Tại sao Tổ Quốc Ăn Năn ? (Nguyễn Văn Khánh)
Có thể nói rằng, với tác phẩm chính luận Tổ Quốc Ăn Năn, ông Nguyễn Gia Kiểng là nhà tư tưởng chính trị lớn nhất của Việt Nam từ trước tới nay.
Tổ Quốc Ăn Năn là cuốn sách dày hơn 600 trang của ông Nguyễn Gia Kiểng, hiện sinh sống tại Cộng hòa Pháp. Ông là một nhà tư tưởng chính trị, một nhà cách mạng, một người hoạt động chính trị lâu năm của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Tác phẩm Tổ Quốc Ăn Năn là một cuốn chính luận được viết rất công phu, chứa đựng nhiều kiến thức từ lịch sử cho đến hiện tại. Cuốn sách đã tái bản nhiều lần và được chỉnh lý, bổ sung cho chính xác hơn, chau chuốt hơn.
Toàn bộ tác phẩm đã đề cập tới lịch sử, văn hóa Việt Nam dưới góc nhìn của một nhà hoạt động chính trị dân chủ. Nhiều luận điểm gai góc được đưa ra mổ xẻ vì sao? Tại sao?...và sau đó là những giải đáp thấu đáo về những vấn đề gây ra rất nhiều tranh cãi trong giới trí thức chính trị trong nước và hải ngoại.
Nhiều nhà ngôn ngữ học và trí thức Việt Nam đã đánh giá cao tác phẩm này. Ví dụ, theo nhận xét của ông Đoàn Xuân Kiên, một chuyên gia ngôn ngữ học sống tại London - Anh Quốc thì Tổ Quốc Ăn Năn là “một tác phẩm chính luận độc đáo nhất do một người Việt Nam viết trong thế kỷ 20. Rất ít khi tiếng Việt được sử dụng một cách chính xác và truyền cảm như cuốn sách này, nó làm cho chúng ta yêu tiếng Việt và tự hào về tiếng Việt”. Ngoài ra còn nhiều các nhà bình luận tên tuổi của người Việt trên thế giới có nhận xét rất tích cực về tác phẩm này. Tuy nhiên trong bài viết này tôi không thể trích dẫn hết được, bạn đọc có thể trực tiếp đọc và cảm nhận về tác phẩm này trên mạng xã hội Facebook hoặc Google.
Mọi người có thể dễ dàng tìm đọc cuốn Tổ Quốc Ăn Năn trên Google và mạng Facebook.
Cuốn sách Tổ Quốc Ăn Năn là tác phẩm chính luận rất ‘khó chịu’ với đa số người Việt Nam vì nó lột trần văn hóa, lịch sử dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử. Tác phẩm này chỉ thích hợp với những người dám nhìn nhận chính mình và xét lại lịch sử dân tộc Việt Nam. Muốn đọc và hiểu được tác phẩm này phải có kiến thức nhất định về ngôn ngữ và kiến thức về chính trị, phải có trình độ hiểu biết trên trung bình về xã hội, lịch sử dân tộc.
Tác phẩm này từ khi mới ra đời đã gặp không ít phản bác của một số người Việt, ngay từ cái tên của cuốn sách. Ông Nguyễn Việt Tộc, một Facebooker, một người hoạt động xã hội dân sự nhận xét “Tiêu đề Tổ Quốc Ăn Năn là phi nghĩa, đó không phải là câu văn tiếng Việt”. Theo ông thì Tổ Quốc là đất nước của tổ tiên để lại cho con cháu, Tổ Quốc là vật vô tri làm sao ăn năn được đây ? Như vậy không lẽ ông Nguyễn Gia Kiểng dùng sai tiếng Việt hoặc chưa sử dụng thành thạo chữ quốc ngữ ?
Cái quan trọng là từ nhận định đó phải đưa ra một đề án giải quyết vấn nạn của chúng ta thì không thấy tác giả nói tới. Trả lời nhận xét này của độc giả Nguyễn Việt Tộc, tôi trả lời như sau: Một vùng đất không có người ở như Bắc Cực, Nam Cực hay sa mạc thì có ai gọi là Tổ Quốc không ? Vậy Tổ Quốc chính là nơi có con người đã sống, đang sống và sẽ sống! Tổ Quốc gắn liền với Con người. Con người phải ăn năn về những việc sai trái làm Tổ Quốc tụt hậu! Còn giải quyết vấn nạn như ông đề cập thì phải do các tổ chức chính trị có dự án cụ thể thực thi, tác phẩm Tổ Quốc Ăn Năn có nhiệm vụ chỉ ra nguyên nhân của vấn đề. Hy vọng ông Nguyễn Việt Tộc nhận ra mình hiểu sai thâm ý của tác phẩm Tổ Quốc Ăn Năn.
Đây chỉ là nhận xét của một độc giả tiêu biểu đã sống dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa sau đó sang Hoa Kỳ tị nạn. Trong toàn bộ tác phẩm chính luận, ông Nguyễn Gia Kiểng đã cho người đọc tái hiện lịch sử, văn hóa Khổng giáo chi phối tới hành vi con người Việt xuyên suốt hàng nghìn năm. Những nhận xét của ông gây bùng nổ tranh luận ở ngoài xã hội và trên truyền thông mạng một thời gian dài, từ thập kỷ 80 thế kỷ 20 cho tới nay, thế kỷ 21 vẫn chưa hết bàn cãi.
Có một điều kỳ diệu là tác phẩm này được giới chính trị cộng sản rất thích đọc và không hề phản bác về ngôn ngữ. Còn giới bình dân thì ít hiểu, khó đọc vì nội dung khá chuyên sâu về khoa học lịch sử, chính trị, tư tưởng, văn hóa dân tộc Việt Nam dưới sự chi phối của văn hóa Khổng giáo suốt hàng nghìn năm qua.
Tác giả Nguyễn Gia Kiểng
Tại sao Tổ Quốc phải ăn năn, hối lỗi những việc làm sai trái dẫn tới vấn nạn độc tài toàn trị cộng sản hiện nay ? Câu trả lời: Tổ Quốc chính là toàn bộ con người Việt Nam chúng ta, từ xưa cho đến bây giờ. Chế độ Việt Nam hồi trước là phong kiến tập quyền, bị ảnh hưởng nặng nề của văn hóa Khổng giáo từ Trung Quốc tràn vào. Những thế lực cai trị của Việt Nam luôn dùng Tổ Quốc làm bình phong để ru ngủ lớp dân chúng ít học. Với trí thức thì văn hóa Khổng giáo (Nho giáo) nặng về qui phục làm công cụ phục vụ vua quan triều đình. Những cuộc nội chiến, tranh dành quyền lực đẫm máu trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam cũng do văn hóa Khổng giáo dẫn dắt và chi phối, tư tưởng quyết định hành động. Các chế độ vua chúa phong kiến ra đời rồi suy vong do bạo lực chiến tranh gây ra liên tục hàng nghìn năm.
Rồi tới đầu thế kỷ 20, chủ nghĩa cộng sản tràn vào Việt Nam cũng là do con người Việt Nam, cụ thể là Đảng cộng sản Việt Nam mang vào, từ năm 1930. Nó đã gây ra bao cuộc chiến đẫm máu Bắc Nam từ 1945 - 1975 và nhiều cuộc chiến khác với Mỹ, Trung Quốc, Campuchia…lấy đi sinh mạng của hàng triệu người Việt Nam. Con người Việt Nam lạc hậu so với thế giới văn minh vì bị chính văn hóa Khổng giáo chi phối, không dám thay đổi, dậm chân tại chỗ trong khi thế giới xung quanh thay đổi rất nhanh. Như thế, chính con người Việt Nam phải ăn năn hay nói một cách hình tượng là Tổ Quốc phải ăn năn.
Tại sao dân tộc Việt không tránh được chủ nghĩa cộng sản ? Vì con người Việt Nam kém cỏi hơn các dân tộc khác, vì không nhận thức được có tư tưởng khác ngoài tư tưởng ngoại lai Mác - Lê Nin ? Xem đấu tranh giai cấp là động lực phát triển xã hội ?...Chung qui tất cả là do văn hóa Khổng giáo chi phối. Chủ nghĩa cộng sản là bản sao của văn hóa Khổng giáo. Tác giả Nguyễn Gia Kiểng gây ra không ít tranh cãi nhưng cuối cùng ông đã đúng, sự thật luôn có sức mạnh.
Tác phẩm Tổ Quốc Ăn Năn là tác phẩm hoàn chỉnh về tư tưởng chính trị dân chủ cho Việt Nam hiện nay, trước đó Phan Chu Trinh cũng đưa ra nhiều ý tưởng chính trị dân chủ nhưng không hoàn chỉnh, còn phiến diện, sơ sài, chưa có sức thuyết phục do vẫn còn ảnh hưởng của Khổng giáo và thời đại. Có thể nói tác phẩm chính luận Tổ Quốc Ăn Năn là dòng tư tưởng chính để người Việt Nam thay đổi chế độ chính trị cộng sản độc tài sang chế độ chính trị dân chủ đa nguyên.
Tác giả Nguyễn Gia Kiểng là một người con của đồng bằng Bắc bộ Việt Nam, ông đến Pháp du học từ khi còn rất trẻ. Nhờ được tiếp xúc với cái nôi của văn minh nhân loại, nơi phát sinh các nhà tư tưởng lớn cộng với tình yêu quê hương và một cái nhìn vượt thoát lên so với thời đại mình mà ông Nguyễn gia Kiểng đã viết xong tác phẩm này một cách hoàn chỉnh.
Ông Nguyễn Gia Kiểng cùng với những người cùng chí hướng đã thành lập tổ chức chính trị đối lập Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên năm 1982, đến nay vừa tròn 40 tuổi (1982 - 2022) với dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai. Là một nhà văn, nhà báo, nhà hoạt động chính trị đầy kinh nghiệm, bao lời khen chê cũng chẳng quan trọng với ông, quan trọng nhất là ông đã mang lại cho dân tộc Việt Nam một tư tưởng chính trị dân chủ theo kịp thời đại văn minh.
Có thể nói, không có chế độ cộng sản thì chưa chắc đã có tác phẩm chính luận Tổ Quốc Ăn Năn, nó vừa là nguyên nhân vừa kết quả của một giai đoạn đầy biến động của Việt Nam. Tác phẩm Tổ Quốc Ăn Năn là tư tưởng chính trị rất quan trọng, nó chỉ ra rằng Việt Nam muốn có thay đổi thì phải thay đổi văn hóa Khổng giáo bằng văn hóa dân chủ, tư tưởng bao giờ cũng đi trước, hướng dẫn cho hành động. Việt Nam bao nhiêu năm không thay đổi vì văn hóa Khổng giáo nô lệ, người có học chỉ là công cụ, phục vụ kẻ cai trị mà không bao giờ có ý định thay đổi xã hội. Họ không dám cãi lại kẻ cầm quyền vì nghĩ rằng như thế là phạm thượng, phản vua và bị tru di tam tộc...
Có thể nói rằng, với tác phẩm chính luận Tổ Quốc Ăn Năn, ông Nguyễn Gia Kiểng là nhà tư tưởng chính trị lớn nhất của Việt Nam từ trước tới nay. Phan Châu Trinh cũng là người có nhiều tư tưởng mới nhưng chưa có tác phẩm hoàn chỉnh, chỉ có một số bài viết ngắn về khái niệm Dân chủ từ đầu thế kỷ 20, chưa đủ thuyết phục để giới tinh hoa thời đó hưởng ứng, dẫn tới việc ông Hồ Chí Minh mang chủ nghĩa ngoại lai Mác - Lê Nin vào Việt Nam và thành công áp đặt chế độ chính trị độc tài toàn trị cho tới ngày nay.
Ngoài tác phẩm Tổ Quốc Ăn Năn, tác giả còn là nhà báo, nhà bình luận thời sự với hàng trăm bài viết phục vụ bạn đọc khắp nơi ở trong nước và hải ngoại. Năm nay ông vừa tròn 80 tuổi dù vậy ông vẫn còn rất phong độ và minh mẫn trong cách nói, cách viết với lối trình bày mạch lạc mà không phải ai cũng có được.
Nguyễn Văn Khánh
Ba Lan (5/11/2022)