Nguy to, trơ trẽn lắm Bác ơi ! (Phạm Trần)

Như thế thì có tẽn tò không, hay ông cứ nói bừa để qua cầu, dù biết như thế là nói gian. Nhưng lãnh đạo mà nói dối dân là "trơ trẽn lắm", Bác Trọng ơi !


Trước thềm Hội nghị Trung ương 6, tháng 10/2022, bàn về "Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng", Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn còn nhức đầu với công tác "phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực" và "chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, 'tự diễn biến', 'tự chuyển hóa' trong nội bộ".

Hai vấn đề quan trọng này, nếu không chặn đứng, sẽ đe dọa sự tồn vong của chế độ.

phongchong1

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại Hà Nội ngày 30/6/2022.

Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng và các viên chức đảng hàng đầu đã cảnh báo như thế trong nhiều trường hợp trong 2 năm qua.

Tuy nhiên, sự "sa sút lý tưởng cách mạng trong một bộ phận cán bộ, đảng viên" đã dẫn đến tình trạng "'tự diễn biến', 'tự chuyển hóa', là hậu quả của tình tạng "phai nhạt lý tưởng cách mạng ; dao động, giảm sút niềm tin vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ; hoài nghi, thiếu tin tưởng vào chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh" (Quân đội nhân dân, 18/8/2022).

Như vậy sau gần 20 năm áp dụng phương thức lãnh đạo mới, ông Nguyễn Phú Trọng, người chịu trách nhiệm từ khóa đảng XI năm 2011, đã thất bại trong công tác "xây dựng, chỉnh đốn Đảng".

Sự thất bại này đã được báo Quân đội nhân dân phản ảnh ngày 21/08/2022 : "Trong thời gian vừa qua, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên rất đáng quan ngại".

Nhưng "bộ phận không nhỏ" là bao nhiêu trong số trên 5 triệu đảng viên đang ngồi trên đầu ngót trăm triệu dân ?

Quân đội nhân dân cho biết : "Trong lĩnh vực tư tưởng chính trị, đã có không ít cán bộ, đảng viên, thậm chí có một số ít cán bộ giảng dạy lý luận chính trị nhưng bản thân, ở các mức độ khác nhau, không còn tin vào những quan điểm cơ bản, những chân lý của chủ nghĩa Mác-Lênin ; tuyên truyền những điều không phù hợp với đường lối, quan điểm của Đảng, bất chấp những thành tựu to lớn, rất đáng tự hào mà đất nước đã đạt được trong công cuộc đổi mới, phát triển đất nước hiện nay và được thế giới đánh giá cao".

Nhưng nội dung này đã thể hiện trong Nghị quyết về "27 biểu hiện suy thoái, 'tự diễn biến', 'tự chuyển hóa'" của Trung ương 4/XII ngày 01/11/2016. Đứng đầu là : "Phai nhạt lý tưởng cách mạng ; dao động, giảm sút niềm tin vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ; hoài nghi, thiếu tin tưởng vào chủ nghĩa Marx - Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh".

Như vậy là nguy to rồi Bác Trọng ơi ! Ngay cả cán bộ thầy dạy cũng "không còn tin vào những quan điểm cơ bản, những chân lý của chủ nghĩa Mác-Lênin" thì Đảng "còn tiếp tục kiên định" và "tuyệt đối trung thành" cho ai và làm gì ?

Thâm chí có ông, bà thầy dạy còn dám "tuyên truyền những điều không phù hợp với đường lối, quan điểm của Đảng", phủ nhận những phô trương thành công của đảng là hiện tượng xoay chiều nghiêm trọng.

Vì vậy Quân đội nhân dân mới cảnh giác : "Cần lưu ý rằng, sự phủ nhận ngấm ngầm, không bộc lộ ra mặt của họ một khi có cơ hội sẽ bùng phát cũng đáng ngại và nguy hại không kém. Tấm gương tày đình về sự thờ ơ, phai nhạt, phản bội lý tưởng cách mạng đã từng xảy ra trong Đảng Cộng sản Liên Xô có hàng chục triệu đảng viên, trong lực lượng vũ trang của Liên Xô một thời rất hùng mạnh và ở nhiều nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu trước đây là bài học đắt giá mà chúng ta không thể lơ là, chủ quan, mất cảnh giác hay coi thường".

phongchong2

Trong thời gian vừa qua, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên rất đáng quan ngại

Nguyễn Trọng Nghĩa

Trong khi đó, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhìn nhận : "Công tác tư tưởng có nơi, có lúc thiếu kịp thời, chưa sắc bén, tính thuyết phục chưa cao ; việc giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên chưa thường xuyên ; một bộ phận đảng viên chưa nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng. Việc học tập lý luận chính trị tuy có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác thông tin, tuyên truyền một số đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước còn chưa kịp thời, hình thức chưa phong phú" (Tạp chí Cộng sản, (16/08/2022).

Như vậy là ngành Tuyên giáo "có vần đề" rồi. Là cơ quan tuyên truyền bảo vệ tư tưởng chính trị cho Đảng mà cán bộ yếu kém như thế thì thất bại là điều đương nhiên, làm sao chống đỡ được tấn công của hàng ngũ đối lập ?

Đó là lý do tại sao Tuyên giáo cứ loay hoay mãi mà mọi chuyện vẫn như "nước đổ đầu vịt". Ban này thú nhận : "Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch có lúc, có nơi tính chiến đấu chưa cao, còn bị động, lúng túng. Việc dự báo, nắm bắt tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và định hướng dư luận xã hội có lúc chưa kịp thời. Kết quả thực hiện một số chủ trương của Đảng về quản lý báo chí, truyền thông, xuất bản, quản lý internet, mạng xã hội chưa đáp ứng yêu cầu… Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện 'tự diễn biến', 'tự chuyển hóa' trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vẫn diễn biến phức tạp ; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực... vẫn chưa được đẩy lùi có hiệu quả" (Tạp chí Cộng sản, 16/08/2022).

Giải pháp nào ?

Như vậy thì Tuyên giáo phải làm gì để cứu Đảng ?

Tướng Nguyễn Trọng Nghĩa đề ra một số ý kiến như sau :

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tư tưởng ; phối hợp chặt chẽ các "binh chủng" trên mặt trận tư tưởng, tạo sức mạnh tổng hợp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Hai là, tập trung tổng kết thực tiễn, gắn tổng kết thực tiễn với phát triển lý luận, nâng tầm lý luận của Đảng về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam và giải đáp được những vấn đề mới, khó mà thực tiễn đã và đang đặt ra. 

Ba là, thường xuyên nắm chắc tình hình tư tưởng trong Đảng, trong nhân dân, dự báo sát và đúng dư luận xã hội gắn với tích cực đổi mới việc học tập, quán triệt, tuyên truyền nghị quyết của Đảng.

Bốn là, công tác tư tưởng phải tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, nhất là trên không gian mạng ; chủ động cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, khách quan, đúng định hướng để phòng, chống "diễn biến hòa bình", những thông tin xấu, độc trên internet, mạng xã hội.

Trong phần này, Tuyên giáo đã ra lệnh : "Không cho phép bất cứ hoạt động nào lợi dụng 'tự do tư tưởng', 'tự do học thuật' để tuyên truyền quan điểm sai trái, thù địch, chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây bất ổn xã hội, cản trở sự phát triển của đất nước".

Năm là, phát huy hơn nữa vai trò của báo chí, văn học, nghệ thuật trên mặt trận tư tưởng và trong định hướng dư luận. Báo chí phải tăng cường hơn nữa tính chiến đấu, tính thuyết phục, hiệu quả ; chủ động ứng phó kịp thời trước những sự cố khủng hoảng truyền thông… nâng cao niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Việc yêu cầu báo chí tiếp tay tuyên truyền cho Đảng đã làm từ khuya rồi mà bây giờ vẫn còn "kêu gọi" giúp bảo vê tư tưởng là vì nhân dân cũng không còn tin vào Đảng nữa chứ không phải lỗi của báo chí.

Tại sao ? Tại vì : "Sự suy thoái đạo đức, lối sống, nhất là về sự suy thoái lý tưởng cách mạng của một bộ phận cán bộ, kể cả một số cán bộ cấp cao, trong thời gian vừa qua hết sức đáng ngại. Chủ nghĩa cá nhân, động cơ kiếm tiền, bao che để trục lợi, lợi dụng khe hở của công tác quản lý và luật pháp để thu vén, làm giàu cho bản thân và gia đình đều là những nguyên nhân trực tiếp khiến người có chức, có quyền, có địa vị cao trong xã hội trở thành tội phạm" (Quân đội nhân dân, 18/08/2022).

"Nhưng nguyên nhân chủ yếu mang tính quyết định, dẫn họ đến sự thoái hóa", theo Quân đội nhân dân, "đó chính là sự tu dưỡng của bản thân quá kém, đặc biệt là sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, điều mà họ đã từng tuyên thệ trung thành suốt đời trước cờ Đảng khi họ được kết nạp vào Đảng".

Từ phai nhạt lý tưởng, nhiều khuyết tật của quan chức cộng sản đã lộ ra trước mắt dân, vì theo Quân đội nhân dân : "Sự lao dốc của những cán bộ đã từng trải ấy trên các cương vị công tác họ được đảm nhận, suy đến cùng là do lối sống buông thả, do sự tham lam quyền lực vô độ, muốn có thật nhiều tiền, muốn làm giàu thật nhanh mà không nghĩ đến hậu quả. Chính họ đã không đủ can đảm để chống lại những "bả" vinh hoa, phú quý không chính đáng. Sự lao dốc không phanh ấy, một lúc nào đấy thuận lợi, rất có thể sẽ dẫn đến chỗ góp phần bán rẻ cả đồng chí, đồng đội, phản bội lại Tổ quốc và quay lưng lại với nhân dân".

Vẫn còn nghiêm trọng

Những khuyết tật này đã đẻ ra tham nhũng, căn bệnh kinh niên của Đảng cộng sản Việt Nam. Nhưng ông Trọng lại khoe : "Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từ Trung ương đến địa phương trong giai đoạn mới, theo tinh thần như tôi đã nói nhiều lần, là "trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt" (Diễn văn ngày 17/07/2022).

Tuy nhiên,sau 10 năm chống chế (2012-2022), ông Nguyễn Phú Trọng vẫn nhìn nhận : "Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vẫn còn diễn biến phức tạp ; tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực, địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội".

Do đó, trong Diễn văn tại Phiên họp thứ 22 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tổ chức tại Hà Nội, ngày 17/08/2022, ông Trọng đã cảnh giác : "Vì vậy, chúng ta tuyệt nhiên không được chủ quan, tự thỏa mãn với những kết quả đã đạt được, cũng không được nóng vội, mà phải tiến hành kiên trì, thường xuyên, liên tục, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn, hiệu quả cao hơn, làm cho Đảng ta và hệ thống chính trị nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng".

Ông Nguyễn Phú Trọng nói hăng tiết vịt như thế, nhưng thực tế cũng vẫn chưa làm nên cơm cháo gì. Bằng chứng Quốc hội và Chính phủ đã có nhiều văn kiện pháp luật giúp chống tham nhũng mà chúng vẫn trơ ra như đá. Theo tài liệu chính thức : "Tính ra, trong 6 tháng đầu năm nay, Quốc hội đã thông qua 6 dự án luật ; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 44 nghị định, 15 quyết định ; các bộ, ngành ban hành 216 thông tư, thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế-xã hội, kịp thời thể chế hóa các đường lối, chủ trương của Đảng, góp phần phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực".

Tài sản tham nhũng biến mất

Tình trạng "gan lì" của tham nhũng và thất bại của Nhà nước còn được chứng minh trong vấn nạn thu hồi tài sản tham nhũng.

"Theo báo cáo của Ban Nội chính Trung ương, cơ quan thi hành án dân sự các cấp trong 10 năm qua đã thu hồi 61.000 tỷ đồng, mới đạt 34,7%, trong đó riêng trong các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi có gần 50.000 tỷ đồng được thu hồi, cũng chỉ đạt 41,3%" (Thông tấn xã Việt Nam, 17/07/2022).

Vì vậy, báo VietnamNet viết : "Hàng nghìn tỷ đồng ở các vụ án tham nhũng không được thu hồi cũng đồng nghĩa với việc hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước, của nhân dân đã bị mất đi" (VietnamNet, 24/06/2021).

Chi tiết hơn, báo này nêu ra những thất thóa điển hình như :

- "Trong vụ án Dương Chí Dũng - nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines, và đồng phạm, các bị cáo phải bồi thường 110 tỷ đồng nhưng đến nay chỉ thi hành được trên 21 tỷ đồng, tức là chưa đến 1/5".

- Vụ "đại án" kinh tế Huỳnh Thị Huyền Như, tòa tuyên án bị cáo phải sung công 9.000 tỷ đồng, nhưng qua thẩm tra, thẩm định chỉ thu về cho Nhà nước được hơn 5% số tiền này là 500 tỷ đồng.

- Vụ Trịnh Xuân Thanh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Văn Sơn cho biết, tổng số tiền bị cáo này phải bồi thường là 122 tỷ đồng. Hiện ông Thanh mới chỉ thi hành án được 31 tỷ đồng, bằng 1/4 tổng số tiền phải thi hành án".

- Đinh La Thăng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị "mới chỉ nộp được 4,5 tỉ đồng trên tổng số 630 tỉ đồng phải thi hành trong 2 vụ án".

Vì vậy, Chính phủ cộng sản Việt Nam thừa nhận : "Tỉ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế hiện nay đạt trên 30%, gấp 3 lần so với năm 2013, nhưng vẫn còn thấp".

Như vậy là mất toi 70%, nhưng tại sao không thu hồi được ? Một trong những lý do vì Việt Nam chưa có luật đăng ký tài sản. Hơn nữa, thủ tục tố tụng rườm rà và kéo dài nên kẻ phạm tội có thời gian chuyện tài sản tham nhũng cho người thân, hoặc ra nước ngoài.

Bà Trần Thị Phương Hoa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp nói : "Khi có luật đăng ký tài sản, chúng ta mới có thể yêu cầu người ta chứng minh nguồn gốc để có tài sản đó và nếu không chứng minh được thì chúng ta có thể xử lý tài sản đó. Nếu chúng ta chứng minh nguồn gốc tài sản là do phạm tội thì chúng ta cũng có thể xử lý tài sản đó ngay" (VietnamNet, 24/06/2021).

Công việc còn ngổn ngang như vậy mà ông Nguyễn Phú Trọng, vẫn có thể khoe khống tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực 2012-2022, rằng : "Theo kết quả điều tra dư luận xã hội do Ban Tuyên giáo Trung ương tiến hành mới đây, tuyệt đại đa số ý kiến của người dân (93%) bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng ; khiến cho mọi sự xuyên tạc, chống phá của các thế lực xấu, thù địch đều trở nên trơ trẽn, nực cười" (Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, 30/06/2022). 

Quả thật là sẽ "trơ trẽn, nực cười", nếu những lời nói của ông Trọng là đúng. Đằng này, cũng chính ông đã thú nhận : "Bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng : Công tác phòng, chống tham nhũng vẫn còn những hạn chế, tồn tại như trong Báo cáo đã nêu. Đó là : Một số bộ, ban, ngành, địa phương chưa có quyết tâm cao, chưa có sự chuyển biến mạnh. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn còn hạn chế ; tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát còn thấp ; việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng trong nội bộ, cơ quan, đơn vị còn là khâu yếu. Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Tham nhũng trên một số lĩnh vực vẫn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, xảo trá, gây bức xúc trong xã hội. Tham nhũng, tiêu cực vẫn là một trong những "kẻ thù hung ác", nguy cơ đe doạ sự tồn vong của Đảng và chế độ ta" (Diễn văn ngày 30/06/2022).

Như thế thì có tẽn tò không, hay ông cứ nói bừa để qua cầu, dù biết như thế là nói gian. Nhưng lãnh đạo mà nói dối dân là "trơ trẽn lắm", Bác Trọng ơi !

Phạm Trần

(22/08/2022)