Sự can đảm của tình huynh đệ (Ronald Reagan)
Cho nên điều ấy cũng quan trọng với chúng ta, tức hãy sống can đảm ; không hẳn can đảm trên chiến trường, tôi muốn nói đến sự can đảm của tình huynh đệ.
Ngày 4 tháng 7 năm 1986
Tối nay tôi chỉ nói vắn tắt, nhưng ta nên nhớ tất cả lễ hội vào ngày hôm nay bắt nguồn từ lịch sử. Sử sách ghi lại rằng ngay sau khi Tuyên ngôn Độc lập được ký ở Philadelphia khắp nơi trên cả nước đều liên hoan, và nhiều người dân cựu thuộc địa - họ mới bắt đầu gọi mình là người Mỹ - bắn súng đại bác và diễu hành theo nhịp trống và điệu sáo.
Cảnh tượng ấy thật tương phản với cảnh nghiêm trọng mới diễn ra trước đấy không lâu ở Tòa nhà Độc lập. Năm mươi sáu người bước đến ký vào bản tuyên ngôn. Ta nên nhớ vào lúc ấy họ đã đánh cuộc cả cuộc đời họ, gia sản của họ, và danh dự thiêng liêng của họ. Và không chỉ nói hay suông ; mỗi người trong họ đều biết hình phạt đối với tội phản loạn chống lại Vua. "Tất cả chúng ta phải sát cánh bên nhau", Benjamin Franklin nói, "nếu không, chắc chắn, tất cả chúng ta sẽ lần lượt bị treo cổ". Còn John Hancock, theo lời kể lại, đã ký tên mình thật lớn để cho vua George không mang kính vẫn thấy. Họ đều can đảm. Họ vẫn can đảm suốt trong những năm đẫm máu sau đấy. Sự can đảm của họ đã tạo ra quốc gia xây dựng trên quyền nhân phẩm phổ quát, trên lời tuyên bố rằng tất cả mọi người nam, nữ, và trẻ em đều có quyền có tương lai tự do.
Chúng ta hãy lắng nghe lại một chút những lời tuyên ngôn ấy : "Chúng tôi coi những chân lý này là hiển nhiên, rằng tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng, họ được đấng Tạo Hóa ban cho những Quyền bất khả xâm phạm, trong đó có quyền Sống, Tự do, và mưu cầu Hạnh phúc". Tối hôm qua khi chúng tôi khánh thành lại tượng Nữ thần Tự do và thắp sáng lại ngọn đuốc của tượng, chúng tôi trầm tư mặc tưởng đến tất cả hàng bao triệu người đã đến đây để tìm kiếm giấc mơ tự do đã đăng quang ở Tòa nhà Độc lập. Chúng tôi cũng tưởng đến lòng can đảm của họ khi từ rất xa xôi vạn lý họ đã lặn lội đến định cư ở đất khách quê người và rồi truyền cho con cháu họ niềm hy vọng đã thể hiện qua bức tượng này ở ngay sau lưng chúng ta : niềm hy vọng ấy chính là nước Mỹ. Chính là niềm hy vọng rằng ngày nào đấy tất cả mọi người và tất cả mọi quốc gia trên thế giới sẽ biết đến hạnh phúc của tự do.
Cho nên điều ấy cũng quan trọng với chúng ta, tức hãy sống can đảm ; không hẳn can đảm trên chiến trường, tôi muốn nói đến sự can đảm của tình huynh đệ.
Trong suốt lịch sử của chúng ta, các vị tổng thống và các nhà lãnh đạo đã nói về đoàn kết quốc gia và báo cho chúng ta biết trước trở ngại thật sự cho việc tiến đến giới hạn của tự do, mối nguy cơ thường trực duy nhất cho niềm hy vọng là nước Mỹ ấy, xuất phát từ bên trong. Ta rất dễ dàng bỏ qua lời khuyên tưởng đâu thông thường này. Tuy nhiên sự thật là ngay cả hai trong số những bậc Tổ phụ Lập quốc vĩ đại nhất của chúng ta, John Adams và Thomas Jefferson, từng học bài học này vào lúc cuối đời. Họ đã hoạt động chặt chẽ bên nhau ở Philadelphia cho nền độc lập. Nhưng một khi đã giành được độc lập và xây dựng nên chính quyền, cái gọi là chính trị đảng phái bắt đầu cản đường. Sau chiến dịch tranh cử cay đắng và chia rẽ, Jefferson đánh bại Adams trong cuộc tranh cử tổng thống vào năm 1800. Và vào đêm trước lễ nhậm chức của Jefferson, Adams lặng lẽ bỏ đi đến Boston, lòng ngập tràn thất vọng, sầu thảm, và cay đắng.
Mối ác cảm giữa hai người kéo dài suốt nhiều năm trời. Nhưng rồi khi cả hai về hưu, Jefferson vào 68 tuổi về Monticello và Adams vào 76 tuổi về Quincy, qua thư từ họ bắt đầu trò chuyện lại với nhau. Những lá thư thảo luận hầu như đủ mọi chủ đề : làm vườn, cỡi ngựa, ngay cả chuyện chữa nấc cụt bằng hắt xì ; và cũng như những chủ đề khác : mất người thân, bí ẩn của bi thương và sầu khổ, sự quan trọng của tôn giáo, và tất nhiên những tâm tư sau cùng, những hy vọng cuối cùng của hai cụ già, hai bậc trưởng thượng vĩ đại, cho quốc gia mà họ đã góp phần thành lập và vô cùng yêu mến. "Nó khiến tôi hồi tưởng", Jefferson viết về chuyện thư từ với người đồng ký tên vào Tuyên ngôn Độc lập, "lại thời kỳ khi giữa bao khó khăn và nguy hiểm vây hãm, chúng tôi là những người bạn cùng nhau lao động cho sự nghiệp chung, đấu tranh cho điều giá trị nhất đối với con người, quyền chính quyền tự chủ. Luôn luôn chung tay chèo lái, với bao cơn sóng dữ trước mặt luôn luôn đe dọa đè bẹp chúng tôi nhưng vỗ qua bình an... chúng tôi chèo qua giông bão bằng cả tấm lòng và đôi tay...". Đó là món quà cuối cùng họ dành cho chúng ta, bài học về tình huynh đệ này, về sự bao dung lẫn nhau, sự thấu hiểu sáng suốt này về sức mạnh quốc gia của Mỹ. Và cả hai mất cùng ngày chỉ cách nhau vài giờ, ngày ấy là ngày 4 tháng Bảy, chính xác đúng 50 năm sau khi món quà đầu tiên của họ dành cho chúng ta, Tuyên ngôn Độc lập.
Ronald Reagan
Nguyên tác : "Address to the Nation on Independence Day", Ronald Reagan Presidential Libraty & Museum, 04/07/1986. Tựa đề tiếng Việt của người dịch.