Ác giả ác báo : trường hợp cựu tướng công an Đỗ Hữu Ca (Huy Đức - Hoài Nguyễn - NHK)

Khi Đỗ Hữu Ca bị bắt, tôi không nghĩ tới "luật nhân quả" mà nghĩ tới Luật Đất đai. Chính chính sách đất đai đã trao quyền bắt bớ những người tử tế như anh Đoàn Văn Vươn cho những kẻ "tội phạm" như Ca. 



Quả bom Đoàn Văn Vươn

Huy Đức, osinhuyduc, 21/02/2023

Lời tác giả : Khi Đỗ Hữu Ca bị bắt, tôi không nghĩ tới "luật nhân quả" mà nghĩ tới Luật Đất đai. Chính chính sách đất đai đã trao quyền bắt bớ những người tử tế như anh Đoàn Văn Vươn cho những kẻ "tội phạm" như Ca.

Xin post lại bài về Luật Đất đai tôi viết 11 năm trước vài ngày sau khi anh Đoàn Văn Vươn bị bắt. Tôi sẽ viết về sửa Luật Đất đai một cách thời sự hơn trong những ngày tới đây. Bài dài, xin chỉ những ai quan tâm hẵng đọc kỹ. (HĐ)

quabom1

11 năm sau vụ cưỡng chế đất đai ở Tiên Lãng (Hải Phòng) : Vợ chồng ông Đoàn Văn Vươn hạnh phúc bên ngôi nhà nhỏ của mình. Ảnh NĐ

Khi lực lượng cưỡng chế huyện Tiên Lãng đến khu đầm, anh Vươn cho nổ trái mìn tự tạo cài dưới một bình gas. Bình gas không nổ. Nhưng, trái mìn tự tạo vẫn gây tiếng vang như một quả bom, "quả bom Đoàn Văn Vươn". Vụ nổ không chỉ gây rúng động nhân tâm mà còn giúp nhìn thấy căn nguyên các xung đột về đất đai. Quyền sở hữu nói là của "toàn dân", trên thực tế, rất dễ rơi vào tay đám "cường hào mới".

Sự tùy tiện của Nhà nước Huyện

Quyết định giao bổ sung 19,5 ha đất nuôi trồng thủy sản cho ông Đoàn Văn Vươn, ký ngày 9/4/1997, ghi thời hạn sử dụng là 14 năm tính từ ngày 14/10/1993. Theo báo Thanh Niên, ở thời điểm ấy, chính quyền huyện Tiên Lãng đã quy định thời hạn giao đất cho nhiều cá nhân, hộ gia đình rất tùy tiện : có người được giao 4 năm ; có người 10 năm... Tuy thời điểm này chưa có các nghị định hướng dẫn chi tiết việc thi hành, nhưng Luật Đất đai năm 1993 đã nói rõ thời hạn giao đất nuôi trồng thủy sản cho hộ gia đình và cá nhân là 20 năm.

Theo Nghị định ngày 28/08/1999, nếu chính quyền Tiên Lãng không tùy tiện thì gia đình ông Vươn có quyền sử dụng phần đất này cho đến ngày 9/4/2017, tính từ ngày ông được huyện ký giao; tối thiểu cũng phải đến ngày 15/10/2013, nếu huyện "ăn gian" tính theo ngày Luật Đất đai có hiệu lực. Vấn đề là, cho dù đất được giao của gia đình ông Vươn hết hạn thì có phải là đương nhiên bị thu hồi để giao cho người khác như cách mà Tiên Lãng đã làm. Luật Đất đai 2003 quy định hạn điền cho loại đất nuôi trồng thủy sản là 3 hecta và với phần đất vượt hạn mức của ông Vươn có thể áp dụng Điều 35 để cho ông tiếp tục thuê như quy định đối với đất đai nông nghiệp.

Sở hữu toàn dân

Tuy dịch từ Hiến pháp 1936 của Liên Xô, Hiến pháp 1959 của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn chưa "quốc hữu hóa đất đai". Cho dù, từ thập niên 1960s ở miền Bắc và từ cuối thập niên 1970s ở miền Nam, ruộng đất của nông dân đã bị buộc phải đưa vào tập đoàn, hợp tác xã, đất đai chỉ chính thức bị coi là thuộc "sở hữu toàn dân" kể từ Hiến pháp 1980.

Theo Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc : "Trong bản dự thảo Hiến pháp 1980 do Chủ tịch Trường Chinh trình Bộ Chính trị vẫn đề nghị duy trì đa hình thức sở hữu, trên cơ sở khuyến khích 5 thành phần kinh tế. Theo tôi biết thì Bộ Nông nghiệp và Ban Nông nghiệp trung ương cũng không đồng ý quốc hữu hóa". Nhưng, ngày 10/9/1980, trong một bài nói chuyện trước Ban chấp hành trung ương có tựa đề, "Hiến pháp mới, Hiến pháp của chế độ làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa", Tổng bí thư Lê Duẩn nói : "Nhân đây, tôi nhấn mạnh một điểm rất quan trọng trong Dự thảo Hiến pháp mới là chuyển toàn bộ đất đai thành sở hữu toàn dân. Đề ra như vậy hoàn toàn đúng với quy luật tiến lên chủ nghĩa xã hội". Ông Nguyễn Đình Lộc, thành viên Ban thư ký của Ủy ban Soạn thảo Hiến pháp 1980, thừa nhận : "Khi đó, uy tín Lê Duẩn bao trùm. Mặt khác, nhiều người cũng không hình dung được bản chất của sở hữu toàn dân là quốc hữu hóa".

Tuy chấp nhận quốc hữu hóa đất đai nhưng theo ông Tôn Gia Huyên, lúc bấy giờ là Vụ phó vụ Quản lý Đất đai, ông Trường Chinh chủ trương giữ nguyên hiện trạng chứ không tịch thu ruộng đất như điều mà Lenin đã làm với kulax ở Nga sau năm 1917. Ông Trường Chinh yêu cầu ghi vào Điều 20 của Hiến pháp 1980 : "Những tập thể và cá nhân đang sử dụng đất đai được tiếp tục sử dụng và hưởng kết quả lao động của mình theo quy định của pháp luật".

Khi Hiến pháp 1992 bắt đầu được soạn thảo, theo ông Phan Văn Khải : "Thủ tướng Võ Văn Kiệt và tôi muốn sửa Hiến pháp theo hướng, trao quyền sở hữu ruộng đất cho nông dân nhưng không thành công, chúng tôi đành phải tìm ra khái niệm, trao 5 quyền cho người sử dụng đất". Trong Đại hội Đảng lần thứ VII, vòng I, nhiều nhà lãnh đạo địa phương đã lên tiếng ủng hộ "đa sở hữu hóa đất đai". Nhưng, ở cấp cao, theo Trưởng ban Biên tập Hiến pháp 1992, ông Nguyễn Đình Lộc : "Không ai có đủ dũng cảm đứng lên đòi bỏ sở hữu toàn dân, vì đó là một vấn đề nhạy cảm, đụng đến chủ nghĩa xã hội. Khi chuẩn bị bài phát biểu về Hiến pháp cho Tổng bí thư Đỗ Mười, tôi có trình bày, nhưng ông Đỗ Mười nghiêng về sở hữu toàn dân. Ông tin vào điều ông Lê Duẩn nói, sở hữu toàn dân là quan hệ sản xuất tiên tiến. Ông Đỗ Mười tin, trước sau gì ta cũng tới đó nên cứ để vậy".

Các nhà làm luật

Luật Đất đai 1993 đã trao cho người dân 5 quyền : sử dụng, chuyển nhượng, thừa kế, thế chấp và cho thuê quyền sử dụng đất. Nhưng, so với Hiến pháp 1992, Luật Đất đai 1993 có một điểm lùi. Hiến pháp ghi : "Nhà nước giao đất cho các tổ chức và cá nhân sử dụng ổn định lâu dài". Trong khi Luật chỉ giao đất cho cá nhân và chỉ giao có thời hạn. Ông Tôn Gia Huyên giải thích : "Thời hạn giao đất thực chất chỉ là ý chí chính trị, là sợi chỉ cuối cùng để phân biệt giữa sở hữu tư nhân và sở hữu Nhà nước". Là ranh giới để trấn an những người vẫn còn tin, Việt Nam tiếp tục đi lên chủ nghĩa xã hội.

Nhưng, cái ranh giới tưởng có giá trị trấn an ấy đã lại rất mù mờ, mù mờ ngay trong đầu chính các nhà lập pháp. Tháng 7/1993, sau bốn buổi thảo luận trên Hội trường về Luật Đất đai, các đại biểu miền Nam đề nghị "giao đất lâu dài" như Hiến pháp 1992, trong khi các đại biểu miền Bắc và miền Trung lại tán thành giao đất có thời hạn; thậm chí có đại biểu còn đòi rút ngắn thời hạn giao đất xuống còn từ 10-15 năm. Trong tính toán của nhiều người, giao đất có thời hạn nghĩa là sau đó Nhà nước có thể lấy lại để giao cho người khác. Đại biểu Đặng Quốc Tiến, Bắc Thái, nói : "Đất ít, người đông, giao có thời hạn thì sẽ bảo đảm cho công tác điều chỉnh đất đai khi có biến động nhân khẩu". Ông Nguyễn Bá Thanh, khi ấy là Chủ tịch Thành phố Đà Nẵng, đã rất hăng : "Đi nghĩa vụ quân sự 2 năm thì kêu dài, giao đất 20 năm thì bảo ngắn".

Khi Luật Đất đại 1993 được đưa ra sửa đổi, Chính phủ đề nghị nâng thời hạn giao đất nông nghiệp từ 20 năm lên 50 năm. Trong hai ngày 14 và 16/11/1998, nhiều đại biểu cũng đã phản ứng, thậm chí còn có phần gay gắt. Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp Đại Thắng, Đại Lộc (Quảng Nam) ông Trần Văn Mai nói : "Số nông dân chưa có đất đang trông chờ cho hết thời điểm 20 năm, bây giờ đã được 5 năm, còn 15 năm nữa họ sẽ được chia đất. Nếu bây giờ ta tăng thời hạn lên 50 năm sẽ là một sự hụt hẫng lớn của nhân dân với Đảng". Theo cách hiểu của ông Trần Văn Mai : "Hoặc hết hạn 20 năm, hoặc người sử dụng đất chết, chúng ta sẽ thu hồi cấp lại cho những nhân khẩu phát sinh". Nhưng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị, ông Nguyễn Đức Hoan đã phát biểu : "Đừng lo cho 20 năm sau không có đất để phân phối lại. Bây giờ ở ta 80% dân số làm nông nghiệp. Không lẽ 20 năm sau cũng 80% ?". Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Đồng Tháp ông Trương Minh Thái cho rằng : "Đừng nghĩ chúng ta chỉ có thể điều phối ruộng đất ở nông thôn bằng cách thu hồi rồi chia lại. Chúng ta đã giao cho người dân năm quyền, họ có thể để thừa kế, hoặc sang nhượng cho người chưa có đất".

Đất sân Quyền quan

Năm quyền của người sử dụng đất sau đó được "pháp điển hóa" trong Bộ Luật Dân sự 1995 như các quyền dân sự. Quyền sở hữu, tuy "trá hình" này, vẫn là cơ sở pháp lý để hình thành thị trường địa ốc. Và trong giai đoạn đầu, nhờ tư vấn của World Bank, thị trường đã được điều hành bằng công cụ thuế. Cho dù do thuế suất quá cao, Luật Thuế Chuyển quyền sử dụng đất, ngay lúc ấy, đã khiến nhà đất đóng băng nhưng sử dụng công cụ thuế chính là thừa nhận giá trị các giao dịch dân sự liên quan tới đất đai. Tuy nhiên, chính quyền các cấp có vẻ như không mấy mặn mà với vai trò đứng ngoài. Các giao dịch, đặc biệt là mua bán đất đai đã bị hành chánh hóa : Nhà nước thu hồi đất của người bán rồi giao đất cho người mua. Thay vì thu thuế chuyển quyền, người mua phải đóng tiền sử dụng đất, đặt người có đất trong tình thế phải trả tiền hai lần.

Đỉnh cao của sai lầm về chính sách là Pháp lệnh 14/10/1994 và Nghị định 18, hướng dẫn thi hành Pháp lệnh đó. Theo Nghị định 18, các tổ chức không còn được giao đất có đủ các quyền như Hiến pháp 1992. Những doanh nhân tiên phong như Tăng Minh Phụng, Liên Khui Thìn, Trần Quang Vinh… đã vay hàng ngàn tỷ đồng để mua đất, sau Nghị định 18 phải chuyển những lô đất ấy thành đất thuê và chỉ được thế chấp ngân hàng theo giá trị số tiền thuê đã trả cho Nhà nước. Khi bị bắt, cũng nhân danh "đất đai thuộc sở hữu toàn dân", Hội đồng thẩm định do Nhà nước lập ra đã tính, có những mét vuông đất, giá không bằng que kem. Đất biệt thự đường Trần Phú, Vũng Tàu, mà chỉ được Tòa công nhận giá ba-trăm-đồng/m2. Khoản chênh lệch giữa giá thực mua và giá của Tòa được coi là thất thoát để buộc tội các doanh nhân này lừa đảo.

Trong tù, có lúc Minh Phụng nói với Luật sư Nguyễn Minh Tâm : "Xin luật sư hãy nhìn vào mắt em để xem em có phải là người lừa đảo ?". Ngày 12/7/1999, khi nghe Luật sư Tâm nhắc lại câu này Minh Phụng đã bật khóc trước Tòa. Cũng đầu tư vào đất đai cùng một phương thức tuy khác quy mô, nhưng, thái độ của Nhà nước với giá đất đã biến ông Lê Văn Kiểm, Huy Hoàng, thành anh hùng và tử hình ông Tăng Minh Phụng.

Danh chính ngôn thuận

Đầu tháng 12/2011, Chính quyền Đà Nẵng nơi ông Nguyễn Bá Thanh là Bí thư kiêm Chủ tịch Hội đồng nhân dân đã đề nghị cho tư nhân sở hữu đất đai. Sau 20 năm lãnh đạo một địa phương, có lẽ ông Nguyễn Bá Thanh nhìn thấy, quyền sở hữu trá hình đã đặt đất đai của người dân vào tay chính quyền cấp huyện với quá nhiều rủi ro. Điều 38, Luật Đất đai 2003, nói : Nhà nước chỉ thu hồi đất khi "cá nhân sử dụng đất chết mà không có người thừa kế" (khoản 7). Nhưng, tại khoản 10 cũng của Điều 38, Luật lại mở ra khả năng : Nhà nước thu hồi những phần đất "không được gia hạn khi hết thời hạn". Chính quyền cấp huyện được Luật giao quyền giao đất và thu hồi đất của cá nhân và hộ gia đình. Nếu chính quyền Tiên Lãng áp dụng điều 67, tiếp tục giao đất cho ông Vươn, thì đã không có gì xảy ra, nhưng họ đã đẩy ông vào khoản 10, Điều 38 : Thu hồi đất vì "không được gia hạn" khi thời hạn giao đất của ông đã hết.

quabom2

Khu đất đầm của gia đình Đoàn Văn Vươn Nguyễn Anh Tuấn được biến cải thành khu chăn nuôi vịt - Ảnh minh họa

Sau "trái bom Đoàn Văn Vươn", chúng ta biết, khu đất đầm mà anh có không phải là đất được nhà nước giao mà là đất do gia đình anh phải lấn biển, khai hoang. Suốt 5 năm "trầm mình dưới nước từ mờ sáng tới tận tối khuya", biết bao lần bị bão biển cuốn phăng để đắp được một bờ kè dài hai cây số, tạo nên bãi bồi màu mỡ và một khu đầm nuôi tôm cá rộng gần 40 hecta. Cũng nơi đây, anh Vươn mất một đứa con gái 8 tuổi vì khi cha mẹ mải làm con gái của anh đã rơi xuống cống. Đừng nói chuyện thu hồi, lẽ ra chính quyền Tiên Lãng phải xấu hổ khi ký quyết định giao cho anh Vươn phần đất của chính anh, phần đất mà anh Vươn đã phải gắn bó suốt 20 năm, đã đổ cả mồ hôi và máu.

Nếu như, quyền sở hữu về đất đai của người dân được công nhận, thì cách khai hoang, lấn biển của gia đình anh Vươn phải được coi như một hình thức thủ đắc ruộng đất mà từ xa xưa cha ông ta đã áp dụng cho người dân để ngày nay Việt Nam liền một dải từ Lạng Sơn đến Mũi Cà Mau. Nếu như quyền sở hữu về đất đai của người dân được công nhận, Chính quyền không thể hành chính hóa các giao dịch dân sự liên quan đến đất đai. Các đại gia không thể thậm thụt với đám cường hào thu hồi những mảnh đất của dân mà họ mua không được.

Nhưng đó là câu chuyện có thể được thảo luận trong quá trình sửa đổi Hiến pháp. Người dân đang dõi theo thái độ của Chính phủ, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước trường hợp Đoàn Văn Vươn.

Theo cách giải thích của Giám đốc Công an Hải Phòng Đỗ Hữu Ca thì đất ông Vươn nằm trong vùng quy hoạch xây dựng một sân bay quốc tế. Nếu thu hồi bây giờ hoặc chuyển thành thuê thì mai này nhà nước không phải bồi thường cho ông Vươn. Đỗ Hữu Ca nói : "Với công trình đặc biệt quan trọng như thế thì đền bù sẽ rất lớn. Ông Vươn cố giữ lại như thế để lấy đền bù khi dự án được triển khai". Có thể Đỗ Hữu Ca là một công chức mẫn cán chứ không phải là "cụ Bá". Nhưng, lo quyền lợi của nhà nước sao không tính quyền lợi của dân, không tính máu và mồ hôi 20 năm của gia đình anh Vươn. Chắc Đỗ Hữu Ca không nghĩ, anh em, bà con ông và chỉ vài năm nữa chính ông cũng là dân.

Đỗ Hữu Ca có lẽ không nhớ chuyện anh rể của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, sáng 17/4/2009, bị "áp giải ra khỏi hiện trường" khi chính quyền huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương tiến hành cưỡng chế thu hồi hơn 185 hecta cao su của ông để làm khu công nghiệp. Ông đã không đồng ý cho giải tỏa, mặc dù, 185 hecta cao su này ông có được nhàn hạ hơn so với công sức khai hoang, lấn sóng của anh Vươn và mức đền bù thì cao hơn gấp 20 lần giá vốn. Nhắc lại câu chuyện này để thấy, bất luận là ai, khi phải đối diện với tấc đất của mình thì mới thấy của đau, con xót.

Dù sao thì hành động chống người thi hành công vụ của anh Đoàn Văn Vươn cũng phải được đưa ra xét xử. Nhưng, thông điệp mà các địa phương chờ đợi không phải là những năm tù cho anh mà là thái độ của nhà nước với chính quyền Tiên Lãng. Từ năm 2013, ruộng đất của nông dân bắt đầu lần lượt hết hạn giao đất. Nếu như quyết định của Chủ tịch Tiên Lãng Lê Văn Hiền không bị coi là sai, hơn 500 chủ tịch huyện trên cả nước có thể noi gương thu hồi đất đáo hạn của nông dân để… giao, thì không biết điều gì sẽ xảy ra. Đừng chậm trễ và đừng để "quả bom Đoàn Văn Vươn" lại nổ.

quabom3

Ông Ca trong một hội nghị vào năm 2015. Ảnh : Lê Tân

PS : Sử dụng hình Đỗ Hữu Ca, bị report, nhà X chu đáo quá.

Huy Đức

Nguồn : Osinhuyduc, 21/02/2023

************************

Cựu tướng công an Đỗ Hữu Ca bị "bắt khẩn cấp" hay "tạm giữ hình sự" ?

Hoài Nguyễn, VNTB, 20/02/202

Cổng thông tin điện tử Bộ Công an  ngày 19/2/2023 phát bản tin có toàn văn như sau :

"Mở rộng điều tra vụ án hình sự "Trốn thuế, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước", xảy ra tại Quảng Ninh và Hải Phòng, ngày 18/2/2023, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh phối hợp một số đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an và Công an một số tỉnh, thành phố tiến hành tố tụng đối với các đối tượng có liên quan.

dohuuca1

Cơ quan An ninh điều tra đang tạm giữ ông Đỗ Hữu Ca, nguyên Thiếu tướng Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng để xác minh, làm rõ một số vấn đề liên quan đến vụ án hình sự.

Cơ quan An ninh điều tra đang tạm giữ ông Đỗ Hữu Ca, nguyên Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng để xác minh, làm rõ một số vấn đề liên quan đến vụ án nêu trên.

Hiện các cơ quan chức năng đang khẩn trương tiến hành công tác điều tra tố tụng theo trình tự quy định của pháp luật".

Trước đó, bản tin trưa của báo Người Lao Động cho biết "Nguyên giám đốc Công an Hải Phòng Đỗ Hữu Ca bị bắt khẩn cấp". Theo bài báo này thì, "nguồn tin riêng của báo Người Lao Động cho biết chiều tối 18/2, lực lượng Công an tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp thiếu tướng Đỗ Hữu Ca, nguyên giám đốc Công an Thành phố Hải Phòng, để điều tra, làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Cùng với lệnh bắt giữ, lực lượng chức năng cũng đã tổ chức khám xét 2 nơi ở của ông Đỗ Hữu Ca tại xã Kênh Giang, huyện Thủy Nguyên và ngôi biệt thự ở Khu đô thị Ngã năm sân bay Cát Bi (phường Đằng Lâm, quận Hải An), thuộc Thành phố Hải Phòng".

dohuuca2

Đoàn công tác của lực lượng chức năng tiến hành khám xét nhà riêng của ông Đỗ Hữu Ca tại Huyện Thủy Nguyên (Thành phố Hải Phòng)

Vậy thì ông Đỗ Hữu Ca hiện đang "bị tạm giữ" hay đã "bị bắt khẩn cấp" ?

Trong bản tin trên báo Người Lao Động, cụm từ "ông Đỗ Hữu Ca bị bắt khẩn cấp" được lặp đi, lặp lại ở đoạn mở đầu, đoạn giữa và đoạn cuối của bài viết. Một chi tiết khác đáng chú ý, báo Người Lao Động viết ở đoạn kết bài là "ông Đỗ Hữu Ca bị bắt khẩn cấp do có liên quan đến việc nhận tiền "chạy án" nhưng bất thành".

Tại Điều 109 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về các biện pháp ngăn chặn, có các nội dung như sau :

Để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội hoặc để bảo đảm thi hành án, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong phạm vi thẩm quyền của mình có thể áp dụng biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam, bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh.

Các trường hợp bắt người gồm : Bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp ; Bắt người phạm tội quả tang ; Bắt người đang bị truy nã ; Bắt bị can, bị cáo để tạm giam ; Bắt người bị yêu cầu dẫn độ.

Như vậy, bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp là một trong những biện pháp ngăn chặn.

Tại khoản 1 Điều 110 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về khi thuộc một trong các trường hợp khẩn cấp sau đây thì được giữ người :

1. Có đủ căn cứ để xác định người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng ;

2. Người cùng thực hiện tội phạm hoặc bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt nhìn thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn ;

3. Có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở hoặc nơi làm việc hoặc trên phương tiện của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ.

Còn "tạm giữ" là một biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự khi có căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội, …

Theo Điều 117 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về biện pháp tạm giữ như sau :

"Điều 117. Tạm giữ

1. Tạm giữ có thể áp dụng đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã.

2. Những người có thẩm quyền ra lệnh giữ người quy định tại khoản 2 Điều 110 của Bộ luật này có quyền ra quyết định tạm giữ.

Quyết định tạm giữ phải ghi rõ họ tên, địa chỉ của người bị tạm giữ, lý do tạm giữ, giờ, ngày bắt đầu và giờ, ngày hết thời hạn tạm giữ và các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 132 của Bộ luật này. Quyết định tạm giữ phải giao cho người bị tạm giữ.

3. Người thi hành quyết định tạm giữ phải thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ quy định tại Điều 59 của Bộ luật này.

4. Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi ra quyết định tạm giữ, người ra quyết định tạm giữ phải gửi quyết định tạm giữ kèm theo các tài liệu làm căn cứ tạm giữ cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền. Nếu xét thấy việc tạm giữ không có căn cứ hoặc không cần thiết thì Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ và người ra quyết định tạm giữ phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ".

Như vậy, căn cứ để tạm giữ người sẽ dựa trên quyết định truy nã hay trong trường hợp người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc trong trường hợp khẩn cấp.

Lưu ý, căn cứ theo Điều 118 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về thời hạn tạm giữ cụ thể như sau :

"Điều 118. Thời hạn tạm giữ

1. Thời hạn tạm giữ không quá 03 ngày kể từ khi Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nhận người bị giữ, người bị bắt hoặc áp giải người bị giữ, người bị bắt về trụ sở của mình hoặc kể từ khi Cơ quan điều tra ra quyết định tạm giữ người phạm tội tự thú, đầu thú.

2. Trường hợp cần thiết, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ nhưng không quá 03 ngày. Trường hợp đặc biệt, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ lần thứ hai nhưng không quá 03 ngày.

Mọi trường hợp gia hạn tạm giữ đều phải được Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền phê chuẩn. Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi nhận hồ sơ đề nghị gia hạn tạm giữ, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn.

3. Trong khi tạm giữ, nếu không đủ căn cứ khởi tố bị can thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ ; trường hợp đã gia hạn tạm giữ thì Viện kiểm sát phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ.

4. Thời gian tạm giữ được trừ vào thời hạn tạm giam. Một ngày tạm giữ được tính bằng một ngày tạm giam".

Hoài Nguyễn

Nguồn : VNTB, 20/02/2023

************************

Bắt giữ Đỗ Hữu Ca, cựu tướng công an từng chỉ huy vụ đàn áp Đoàn Văn Vươn

NHK, Người Việt, 19/02/2023

Ông Đỗ Hữu Ca, 65 tuổi, cựu thiếu tướng giám đốc Công an thành phố Hải Phòng, vừa bị Công an tỉnh Quảng Ninh "bắt khẩn cấp" vào tối 18/2 vì "liên quan một vụ án hình sự".

dohuuca3

Ông Đỗ Hữu Ca, cựu giám đốc Công an thành phố Hải Phòng. (Hình : Bá Chiêm/Zing)

Báo Zing hôm 19/2 xác nhận tin này và cho biết vụ bắt giữ ông Ca "có sự phối hợp giữa Bộ Công an, Công an tỉnh Quảng Ninh và Công an Hải Phòng".

Còn theo báo Dân Việt, tư gia của ông Ca ở phường Đằng Lâm, quận Hải An, Hải Phòng, bị khám xét vào đêm hôm trước. Một tấm hình đăng trên báo này cho thấy nhiều xe hơi và công an viên mặc thường phục xuất hiện trước nhà ông Ca.

Bản tin của tờ báo Lao Động cho biết thêm, ông Đỗ Hữu Ca bị bắt với cáo buộc "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Theo đó, Công an tỉnh Quảng Ninh vừa khởi tố vụ án "trốn thuế" và "mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước" mà ông Ca được xác định là bị can. Vụ án này xảy ra tại tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng.

Tên tuổi ông Đỗ Hữu Ca gắn liền với phát ngôn mô tả vụ cưỡng chế, đàn áp gia đình "người nông dân bị cướp đất" Đoàn Văn Vươn, tại huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng, hồi tháng 1/2012. Sau vụ đàn áp đó, ông Ca nói đó là "trận đánh đẹp, có thể ghi thành sách".

dohuuca4

Một trong nhiều căn biệt thự của Đỗ Hữu Ca bị công an bố ráp ở Hải Phòng. (Hình : Tuổi Trẻ)

Báo Tiền Phong thời điểm đó dẫn lời ông Ca : "Vụ việc hôm ấy tuy không bắt được đối tượng [Đoàn Văn Vươn] nhưng mà trấn áp được đối tượng. Phải nói rằng việc hiệp đồng tác chiến cực kỳ hay. Tôi bảo, không có cuộc diễn tập nào thành công bằng cuộc diễn tập lần này. Một là, anh em cơ động dùng thuyền để tiếp cận là chưa có bao giờ trong giáo án, đã phải dùng thuyền nan để chèo vào, bí mật áp sát mục tiêu đấy. Đánh mũi trực diện nghi binh ra làm sao. Rồi là tác chiến vòng ngoài, vòng trong thế nào. Tôi nghĩ là rất hay, có thể viết thành sách…".

Đỗ Hữu Ca được ông Trần Đại Quang, khi còn làm bộ trưởng Công an Việt Nam, phong quân hàm thiếu tướng hồi tháng 7/2014, chỉ vài tuần trước phiên xử phúc thẩm ông Đoàn Văn Vươn.

dohuuca5

Ông Đỗ Hữu Ca (trái), được ông Trần Đại Quang, khi còn làm bộ trưởng Công an Việt Nam, thăng hàm thiếu tướng. (Hình : Pháp Luật Việt Nam)

Theo giới quan sát, vụ bắt ông Đỗ Hữu Ca cũng là vụ "chơi lớn" của ông Đinh Văn Nơi, người mới ngồi ghế Công an tỉnh Quảng Ninh được nửa năm và mới được thăng hàm thiếu tướng hồi Tháng Giêng.

Ông Nơi từng được báo VietNamNet dẫn phát ngôn : "…Tôi lựa ai mà quen lớn, có thế lực là tôi bắt trước". 

N.H.K.

Người Việt, 19/02/2023