Việt Nam vẫn chưa có tầng lớp trí thức chính trị (Nguyễn Văn Khánh)

Với một đất nước độc tài toàn trị như Việt Nam thì trí thức chính trị quan trọng hơn trí thức khoa bảng, trí thức chính trị sẽ thay đổi xã hội từ độc tài đến dân chủ. 


Trí thức luôn là tâm hồn và trí tuệ của dân tộc, là những người dẫn đường cho quần chúng khỏi lạc lối. Tuy nhiên rất tiếc phải nói rằng ở Việt Nam hiện nay vẫn chưa có tầng lớp này mà chỉ có tầng lớp có học làm công cụ cho đảng độc tài toàn trị cộng sản. Họ có học vì được học các trường Đại học, Cao đẳng trong nước, có bằng cấp do chính quyền cấp và khi ra trường hàng triệu người trẻ tuổi này trở thành người phục vụ cho chính quyền. Mong ước của họ là được làm công chức hay quan chức của đảng. Đa số họ cun cút cúi đầu, im lặng trước bất công, thiếu hiểu biết về xã hội và không bày tỏ thái độ, quan điểm của mình trước những vấn đề sai trái của chính quyền.

Người trí thức không phải chỉ có trình độ mà còn phải có thái độ đối với xã hội. Không thể xem việc tốt nghiệp ở trường đại học, thuộc lòng chủ nghĩa Marx-Lênin và chút kiến thức chuyên môn hẹp rồi nghiễm nhiên coi mình là trí thức.

Nhận thức như vậy chỉ đúng ở thời kỳ lạc hậu, bao cấp, thời nội chiến Bắc Nam 1954 - 1975. Lúc đó Việt Nam còn lạc hậu, trường đại học rất ít và cả huyện chỉ vài người đỗ đại học. Hiện nay là thế kỷ 21, học đại học gần như trở thành phổ cập cho toàn dân, học xong đại học có thể trở thành người có học thức nhưng chưa thể trở thành một người trí thức đúng nghĩa được.

chinh1

Cuộc sống bây giờ đã khác xa thời 1954-1975 nên trí thức Việt Nam cũng cần phải thay đổi tư duy.

Muốn trở thành trí thức thì phải có suy nghĩ, tư duy độc lập, có trình độ phản biện, có thái độ trước các vấn đề chính trị - xã hội đang diễn ra để hướng dẫn và cảnh báo người dân. Trí thức phải là người đi trước quần chúng ít học, trí thức thực sự phải là trí thức chính trị. Không thể gọi một người là trí thức khi không có kiến thức về địa chính trị thế giới, lịch sử và luật pháp quốc tế. Chính trị là một bộ môn khoa học tổng hợp các môn chứ không phải chỉ biết một chuyên môn còn tất cả đều hiểu nông cạn, kiểu thuộc lòng sách vở, không có phân biệt đúng sai.

Ở Việt Nam hiện nay vẫn chưa có một tầng lớp trí thức như vậy, phải nói thật ra như thế vì chế độ độc tài toàn trị cộng sản cần như vậy để cai trị nhân dân lâu dài theo ý đồ của nhà nước thông qua nền giáo dục nhồi sọ và tuyên truyền. Kiến thức chính trị của học sinh và sinh viên bị chính quyền áp đặt theo chủ nghĩa lỗi thời Marx – Lênin chứ không phải kiến thức khai sáng. Tầng lớp có học này ra trường hoàn toàn mù tịt về dân chủ và nhân quyền, hèn nhát trước bất công xã hội, cun cút làm công cụ cho kẻ cai trị từ địa phương đến trung ương.

Bị áp đặt bởi chính quyền cộng sản và ảnh hưởng từ văn hóa Khổng giáo từ nhỏ, môi trường giáo dục Việt Nam rất khó đào tạo học sinh trở thành người có trí tuệ độc lập, có viễn kiến và tầm nhìn. Ngay cả những người dũng cảm và xuất sắc nhất, những người đang tranh đấu với mong muốn thay đổi xã hội Việt Nam cũng bị lạc đường, thiếu viễn kiến vì tranh đấu một mình, kiểu nhân sĩ. Các nhân sĩ khi tranh đấu với một tổ chức chặt chẽ như đảng cộng sản thì chắc chắn không thể thay đổi được gì nhiều và thất bại là khó tránh khỏi. Những nhân sĩ như Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định, Phạm Đoan Trang…dù có tấm lòng và sự dũng cảm nhưng đều thất bại trước bạo quyền cộng sản.

chinh2

Đấu tranh chính trị luôn là đấu tranh có tổ chức. Không ai nghi ngờ sự quyết tâm và lòng cam đảm của những người như Phạm Đoan Trang tuy nhiên nếu chỉ tranh đấu một mình, kiểu nhân sĩ thì sẽ không bao giờ thành công.

Sự thiếu hiểu biết chính trị nhưng cứ tưởng mình biết hết là căn bệnh của người Việt Nam mang văn hóa Khổng giáo đặc trưng. Những người có tham vọng thay đổi xã hội thì dứt khoát phải từ bỏ lối đấu tranh kiểu nhân sĩ vì chính trị là việc chung. Đã là việc nước thì không còn là việc cá nhân. Chỉ tham gia vào trong một tổ chức chính trị dân chủ có tầm vóc thì mới có thể thay đổi được xã hội Việt Nam.

Sỡ dĩ Việt Nam vẫn chưa có tầng lớp trí thức có kiến thức chính trị một phần do đặc điểm của chế độ độc tài luôn coi “trí thức là cục phân” (lời Mao Trạch Đông). Để an ủi và vuốt ve những “người có học”, Ban Tuyên giáo trung ương gọi họ là “trí thức xã hội chủ nghĩa”.

Nơi đào tạo ra những trí thức thực sự chỉ có các nước dân chủ đa nguyên, nơi có nền giáo dục khai phóng, độc lập với chính quyền và các đảng phái. Kiến thức họ được học và tiếp nhận hoàn toàn mới về chính trị dân chủ, nhân quyền cộng với kiến thức chuyên môn.

Với một đất nước độc tài toàn trị như Việt Nam thì trí thức chính trị quan trọng hơn trí thức khoa bảng, trí thức chính trị sẽ thay đổi xã hội từ độc tài đến dân chủ. Chỉ dưới một chế độ dân chủ mới có thể tạo ra môi trường tốt nhất để Việt Nam có nền giáo dục hiện đại và khai phóng. Cũng chỉ khi đó Việt Nam mới đào tạo ra được lớp người trí thức đúng nghĩa nhất. Vừa giỏi chuyên môn vừa hiểu biết về dân chủ và nhân quyền.

Nguyễn Văn Khánh

(15/10/2022)