Vì sao công cuộc khai dân trí của Phan Châu Trinh thất bại ? (Việt Hoàng)
Tập Hợp hiểu được sự khó khăn khi thuyết phục tầng lớp trí thức nhập cuộc vì với văn hóa Khổng giáo và di sản của lịch sử, tầng lớp trí thức luôn là công cụ để phục vụ chế độ chứ không phải là lực lượng hướng dẫn và lãnh đạo quần chúng.
Nhiều người Việt Nam vừa kỷ niệm 97 năm ngày mất của cụ Phan Châu Trinh (24/3/1926-24/3/2023), một nhà cách mạng lớn với câu nói nổi tiếng ‘khai dân trí, chấn dân trí, hậu dân sinh’. Sinh thời cụ Phan Châu Trinh khá cô đơn, con đường cách mạng bất bạo động của cụ không được nhiều người ủng hộ. Cụ mất lúc 53 tuổi trong nghèo khổ và bệnh tật.
Ngày hôm nay rất nhiều trí thức Việt Nam vẫn hô hào tiếp tục con đường ‘khai dân trí’ của cụ Phan Châu Trinh. Nhiều hội nhóm, trường học, giải thưởng mang tên ông. Tuy nhiên, không chỉ Đảng cộng sản mà ngay cả nhiều trí thức Việt Nam đều cho rằng dân trí vẫn còn thấp vì thế phải khai dân trí trước đã. Khi nào dân trí cao thì Việt Nam ắt sẽ có dân chủ. Như vậy có thể kết luận, công cuộc khai dân trí của cụ Phan Châu Trinh đã thất bại. Nó không chỉ thất bại lúc cụ còn sống mà gần 100 năm sau khi cụ mất công cuộc đó vẫn chưa thành công.
Có rất ít người đi tìm câu trả lời vì sao việc khai dân trí thất bại, dân trí Việt Nam hiện nay cao hay thấp, làm thế nào để việc khai dân trí có kết quả…ngoài anh em Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Như chúng tôi đã phân tích, dân trí của người dân Việt Nam hiện nay là cao hơn nhiều so với những nước thiết lập được nền dân chủ cách đây hơn 200 năm như Anh, Mỹ, Hà Lan…Sở dĩ Việt Nam vẫn chưa có dân chủ là vì trí thức Việt Nam có vấn đề về tư duy chính trị.
Trí thức trong mỗi quốc gia, ở bất cứ thời điểm nào cũng luôn là tâm hồn, trí tuệ và tiếng nói đại diện cho dân tộc đó. Trí thức có hai loại, một là trí thức khoa bảng và hai là trí thức chính trị. Một đất nước muốn có dân chủ thì bắt buộc phải có tầng lớp ‘trí thức chính trị’ (Xin xem bài: Đất nước đang cần gấp một tầng lớp trí thức chính trị). Có vài tiêu chí căn bản để nhận biết một người là trí thức chính trị, đó là:
- Có kiến thức về chính trị.
- Có thái độ rõ ràng trước những bất công trong xã hội.
- Có ý chí, quyết tâm và sẵn sàng trả giá vì tương lai đất nước.
Kiến thức chính trị của trí thức Việt Nam rất tụt hậu. Một ví dụ, rất nhiều trí thức trong đó có cả những người đấu tranh dân chủ vẫn cho rằng ‘chính trị là thủ đoạn, gian manh và dối trá’. Thật ra, điều này chỉ đúng với chế độ phong kiến và cộng sản (vì cộng sản cũng chỉ là một chế độ phong kiến có cải biên chút ít). Với một chế độ chính trị văn minh thì ‘chính trị là việc nước, là việc chung, là đạo đức ứng dụng vào xã hội’ như định nghĩa của Tập Hợp. Vì là việc nước nên chính trị không thể là ‘thủ đoạn, gian manh và dối trá’ mà chính trị phải là nơi ‘trong sáng, lương thiện và trí tuệ’ nhất. Chúng ta có thể thấy ở các nước dân chủ, chỉ cần nói sai một câu hay ngủ quên trong lúc họp là một chính trị gia phải từ chức. Các nhà lãnh đạo tại các nước dân chủ luôn bị báo chí săm soi mọi hành vi lớn nhỏ, từ trong quá khứ cho đến hiện tại và chỉ cần một lần nói dối là sự nghiệp có thể tiêu tan.
Một người muốn làm chính trị thì phải có kiến thức về chính trị và đạo đức chính trị nếu không họ sẽ gây ra tai họa cho chính bản thân và cho cả đất nước. Donald Trump là một ví dụ. Ông ta không có kiến thức lẫn đạo đức chính trị nên việc ông ta tham gia vào chính trị và trở thành tổng thống trong 4 năm đã làm nước Mỹ chia rẽ và phân hóa chưa từng thấy. Việc có nhiều trí thức Việt Nam ủng hộ Trump cho thấy sự yếu kém về kiến thức chính trị của họ.
Donald Trump là biểu hiện của sự xuống cấp và khủng hoảng của nền dân chủ Mỹ, một nền dân chủ đã rất thành công trong quá khứ. Việc nhiều trí thức Việt Nam say mê Trump chứng tỏ sự thiếu hụt về kiến thức chính trị của họ.
Chế độ tổng thống cũng đã trở nên lạc hậu và lỗi thời vì thời kỳ của những vĩ nhân, anh hùng dân tộc đã qua đi. Kiến thức của con người ngày càng được cập nhật và thu hẹp dần khoảng cách nên trí tuệ của một tổ chức luôn chính xác và cao hơn kiến thức của một cá nhân. Việc Donald Trump làm loạn nước Mỹ hay Emmanuel Macron, tổng thống Pháp không thể lấy được một quyết định dù đúng đắn là nâng tuổi về hưu của người Pháp từ 62 lên 64 trong khi phần lớn Châu Âu là 67 cho thấy sự lỗi thời của chế độ tổng thống.
Trí thức Việt Nam chỉ trích Đảng cộng sản rất nhiều nhưng không học được một phần nhỏ của họ. Đến bây giờ vẫn có rất ít trí thức tự thành lập hoặc lên tiếng ủng hộ cho các tổ chức dân chủ đối lập. Trong khi đó cách đây 94 năm những người cộng sản đã nhận thức được tầm quan trọng của tổ chức và tư tưởng chính trị. Tất nhiên là vì thiếu hiểu biết, thiếu kiến thức nên Hồ Chí Minh và Đảng cộng sản mới chọn học theo mô hình Liên Xô, một quốc gia kém phát triển và lạc hậu nhất Châu Âu.
Trong suốt dòng lịch sử của đất nước, người Việt chỉ biết đến một cách duy nhất để thay đổi một triều đại là bạo lực và lật đổ. Đảng cộng sản cũng không là ngoại lệ. Họ đã sử dụng tối đa bạo lực ngay cả khi không cần thiết như sau khi đã dành được chính quyền năm 1945 hay 1975. Trí thức dù sợ bạo lực nhưng lại bị bạo lực mê hoặc, nhiều người chưa ủng hộ Tập Hợp vì cho rằng chúng tôi không có sức mạnh của bạo lực và tiền bạc. Họ không tin vào sức mạnh của lẽ phải, của một tư tưởng chính trị đúng đắn và khả thi.
Cuộc cách mạng dân chủ mà Tập Hợp khởi xướng là một cuộc cách mạng hoàn toàn mới trong lịch sử dân tộc. Đây là cuộc cách mạng không chỉ để thay đổi thể chế chính trị mà còn thay đổi về văn hóa và tư duy chính trị của người Việt. Cuộc cách mạng này là của trí tuệ, bao dung và hòa giải dân tộc chứ không phải của bạo lực, đập phá và thù hận. Cuộc cách mạng này là ‘từ trên xuống dưới’ cho nên nó cần sự tham gia và tiên phong của tầng lớp trí thức. Tập Hợp hiểu được sự khó khăn khi thuyết phục tầng lớp trí thức nhập cuộc vì với văn hóa Khổng giáo và di sản của lịch sử, tầng lớp trí thức luôn là công cụ để phục vụ chế độ chứ không phải là lực lượng hướng dẫn và lãnh đạo quần chúng.
Có ý kiến chỉ trích rằng chúng tôi sai lầm khi chỉ chú trọng đến trí thức mà bỏ qua người dân, trong khi người dân mới là tầng lớp quyết định trong mọi cuộc cách mạng…Điều này như chúng tôi đã phân tích, cuộc cách mạng lần này không nhằm tiêu diệt hay lật đổ bất cứ ai mà là để dân chủ hóa đất nước, để mở ra một kỷ nguyên mới cho Việt Nam, kỷ nguyên của dân chủ và tự do thật sự. Cuộc cách mạng lần này khác với cuộc cách mạng do đảng cộng sản tiến hành hồi năm 1945 và nó khác hoàn toàn với các cuộc lật đổ trong quá khứ vì thế chúng tôi không có ý định xách động dân chúng nổi dậy để cướp chính quyền.
Trí thức Việt Nam cần phải đọc và nghiên cứu kỹ các dự án chính trị của các tổ chức dân chủ đối lập để biết cái nào sai, cái nào đúng, cái nào nên ủng hộ, cái nào nên bác bỏ…
Cho đến giờ trí thức Việt Nam mới chỉ biết dừng ở chỗ chỉ trích chính quyền. Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Nếu không muốn, không hài lòng với chế độ này thì phải biết chúng ta muốn gì trong tương lai, muốn mô hình thể chế chính trị nào và đâu là giải pháp thay thế?...Một đất nước phát triển hay tụt hậu phụ thuộc hoàn toàn vào phương thức tổ chức xã hội và mô hình tổ chức xã hội ưu việt nhất hiện nay vẫn là ‘dân chủ đại nghị và tản quyền’ như phân tích và đề nghị của Tập Hợp trong dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai. Thay thế một chính quyền độc tài đã rất khó khăn nhưng việc đưa ra một giải pháp thay thế để xây dựng lại đất nước trong tương lai lại càng khó khăn hơn. Nó đòi hỏi tầng lớp trí thức phải suy tư, trăn trở và học hỏi rất nhiều. Đầu tư cho tư tưởng và một dự án chính trị khả thi là điều bắt buộc cho trí thức và các tổ chức chính trị đối lập Việt Nam.
Chính vì sự dễ dãi và hời hợt của trí thức mà Đảng cộng sản đã thành công trong việc cướp chính quyền hồi năm 1945 và cai trị Việt Nam từ đó đến giờ. Lịch sử thế giới đang bước sang một trang mới sau cuộc chiến xâm lược của Putin vào Ukraine. Việt Nam cũng sẽ thay đổi khi Nga suy yếu phải rút khỏi Ukraine và Trung Quốc chính thức rơi vào khủng hoảng khi các nước dân chủ chấm dứt làm ăn giao thương với Trung Quốc. Muốn Việt Nam có dân chủ và không bị rơi vào tay các thế lực đen tối thì trí thức Việt Nam phải chịu khó đọc, tìm hiểu và nghiên cứu về các dự án chính trị của các tổ chức dân chủ đối lập. Trí thức phải biết dự án chính trị nào khả thi và cần thiết cho đất nước, dự án nào là sai và độc hại cần phải bác bỏ. Trí thức phải làm công việc của mình là hướng dẫn hoặc cảnh báo cho người dân được biết tổ chức nào, học thuyết nào là sai, ai và cái nào là đúng và cần được ủng hộ.
Những người dân Việt Nam có chút hiểu biết, thay vì đi chùa và cầu xin thần phật phù hộ độ trì cho mình thì nên dành thời gian để tìm hiểu về các tổ chức chính trị dân chủ đối lập. Đảng cộng sản không còn là giải pháp cho đất nước. Một giải pháp cho đất nước chỉ có thể đến từ một tổ chức dân chủ đối lập. Nên biết, không thần phật hay một vị thánh tướng nào có thể giúp được chúng ta mà chỉ có chính chúng ta mới có thể kiến tạo và xây dựng được một tương lai tươi sáng bằng cách lên tiếng ủng hộ cho các tổ chức chính trị có trí tuệ, bao dung và lương thiện.
Kết luận
Vấn đề của Việt Nam hôm nay không phải là ‘dân trí thấp’ mà là ‘trí trí thấp’. Chính vì trí tuệ của trí thức Việt Nam không theo kịp sự đòi hỏi thời đại nên công cuộc khai dân trí đã không thành công như mong muốn. Cả đoàn tàu đã sẵn sàng khởi hành nhưng toa đầu tàu vẫn chưa chịu khởi động. Thay vì ngụy biện và đỗ lỗi cho dân trí thấp thì trí thức nên nhập cuộc và dấn thân. Trí thức không có kiến thức, can đảm và đoàn kết thì làm sao đòi hỏi ở người dân những điều đó? Muốn công cuộc khai dân trí có kết quả nhanh thì đất nước phải có dân chủ. Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông là những ví dụ. Suốt 78 năm cầm quyền, Đảng cộng sản thay vì khai dân trí thì họ đã giam cầm dân trí của người Việt trong tăm tối để dễ bề cai trị.
Cuộc cánh mạng dân chủ lần này không đòi hỏi trí thức phải hy sinh hay làm những gì quá sức mà chỉ cần họ vượt qua được chính mình bằng cách tìm hiểu, học hỏi nghiêm túc về chính trị để rồi lên tiếng ủng hộ cho các tổ chức dân chủ và sau đó là hướng dẫn cho quần chúng Việt Nam biết nên ủng hộ ai và cho cái gì.
Việt Hoàng
(26/3/2023)