Tản mạn về văn hóa khen - chê của người Việt (Việt Hoàng)

Sự động viên, khen ngợi chân tình của người dân đối với các tổ chức chính trị là một sự cổ vũ và khích lệ vô cùng lớn lao và quan trọng. Chúng sẽ giúp cho các cá nhân và tổ chức thêm tự tin và mạnh mẽ để vượt qua những khó khăn trên con đường dân chủ hóa đất nước.  



Chúng ta đang sống trong mùa World Cup nên gần như mọi chú ý và quan tâm của người Việt đều hướng về Qatar, nơi tổ chức World Cup 2022. Mặc dù World Cup mới bước vào vòng 1/8 nhưng nhiều kỷ lục đã được ghi nhận ví dụ việc đội tuyển Nhật Bản đã đánh bại 2 cường quốc bóng đá Châu Âu là đội tuyển Đức và Tây Ban Nha. Hàn Quốc cũng đã thắng Bồ Đào Nha để cùng với Nhật và Úc đi tiếp vào vòng 1/8.

Sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh này đã làm lu mờ ít nhiều tình hình cuộc chiến đang ngày càng khốc liệt tại Ukraine, các cuộc biểu tình chống chính sách ‘Zero Covid’ của Tập Cận Bình tại Trung Quốc cũng như tình hình kinh tế - chính trị trên thế giới. Trong thời gian này các bài viết hay các cuộc thảo luận về chính trị chắc không được nhiều người quan tâm vì vậy xin chuyển sang một đề tài khác đó là ‘văn hóa khen chê’ của người Việt.

Đã là con người thì ai cũng thích được khen chứ không muốn bị chê. Tuy nhiên chính vì là con người nên không ai là không mắc phải sai lầm vì thế chuyện bị chê là rất bình thường và cần thiết. Có một câu thành ngữ rất hay đó là ‘người chê ta mà chê phải là thầy của ta, người khen ta mà khen phải thì là bạn ta, những kẻ vuốt ve nịnh bợ chính là kẻ thù của ta’. Khen - chê từ lâu đã được nâng lên thành một nghệ thuật đó là khen thế nào cho đúng để người được khen không thấy xấu hổ và chê thế nào để người bị chê không mất lòng và có thể tiếp nhận được sự thật.

Văn hóa của người Việt Nam, cụ thể là văn hóa Khổng giáo thì luôn chê nhiều hơn là khen. Người ta dễ dàng chê người khác dù đôi khi cái lỗi rất nhỏ trong khi đó lại rất tiết kiệm lời khen vì cho rằng sự khen ngợi sẽ làm cho người được khen trở nên kiêu căng. Người Việt chỉ khen những người đã thành công hoặc là đã…chết chứ không ai khen những người chưa thành công và đang còn sống. ‘Người thành công’ là người đã đạt được một thành tích cụ thể nào đó ví dụ như đã trở nên giàu có hoặc đã thành đạt trên con đường quan lộ bất chấp người đó thành công nhờ thủ đoạn hay vô đạo đức.

khenche-3

Người Việt chỉ khen những người đã thành công hoặc là đã…chết chứ không ai khen những người chưa thành công và đang còn sống. (Ảnh: Phan Chu Trinh, người hiện nay đang được ca ngợi hết lời nhưng lúc sinh thời ông không được nhiều người ủng hộ)

Trong lĩnh vực chính trị là rõ nét nhất, một tướng cướp mà giành được chính quyền, dù không có đạo đức và tàn nhẫn vẫn được ca tụng hết lời như Đinh Bộ Lĩnh hay anh em nhà Tây Sơn. Văn hóa Khổng giáo xem sự thành công là phải có kết quả ngay lập tức trước mắt chứ không phải là những người đã đóng góp cho sự thay đổi. Sự khen chê của người Việt hoàn toàn mang nặng cảm tính, tôn sùng kẻ mạnh chứ không phải vì tôn trọng lẽ phải và sự thật. Việc các vua chúa bắt các sử gia phải viết sử theo ý mình thay vì tôn trọng sự thật là một ví dụ.

Một ví dụ nữa là không ít trí thức Việt Nam trong cũng như ngoài đảng đã ca ngợi Đảng cộng sản không tiếc lời chỉ vì họ đang cầm quyền chứ không phải vì họ tài giỏi hay vì dân vì nước. Ngược lại, những người chê bai Đảng cộng sản Việt Nam cũng bất chấp sự thật. Họ luôn cho rằng Đảng cộng sản ngu dốt, vô học và bất tài. Cả người khen và chê đều quá lời. Sự thật thì việc Đảng cộng sản giành được chính quyền năm 1945 là hoàn toàn chính đáng vì họ đã có sự chuẩn bị để đón nhận cơ hội trong khi các tổ chức khác thì không. Họ đã tìm kiếm một ‘tư tưởng chính trị’ là chủ nghĩa cộng sản để dẫn đường cho các hoạt động. Họ cũng đã chú trọng việc xây dựng và đào tạo một ‘đội ngũ cán bộ nòng cốt’ bằng cách tuyển lựa những thanh niên ưu tú rồi gửi sang Nga và Trung Quốc để đào tạo. Sau đó nhờ vào một vận hội lớn là Thế chiến 2 kết thúc với sự thất bại của phe phát xít trong đó có Nhật Bản (là lực lượng đang chiếm đóng Việt Nam) để vùng dậy và chiếm được quyền lãnh đạo Việt Nam.

Rõ ràng là nội dung và bản chất của chủ nghĩa cộng sản là sai trái, độc hại và hoang tưởng nhưng tiến trình hành động của Đảng cộng sản để dành được chiến thắng là hoàn toàn đúng. Điều này nhắc lại một lần nữa sự quan trọng của ‘tư tưởng chính trị’ và việc xây dựng một ‘đội ngũ cán bộ nòng cốt’ cho mọi tổ chức trước khi bắt tay vào các hành động cụ thể.

Một vấn đề nữa cũng gây ít nhiều tranh cãi trong phong trào dân chủ Việt Nam đó là nên hay không nên khen các tổ chức chính trị dân chủ đối lập và người lãnh đạo của tổ chức đó? Có ý kiến cho rằng không nên vì việc khen ngợi đó giống với những gì cộng sản đã làm. Tốt hơn là để việc đó cho người khác, là một người không thuộc tổ chức lên tiếng thì khách quan hơn…Điều đó có đúng không? Theo tôi thì điều đó hoàn toàn không đúng. Ai cũng biết là Đảng cộng sản đã đánh bóng, bịa đặt và tô vẽ một cách dối trá về người lãnh đạo của họ là ông Hồ, bất chấp sự thật. Chúng ta không thể làm như họ nhưng nếu chúng ta nói đúng sự thật, không thêm bớt thì đâu có gì là sai và không đúng?

Bất cứ một cuộc cách mạng nào cũng cần có một tổ chức chính trị dẫn đường và lãnh đạo. Việc tôn vinh và xây dựng một khuôn mặt làm biểu tượng cho phong trào dân chủ là điều tất yếu. Có rất nhiều ví dụ như trường hợp bà Ang San Suu Kyi tại Myanmar, Mahatma Gandhi tại Ấn Độ, Lech Walesa tại Ba Lan, Nelson Mandela tại Nam Phi hay Vaclav Havel ở Tiệp Khắc…Phong trào dân chủ Việt Nam muốn thành công cũng phải có một tổ chức tiên phong dẫn đường và một khuôn mặt biểu tượng để đoàn kết và tập hợp mọi người lại với nhau.

dcsvn

Không phải cái gì Đảng cộng sản cũng sai. Việc họ đề cao vấn đề tư tưởng chính trị, tổ chức và đội ngũ nòng cốt là hoàn toàn đúng. Họ sai và thất bại vì tư tưởng cộng sản là hoang tưởng và độc hại chứ phương pháp hành động của họ hồi năm 1945 là hoàn toàn đúng.

Ý kiến để người ngoài đánh giá về một tổ chức nào đó cho khách quan cũng không ổn vì nếu người đó hoàn toàn không biết gì về tổ chức đó thì làm sao có thể đánh giá đúng về họ được? Ví dụ trong trường hợp Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, nếu một người không biết gì về chúng tôi thì làm sao họ hiểu được những gì chúng tôi đã và đang làm. Nếu một người đã hiểu chúng tôi thì họ đã là chí hữu hoặc thân hữu của Tập Hợp. Muốn chính xác thì chúng tôi phải nói về chúng tôi trước và sau đó mọi người có thể đánh giá xem chúng tôi nói có đúng không, có tôn trọng sự thật và lẽ phải hay không, để rồi từ đó lên tiếng ủng hộ nếu chúng tôi đúng hoặc phê phán nếu chúng tôi sai.

Việc này cũng không có gì khó hiểu, nó cũng giống như trong các kỳ thi tài, từ các kỳ thi học sinh giỏi, thi ca hát, nghệ thuật hay bất cứ bộ môn nào thì ban giám khảo luôn phải là những người có trình độ chuyên môn cao nhất trong các lĩnh vực đó. Không ai mời một bác nông dân giỏi làm giám khảo cho các cuộc thi về thời trang, hội họa hay âm nhạc. Chính trị cũng vậy, đánh giá chính xác nhất về các tổ chức chính trị chính là…các tổ chức chính trị và những chính trị gia đã có thâm niên trong các tổ chức chính trị. Tại các nước dân chủ thì chính các đảng đối lập mới thường xuyên bóc phốt và chỉ ra những sai lầm của đảng cầm quyền chứ không phải người dân. Những người chưa từng tham gia vào các tổ chức chính trị thì không thể đánh giá đúng về các tổ chức chính trị. Điều này cũng giống như việc những người chưa kết hôn thì không thể biết chính xác cuộc sống hôn nhân là như thế nào và các ý kiến của họ về cuộc sống hôn nhân thường mang tính chủ quan và phiến diện.

Xin đính chính một hiểu lầm do thành kiến hoặc sự hời hợt của một số người Việt đó là khi chúng tôi nói rằng đấu tranh chính trị là phải có tổ chức thì một số người cho rằng chúng tôi muốn mọi người phải tham gia vào…Tập Hợp. Điều đó không đúng. Chúng tôi đã nhiều lần minh định, nếu những người dấn thân đấu tranh cho dân chủ chia sẻ với những giá trị của Tập Hợp thì cánh cửa của Tập Hợp luôn mở rộng chào đón tất cả mọi người còn nếu không thì họ nên thành lập các tổ chức chính trị mới. Tập Hợp không độc quyền chân lý và lẽ phải. Tập Hợp chỉ là một khuynh hướng chính trị để mọi người lựa chọn.

Ranh giới giữa sự tô vẽ, đánh bóng với sự nhìn nhận và tôn vinh những đóng góp của một cá nhân hay một tổ chức chính trị cho nền dân chủ Việt Nam dù mong manh nhưng không khó để nhận ra nếu chúng ta tôn trọng sự thật và lẽ phải. Với sự phát triển của công nghệ thông tin như hiện nay thì việc đi tìm sự thật rất đơn giản và dễ dàng. Nên dứt khoát nói không với sự dối trá và bịa đặt mà nên tôn vinh sự thật và lẽ phải. Sự động viên, khen ngợi chân tình của người dân đối với các tổ chức chính trị là một sự cổ vũ và khích lệ vô cùng lớn lao và quan trọng. Chúng sẽ giúp cho các cá nhân và tổ chức thêm tự tin và mạnh mẽ để vượt qua những khó khăn trên con đường dân chủ hóa đất nước. Cũng nên tôn vinh và ghi nhận sự đóng góp và nỗ lực của những cá nhân xuất sắc ngay từ bây giờ thay vì chờ họ chết mới lên tiếng.

Thế giới đang thay đổi sâu sắc, một trật tự thế giới mới đang hình thành. Đây là một cơ hội lớn cho phong trào dân chủ Việt Nam không khác gì hồi năm 1945. Những người Việt Nam quan tâm đến đất nước không nên bỏ lỡ cơ hội này. Không nên khiêm tốn hoặc tự ti thái quá thì chúng ta mới có thể vượt lên chính mình để cùng nhau mở ra một kỷ nguyên mới cho đất nước, kỷ nguyên của dân chủ và tự do thật sự.

Việt Hoàng

(5/12/2022)