Năng lượng tái tạo của Việt Nam đang bị lãng phí ? (Thanh Trúc)
Phó Giám đốc Sở Công thương Sóc Trăng, ông Lê Thành Thanh, cho biết tỉnh này đã phát triển 20 trang trại điện gió, trong đó 18 đang chờ giấy chứng nhận đầu tư, hai đang được xem xét.
Năng lượng tái tạo là xu hướng Việt Nam nhắm tới trong ‘Qui hoạch điện quốc gia VII’ trước đây và Qui hoạch điện quốc gia VIII sắp được ký.
- AFP
Nhưng theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, vì chậm tiến độ nên 62 dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam, với tổng công suất 4.170MW, không thể vận hành thương mại đúng hạn.
Mạng Asia News Network hôm 3/8 vừa qua có bài đề cập đến năng lượng điện gió của Việt Nam. Theo mạng báo này thì qua khảo sát và đánh giá sơ bộ, năng lượng điện gió của Việt Nam vào khoảng 217GW ; trong đó điện gió ngoài khơi hơn 160GW. Đặc điểm của điện gió ngoài khơi là thời gian hoạt động dài và hiệu suất cao.
Phó Giám đốc Sở Công thương Sóc Trăng, ông Lê Thành Thanh, cho biết tỉnh này đã phát triển 20 trang trại điện gió, trong đó 18 đang chờ giấy chứng nhận đầu tư, hai đang được xem xét.
Và tuy địa phương còn nhiều điểm có thể phát triển điện gió, ông nói, song phải chờ ‘Qui hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia 8 được phê duyệt thỉ mới có thể đề xuất dự án mới.
Tại tỉnh cực nam Cà Mau, Chủ tịch UBND Huỳnh Quốc Việt nói rằng Cà Mau có 16 trang trại điện gió với công suất 1.000MW, trong đó 12 trạm đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, năm nhà đầu tư đã triển khai nhưng mới có ba dự án hòa vào lưới điện quốc gia để vận hành thương mại.
Ông Chủ tịch UBND Cà Mau xác nhận tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển điện gió và đã bổ sung 24 dự án mới nhưng vẫn phải chờ Qui hoạch Điện 8 được thông qua.
Về điểm này, nguyên Thứ trưởng bộ Tài nguyên và môi trường, Giáo sư Tiến sĩ Đặng Hùng Võ, góp ý :
"Điện gió nói chung được Việt Nam tiếp nhận đưa vào chiến lược phát triển đến mức có thể không dùng điện than nữa là một chủ trương rất rõ ràng. Thủ tướng Chính phủ đi các nước cũng nói như vậy, ngay trong qui hoạch điện cũng nói như vậy".
"Nhưng trên thực tế người ta thấy một số nơi ở Việt Nam vẫn phải mua điện từ nước ngoài, có nơi mua của Trung Quốc, có nơi mua của Lào, tức là Việt Nam còn đang thiếu điện rất nhiều".
Thứ hai, việc hòa năng lượng tái tạo vào lưới điện quốc gia để bảo đảm tính thương mại vẫn còn bị vấn đề kỹ thuật mà nếu cố gắng vẫn có thể khắc phục được, Giáo sư Tiến sĩ Đặng Hùng Võ nói tiếp,
"Nhưng điểm quan trọng hơn là vấn đề qui hoạch. Nhiều nơi cứ dựa vào qui hoạch để nói rằng chưa có qui hoạch thì chưa thể phê duyệt dự án. Tôi cho rằng đây là nhược điểm của quản lý phát triển của Việt Nam. Các nước có nền kinh tế thị trường chỉ coi qui hoạch đóng vai trò khuyến nghị để môi người theo chứ không phải cái văn bản mang tính pháp lệnh bắt mọi người phải theo. Khi chúng ta tiếp nhận cơ chế thị trường thì cũng phải thay đổi tư duy về qui hoạch".
Phó Giáo sư Tiến sĩ Phùng Chí Sỹ, Giám đốc Trung tâm Công nghệ và Môi trường Việt Nam, cũng khẳng định xu hướng tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo là đúng đắn :
"Việt Nam có bờ biển dài 3.200 cây số, gió thì rất mạnh, tiềm năng tính ta thì nhiều lắm nhưng số nhà máy điện gió đi vào hoạt động chính thức chỉ trên đầu ngón tay thôi, nhiều dự án đến nay vẫn chưa hình thành, có nghĩa mình xài rất nhỏ so với tiềm năng của nó".
"Nguyên nhân thứ nhất là về công nghệ. Xây dựng một nhà máy điện than thì giá rẻ hơn, vận hành ổn định hơn. Thế còn đầu tư nhà máy điện mặt trời hay điện gió thì giá cao hơn. Cái thứ hai không phải nhà máy là xong mà phải có máy phát điện, có đường dây truyền tải điện đến người sử dụng. Đường dây truyền tải điện, bán điện là độc quyền Nhà nước. Các nhà máy sản xuất điện ra thì muốn bán mà toàn bộ hệ thống gọi là đường tải điện, cột điện, dây điện, vân vân, thì không có, không ai đầu tư, không có tiền đầu tư… Vấn đề là chỗ đó".
"Cho nên người ta nói không khai thác triệt để là vì không có điều kiện để khai thác triệt để, dẫn đến việc chậm tiến độ, không có đường xuất điện đi, không bán được".