Chính quyền cộng sản Việt Nam đối diện với vấn nạn thất nghiệp (Nguyễn Trí - Thới Bình - Định Tường)

Tình hình hiện tại cho thấy, nền kinh tế Việt Nam có thể còn tiếp tục suy thoái sâu trong năm 2023. Chưa có những tín hiệu khả quan cho sự phục hồi mà chỉ thấy những dấu hiệu bất ổn lâu dài như : Nguy cơ thiếu xăng, thiếu than, thiếu điện trong dài hạn ; nguy cơ vỡ hệ thống ngân hàng ; nhà đầu tư khắp nơi bị mất tiền khi góp vốn vào các doanh nghiệp…



Kinh tế suy thoái, thất nghiệp tràn lan, bức tranh tương lai ảm đạm cho người Việt

Nguyễn Trí, Thoibao.de, 05/12/2022

Nền kinh tế Việt Nam đang vô cùng ảm đạm vào tháng cuối cùng của năm 2022, khi mà có đến 1.235 doanh nghiệp trên cả nước gặp khó han, 472.000 công nhân bị cắt giảm giờ làm và 41.500 người bị mất việc, thị trường tiền tệ thì tuột dốc…

thatnghiep3

Người lao động thất nghiệp đến tìm việc làm tại Trung tâm dịch vụ Giới thiệu việc làm

Tình hình hiện tại cho thấy, nền kinh tế Việt Nam có thể còn tiếp tục suy thoái sâu trong năm 2023. Chưa có những tín hiệu khả quan cho sự phục hồi mà chỉ thấy những dấu hiệu bất ổn lâu dài như : Nguy cơ thiếu xăng, thiếu than, thiếu điện trong dài hạn ; nguy cơ vỡ hệ thống ngân hàng ; nhà đầu tư khắp nơi bị mất tiền khi góp vốn vào các doanh nghiệp… Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng dự báo tình hình sẽ còn kéo dài, sẽ còn có thêm nhiều người lao động mất việc làm và không loại trừ khả năng doanh nghiệp bỏ trốn, không trả lương cho người lao động.

Người lao động Việt Nam có thể phải đối mặt với một giai đoạn đen tối, bế tắc, khi mà họ không tìm được việc làm trong các khu công nghiệp, trở về quê thì đã không còn đất nông nghiệp để sản xuất. Đây là hậu quả của giấc mơ "Công nghiệp hóa, hiện đại hoá" của những vị lãnh đạo Đảng qua nhiều thế hệ. Khi mà định hướng phát triển kinh tế không dựa vào những nghiên cứu thực tế, không gắn liền với thực tiễn, mà chỉ dựa vào mơ ước, vào tưởng tượng của nhóm người nắm quyền sinh sát.

Việt Nam vốn là một quốc gia nông nghiệp, được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu và thổ nhưỡng. Thay vì đầu tư vào nông nghiệp, phát triển những sản phẩm đặc thù phù hợp với thổ nhưỡng Việt Nam và nhu cầu của các nước tiên tiến, thì mấy thập kỷ qua, các thế hệ lãnh đạo Việt Nam chỉ chăm chăm vào phát triển công nghiệp và bất động sản. Còn người dân thì bị cuốn theo những cơn sốt đất ảo. Bao nhiêu bờ xôi ruộng mật bị lấp bằng, bao nhiêu ngọn núi bị cạo trọc, san phẳng để lấy đất đổ xuống những ruộng đồng. Những mảnh ruộng xưa xanh tốt, nay trở thành những khu công nghiệp gây ô nhiễm, những khu dân cư cao cấp hoặc những đô thị ma… Rồi ô nhiễm từ các khu công nghiệp này lại tiếp tục hủy hoại vùng đất nông nghiệp xung quanh. Những khu đất nông nghiệp bị ô nhiễm lại trở nên hoang hóa, hoặc lại biến thành những khu đô thị được xây dựng hoành tráng nhưng lèo tèo cư dân… Vòng xoáy cứ lặp lại và cuối cùng nó hủy hoại toàn bộ nền nông nghiệp Việt Nam.

thatnghiep4

Một khu công nghiệp bỏ hoang

Người nông dân mất đất, một phần do bị quy hoạch cướp đi mảnh ruộng vườn tổ tiên để lại, phần khác thì do làm nông quá vất vả lại luôn thua lỗ, thu nhập rẻ bèo, mà đất thì liên tục sốt. Chỉ cần bán đi mảnh vườn, khu ruộng thì người nông dân nghèo khó bỗng chốc có tiền tỷ trong tay. Nhưng khổ nỗi người nông dân vốn không quen tính toán kinh doanh, tiền bán đất đem đầu tư làm ăn một thời gian thì hết vốn, họ lại quay lại cuộc đời làm thuê. Nếu bỏ tiền đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu thì cũng bị lừa cho mất trắng. Người nông dân từ bỏ ruộng vườn, lam lũ kéo nhau vào làm công trong các khu công nghiệp. Kết quả, khi nền kinh tế suy thoái, họ hoàn toàn trắng tay. Sự trắng tay ở đây không chỉ là mất công ăn việc làm mà còn là mất đi tất cả sinh kế, họ không còn chỗ nào để dựa, không còn đường để lui…

Ngày 29/11, một bài báo được đăng trên trang VOA tiếng Việt, với tiêu đề "Xuất khẩu điện thoại thông minh từ Việt Nam sụt giảm trước dịp Giáng sinh" nói về tình trạng cắt giảm sản xuất của Samsung tại Việt Nam trong tháng 11 này. Một nguồn tin từ Chính phủ Việt Nam cũng xác nhận, Samsung đã cắt giảm sản lượng 2 lần trong năm nay.

Samsung hiện có 8 nhà máy ở Việt Nam, tập trung ở các địa phương : Thái Nguyên, Bắc Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh. 60% sản lượng của Samsung được sản xuất tại Việt Nam, chiếm 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Hầu hết điện thoại thông minh của Samsung sản xuất tại Việt Nam đều được xuất sang thị trường phương Tây. Nói như vậy để thấy, việc sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Samsung có ảnh hưởng lớn như thế nào đối với nền kinh tế Việt Nam.

thatnghiep5

Công nhân trong nhà máy Samsung

Nhưng không chỉ Samsung, rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu khác cũng bị ảnh hưởng. Các doanh nghiệp bị ảnh hưởng này chủ yếu thuộc các ngành nghề : dệt may, da giày, chế biến gỗ, gia công linh kiện điện tử, thủy sản và cơ khí. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp này bị mất đơn hàng từ thị trường Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản ; do nguồn cung nguyên vật liệu gặp khó khăn, chi phí vận chuyển tăng cao và những biến động từ tình hình thế giới. Tổng sản lượng xuất khẩu trong 11 tháng giảm 8,4%.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, con số 472.000 người bị cắt giảm giờ làm, 41.500 người bị mất việc chỉ là con số thống kê trên 44 tỉnh thành và chỉ với những người có hợp đồng. Như vậy, nếu tính cả những lao động thời vụ, lao động bán thời gian… và tính trên cả 63 tỉnh thành thì con số còn cao hơn nhiều nữa. Ước tính, có đến 88% lao động bị ảnh hưởng ở khu vực phía Nam. Tình trạng lao động mất việc đang có xu hướng lan rộng, không chỉ ở Thành phố Hồ Chí Minh mà còn nhiều tỉnh thành khác. Bế tắc, bị bần cùng hóa là những viễn cảnh gần của người lao động.

Liệu Đảng cộng sản có thể giải quyết được bài toán khó này và giải quyết tận gốc rễ vấn đề hay không ? Nếu chỉ giải quyết những nguyên nhân bề nổi thì có thể cứu vãn được một thời gian, rồi những ung nhọt đến thời kỳ sẽ lại bùng phát. Còn nếu không thể giải quyết, thì hậu quả khó lường. Khi người dân bị đẩy vào chân tường, tất sẽ "tức nước vỡ bờ".

Nguyễn Trí (Tổng hợp)

Nguồn : Thoibao.de, 05/12/2022

****************************

Thất nghiệp và tinh giản biên chế

Thới Bình, VNTB, 05/12/2022

Thất nghiệp là chuyện của nền kinh tế thị trường, có lên thì ắt có xuống. Còn tinh giản biên chế thì đó là câu chuyện của khi đảng (đảng ở đây là Đảng cộng sản Việt Nam) thích thì…

thatnghiep1

Nghị quyết – Nghị quyết – Kết luận

Năm 2015, Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về "Về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức" yêu cầu sau sáu năm, đến năm 2021, biên chế của bộ, ban ngành bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị – xã hội, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải giảm 10%. Các đơn vị sự nghiệp công lập cũng phải tự bố trí nguồn thu ngoài ngân sách của mình để trả cho ít nhất 10% số lượng viên chức trong tổ chức của mình (*).

Đến năm 2017, Nghị quyết số 19-NQ/TW tiếp tục yêu cầu mạnh mẽ hơn, nhưng hướng đến các đơn vị sự nghiệp công lập chủ yếu. Theo đó, nghị quyết đặt ra một lộ trình nghiêm khắc : đến năm 2021, cả nước phải giảm 10% số đơn vị sự nghiệp công lập và giảm tối thiểu 10% số biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Đến năm 2025, những con số này phải giảm 10% so với năm 2021 và đến năm 2030, phải giảm tiếp số biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2025 (**).

Vào tháng bảy vừa qua, trong Kết luận 40-KL/TW, việc giảm biên chế lại được nhắc đến với yêu cầu không phân biệt trung ương hay địa phương, không phân biệt tổ chức nhà nước hay sự nghiệp công lập, không phân biệt công chức hay viên chức mà là của toàn hệ thống chính trị.

Theo văn kiện mới nhất đó của đảng do Thường trực Ban Bí thư ký ban hành, thì chuyện tinh giản biên chế được Đảng giới hạn như sau :

"Trước mắt giữ ổn định số lượng biên chế công đoàn địa phương đã giao vượt so với biên chế được giao. Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các cấp uỷ, tổ chức đảng liên quan tiến hành kiểm tra, tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình quản lý và giao biên chế công đoàn làm cơ sở tham mưu, hướng dẫn việc giao biên chế đối với cơ quan liên đoàn lao động cấp tỉnh, cấp huyện.

Sau khi có hướng dẫn giao biên chế đối với cơ quan liên đoàn lao động cấp tỉnh, cấp huyện thì ban thường vụ tỉnh uỷ, thành ủy thực hiện giao biên chế công đoàn theo quy định trong tổng số biên chế được giao.

Biên chế được giao giai đoạn 2022 – 2026 không bao gồm lao động hợp đồng. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị tự quyết định việc sử dụng hợp đồng lao động và trả lương, phụ cấp cho lao động hợp đồng theo quy định từ ngân sách chi thường xuyên của cơ quan, đơn vị.

Bộ Chính trị ủy quyền cho Ban Chỉ đạo xem xét, quyết định sử dụng biên chế dự phòng khi cần thiết (biên chế dự phòng khoảng 0,5% tổng biên chế). Ban Tổ chức Trung ương, Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương, Ban cán sự đảng Toà án nhân dân tối cao, Ban cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ban cán sự đảng Kiểm toán Nhà nước quản lý biên chế các cơ quan, tổ chức, địa phương, đơn vị trực thuộc theo thẩm quyền" (***).

Chính sách – Cơ cấu – Chỉnh đốn Đảng

Kết luận số 40-KL/TW, ngày 18/07/2022 của Bộ Chính trị "về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022 – 2026" là văn bản nằm trong lĩnh vực được gọi là "Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng".

Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17/04/2015 của Bộ Chính trị "về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức" là văn bản được đảng quy định là nằm trong lĩnh vực "Cơ cấu – Tổ chức" với người ký ban hành là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII "về tiếp tục đổi mới và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập", là văn bản nằm trong lĩnh vực "Chính sách", Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành.

Từ ba văn bản có cùng nội dung nhưng thuộc ba lĩnh vực khác nhau theo cách nhìn của Đảng cho thấy cái gọi là tinh giản biên chế đối với những cán bộ, công chức, viên chức không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, tức năng lực kém để rồi hiện tại người đứng đầu Đảng đang kêu gọi những trường hợp là cán bộ cấp cao nên tự nguyện từ chức, vẫn là loay hoay theo định hướng từng giai đoạn khác nhau về thời thế trong chính bộ máy Đảng.

Tạm gác qua yếu tố cạnh tranh giữa những đảng chính trị ở quốc hội, có thể thấy rằng các quốc gia phương Tây trong hàng thập kỷ qua đã xây dựng một nền công vụ, mà tuyển dụng và bổ nhiệm dựa trên năng lực (merit-based), nên họ không phải giải quyết vấn đề năng lực kém của cán bộ.

Còn ở Việt Nam thì "bổ nhiệm" căn cứ vào "cơ cấu nhân sự" do Đảng sắp xếp trước với những quy định thuần chính trị như để là bộ trưởng thì người đó phải trải qua thời gian nhất định nào đó ở ghế phó bí thư tỉnh, phó chủ tịch hay chủ tịch tỉnh, bí thư tỉnh thì mới "đủ chuẩn chính trị" để "hoàn tất thủ tục" cho việc ngồi vào ghế bộ trưởng.

Như vậy ở cả ba văn bản gọi là "tinh giản biên chế", cho thấy để Việt Nam giải quyết được vấn đề năng lực cán bộ, thì việc phân loại, đánh giá và sắp xếp mới chỉ là bước đầu. Việt Nam vẫn cần phải xây dựng một nền tuyển dụng dựa hoàn toàn trên năng lực, không phân biệt lý lịch chính trị, tôn giáo.

Thới Bình

Nguồn : VNTB, 05/12/2022

Chú thích :

(*)https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/nghi-quyet-so-39-nqtw-ngay-1742015-cua-bo-chinh-tri-ve-tinh-gian-bien-che-va-co-cau-lai-doi-ngu-can-bo-cong-chuc-173

(**)https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/nghi-quyet-so/19-nqtw-ngay-25102017-hoi-nghi-lan-thu-sau-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xii-ve-tiep-tuc-doi-moi-he-3635

(***)https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/ket-luan-so-40-kltw-ngay-1872022-cua-bo-chinh-tri-ve-nang-cao-hieu-qua-cong-tac-quan-ly-bien-che-cua-he-thong-chinh-8690

************************

Mùa… thất nghiệp

Định Tường, VNTB, 04/12/2022

Nhắc đến Tết, người công nhân mất việc chỉ cười buồn : "Tết nay chắc khó".

thatnghiep2

Người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. (Nguồn : congdoan.vn) 

Trong những tháng qua, hàng loạt doanh nghiệp không có các đơn hàng mới do ảnh hưởng của tình hình thế giới, nhiều nơi doanh nghiệp cố gắng xoay xở từ giãn ca, cho nghỉ luân phiên… để chờ đơn hàng dồi dào trở lại.

Theo thống kê của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, từ đầu năm đến ngày 28/11/2022, hơn 472.000 lao động đang chịu ảnh hưởng trực tiếp suy giảm việc làm, mất việc. Trong đó hơn 41.500 lao động mất việc và 430.600 người bị giảm giờ làm hằng ngày, làm cách nhật, nghỉ hưởng lương ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng.

Nhìn vấn đề ở tầm vĩ mô cho thấy ở đây rất có thể là lỗi của truyền thông định hướng, khi các khó khăn được dự báo ngay lúc đang xảy ra dịch giã đã được cơ quan tuyên giáo đảng đánh giá không đúng mức, đưa đến ngay cả Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng vẫn một mực tin rằng "Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".

Cần nhắc lại để thấy đâu là sai lầm khiến người lao động lâm cảnh bi đát như hiện tại. Đó là câu chuyện ngay ngày khai mạc Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Tại phiên khai mạc Đại hội XIII của Đảng sáng 26-1/2021, khi ấy ông Nguyễn Phú Trọng là Tổng Bí thư kiêm nhiệm Chủ tịch nước, đã có bài diễn văn mang tên "Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII", có đoạn "tụng ca" với những so sánh dễ tạo ngộ nhận đối với những ai ‘ngoại đạo’ về kiến thức quản trị kinh tế :

"Năm 2020, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động mạnh đến nước ta, gây nhiều thiệt hại về kinh tế – xã hội, nhưng với sự nỗ lực cố gắng vượt bậc, đất nước đã đạt được những kết quả, thành tích đặc biệt hơn so với các năm trước.

Trong khi kinh tế thế giới suy thoái, tăng trưởng âm gần 4%, kinh tế nước ta vẫn đạt mức tăng trưởng 2,91%, là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới.

Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ; sự lãnh đạo nhạy bén, đúng đắn của Đảng ; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời của Chính phủ ; sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của cả hệ thống chính trị ; sự đồng tình, hưởng ứng, ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài, chúng ta đã kịp thời khống chế, cơ bản kiểm soát, ngăn chặn được sự lây lan của đại dịch Covid-19 trong cộng đồng ; hạn chế tối đa những thiệt hại, tổn thất do dịch bệnh gây ra, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội cho nhân dân ; từng bước khôi phục sản xuất kinh doanh, nỗ lực hoàn thành ở mức cao nhất các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của năm 2020 và cả giai đoạn 2016 – 2020.

Việt Nam được thế giới ghi nhận, coi là điểm sáng trong việc thực hiện thắng lợi "mục tiêu kép" vừa khống chế, ngăn chặn đại dịch Covid-19 thành công ; vừa phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm đời sống và an toàn cho người dân.

(…) Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng : Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta…" – tríchToàn văn bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

Kiểu ‘tự sướng’ trên dẫn tới một tai hại là tạo tâm lý chủ quan cho cả hệ thống chính trị.

Bởi ghi nhận từ Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) lại cho thấy thực tế có gam màu xám xịt ngay sau Đại hội Đảng XIII (*), thế nhưng dường như các con số thống kê đó đã không đủ sức trong thay đổi niềm phấn khích về "cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế" của Tổng bí thư, để rồi hệ lụy trước mắt là người lao động đang… mất Tết (!?).

Định Tường

Nguồn : VNTB, 04/12/2022

Ghi chú :

(*)https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2021/10/tac-dong-cua-dich-covid/19-den-tang-truong-cac-khu-vuc-kinh-te-quy-iii-nam/2021/)