Duy trì ngôn ngữ và bảo tồn văn hóa (Song Chi)

Thực tế, cộng đồng di dân người Việt, có thể không có những xung đột gay gắt về tôn giáo hay sắc tộc như một số cộng đồng di dân khác, nhưng sự chia rẽ trong người Việt lại do lý do chính trị, do hậu quả của lịch sử để lại.


Người Việt ở nước ngoài và vấn đề duy trì ngôn ngữ, bảo tồn văn hóa

Kể từ biến cố lịch sử 30/4/1975 cho đến nay, cộng đồng người Việt đã có mặt ở nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới, và tại một số quốc gia như Hoa Kỳ, Canada, Úc, Anh, Pháp, Đức… cộng đồng người Việt đã có được những thành công bước đầu về kinh tế, nhiều người đã hội nhập và trở thành bác sĩ, kỹ sư, luật sư, thẩm phán, dân biểu, nghị sĩ… Thời gian qua đi, thế hệ thứ hai, thứ ba sinh ra và lớn lên ở nước người, càng dễ hội nhập và thành công hơn, nhưng mặt khác, số lượng người Việt thế hệ thứ hai, thứ ba nói, đọc, viết tốt tiếng Việt, hiểu được lịch sử, văn hóa Việt, quan tâm đến tình hình vận mệnh Việt Nam cũng ngày càng ít…

nguoiviet1

Giới trẻ gốc Việt ở Mỹ trong trang phục truyền thống. Ảnh minh họa

Nhận xét về tình trạng giới trẻ Việt ở nước ngoài không còn nhiều người sử dụng tốt tiếng Việt cũng như văn hóa Việt đang bị mai một dần, nhà báo Từ Thức (trước 1975, là Tổng thư ký nguyệt san Đối Thoại của sinh viên Đại học Văn Khoa Sài Gòn, đặc phái viên của Việt Tấn Xã (Việt Nam Cộng Hòa) trong suốt cuộc hội đàm về Việt Nam tại Paris, cộng tác với Bách Khoa, Văn… sau 75, cộng tác với nhiều báo, websites tại hải ngoại, hiện sống tại Paris) nói :

"Đó là một điều đáng tiếc. Đánh mất bản sắc, văn hóa cũng như đánh mất chính mình. Việc thế hệ thứ 2, thứ 3 và sau này giữ được ít nhiều bản sắc của dân tộc là chuyện cực kỳ khó, khi lớp trẻ học trường ngoại quốc, liện hệ suốt ngày với bạn bè, đồng nghiệp nước ngoài. Ngoài vấn đề ngôn ngữ, bảo tồn tiếng Việt, một chuyện khác, ít phụ huynh làm, là giải thích ý nghĩa của văn hóa Việt Nam cho lớp trẻ. Nhưng việc này cũng cần tìm hiểu, suy nghĩ, thảo luận với nhau, bởi vì không phải cái gì của dân tộc cũng tốt. Có cái phải gìn giữ, có cái phải bỏ. Đó là việc làm chung của một cộng đồng lành mạnh.

Một việc khác, đơn giản hơn, cũng rất ít người làm: giải thích cho lớp trẻ hiểu lịch sử Việt Nam cận đại, chiến tranh Việt Nam, di cư 54, boat people 75. Không hiểu lịch sử, nhất là lịch sử sống của cha mẹ, lớp trẻ coi Việt Nam là một cái gì trừu tượng, xa lạ. Kinh nghiệm cho thấy lớp trẻ sống ở hải ngoại rất tò mò, muốn hiểu những gì cha mẹ đã từng trải, chịu đựng".

Ông Nguyễn Gia Kiểng (cựu kỹ sư, chuyên viên kinh tế chế độ Việt Nam Cộng Hòa, thành viên Ban lãnh đạo Tập hợp Dân chủ Đa Nguyên, hiện sống tại Paris) cũng nói :

"Không còn sử dụng được tiếng Việt đồng nghĩa với mất căn cước Việt Nam, bởi vì ngôn ngữ là cốt lõi của căn cước dân tộc. Không nói được tiếng Việt thì người ta cũng không hiểu được nước Việt Nam và dần dần cũng mất đi sự gắn bó. Đây là mất mát rất lớn.

Chiến thắng cộng sản ngày 30/04/1975 đã là một thảm kịch lớn cho đất nước nhưng nó cũng đã tạo ra cho Việt Nam một cộng đồng người Việt hải ngoại mà trước đó chúng ta không có. Quan sát các nước vừa trỗi dậy ta có thể thấy các cộng đồng hải ngoại luôn luôn có đóng góp quan trọng quyết định. Đó là những con mắt của một dân tộc để quan sát thế giới và học hỏi. Đó cũng là những nguồn tiếp liệu về vốn đầu tư và kiến thức. Trong số khoảng 4 triệu người Việt ở nước ngoài có ít nhất nửa triệu người trẻ tốt nghiệp đại học trong đủ mọi ngành. Cộng đồng người Việt hải ngoại là một tài nguyên vô cùng quý báu và cần thiết cho tương lai mà chúng ta đang mất đi. Chúng ta cần một thức tỉnh lớn để đảo ngược khuynh hướng tai hại này".

Trước câu hỏi phải làm gì trước hiện trạng này, nhà báo Từ Thức nói :

"Việc này phức tạp, khó trả lời trong vài câu. Nhưng chuyện đầu tiên là ý thức. Ý thức rằng bản sắc dân tộc là lẽ sống còn, nhất là đối với một dân tộc đang bị Tàu xâm lăng trên mọi lãnh vực, kể cả, nhất là lãnh vực văn hoá. Khi đã có ý thức, những sáng kiến sẽ tới"

Kỹ sư Nguyễn Gia Kiểng :

"Thế hệ trẻ hải ngoại có hai thành phần chính. Một thành phần là con em của những người tỵ nạn cộng sản sau 1975. Thành phần thứ hai là con em của những ra đi trong hai thập niên 1980 và 1990 sau khi Việt Nam đã mở ra với thế giới, đi theo chính sách xuất khẩu lao động, hay du học, hay luồn lách để ra được nước ngoài. Hai thành phần này tuy khác nhau trên nhiều mặt nhưng có một điểm chung là cha mẹ họ đều có những kỷ niệm không đẹp đối với quê hương cũ và do đó không cố gắng để ràng buộc họ với đất nước. Hơn nữa trong tuyệt đại đa số họ lớn lên trong các nước dân chủ và càng thấy xa lạ, thậm chí dị ứng, đối với chế độ độc tài trong nước. Kết quả là họ không quan tâm tìm hiểu đất nước và ngôn ngữ Việt Nam, rồi căn cước Việt Nam mờ nhạt dần.

Điều mà chúng ta cần là hòa giải đất nước Việt Nam với cộng đồng người Việt hải ngoại để cho tuổi trẻ Việt Nam hải ngoại có lý do để yêu nước. Điều này chỉ có một chế độ dân chủ mới làm được. Tôi tin rằng đất nước ta sẽ có dân chủ trong một tương lai không xa. Trong khi chờ đợi các cha mẹ và anh chị cần ý thức rằng giữ bản sắc dân tộc cho con em là một nghĩa vụ tình cảm".

Trong số các cộng đồng người Việt ở nước ngoài, cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ là đông nhất, xấp xỉ hai triệu người, trong đó California là nơi có đông người Việt sống nhất. Chính vì vậy, vấn đề dạy tiếng Việt hay gìn giữ bản sắc văn hóa cũng thuận lợi hơn. Ông Tạ Trung (kỹ sư, từng làm việc trong ngành Quốc phòng và Không gian Hoa Kỳ tại các hãng Hughes Aircraft, Boeing và Raytheon trong gần 40 năm ; ông cũng được biết trong cộng đồng người Việt tại Nam California là nhà giáo dục và nhà lãnh đạo cộng đồng) cho biết :

"Ở khu vực Little Saigon, chúng tôi có 2 trường Việt ngữ là Trung tâm Việt ngữ Hồng Bàng và Trung tâm văn hóa Việt Nam, mỗi cuối tuần cũng khoảng 7-800 em học sinh mỗi trường, ngoài ra có khoảng chừng 50 trung tâm Việt ngữ nữa bên Phật giáo, Công giáo, Cao đài, Hòa hảo…

Bên cạnh việc giảng dạy Việt ngữ, chúng tôi cũng sinh hoạt trong đoàn văn nghệ Lạc Hồng, trên dưới khoảng 100 người, phần lớn là các em trẻ, vô đây học đàn tranh, đàn bầu, đàn cò, thổi sáo… Tới giờ phút này là các em thế hệ thứ 7 rồi, có những em ra trường là bác sĩ, kỹ sư, dược sĩ… nhưng khi chúng tôi tổ chức những chương trình văn nghệ hàng năm thì các em vẫn trở về cùng làm việc với đoàn, cũng như giúp cho các em nhỏ. Chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy tinh thần các em học đàn tranh, đàn bầu cũng khá đông, vì vấn đề học Việt ngữ là cha mẹ bắt học, nhưng còn học đàn tranh, đàn bầu là các em tự nguyện. Ngay cả những điệu vũ nữa, sau này có những em học giỏi rồi tự cải biên cho hội nhập với cộng đồng Mỹ hơn, chúng tôi rất mừng vì điều đó chứng tỏ các em thẩm thấu được những tinh hoa, những điều tốt đẹp trong âm nhạc truyền thống của mình và tự cải biên, cải tiến, và chúng tôi rất hoan nghênh tinh thần đó".

Ở những quốc gia khác thì không được như vậy. Ví dụ như ở Pháp, về việc giảng dạy tiếng Việt, kỹ sư Nguyễn Gia Kiểng cho biết :

"Tại thủ đô Paris có một số hội đoàn mở những lớp dạy tiếng Việt hàng tuần. Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Paris là một thí dụ. Hội từ thiện Măng Non cũng tổ chức những lớp dạy tiếng Việt hàng tuần và dùng học phí thu được để giúp học sinh nghèo tại Việt Nam. Tôi cũng có nghe nói tới một vài lớp dạy tiếng Việt khác. Tuy vậy nói chung những cố gắng này vẫn còn ở rất xa mức độ mà nhu cầu giữ gìn bản sắc Việt Nam đòi hỏi. Ở các tỉnh theo chỗ tôi biết cố gắng giảng dạy tiếng Việt còn rất yếu".

Nhà báo Từ Thức nói them :

"Ở Pháp, những hoạt động nhằm bảo tồn văn hóa cũng có, nhưng chỉ là những sinh hoạt lẻ tẻ. Vì người Việt ở Pháp, tương đối ít, không sống tụ họp với nhau, không cùng chung quan điểm hay quá khứ, có loạt đến Pháp từ thời thuộc địa, loạt đến du học từ miền Nam trước 75, loạt đến với làn sóng boat people sau 75, và những người sau này, đa số mới giầu, đến từ Việt Nam cộng sản. Trong bối cảnh đó, rất khó có những sinh hoạt chung, thường trực. Khác với ở Mỹ, Úc, hay Canada, nơi người Việt sống trong cộng đồng, gần gũi nhau, cùng chung một quá khứ (bi kịch rời bỏ Việt Nam Cộng Hòa). Tại những nơi này, dạy trẻ em tiếng Việt tương đối dễ hơn, nhất là ở những gia đình có ông bà nội, ngoại chỉ nói, vì chỉ biết tiếng Việt, với con cháu".

Nhà báo Từ Thức có vẻ ưu tư về ngôn ngữ :

"Hai dòng người Việt, ở ngoại quốc và trong nước, càng ngày càng xa nhau, vì suy nghĩ khác nhau, nhưng cũng vì ngôn ngữ càng ngày càng bất đồng. Lớp trẻ sáng chế ra ngôn ngữ của họ, đó là hiện tượng tại các nước khác, một cách thoát ly khỏi ảnh hưởng của cha mẹ, nhưng ở Việt Nam, chữ nghĩa mới lố bịch, vô nghĩa, vì thiếu văn hoá. Trên các media, các tài liệu chính thức, tiếng Việt ngày nay cũng thay đổi rất nhiều, từ từ-ngữ tới văn phong. Sau 75, nhà cầm quyền dùng những chữ khác hẳn người Việt miền Nam : xưởng đẻ, thư giãn, phản cảm, tham quan, hoành tráng, siêu mẫu...

Đó không phải là chuyện tình cờ. Trong lịch sử, chuyện thống trị bằng ngôn ngữ là chuyện thường xẩy ra. "Phe thắng cuộc" muốn xóa bỏ quá khứ, xóa bỏ văn hóa miền Nam, việc làm đầu tiên là đốt sách, là thay đổi ngôn ngữ".

Ở Anh, nơi có khoảng 60 000 người Việt sinh sống, trong đó hơn 65% là từ các tỉnh miền Bắc và miền Trung trở ra Bắc, ra đi vì lý do kinh tế là chính, cũng không có một trung tâm dạy tiếng Việt bài bản cho trẻ em gốc Việt; các hoạt động, sự kiện văn hóa nếu có, chủ yếu là do Đại sứ quán Việt Nam kết hợp với các hội đoàn, doanh nghiệp có mối quan hệ với đại sứ quán tổ chức hoặc các hội đoàn sinh hoạt theo tôn giáo, tín ngưỡng… Nhưng vì những lý do khác nhau, không phải gia đình người Việt nào cũng tham dự những sự kiện này. Phong tục tập quán, bản sắc Á Châu có lẽ chỉ còn tùy vào từng gia đình, có ý thức gìn giữ và giáo dục cho con cháu đến đâu.

Ở các nước Bắc Âu, nơi số lượng người Việt ít hơn, chừng 20 000-30 000 người, thì còn khó hơn. Anh Sơn Nguyễn hiện sống tại Copenhagen, Đan Mạch cho biết, trước đây chính phủ Đan Mạch khuyến khích trẻ em người nhập cư học tiếng mẹ đẻ của mình. Ví dụ như trẻ em gốc Việt. Nếu có người Việt đồng ý đứng ra dạy tiếng cho trẻ em, nhà trường cho mượn lớp học vào cuối tuần, phụ huynh đóng góp tiền xăng, thầy sẽ dạy miễn phí cho các em biết đọc, biết viết. Nhưng sau này chính phủ không khuyến khích, cộng đồng nào muốn cho con em học thì tự lo, hoặc cha mẹ phụ huynh tự dạy ở nhà. Ở các ngôi chùa, nhà thờ thì vẫn có lớp dạy tiếng Việt. Còn sinh hoạt văn hóa thì mỗi năm cũng chỉ có ngày Tết Âm lịch, Tết Trung thu, là đồng bào cố gắng tổ chức, mặc áo dài, có chương trình cúng tế, múa lân, ca hát, nấu những món ăn Việt Nam, hoặc ngày Tết Trung thu cho trẻ con. Bên Phật giáo thì tổ chức ngày lễ Vu Lan, Phật đản, bên Công giáo thì Giáng sinh, Phục sinh… Ở đâu nói chung cũng thế.

Kỹ sư Nguyễn Gia Kiểng :

"Tôi có dịp đi thăm nhiều nước và ở đâu cũng có một nhận xét đáng buồn là cộng đồng người Việt hải ngoại mất căn cước dân tộc quá nhanh, nhanh hơn tất cả mọi cộng đồng hải ngoại mà tôi được biết. Lý do là vì chúng ta vừa không coi trọng bản sắc dân tộc lại vừa có khả năng hội nhập rất nhanh vào xã hội tiếp cư. Đây là một sai lầm lớn, ngay cả cho thành công cá nhân. Tiếng mẹ đẻ không chỉ là một phương tiện giao tiếp mà còn là một cách suy nghĩ đã được in vào trí óc của mỗi người từ khi ra chào đời. Không thạo ngôn ngữ của mình thì chúng ta cũng không phát triển đầy đủ được khả năng của mình, ngay cả nếu tốt nghiệp đại học".

Thực tế, cộng đồng di dân người Việt, có thể không có những xung đột gay gắt về tôn giáo hay sắc tộc như một số cộng đồng di dân khác, nhưng sự chia rẽ trong người Việt lại do lý do chính trị, do hậu quả của lịch sử để lại. Từ chuyện màu cờ cho đến ngôn ngữ, chữ viết, quan điểm chính trị, nên khó mà đoàn kết với nhau, từ đó sức mạnh bị giảm đi. Bàn chuyện gì làm với nhau cũng khó, chuyện duy trì ngôn ngữ, bảo tồn bản sắc văn hóa cũng vậy.

Nhưng không phải ai cũng bi quan. Anh Sơn Nguyễn vẫn tự tin là bằng vào những hành động cụ thể như thờ cúng ông bà, giỗ, Tết, cách ăn ở của cha mẹ, ông bà trong gia đình, những điều đó sẽ có ảnh hưởng đến suy nghĩ, cách sống của con cái, còn tiếng Việt, cha mẹ ít người biết cách dạy mà cũng không thể ép con cái học, nhưng có những em tự nhiên khi trưởng thành hơn bỗng muốn quay lại học thêm, biết thêm về ngôn ngữ, tìm hiểu về nước mình. Kỹ sư Tạ Trung cũng nói :

"Sau gần 30 năm làm việc trong lĩnh vực giáo dục và văn hóa, tôi cũng nhận thấy con em sinh ra trên đất Mỹ không quan tâm nhiều đến vấn đề văn hóa, lịch sử của Việt Nam và khi đi học tiếng Việt thì phần lớn cũng là vì ý muốn của cha mẹ hơn là ý muốn của các em. Tuy nhiên, khi lớn lên, sau khi tốt nghiệp đại học thì nhiều em lại có khuynh hướng muốn tìm tìm hiểu về nguồn gốc của mình, nhiều em muốn trở về Việt Nam xem thực tế cuộc sống tại Việt Nam như thế nào.

Cuối cùng theo tôi nghĩ công tác bảo tồn phát huy văn hóa Việt Nam là một công tác lâu dài và đòi hỏi sự kiên nhẫn. và chúng tôi vẫn luôn có niềm tin là mặc dù các em sinh trưởng ở đây sẽ mất đi phần lớn nguồn gốc, quên đi phần lớn ngôn ngữ của mình nhưng có những em vẫn luôn luôn tìm về nguồn cội, vẫn luôn luôn tiếp tục con đường của chúng tôi là bảo tồn và phát huy văn hóa của người Việt ngay tại hải ngoại này"

Song Chi

Nguồn : RFA, 15/11/2022