Tròn một năm Nga xâm lược Ukraine (24/2/2022—24/2/2023) (Song Chi)

Đảng và Nhà nước cộng sản Việt Nam, dù luôn luôn nói "Việt Nam không chọn phe" nhưng cũng đã cho thấy sự chọn lựa của họ. Và một lần nữa, khi chọn đứng cạnh Nga và Trung Quốc, đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam lại đặt quyền lợi của đảng, của chế độ lên trên quyền lợi của đất nước, dân tộc. Như đã luôn luôn như thế, trong suốt gần một thế kỷ qua.


Tròn một năm Nga xâm lược Ukraine. Khi cuộc chiến bắt đầu nổ ra, Putin có lẽ đã chắc mẩm rằng quân Nga sẽ tiến thẳng đến Kyiv trong vòng vài ngày, chậm lắm là một, hai tuần, sẽ lật đổ chính phủ của Tổng thống Volodymyr Zelenskyy, lập nên một chính phủ thần phục Nga, bản thân Zelenskyy và gia đình thì sẽ chạy sang nước khác tỵ nạn, Hoa Kỳ và các nước Châu Âu sẽ chỉ lên tiếng phản đối cho có lệ hoặc sẽ áp dụng những biện pháp trừng phạt nhẹ nhàng, như đã từng xảy ra khi Nga chiếm bán đảo Crimea v.v. Hoa Kỳ và phương Tây có lẽ cũng nghĩ thế.

Nhưng mọi chuyện đã hoàn toàn ngược lại.

nga1

Người dân ở Moscow theo dõi bài phát biểu trên truyền hình của Tổng thống Nga Vladimir Putin khi ông thông báo về một chiến dịch quân sự đặc biệt ở vùng Donbas, miền đông Ukraine vào ngày 24/2. Ảnh Sergei Illnitsky/EPA-EFE/Shutterstock

Sau một năm, Kyiv vẫn đứng vững, Ukraine vẫn đứng vững, Hoa Kỳ và các nước đồng minh đoàn kết, tích cực hỗ trợ Ukraine, NATO thay vì tiếp tục trong tình trạng "chết não, chết lâm sàng" như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng ví von, đã "sống lại" và còn mạnh mẽ hơn trước, một số quốc gia đã hoàn toàn thay đổi đường lối chính sách quốc phòng, ngoại giao, trong đó có Đức đã tìm cách dần dần thoát khỏi sự lệ thuộc về năng lượng đối với Nga, nâng mức đầu tư vào quốc phòng hàng năm lên 2% GDP, chấp nhận gửi vũ khí sang nước khác, Thụy Điển và Phần Lan từ bỏ chính sách trung lập, quyết định tham gia khối NATO, Ba Lan với sự tích cực, rõ ràng nhất quán trong chính sách của mình đối với Nga và phương Tây đưa đến triển vọng nước này có khả năng trở thành một trong những trụ cột của khối EU và là một đồng minh cật ruột của Hoa Kỳ ở Đông Âu.

Trong một năm qua, Ukraine hoang tàn đổ nát vì chiến tranh. Việc tấn công bừa bãi nhằm vào tất cả mọi mặt từ các khu dân sự, hạ tầng cơ sở, năng lượng… cũng như giết chóc bừa bãi, bất chấp mọi quy ước luật lệ chiến tranh của quân Nga theo lịnh Putin, nhằm làm suy yếu lâu dài mọi mặt của Ukraine, khủng bố tinh thần của người dân Ukraine, buộc nước này phải đầu hàng, đồng thời đẩy hàng triệu người Ukraine phải rời bỏ đất nước, tăng thêm gánh nặng di dân cho các nước khác v.v. Cuộc chiến chỉ mới có một năm mà mức độ thảm khốc, tàn phá, số lượng quân lính hai bên, số lượng thường dân phải chết… còn hơn cả những cuộc chiến tranh dài 10 năm của Mỹ ở Afghanistan, thậm chí hơn cả cuộc chiến 20 năm ở Việt Nam.

(Trong 20 năm đó số lượng người lính Mỹ phải chết là 58.000, còn quân Nga sau một năm là bao nhiêu ? Trong 20 năm đó nhà cửa hạ tầng cơ sở, năng lượng kinh tế của cả hai miền Nam, Bắc không bị tàn phá đến mức có những thành phố gần như đổ nát hoàn toàn như Ukraine bây giờ. Còn số người chết nói chung thì cuộc chiến Việt Nam vẫn nhiều hơn rất nhiều, khoảng hơn 3 triệu người, nhưng là vì cuộc chiến kéo dài 20 năm).

Ukraine đang phải trả giá vô cùng lớn, trước một bạo chúa tâm thần hoang tưởng, sẵn sàng phạm tội ác chống lại nhân loại như Putin. Và cùng với Putin là những cận thần sắt máu (vì cũng như Putin, bị ảnh hưởng bởi tinh thần dân tộc cực đoan, tâm trạng thù ghét phương Tây và khao khát khôi phục lại một nước Nga hùng mạnh trong quá khứ), một số không nhỏ những người lính được tuyển từ nhà tù trước đó vốn là tội phạm hình sự thứ "dữ" hay những đội lính đánh thuê máu lạnh… Và lẽ dĩ nhiên, chiến tranh không xảy ra trên đất Nga nên cái giá mà Ukraine phải trả trước mắt là nặng nề, đau thương hơn rất nhiều. Nhưng về lâu về dài, khi cuộc chiến kết thúc, khi Ukraine quyết tâm đi theo con đường dân chủ, làm bạn với các nước phương Tây, được các nước giúp đỡ tái thiết đất nước thời hậu chiến, thì tương lai của nước này chắc chắn sẽ sáng sủa hơn nước Nga, nếu Nga vẫn còn đi theo mô hình độc tài và bị thế giới cô lập. Còn Hoa Kỳ và các nước Châu Âu thì cũng có lợi khi Ukraine trở thành một nước dân chủ, đồng minh thân tín, và dứt khoát với Nga.

Cuộc chiến sẽ kéo dài bao lâu ? Không ai biết. Có những người, ngay từ khi cuộc chiến mới nổ ra vài tháng cho tới bây giờ luôn luôn nhân danh "chiến tranh là chết chóc, chiến tranh là tội ác" để kêu gọi hai bên phải ngồi vào bàn đàm phán, phải thương lượng, kể cả chỉ trích Zelenskyy là "hung hăng", muốn làm anh hùng bằng máu của người dân Ukraine và vũ khí của nước khác, tự biến mình thành con cờ trong tay Hoa Kỳ và phương Tây v.v. Có những kẻ, như tay cựu ngoại trưởng Mỹ Kissinger, kêu gọi đàm phán để đạt được hòa bình, trong đó "vai trò lịch sử của nước Nga không nên bị suy giảm".

Phải, thưa ông Kissinger, người miền Nam Việt Nam quá hiểu ông rồi, một kẻ mà trong suốt sự nghiệp chính trị của mình đã bộc lộ bản chất thực dụng, luôn ngưỡng mộ các nước lớn độc tài, sẵn sàng bày vẽ cho các lãnh đạo Mỹ "bán đứng" các nước nhỏ khi cần. Đàm phán kiểu gì nếu một bên không muốn dừng lại, nếu một bên chỉ muốn tiến chiếm bên kia như cộng sản Việt Nam trước đây, ngay cả sau khi Hiệp định Paris được ký kết ? Với cộng sản, khủng bố hay độc tài, không thể và không nên thương lượng, đàm phán bất cứ cái gì khi họ còn trong thế mạnh. Với Putin cũng vậy. Mấy tháng trước hay ngay cả bây giờ, nếu thương lượng, có nghĩa là phần lãnh thổ của Ukraine đã bị Nga tiến chiếm sẽ mất vào tay Nga vĩnh viễn, và ai có thể bảo đảm hòa bình lâu dài cho Ukraine khi nước này vẫn chưa được vào NATO ? Hay Nga chỉ tạm ngưng chiến vài năm để củng cố lực lượng, hồi phục kinh tế, chờ một dịp thuận tiện (ví dụ như nước Mỹ lại có một Tổng thống ngưỡng mộ Putin, xa lánh đồng minh như Trump) là lại đưa quân tấn công Ukraine ? Con đường hòa bình chắc chắn và lâu dài cho Ukraine là Hoa Kỳ và các nước phương Tây phải tăng cường hỗ trợ vũ khí mạnh hơn, hiệu quả hơn cho Ukraine để giúp họ kết thúc cuộc chiến sớm, sau đó chấp thuận cho Ukraine gia nhập khối EU và NATO để Nga không dám tấn công Ukraine một lần nữa.

Chiến tranh là ghê tởm. Không ai muốn chiến tranh. Nhưng một khi không thể né được thì phải chiến đấu cho đến khi đối phương buộc phải từ bỏ mục tiêu, tham vọng của họ, chứ không phải chấp nhận đàm phán, thương lượng, đàm phán hòa bình khi kẻ thù còn mạnh để mất nhiều thứ.

nga2

Quân đội Bắc Việt đã đạt được mục tiêu cuối cùng là tiến chiếm miền Nam

Nhìn lại Việt Nam, giá như trước đây, miền Nam Việt Nam có được một Tổng thống và một chính phủ quyết tâm đến cùng, cùng với một bộ máy truyền thông hữu hiệu để chỉ ra cho thế giới thấy phía Bắc Việt đã, đang và sẽ lừa gạt người dân và cả thế giới ra sao để đạt được mục tiêu cuối cùng là tiến chiếm miền Nam, giành độc quyền lãnh đạo trên toàn đất nước và họ sẽ không bao giờ dừng lại trước khi đạt được mục tiêu này, mọi cuộc đàm phán, Hiệp định hòa bình sẽ bị họ vứt vào sọt rác (như thực tế đã diễn ra). Một bộ máy truyền thông thông minh và hữu hiệu để chỉ ra cho thế giới thấy rằng cuộc chiến này không chỉ giữa người Việt với nhau, không chỉ có sự tham gia của Mỹ mà phía bên kia là Liên Xô, Trung Quốc và cả phe xã hội chủ nghĩa đang hỗ trợ tận răng cho Bắc Việt như thế nào ; cuộc chiến này không chỉ là người dân Miền Nam Việt Nam đang đấu tranh nhằm bảo vệ tự do, dân chủ của họ mà là cuộc chiến giữa phe tự do với phe cộng sản. Nếu Nam Việt Nam thua, có nghĩa là một chế độ tồi tệ hơn chiến thắng, và đó cũng là chiến thắng của Trung Quốc, Liên Xô trước Hoa Kỳ. Trong vô số cái dở của Việt Nam Cộng Hòa, cái dở lớn nhất là về mặt truyền thông, tuyên truyền, đã không làm cho người dân ý thức hết điều quý giá lớn lao mà họ đang có là một thể chế tự do, dân chủ, rằng nếu cộng sản thắng thì tương lai, vận mệnh Việt Nam sẽ ra sao ; cũng như không kêu gọi được sự ủng hộ của thế giới. Điều mà Tổng thống Zelenskyy đã và đang làm rất tốt trong thời gian qua.

Mặt khác, cuộc chiến Ukraine đối với phần còn lại của thế giới như các nước Nam Mỹ, Nam Á (các nước Đông Á và Đông Nam Á thì có lẽ phải quan tâm theo dõi vì liên tưởng đến mối đe dọa tương tự từ Trung Quốc), Châu Phi, kể cả Ấn Độ, đó vẫn là "cuộc chiến của các nước Châu Âu", cùng lắm, là liên quan giữa khối NATO và Nga, không dính dáng gì đến mình, và không nước nào muốn dây vào, thậm chí còn thủ lợi từ đó, như Ấn độ tranh thủ mua dầu giá rẻ của Nga. Còn Trung Quốc, tất nhiên là "ngư ông đắc lợi", đồng thời theo dõi cuộc chiến này để tính toán những bước đi tương lai trên bàn cờ chính trị của mình. Cuộc chiến vì vậy cũng bộc lộ rõ hơn quan điểm, thái độ, chính sách ngoại giao của nhiều quốc gia, qua đó Hoa Kỳ và các nước dân chủ phương Tây có thể thấy được ai là (và có thể sẽ là) bạn, là đồng minh, và ngược lại.

Đảng và Nhà nước cộng sản Việt Nam, dù luôn luôn nói "Việt Nam không chọn phe" nhưng cũng đã cho thấy sự chọn lựa của họ. Và một lần nữa, khi chọn đứng cạnh Nga và Trung Quốc, đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam lại đặt quyền lợi của đảng, của chế độ lên trên quyền lợi của đất nước, dân tộc. Như đã luôn luôn như thế, trong suốt gần một thế kỷ qua.

Song Chi

Nguồn : RFA, 24/02/2023