Cuba – Chủ nghĩa cộng sản : sao Quả Tạ (Hoàng Quốc Dũng)

Tự nhiên tôi thấy thương cho dân Cuba quá vì họ vẫn chìm đắm trong độc tài. Fidel Castro đã đánh đổ nhà độc tài Fulgencio Batista, để dựng lên một chế độ còn độc tài hơn và lâu dài hơn. Không biết đến bao giờ họ mới diệt được cái họa độc tài này.


Năm 1986, tôi đi Cuba làm study tour hơn một tháng. Qua chuyến đi này tôi thấy một thực tế là tinh thần "cách mạng" của dân Cuba là rất mạnh, mạnh hơn nhiều ở các nước xã hội chủ nghĩa khác. Có lẽ chính vì vậy mà lúc đó Cuba có đời sống thấp kém nhất trong các nước xã hội chủ nghĩa, nếu không kể Việt Nam. Và rồi, khi hầu như toàn bộ các nước xã hội chủ nghĩa đã nhận thấy con đường cộng sản không phải là lối thoát, họ đã từ bỏ con đường đó để chuyển dần về dân chủ, thì Cuba, mặc dù ngay sát nách Mỹ, vẫn kiên định con đường xã hội chủ nghĩa. Những nước cộng sản giáo điều như Trung quốc và Việt Nam cũng dần dần phải đổi mới và chuyển qua kinh tế thị trường. Trong khi đó Cuba vẫn chìm đắm trong tư duy cổ hủ. Kết quả là kinh tế và đời sống của Cuba vẫn rất thấp. Cũng giống hệt như các nước độc tài khác, người ta chỉ mong cho nhà độc tài ra đi thì mới có đột biến được. Cuối cùng thì Fidel Castro cũng phải về chầu trời. Nhưng rồi em của nhà độc tài, Raul Castro cũng cố vị rất lâu. Nhân dân vội, các nhà độc tài không vội. Ông kế vị Fidel Castro đến tận tháng 4/2019 và còn giữ chức tổng thư ký đảng cộng sản đến năm 2021.

cuba1

Một người đàn ông Cuba đang chạy trong tuyệt vọng để bắt kịp chuyến bè cuối cùng của những thuyền nhân đang đào thoát khỏi bải biển Brissas Del Mar ngày 11/09/1994

Những tưởng là họ Castro ra đi thì tình hình Cuba sẽ khác hẳn. Không có đâu. Cuba không phải là một ngoại lệ. Như tôi đã nói nhiều lần trên diễn đàn này là một chế độ chính trị không dễ gì thay đổi một sớm một chiều, ngay cả khi nó đã bị sụp đổ thực sự rồi thì cuộc đấu tranh giữa cái mới và cái cũ cũng còn nhùng nhằng nhiều năm. Cuba đến giờ vẫn còn chưa có những thay đổi thực sự mặc dù sự ra đi của anh em Castro đã tạo ra một làn sóng đổi mới và làm xuất hiện nhiều phong trào và tổ chức.

Vào ngày 27/11/2020 đã có một cuộc biểu tình lớn của hơn 300 văn nghệ sĩ Cuba để đòi tự do ngôn luận. Trong số những người biểu tình này có rất nhiều văn nghệ sĩ thuộc các hội đoàn chính thống của Nhà nước. Và cũng từ ngày này một phong trào mang tên 27N đã ra đời và cho đến nay vẫn hoạt động (27N là 27/11).

cuba01

Trong số những người biểu tình này có rất nhiều văn nghệ sĩ thuộc các hội đoàn chính thống của Nhà nước. Và cũng từ ngày này một phong trào mang tên 27N đã ra đời và cho đến nay vẫn hoạt động (27N là 27/11).

Tiếp đến là vào ngày 11/7/2021 đã diễn ra một sự kiện chưa từng có ở Cuba, đó là những cuộc biểu tình rất lớn. Trong khi cả thế giới đang theo dõi trận chung kết bóng đá Châu Âu giữa Anh và Ý thì bên Cuba họ lại không quan tâm đến bóng đá mà lại đi biểu tình chống chính phủ. Đây có lẽ là một cuộc biểu tình có tính lịch sử vì nó là một hiện tượng cực hiếm, diễn ra đồng thời ở nhiều thành phố, tại một đất nước cộng sản, nơi mà các cuộc biểu tình chống chính phủ vẫn bị cấm đoán. Những người biểu tình đã hô vang :

"Tự do, đả đảo độc tài, Cuba không phải là của riêng chúng mày, chúng tôi đói…".

cuba00

Những người biểu tình đã hô vang : "Tự do, Đả đảo độc tài, Cuba không phải là của riêng chúng mày, chúng tôi đói…".

Ngay lập tức Chủ tịch mới của Cuba Miguel Diaz-Canel đã lên truyền hình quốc gia kêu gọi : "Chúng tôi kêu gọi tất cả các nhà cách mạng Cuba, tất cả những đảng viên cộng sản hãy xuống đường ngay lập tức và trong những ngày tới, để cương quyết chiến đấu và chiến đấu dũng cảm với bọn chúng".

Cho đến nay, Cuba vẫn chia làm hai phe, phe theo chế độ cũ của Castro và phe chống Castro. Thế mới biết cái quả tạ cộng sản nó nặng như thế nào.

Cuộc biểu tình này đã bị đàn áp dã man, tôi không nhớ số người chết nhưng có khoảng 1.500 người bị bắt.

Không phải ngẫu nhiên hôm nay tôi nói chuyện này. Gần đây chính quyền mới gia tăng rất mạnh đàn áp những người đấu tranh cho tự do ở Cuba. Các hình thức đàn áp và "xử lý" các nhà đấu tranh thì cũng giống hệt ở Việt Nam. Chắc là Việt Nam dạy cho Cuba chuyện này. Chỉ riêng từ sau vụ biểu tình lớn (7/2021) đến nay đã có khoảng từ 150.000 đến 200.000 người Cuba đã phải trốn ra nước ngoài, trong đó rất rất nhiều trí thức, văn nghệ sĩ.

Giới tinh hoa cứ trốn hết đi thế này thì ai sẽ xây dựng chủ nghĩa. Giời ơi là giời.

Tự nhiên tôi thấy thương cho dân Cuba quá vì họ vẫn chìm đắm trong độc tài. Fidel Castro đã đánh đổ nhà độc tài Fulgencio Batista, để dựng lên một chế độ còn độc tài hơn và lâu dài hơn. Không biết đến bao giờ họ mới diệt được cái họa độc tài này.

Tình hình Cuba vẫn căng thẳng.

Hoàng Quốc Dũng

(22/08/2022)