo về số lượng cũng còn có thể chấp nhận được vì họ trở thành thiểu số, nhưng điều mà người Thượng không chịu đựng được là sự khinh miệt của người Kinh.
Chỉ cần rảo mắt nhìn quanh người ta dễ dàng phát hiện sự coi thường người Thượng trong những quan hệ thường ngày. Trước các trạm bệnh xá, không bao giờ người Kinh chịu xếp hàng chung với người Thượng, trong các trường học trẻ em gốc Kinh không chơi với trẻ em gốc Thượng, và phần lớn trẻ em gốc Thượng đều thất học. Trong chợ, thương gia gốc Kinh không chịu ngồi nơi nào có người Thượng đứng bán. Khi vào cơ quan xin cấp giấy tờ hay bị xét hỏi ngoài đường, sự khinh miệt của những viên chức nhà nước không cần che giấu, họ cười cợt, nộ nạt và chế riễu công khai sự ngây ngô của người Thượng. Số người Kinh thực sự quan tâm đến sự sinh tồn của người Thượng rất ít, đa số là những tu sĩ Công Giáo, Tin Lành và Phật Giáo, số còn lại là những chuyên gia sắc tộc, giáo viên và y sĩ trẻ vì sức khỏe và mức sống của người Thượng xuống cấp nặng nề.
Tại sao người Thượng bị coi thường ? Tại vì người Kinh không được thông tin và giáo dục về sự hiện hữu của các cộng đồng sắc tộc thiểu số một cách lương thiện. Người Thượng vẫn còn bị gọi là "man", là "mọi", hai ngôn từ cần phải bị xóa bỏ trong ký ức Việt Nam".
Hiện nay chính quyền cộng sản dùng danh xưng "người dân tộc" để chỉ người Thượng nhưng trong những quan hệ thường ngày nội dung miệt thị vẫn còn nguyên vẹn, cộng đồng người Thượng vẫn là "dân man", "dân mọi" và bị đối xử lỗ mãng và bất kính. Hai ngàn năm trước, dân tộc Việt Nam đã tranh đấu với Trung Quốc để xóa bỏ sự khinh miệt này, ngày nay không nên gọi các dân tộc không cùng văn hóa với chúng ta là "man" hay "mọi. Những gì chậm chạp, ngây ngô hay khờ khạo đều đổ lên đầu người Thượng.
Sự khinh miệt người Thượng phải chấm dứt, và chấm dứt càng sớm càng tốt, càng kéo dài chỉ có hại vì phản ứng của người Thượng rất khó lường trước. Tiêu cực thì họ rút vào rừng sâu sống biệt lập với người Kinh để rồi tuyệt tích ; tích cực thì họ sẽ dùng bạo lực để tiếng nói và chỗ đứng được tôn trọng. Nếu phản ứng thứ hai này được sử dụng, cụm từ "đại đoàn kết dân tộc" hay "dân tộc Việt Nam" mất hết nội dung, và hậu quả biết trước là một cộng đồng dân tộc yếu kém hơn bị tiêu diệt, về văn hóa lẫn thể chất.
Vấn đề người Thượng hiện nay đòi hỏi một giải pháp toàn bộ chứ không thể bằng những giải pháp cục bộ.